20 tháng 9, 2015

10 bước khởi động cho một blog mới


Cần làm gì sau khi cài xong blog Wordpress?
Vào một ngày thu mưa dầm mưa dề, tự dưng tôi bị nhận một lời đề nghị tiếp quản một trang blog mới toe mới cài xong wordpress đã có 1 bài đầu tiên với tiêu đề "Hello world!" kinh điển. Và khác với một số lần trước đây, lần này tôi hoàn toàn trống rỗng, chẳng biết phải bắt đầu làm gì với nó. 


Không bàn đến câu hỏi như "Nên hay không nên viết blog" hay "Tại sao cần viết blog?", ở đây ta coi như đã quyết định lập blog và đưa nó vào trong hoạt động marketing của công ty. Và trong phạm vi bài này, chúng ta hiểu đang đề cập đến blog cho doanh nghiệp. 

"Đầu có xuôi thì đuôi ... may ra mới lọt", việc có một khởi đầu hoàn hảo sẽ giúp trang blog của công ty bạn phát huy tối đa được tính ưu việt của nó mà không tốn nhiều công sức chi phí, mặt khác giảm thiểu những mất mát hoặc đình trệ có thể xảy ra nếu không may phát hiện thiếu sót hay buộc phải phải "đập đi xây lại". 

Và thế là tôi quay lại công việc tìm kiếm và nhào trộn từ nhiều nguồn để có được một công thức mình tạm ưng ưng: 10 bước cần làm cho một blog mới. 

10 bước cần làm cho một blog mới


Bước 1: Xác định mục đích của blog

Trước khi làm bất cứ điều gì đều cần cũng cần có mục đích. 

Lập blog làm gì? một kênh tin tức? một kênh tiếp thị tìm kiếm? một kênh SEO? một kênh để thể hiện kiến thức, sự hiểu biết và tạo sự tin cậy? hay chỉ đơn thuần là một kênh giao tiếp với người tiêu dùng? Cũng có những công ty dùng luôn blog là website chính của mình. Hoặc có nhiều hơn một mục đích trong đó. 

Thông thường, các doanh nghiệp nhỏ có thể phát triển blog theo một trong hai hoặc cả 2 hướng sau: 

  • 1 là blog chính thức hoạt động trên danh nghĩa của công ty và các thành viên của công ty nhằm kết nối với các độc giả hiện tại và tiềm năng của công ty,
  • 2 là blog vệ tinh hoạt động trên danh nghĩa một đơn vị/cá nhân tự do chia sẻ những hiểu biết khách quan về các vấn đề trong lĩnh vực nhằm quy tập một cộng đồng độc giả rộng rãi hơn và ngầm hướng sự chú ý của khách hàng tiềm năng tới các kênh chính thức (website, blog, mạng xã hội hay các địa chỉ ngoại tuyến) của công ty. 

Bước 2: Xác định độc giả mục tiêu

Bạn cần xây dựng mẫu độc giả lý tưởng mà bạn muốn chào đón trên website. Đặt các câu hỏi như: Họ cần tìm đến blog để giải quyết những vấn đề gì, họ sẽ gõ gì vào ô tìm kiếm trên Google để giải quyết vấn đề đó, đó sẽ là từ khóa đầu tiên của bạn.

Với đối tượng độc giả như vậy, bạn muốn mang lại cho họ những nội dung gì? mang đến theo cách nào? Hãy viết ra tất cả những ý tưởng có trong đầu bạn.

Bước 3: Chọn đường dẫn URL

Nếu mục đích blog là hỗ trợ trực tiếp và công khai cho công ty và các nhãn hàng công ty, URL nên là một phần trong website chính thức của công ty. Nghĩa là nếu tên miền website công ty bạn là congtycuatoi.com thì đường dẫn blog của bạn có thể là congtycuatoi.com/blog hoặc blog.congtycuatoi.com.

Nếu mục đích blog hoạt động độc lập với trang web công ty, bạn có thể mua một tên miền liên quan đến chủ đề mà bạn muốn chia sẻ. Hoặc nếu nguồn vốn hạn chế, bạn có thể lựa chọn những tên miền miễn phí. (Một số dịch vụ blog miễn phí cũng đồng thời cung cấp cho bạn tên miền miễn phí theo dạng chudecuaban.tenmiencuaho.com).

