6 tháng 4, 2016

Content marketing xin đừng ...


1. Bỏ qua nền móng


Bất kể anh làm marketing hay truyền thông, content hay SEO, cấp chiến lược hay cấp chiến thuật, anh đều phải tự hỏi vì sao làm thế. Nếu thành công thì kết quả thu được là gì? Làm thế có giúp ích gì cho doanh thu, lợi nhuận tức thì hoặc về lâu dài?

Nền móng của làm nội dung và truyền thông là biết được anh đang nói với ai, họ đang cần biết thông tin gì, và điểm giao giữa lợi ích của họ và lợi ích của anh ở đâu. Nếu bỏ qua nền móng sẽ dẫn đến một loạt sai lầm.

2. Quá tập trung vào bản thân


Ai cũng sợ không nói ra thì không ai biết mình tốt đẹp. Trong đời thường đã thế, trong marketing, điều đó là thảm họa.

Không thể phủ nhận rằng, chẳng ai hiểu rõ về công ty, về sản phẩm, về thế mạnh của anh bằng chính bản thân anh. Nhưng khách hàng họ không quan tâm về những thứ đó, họ chỉ quan tâm rằng anh có thể làm gì để giải quyết khó khăn của họ. Nếu anh không hướng về khách hàng, tập trung phát triển hồ sơ về họ và cố gắng hiểu họ, anh sẽ không thể bán được hàng dù anh có tốt đẹp thế nào.

Làm nội dung, nói "về chúng tôi" ít thôi, "cho các bạn" nhiều hơn một chút.

3. Rao hàng mọi nơi mọi lúc


Rao hàng bây giờ không vất vả như ngày xưa, có loa chạy pin hoặc máy phát điện ma xát với bánh xe. Nhưng anh thử ngẫm mà xem, cả ngày 24 tiếng đồng hồ rao, có mấy lúc có người vẫy lại mua hàng. Cả đêm còn "ai xôi lạc bánh khúc đây", hàng phố kiểu gì cũng phải có chục nhà chửi thầm trong bụng vì không được ngủ yên.


Anh cài thông điệp chào hàng mọi nơi mọi lúc, kiểu gì cũng có vài người để ý, nhưng số người âm thầm unlike anh có khi còn đông đảo hơn nhiều.

Làm inbound marketing có chiếc phễu thần thánh, cho anh biết được nên trao cho ai cái gì vào thời điểm nào phù hợp. Rao hàng chỉ có ý nghĩa nếu khách hàng đã sang giai đoạn 3 của phễu, đã có lead sẵn sàng có thể chốt đơn hàng.

4. Bỏ qua kêu gọi hành động


Mỗi bài anh đăng trên blog, mỗi clip trên YouTube, hay trang cuối SlideShare, nên có kêu gọi hành động. Không phải kiểu "Liên hệ ngay hôm nay để được tư vấn 09XXXYYY" (trừ phi nội dung nằm vào giai đoạn 3 của phễu như đã nói bên trên).

Kêu gọi hành động là thao tác tiếp theo mà người xem cần thực hiện. Hãy động não: những người xem hết bài này thì có khả năng quan tâm đến điều gì? Anh hãy vẽ lên giấy những con đường và những câu chuyện kết nối với nhau để dẫn khách đi tiếp sâu hơn vào trong phễu thay vì chẳng biết làm gì đành phải lượn ra ngoài.

5. Làm loa phát một chiều



Viết nội dung ra, đăng được nó lên blog, chia sẻ được lên mạng xã hội rồi, cũng chưa hết việc. Tiếp thụ nội dung hiệu quả phải là con đường hai chiều. Muốn thật sự tạo được tiếng vang, anh phải dành thời gian và tâm huyết trả lời, bình luận, tham gia vào các câu hỏi để làm sợi dây kết nối giữa anh và khán giả bền chắc hơn.

