Hiển thị các bài đăng có nhãn inbound marketing. Hiển thị tất cả bài đăng

8 tháng 3, 2014

17 suy nghĩ sai lầm cần tránh về SEO trong năm 2014


17 SEO MYTHS 2014
Hôm trước tôi nhận được thư của Hubspot giới thiệu về cuốn ebook mới "17 SEO MYTHS YOU SHOULD LEAVE BEHIND IN 2014", kế hoạch là khoe luôn, cuối cùng thì hôm nay mới khoe được.

Chắc hẳn mọi người đều đồng ý rằng SEO mấy năm nay thay đổi rất nhiều, từ Gấu trúc, rồi Cánh cụt, cuối năm vừa rồi thì Chim ruồi, khiến nhiều người làm SEO phải điều đứng và cũng phải tìm cách thay đổi cách làm SEO của mình. Ấy vậy mà có đến16/17 suy nghĩ sai lầm được nhắc lại sau 1 năm - là những điểm mà các SEOer, marketer, trong đó có tôi vẫn còn vướng phải.Thế có đáng để Vietinbound dành 1 bài viết (dài) để điểm lại, phân tích các sai lầm đó hay không?

Hờ, có quá ấy chứ!

17 suy nghĩ sai lầm cần tránh về SEO trong năm 2014

Di chuyển nhanh đến phần bạn muốn đọc:
Sai lầm 1: Phải gửi website lên Google
Sai lầm 2: Xếp hạng là mục tiêu tối thượng của SEO
Sai lầm 3: SEO là việc tôi có thể phó mặc cho bên IT
Sai lầm 4: Có nhiều liên kết sẽ tốt hơn có nhiều nội dung
Sai lầm 5: Meta description có tác động lớn đến thứ hạng tìm kiếm
Sai lầm 6: Truyền thông xã hội và SEO không liên quan gì cả
Sai lầm 7: SEO trên trang là tất cả những gì tôi cần để xếp hạng
Sai lầm 8: Từ khóa cần chính xác
Sai lầm 9: Có một mật độ từ khóa lý tưởng cho trang web của tôi
Sai lầm 10: H1 là yếu tố trên trang quan trọng nhất
Sai lầm 11: Trang chủ cần rất nhiều nội dung
Sai lầm 12: Càng có nhiều trang càng tốt
Sai lầm 13: Đối với SEO địa phương, tôi chỉ cần liệt kê địa chỉ thành phố, bang, và/hoặc quốc gia của công ty lên các trang web của tôi
Sai lầm 14: Các trang vệ tinh và các tên miền khác mà tôi sở hữu có liên kết hay chuyển hướng sang website của tôi sẽ hỗ trợ được SEO
Sai lầm 15: Google sẽ không bao giờ biết nếu tôi có các trang web xấu trỏ tới trang web của tôi
Sai lầm 16: SEO không chịu trách nhiệm về vấn đề hữu dụng
Sai lầm 17: SEO và inbound marketing không liên quan

Sai lầm 1: Phải gửi website lên Google

Ngày trước nhiều người (cả tôi nữa) nghĩ rằng gửi (submit) website lên Google sẽ được lập chỉ mục (index) nhanh hơn, và cũng sẽ nhanh xuất hiện trên kết quả tìm kiếm hơn.

Thật ra, dù là website mới coóng, dù bạn không gửi thông tin về URL website lên Google, thì cỗ máy vẫn có thể tìm thấy site của bạn.
Submit website lên Google đã trở thành một thủ thuật không cần thiết


Ý kiến chuyên gia: 
Không những bạn không cần gửi trang web của bạn lên Google, mà bạn còn phải để ý đến những gì  bạn muốn chặn không cho Google thu thập dữ liệu thông qua tệp robots.txt. Các thư mục và trang nhất định như các kết quả tìm kiếm nội bộ, cần luôn luôn giữ tránh xa bộ lập chỉ mục của Google để nội dung thật sự của bạn chiếm được vị trí tiên phong.
Jeff Ferguson  - CEO, Fang Digital Marketing
@FangDigital

Sai lầm 2: Xếp hạng là mục tiêu tối thượng của SEO

Trong khi có sự liên hệ sâu sắc giữa thứ hạng tìm kiếm và tỉ lệ nhấp chuột, việc xếp thứ hạng cao không còn là mục tiêu cuối cùng tối thượng như trước nữa.