Bạn có thể tranh thủ nhồi từ khóa vào tên miền, nhưng đó không quyết định thành công cho thứ hạng tìm kiếm. Lựa chọn một tên miền ngắn gọn, dễ nhớ và phù hợp với nội dung chủ yếu của blog sẽ tạo cho bạn bước tiến xa hơn so với việc chỉ chú trọng tối ưu cho một từ khóa nào đó trên google.

Bước 4: Chọn phần mềm blog

Wordpress hầu như là lựa chọn được đa số người dùng tin tưởng. Một phần mềm blog mã nguồn mở, miễn phí, có thể vận hành trên một hosting có giá phải chăng, có thể cài cắm, mở rộng chức năng cũng như thay đổi giao diện theo ý muốn. 

Bạn gần như không phải trả phí duy trì blog, nhưng việc tìm một chuyên gia giỏi về Wordpress (và đồng thời hiểu về marketing thì càng tuyệt) để phụ trách phần kỹ thuật cho blog, đặc biệt trong công đoạn xây dựng lúc đầu, sẽ rất cần thiết để bạn tiết kiệm vô số thời gian để vươn tới độc giả tiềm năng một cách nhanh chóng và hiệu quả. 

Bước 5: Tùy biến cho blog

Việc cài mã nguồn lõi cho blog chỉ mất 2-3 phút, nhưng công việc tùy biến sau đó mới thực sự gian truân. 

Đầu tiên, tùy biến từ tiêu đề, mô tả, và tất cả những gì bạn có thể tác động vào mục Settings của blog.

Tiếp theo, blog cần phải có một phông nền phù hợp với thương hiệu cũng như thông điệp mà bạn muốn thể hiện. Ít nhất phải có logo công ty (hoặc một biểu tượng riêng mà bạn muốn), màu sắc, cách bố cục phục vụ tối đa mục tiêu tiếp thị của bạn, một phông nền thân thiện với các loại thiết bị từ máy tính đến điện thoại. Nếu bạn chọn các thiết kế miễn phí, có thể sẽ có nhiều lỗi khi tùy biến, hoặc có đường link dẫn đến website của nhà phát triển mà bạn không tài nào xóa được. Nếu bạn xác định công việc kinh doanh lâu dài và nghiêm túc, đừng ngần ngại bỏ ra vài chục đô la cho một template sạch sẽ, dễ tùy biến và dịch vụ bảo hành bảo trì chuyên nghiệp, uy tín. 

Tiếp theo nữa, blog cần cài thêm các plug-in để thuận tiện cho việc quản trị, bổ sung chức năng cho người dùng cũng như phục vụ tối ưu hóa bộ máy tìm kiếm. Tùy vào nhu cầu cụ thể mà bạn có thể lựa chọn trong những nhóm plug-in phổ biến dưới đây: 

  • Plug-in tối ưu hóa:  WordPress SEO – “Yoast” (free); Google XML Sitemaps (free), Google Analytics Dashboard (free); Redirection; Related posts
  • Plug-in bảo mật: Wordfence (free+); Anti-spam (free); WP Optimize (free)
  • Plug-in kết nối xã hội: Social Share, Social Button; FeedBurner Plugin; Disqus; Facebook Comment
  • Plug-in tiếp thị: Subscribe Email; Pop-up Box; v.v.

Bước 6: Kế hoạch viết bài

Dựa vào mục đích và đối tượng đã đặt ra ban đầu, bạn hay người phụ trách marketing sẽ phải có một định hướng rõ ràng trong việc tạo nội dung và điều này thể hiện rõ ràng nhất ở việc tạo các danh mục (categories) để chứa các bài bạn sẽ đăng trên blog. 

Trước khi tạo ra các danh mục này, bạn có thể sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa để tìm ra tên gọi tối ưu cho các danh mục, để các máy tìm kiếm dễ dàng hiểu và xếp hạng cho chúng. Các công cụ nghiên cứu từ khóa phổ biến gồm: Google’s Keyword Planner và Ubersuggest (miễn phí); WordStream.com, WordTracker và KeywordDiscovery.com (có phí).