6. Sản xuất thứ nội dung thiếu-muối-i-ốt


Tôi đã và đang nghe người ta bàn nhau, và dạy nhau rất nhiều đến các chiêu trò giật "tít", câu "viu", gây sốc. Người ta đang chăm chút rất nhiều đến hình thức thể hiện và kỹ thuật thể hiện mà bỏ qua việc tập trung cho chất liệu thông tin và câu chuyện chứa đựng trong nó. Kết quả là có hàng tỉ nội dung nhàm chán đang trôi nổi đâu đó, thiếu những nội dung thực sự có chiều sâu.

Anh đừng lo giật tít như họ, cũng đừng tiết kiệm muối như tôi, anh hãy ngồi lại, dồn tâm sức và năng lượng cho nội dung của mình. Hãy sáng tạo ra thứ nội dung khiến anh trở nên thông thái hơn, vươn tới cái chân-thiện-mỹ, hoặc những nội dung có giá trị đích thực cho con người.

7. Coi tiếp thị nội dung là thứ yếu


Không ít người từ các cấp quản lý đến chuyên viên gán cho việc làm nội dung là một thứ tiêu tốn thời gian không mang lại hiệu quả tức thì, rằng "nếu có thời gian thì sẽ làm việc đó".

Trong hành trình của một khách xa lạ trở thành khách hàng chính thức, bất cứ giai đoạn nào họ cũng cần những nội dung phù hợp với đặc điểm của họ trong giai đoạn đó. Nếu anh trì hoãn tạo ra những nội dung quan trọng cho những thời điểm này, sẽ có một sự đứt đoạn trải nghiệm.

Làm nội dung là phải nối liền những tài nguyên sẵn có, từ website, blog đến fanpage, kênh video đến các sự kiện và các tặng phẩm, tài liệu miễn phí, thành một hệ sinh thái trải nghiệm liền mạch và toàn diện cho nhóm đối tượng mục tiêu của anh. Để làm được điều đó, anh cần thiết phải có những lịch đăng bài, đại loại giống thế này. Anh có thể tham khảo thêm rất nhiều trên mạng.

8. Đánh giá thấp sự đa dạng hóa hình thức


Bài viết này toàn chữ là chữ. Trên VietInbound chủ yếu cũng chỉ là những bài blog đặc chữ kiểu này, cũng bình thường thôi. Nhưng nếu ngày nào tôi nổi hứng lên biến được bài này thành slide hoặc video, kiểu gì cũng sẽ "có biến".

Nghĩa là, anh hãy làm những nội dung anh đã có không ngừng vận động, rượu cũ cho vào bình mới. Hãy bắt đầu một chủ đề và đặt ra 5 hướng phát triển nó, tạo ra 5 định dạng khác nhau: bài viết, hình ảnh, video, slide, ghi âm, e-book, ... anh sẽ thấy không ngờ vì sức mạnh thần kỳ của sự đa dạng hóa này.

9. Quên chữ "ĐỪNG" trước 8 ý trên

Nếu anh cũng đang giống tôi, đau đầu khổ sở vì mình muốn một đằng, sếp thích một nẻo và cứ đòi giải thích, đòi chứng minh hiệu quả rồi mới cho làm, thì cũng đừng nao núng. Trước hết hãy vững tin rằng anh không phải người duy nhất muốn làm trái ý sếp trên quả đất này. Sau đó thì bình tĩnh và cười tươi rạng rỡ. Sếp là khách hàng và anh là người bán hàng marketing: những triết lý anh muốn sếp áp dụng trong phục vụ khách hàng thì anh hãy thử áp dụng đúng như vậy cho sếp.

À, anh đừng hí hửng khoe cái link bài này cho sếp để chứng minh quan điểm của anh là đúng. Và đừng vội cho rằng tôi p-rồ hay gì gì. Chẳng qua là tôi trong lúc thất bại tràn trề, chán nản muốn chết thì tự dưng bắt được nguồn đồng cảm từ một cái ebook đầy rêu phong trong máy tính nên muốn đưa lên đây xả, vậy thôi.