Các nghiên cứu về tỉ lệ nhấp chuột và hành vi người dùng đã chỉ ra rằng những người tìm kiếm thích những kết quả trên cùng - nhất là danh sách top 3. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy hành động nhấp chuột cũng xảy ra tương tự đối với các kết quả được liệt kê trên đầu trang đối với các trang kết quả tiếp theo. Và hiện nay với các kết quả được gắn với các rich text/snippets và các thẻ tác giả, kết quả dù xuất hiện dưới top 3 vẫn có thể có tỉ lệ nhấp chuột cao hơn.

Thậm chí từ trước khi mấy thứ kia được ứng dụng thì các thứ hạng cao vẫn không thể đảm bảo thành công. Về lý thuyết, bạn có thể xếp hạng cao cho một từ khóa, thu về rất nhiều lượt truy cập nhưng lại chẳng thu được một hào nào từ đó. Đó có phải là điều bạn thật sự mong muốn? Tôi không nghĩ thế.
Ý kiến chuyên gia:

Xếp hạng mà làm gì? Tôi chắc chúng ta đều nhớ những quảng cáo kiểu như "Cam kết đưa bạn lên top 1 Google" nhưng chúng chẳng bao giờ nói để làm gì. Thay vì bị ám ảnh về thứ hạng, hãy trở nên hữu ích và độc giả của bạn sẽ mang lại nhiều người dùng hơn nữa vì họ sẽ chia sẻ những nội dung của bạn.
Alisa Meredith - Co-Owner, Scalable Social Media
@alisammeredith

Sai lầm 3: SEO là việc tôi có thể phó mặc cho bên IT

Có vẻ như nhận thức cho rằng SEO yêu cầu sự thuần thục về kỹ thuật, và vì nó về kỹ thuật, chỉ IT có thể thực hiện. Trong khi có yếu tố kỹ thuật trong SEO, nó cần nhiều hơn chỉ về mặt kỹ thuật, và phải nghĩ rất lâu, rất kỹ lưỡng trước khi chuyển toàn bộ một dự án cho IT hay cho một bên thiết kế web.
Cần có sự nhận thức đúng về các công việc của SEO để phân công hợp lý

Dù bạn có thể cần những cá nhân này hỗ trợ bạn trong quá trình tối ưu hóa website, sẽ không thể lý tưởng nếu đưa các công việc SEO cho IT và kỳ vọng những hành động và kết quả tốt.

Trong khi nhiều chuyên gia IT có kiến thức chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật - ví dụ  làm sao để chắc chắn website của bạn dễ dàng thu thập thông tin và cài đặt các tệp chuyển hướng và sơ đồ trang web XML - nên nhớ rằng nhiều nhân sự IT cũng làm những việc như cài máy in ... một tập kỹ năng khác hẳn với những gì cần để thực hiện một chiến lược SEO thành công.