Lập một lịch biên tập nội dung (tựa tựa như cái lịch ở đây) để giữ cho bạn luôn đi đúng với mục đích thực sự của blog và phù hợp với độc giả mục tiêu. Liên tục tương tác với độc giả cũng như theo dõi hoạt động trên blog để điều chỉnh kế hoạch hợp lý. 

Bạn có thể khéo léo tạo nội dung từ trước lưu trong nháp, qua thời gian, bổ sung dần các ý tưởng và chi tiết hợp lý ngay khi chúng vừa lướt qua với bạn. Như vậy bạn luôn có nguồn bài viết sẵn sàng chủ động để đăng khi cần thiết. Thực tế là trong các phần mềm blog phổ biến, bạn đều có thể đặt trước ngày giờ đăng bài.

Bước 7: Chọn một đội phụ trách blog

Ở các công ty quy mô nhỏ, đội phụ trách blog thường chỉ do 1 người phụ trách tất cả. Điều này dễ hiểu. Nhưng trong quá trình làm việc, hãy cố gắng tổng hợp những gì nên làm và không nên làm thành tài liệu hướng dẫn để trong trường hợp cần thiết có thể chia sẻ cho các cá nhân khác để nhanh chóng khai thác hiệu quả của làm việc nhóm.

(Phần này nói ngoài lề: Theo như những gì tôi từng cảm nhận, thật là thảm họa nếu dồn tất cả công việc blog cho một cá nhân và mặc nhiên người đó phải chịu tất cả những công việc: nghĩ ý tưởng, tạo nội dung, thậm chí là công khai đứng tên dưới mọi bài viết trên blog. 

Theo tôi, với các nội dung khác nhau liên quan đến phòng ban khác nhau nên viết bài dưới tên khác nhau. Ví dụ: bài viết về hoạt động nhân sự sẽ do đại diện của phòng nhân sự đăng, bài viết về sản phẩm mới sẽ do người thuộc bộ phận sản phẩm thực hiện, và những tin bài có tầm quan trọng có thể do chính quản lý cấp cao của công ty viết. Người phụ trách blog chỉ phải hiệu đính, biên tập, tối ưu hóa và hỗ trợ đăng bài. Việc này vừa giúp blog công ty có sức sống, sự đa dạng đối với người ngoài mà còn duy trì một nguồn độc giả quan trọng nhất sẵn sàng chia sẻ các bài viết cho mạng lưới của họ, chính là những nhân viên ngay tại công ty. 

Việc giảm bớt áp lực công việc cho người phụ trách blog sẽ giữ cho nguồn cảm hứng của bạn ấy cũng như của cả blog không bao giờ cạn kiệt, mà còn tận dụng được sức mạnh tập thể. Bạn sợ rằng nếu các bạn ở phòng khác phải ngồi viết blog thì ảnh hưởng đến công việc của phòng ban đó. Theo ý kiến lạc quan của tôi thì câu trả lời là không ảnh hưởng nếu người quản lý biết cách động viên. :D  (Lại quay vào trong lề))

Tạo thêm các account với các role phù hợp cho những người sẽ tham gia đóng góp bài cho blog, để chính họ, hoặc giúp họ chọn những ảnh long lanh xinh đẹp hút hồn nhất, viết 1-2 câu giới thiệu vắn tắt về họ và vai trò của họ trong công ty. Nối đến các hồ sơ mạng xã hội mà họ thường tham gia.