Ý kiến chuyên gia:

SEO là một trong những  chữ viết tắt ( acronyms) nghe như nhiên liệu tên lửa, thứ gì chỉ nằm trong tay của các con mọt công nghệ (technoids) quen với lập trình (with html street cred). Tuy nhiên, với từng bước chuyển mới trong các thuật toán của Google, chúng ta học được rằng SEO nên được viết tắt bởi chữ "Simply Excellent Online". Nói cách khác, tạo nội dung đáng ghi nhận trước, SAU ĐÓ mới làm việc với đội IT để chắc chắn những gì đọc tốt thì cũng đạt tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật.
Paul Furiga - President & CEO, WorldWrite Communications

@paulfuriga

Sai lầm 4: Có nhiều liên kết sẽ tốt hơn có nhiều nội dung

Điều này thường đi liền với câu hỏi "Tôi nên đầu tư vào điều gì, xây dựng liên kết hay tạo nội dung?"
Liên kết là phần quan trọng trong uy tín của website (ngay cả trong thị trường trao đổi liên kết cũng vậy). Tuy nhiên nếu bạn có ngân sách để đầu tư  vào website, tôi sẽ khuyên "Tuyển ai đó viết bài cho bạn đi".

Thường khi các công ty thuê người về xây dựng liên kết, họ tập trung vào số lượng liên kết hơn chất lượng. - nhưng việc liên kết không còn là trò chơi về con số nữa. Bạn phải tập trung vào việc có nguồn phù hợp và đa dạng liên kết tới các trang phù hợp.

Khi bạn đầu tư vào nội dung, nội dung đó có thể được dùng cho trang web, bài blog, các lời mời tạo đầu mối kinh doanh, và bài viết khách trên các trang web khác - tất cả các loại nội dung có thể mang lại nhiều liên kết hơn cùng với chúng qua thời gian.

Ý kiến chuyên gia:

Với sự ra đời của các cập nhật thuật toán Panda, Penguin, và Hummingbird, Google đã làm mọi thứ nhưng tát vào mặt chúng ta (nghe hơi thô bạo nhỉ :-ss) để thức tỉnh chúng ta với sự thật là những người làm SEO không còn có thể chơi với hệ thống được nữa. Trong khi  việc xây dựng liên kết đúng vẫn còn giá trị thì việc tạo nội dung đột phá đang trở nên không thể chối cãi.
Ron Medlin - CMO, 98toGo
@ronmedlin

Sai lầm 5: Meta description có tác động lớn đến thứ hạng tìm kiếm

Meta description và Rich snippets có thể giúp tăng tỉ lệ CTR,
 tuy nhiên được chứng minh là
không có tác động trực tiếp đến thứ hạng tìm kiếm
Siêu mô tả (tạm dịch vậy) là các thuộc tính HTML để giải thích ngắn gọn nội dung của các trang web. Bạn đã từng thấy chúng  trên các trang kết quả tìm kiếm của Google (SERPs), nơi chúng hay được dùng như những đoạn trích dẫn xem trước. Do đó có vẻ hoàn toàn dễ hiểu rằng thuật toán của Google sẽ xem xét các siêu mô tả này khi xác định thứ hạng tìm kiếm .. phải không? Thật ra thì không nhiều.

Trở lại 2009, Google đã tuyên bố rằng các thẻ siêu mô tả ( và siêu từ khóa) không còn tác động gì đến thứ hạng tìm kiếm. Tuy nhiên điều đó không nói rằng những mô tả này không quan trọng cho SEO. Ngược lại: meta description tạo ra một cơ hội lớn để tách bạn khỏi đám lộn xộn và thuyết phục người tìm kiếm rằng trang web của bạn đáng để ghé thăm.

Việc có một siêu mô tả phù hợp, hấp dẫn có thể là sự khác nhau giữa người tìm kiếm nhấp chuột vào trang của bạn với người nhấp chuột vào đâu đó khác.

Ý kiến chuyên gia:
Đúng rồi, các siêu mô tả không tác động đến thứ hạng website trên kết quả tìm kiếm. Tuy nhiên, siêu mô tả vẫn cực kỳ quan trọng để lôi kéo người dùng nhấp vào trang của bạn. Tôi khuyên khích sử dụng từ khóa mục tiêu của bạn một lần, không vì nó sẽ giúp thăng hạng mà nó sẽ được bôi đậm nếu phù hợp với nội dung tìm kiếm của một người. Thử thêm một lời kêu gọi hành động vào mô tả nữa nhé.
Luke Summerfield - Director of Inbound Marketing, Savvy Panda
@SavvyPanda

Sai lầm 6: Truyền thông xã hội và SEO không liên quan gì cả

Vùng giao của SEO  và truyền thông xã hội được gọi là "tìm kiếm xã hội" (social search). Tìm kiếm xã hội là một việc rất thực tế - mỗi quan hệ chính thức ngày càng tăng giữa tìm kiếm và mạng xã hội đang biến động qua năm, và Google đang cố gắng để chứng minh điều này bằng các hồ sơ Google+ và Tác giả.

Trong tìm kiếm xã hội, nội dung sẽ được xét ưu tiên nếu nó kết nối với bạn bằng con đường nào đó - có thể qua một người bạn trên Facebook, một người theo dõi trên Twitter hoặc kết nối trên bất cứ mạng xã hội lớn nào khác.Thay vào đó, một số hình thức tìm kiếm xã hội xét ưu tiên nội dung được chia sẻ bởi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, dù những người này không trực tiếp kết nối với bạn.

Bài học ở đây là hãy đảm bảo bạn có một chiến lược truyền thông xã hội và nghĩ về nó như một phần trong các nỗ lực tối ưu hóa tìm kiếm - 2 thứ không được hoạt động riêng rẽ.

Sai lầm 7: SEO trên trang là tất cả những gì tôi cần để xếp hạng


SEO Onpage chỉ là 1 phần (có vẻ nhỏ)
trong toàn bộ chiến lược SEO
Đặt các từ khóa lên một trang không còn là viên đạn thần. Dù được SEO trên trang (on-page) mượt mà "không tì vết", bạn cũng mới chỉ tham giả 1 phần trong toàn bộ đẳng thức SEO lớn.Các nỗ lực tối ưu của bạn nên là sự tổng hợp tập trung vào chất lượng thông qua tối ưu trên trang, tối ưu ngoài trang, trải nghiệm người dùng và sự chuyển đổi.Vì thế hãy chuẩn bị tốt để làm được nhiều hơn chỉ SEO on-page.

Ý kiến chuyên gia:
Nhiều năm trước chúng tôi cũng nghĩ thế. Nhưng chúng tôi đã thay đổi và biết rằng các chiến lược SEO hiệu quả nhất tham gia vào các yếu tố trên trang và ngoài trang. Ngày nay, chúng tôi kết hợp các nỗ lực trên trang với một chiến lược phân bổ mạng xã hội, chiến lược tiếp thị người ảnh hưởng bền vững và hơn thế nữa!
Matthew Bivens - Lead Strategist & Online Marketing Director, 98toGo
@marketingguyatl

Sai lầm 8: Từ khóa cần chính xác

Từ khóa không cần nhắc lại nguyên văn trong suốt một đoạn nội dung. Thông thường trong một tiêu đề, bạn muốn dùng 1 hoặc nhiều từ khóa theo cách tạo nhiều ý nghĩa nhất cho độc giả. Mục tiêu là phải viết một tiêu đề thu hút (khoảng giữa 4-9 từ) giải thích rõ ràng nội dung đó viết về cái gì.

Không có gì điên rồ hơn việc tạo tiêu đề được đóng khung trong phạm vi 1 cụm từ khóa hoặc tồi tệ hơn là nhắc lại 1 cụm từ khóa một cách gượng ép.

Quy luật này không chỉ đối với các tiêu đề, mà còn trong nội dung trên trang: mục tiêu nên là thông báo cho độc giả, không phải thông báo cho máy tìm kiếm.