Bước 8: Sẵn sàng để chia sẻ

Hiển nhiên bạn không muốn blog của mình trở thành cái ao tù. Hãy tạo thuận lợi cho bản thân bạn và các độc giả có thể chia sẻ blog và các bài viết trên đó cho mạng lưới của mình bằng các tích hợp như:
- Chia sẻ/Đánh dấu mạng xã hội: nút chia sẻ đặt ngay trên hoặc ngay dưới bài viết, hoặc trôi bên trái màn hình, nơi độc giả dễ tìm thấy nhất. 
- Cho phép bình luận: độc giả có thể muốn trao đổi thêm về nội dung bài viết, và muốn nghe cộng đồng chia sẻ thêm về vấn đề. Càng gợi mở, càng thu hút nhiều người bình luận, mức độ lan tỏa của bài viết càng mở rộng. 
- Nút RSS: cá nhân tôi rất thích blog có RSS. Một cách đơn giản để mọi người biết là có bài mới mà không cần phải ngày ngày truy cập website. 
- Cho phép theo dõi qua email: khi mọi người kiểm tra hộp mail cá nhân có thể đọc được bài mới của bạn dễ dàng.
- Bình luận trên blog khác: ý tôi không nói các bạn đi rải link. Hãy tìm những blog có liên quan đến lĩnh vực mà bạn có hiểu biết, đưa ra những lời bình luận sâu sắc, tạo quan hệ tốt đẹp để lôi kéo chủ blog đó và các độc giả trên đó về blog của bạn.

Bước 9: Chuẩn bị tâm lý Đo - Thử - Thử - Đo - hàng ngày

Bạn cần phải đặt những mục tiêu cụ thể cho blog như: ngày có bao nhiêu khách truy cập vào blog, vào những bài viết cụ thể trên blog, bao nhiêu lượt click từ blog sang website, rồi bao nhiêu người mua sản phẩm A từ bài viết X, hay chí ít là có bao nhiêu người chia sẻ bài Y trên mạng xã hội Z? thế là thấp hay cao? tại sao lại thế? và làm sao có thể cải thiện? blah blah.

Cá nhân tôi là kiểu người nhìn thấy số là hoa mắt, nhưng tôi hiểu được sự quan trọng của các con số thống kê - những con số được đo lường chính xác và hiểu một cách chính xác. 

Ngay từ đầu, hãy tích hợp các công cụ đo lường vào blog, và xác định bộ thước đo để phục vụ các mục tiêu marketing ngắn hạn và dài hạn. Công cụ phân tích web phổ biến nhất Google Analytics, hãy cài ngay và luôn sau khi tạo blog, và dành thời gian cầu hình hợp lý để bạn có những con số phản ánh chính xác và dễ hiểu về tình hình blog ngay-từ-đầu. '

Ngoài ra có thể dùng các công cụ phân tích hoạt động social như Website Grader, Social Mentions.

Nếu không phải là bạn, thì hãy tìm một người không hoa mắt vì các con số thống kê/hoặc đào tạo một người như thế để giúp bạn mỗi ngày.

Bước 10: Bắt tay vào viết bài đầu tiên

Hãy bắt đầu từ việc chia sẻ kiến thức và mở rộng tầm nhìn cho độc giả (theo lối tây thì gọi là educate khách hàng). Đừng vội bán hàng. Hãy làm sao giúp độc giả giải quyết được những vấn đề của họ, dành một vị trí tốt đẹp trong tâm trí của họ. 
Đừng ngại dẫn link đến các trang khác trong website (liên kết nội) hoặc các nguồn tin khác, website khác (liên kết ngoại) nếu thấy cần thiết, để cung cấp giá trị tham khảo tốt nhất cho người đọc.

Và kiên trì ...

Điều quan trọng cho thành công của một blog là đăng bài đều đặn. Nếu ý tưởng có hạn, hãy cố gắng duy trì 1 bài viết/tuần. Bên cạnh đó, bạn có thể thường xuyên quay lại để cải biên nội dung, bổ sung thông tin nhằm tăng giá trị cho các bài viết. 

Từ đây sẽ chuyển sang giai đoạn vượt chướng ngại vật, sau nữa là tăng tốc, ... , nếu nói sâu thì thành lạc đề mất. Bạn đọc có thể đọc tiếp một số bài viết liên quan đến blog như:



Ôn bài xong rồi, giờ quay lại với cái blog mới toe cùng bài viết "Hello world!" kinh điển thôi. >_<

- Một ngày hạ tuần tháng 9, bỗng dưng có hứng phủi bụi rêu phong cho bạn Bao -