Ý kiến chuyên gia:
Không nên tốn thời gian cố gắng tìm các từ khóa hoàn hảo để dùng đi dùng lại trên trang web. Đầu tiên, Google ghét nếu bạn quá tối ưu cho máy móc. Thứ hai, những người tìm kiếm sẽ sử dụng một tập hợp các từ và cụm từ khóa để tìm thứ họ muốn tìm. Nội dung trên trang phải đa dạng đủ để đáp ứng các tiêu chí tìm kiếm trong khi vẫn gắn chặt với một chủ đề bao quát.
Sam Lowe - Marketing Assistant, Weidert Group
@I_am_SamLowe

Sai lầm 9: Có một mật độ từ khóa lý tưởng cho trang web của tôi

Sự thật là không hề tồn tại con số thần kỳ cho mật độ từ khóa. Không có con số lý tưởng về số lần bạn phải nhắc lại một từ khóa trên một trang.Cũng phải nói lại rằng bạn phải có từ khóa (1 hoặc nhiều) trong tiêu đề trang để người ta biết về nội dung chính của trang.

Từ khóa - và biến thể của nó cũng nên được đưa trong tiêu đề chính, lý tưởng nữa thì có trong URL, và ít nhất một lần trong nội dung.Một lần nữa, mục tiêu là để nội dung rõ ràng và đáp ứng nguyện vọng của người tìm kiếm - đó là lý do vì sao họ nhấp vào trang của bạn, vì thế đừng tấn công họ với nội dung tối ưu thái quá.


Sai lầm 10: H1 là yếu tố trên trang quan trọng nhất

Tôi đã từng nghĩ H1, H2, H3 đều quan trọng cho SEO,
ơ thế ra không phải à? :(
Nghĩ về cấu trúc nội dung trên trang web của bạn như một dàn ý. Có sự tiếp cận theo dãy đến việc truyền đạt thông tin cho người dùng và máy tìm kiếm. Bạn gói tiêu đề vào thẻ title nào không có nhiều tác dụng cho SEO - và các thẻ tiêu đề (dù là H1, H2, H3 v.v ) chỉ để dùng với mục đích tạo phong cách.H1 là một phần của CSS mà người thiết kế đưa vào để xác định kiểu cách kích cỡ chữ nào sẽ áp dụng cho một phần nội dung cụ thể.

Nó từng quan trọng, nhưng các máy tìm kiếm ngày nay thông minh hơn - và không may người ta spam quá nhiều đẩy chúng vào chỗ chết.Vì thế không quan trọng bạn sử dụng thẻ header nào, khi bạn đã đưa các quan điểm quan trọng nhất lên trước và gần hơn trên đầu trang. Nhớ rằng bạn đang tối ưu trang cho người dùng trước nhất, nghĩa là bạn muốn báo cho họ nội dung của trang càng sớm càng tốt thông qua dòng tiêu đề rõ ràng.

Ý kiến chuyên gia:
Nếu bạn đi trong thư viện, bạn nhìn vào các tên sách để tìm thông tin tốt nhất bạn cần. Đó là điều mà H1, cùng với siêu mô tả và thẻ tiêu đề, làm cho độc giả và máy tìm kiếm. Để có được khách truy cập, bạn cần máy tìm kiếm xác định trang nào phù hợp, một tiêu đề và nội dung có tính công thức sẽ có vẻ không trung thực.Tạo ra các tiêu đề dễ hiểu cho cả 2 thực thể, và, tốt nhất chỉ sử dụng 1 thẻ H1 trên 1 trang.
Grady Neff - Content Strategist, Digital Relevance
@graydonski

Sai lầm 11: Trang chủ cần rất nhiều nội dung

Bạn đã từng gặp trang chủ nào đầy nội dung? Hoặc ngược lại, một trang chủ gần như không có nội dung nào? Hãy coi trang chủ là cánh cửa dẫn đến doanh nghiệp bạn. Hãy thử định hình. Đây chính là cơ hội tạo ra ấn tượng đầu tiên và truyền tải những gì về bạn. Có thể định vị giá trị của bạn là sự đơn giản - khi đó, chỉ cần 1 màn hình đăng nhập đơn giản là đủ (đặc biệt nếu tên bạn là Dropbox).
Ví dụ về 1 trang chủ đơn giản (tìm lung tung trên mạng)
Click để tìm hiểu
8 xu hướng thiết kế website mới cho năm 2014

Tuy nhiên đối với nhiều marketer, họ cần nhiều nội dung và văn cảnh hơn thế. Nội dung trang chủ cần đủ dài để làm rõ bạn là ai, làm gì, ở đâu, định vị giá trị, và khách hàng cần làm gì tiếp theo. Khách truy cập khi rời đi với sự hài lòng, không phải sự quá tải hoặc quá ít - và tất nhiên không bị mơ hồ.

Ý kiến chuyên gia:
Điều này hoàn toàn vô nghĩa. Trang chủ của bạn như thẻ H1 của trang web. Hãy cho nó phục vụ khách hàng. Giao tiếp với họ và kể chuyện về mình. Tại sao họ ở đây và họ sẽ có thể tìm thấy gì? Hãy làm nó đơn giản và đừng nghĩ quá về SEO. Hãy làm nó đơn giản và truyền tải được thông điệp: Bạn mang lại giá trị gì cho khách truy cập?
John McTigue - EVP & Co-Owner, Kuno Creative
@jmctigue

Sai lầm 12: Càng có nhiều trang càng tốt

Theo quy luật bạn sẽ nghĩ rằng càng có nhiều dấu chân trên website thì bạn càng làm tốt - nhưng điều đó không đúng. Thứ nhất, không phải thứ gì bạn đăng cũng được lập chỉ mục. Thứ hai, nhiều khi các trang được lập chỉ mục nhưng không duy trì lâu trong chỉ mục. Và thứ ba, chỉ vì các trang web của bạn được lập chỉ mục không có nghĩa là chúng sẽ mang lại những lượt truy cập và đầu mối kinh doanh chất lượng.

Không may, những người cố gắng có càng nhiều trang trên website của họ thường cũng quá coi trong chất lượng của nội dung đó, và thực tế khó mà đáp ứng cả số lượng và chất lượng. Mục tiêu cuối cùng nên là chỉ đăng những thứ phù hợp nhất. Hãy tạo những nội dung ở trạng thái tốt nhất.

Ý kiến chuyên gia:
Trong khi số trang web bạn có giúp tăng cơ hội hiển thị trên nhiều kết quả tìm kiếm, quy luật về nội dung chất lượng trên một trang web được xây dựng hợp lý cùng với các liên kết dẫn tới chất lượng vẫn còn áp dụng.
Jeff Ferguson - CEO, Fang Digital Marketing
@FangDigital

Sai lầm 13: Đối với SEO địa phương, tôi chỉ cần liệt kê địa chỉ thành phố, bang, và/hoặc quốc gia của công ty lên các trang web của tôi

Điều này chỉ đúng một nửa. Bạn cần xác định các thông tin đó trên trang web nếu bạn là doanh nghiệp hoạt động nhắm tới địa lý. Tuy nhiên, ví dụ, nếu bạn là doanh nghiệp Mỹ chỉ tập trung nhắm tới các thành phố của Mỹ thì bạn không cần thông tin về "U.S." trên các trang web.
Việc trích dẫn thông tin địa chỉ nhất quán, cụ thể là
một yếu tố quan trọng trong local SEO
Các máy tìm kiếm biết người dùng ở đâu, và chúng nỗ lực để hiển thị những kết quả cụ thể tùy thuộc vào địa điểm của họ.Như vậy, các thẻ tiêu đề, liên kết, nhận xét, các đoạn trích trên trang, và truyền thông xã hội (nhất là Google+ Địa phương) vẫn thông báo rõ ràng bạn đang tọa lạc ở đâu và được xem là một phần quyết định kết quả SEO địa phương của bạn.

Ý kiến chuyên gia:
Việc trích dẫn một cách nhất quán rất quan trọng cho SEO. Việc 1 địa chỉ trên web ghi là "Road" và địa chỉ trên trang khác trên web viết tắt là "Rd." bị các máy tìm kiếm coi như 2 địa chỉ khác nhau.Chúng tôi sử dụng dịch vụ Yext để giúp có được sự thống nhất trong trích dẫn trên các trang web cho chính chúng tôi và khách hàng của chúng tôi. Hãy dùng nó để kiểm tra địa chỉ đã đăng ký trên web của chính bạn.
Matthew Lee - Director of Marketing, Adhere Creative
@AdhereCreative

Sai lầm 14: Các trang vệ tinh và các tên miền khác mà tôi sở hữu có liên kết hay chuyển hướng sang website của tôi sẽ hỗ trợ được SEO

Cơ hội cho SEO của hành động đó gần như bằng 0. Đó giống như việc trong một cuộc bầu cử, bạn tự bỏ phiếu cho chính bạn hàng nghìn lần thì vẫn chỉ được coi là 1 phiếu.

Các máy tìm kiếm đủ thông minh để biết những người đăng ký cho 1 tên miền và có thể thấy nếu như đó cùng là một người với tên miền chính. (Chú ý rằng: Nếu bạn đang đọc và nghĩ: "À, thì ta có thể thay đổi thông tin đăng ký là xong", thì bạn rõ ràng đang nghĩ như một spammer. Đừng là người như thế!)

Chẳng có nhiều giá trị gì trong việc trải mỏng nỗ lực SEO, tức là cài đặt liên tiếp các tên miền và tối ưu hóa cho từng cái thay vì đặt hết tình yêu vào một tên miền chính. Tại sao không thêm nội dung vào tên miền chính hay xây dựng một công cụ như một phụ tùng (add-on) cho trang web của bạn?

Ý kiến chuyên gia:
Các trang vệ tình có một lý do hợp lý để tồn tại khi chúng phục vụ một mục tiêu tiếp thị cụ thể. Như một chiến lược xây dựng liên kết, nó không thể là một chiến lược kinh doanh dài hạn để thành công mà chỉ là giải pháp ngắn hạn (churn&burn), điều bạn không muốn làm với trang web công ty. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc hiểu nhu cầu của khách hàng và tạo nội dung giúp đáp ứng những nhu cầu đó.
David Demoe -Sr. Marketing Manger, Search Engine People
@senginepeople

Sai lầm 15: Google sẽ không bao giờ biết nếu tôi có các trang web xấu trỏ tới trang web của tôi

Không. Họ sẽ biết!Giống như ông già Noel biết bạn tốt hay xấu. Cũng giống thần răng biết nếu bạn bị mất một chiếc răng. Giống bố mẹ có thể cảm nhận được khi bạn quên điều độ.Vấn đề là Google biết (mọi thứ).

Đừng cố đánh lừa họ, nhất là trong thời đại hậu Panda, Penguin và Hummingbird, nếu không bại sẽ bị gửi tới phòng của bạn (nghĩa là bị phạt).

Ý kiến chuyên gia:
Khi người ta cố gắng tạo nhiều đường tắt, chất lượng các kết quả tìm kiếm trở nên kém đi và những người làm SEO tạo ra những vấn đề về uy tín cần vượt qua. Hãy nhớ rằng bạn có thể bị phạt nếu bạn trao đổi quá nhiều liên kết với khách hàng, vì nó có thể bị coi như một hành động thao túng (manipulation).
Jaymie Scotto Cutaia - CEO & Founder, Jaymie Scotto & Associates
@jscotto

Sai lầm 16: SEO không chịu trách nhiệm về vấn đề hữu dụng

SEO đã thay đổi từ việc đơn giản là được tìm kiếm trở thành cải thiện cách người dùng tương tác với nội dung của bạn. SEO không chỉ còn là việc tối ưu hóa cho các máy tìm kiếm mà hơn thế rất nhiều. Bạn cần tối ưu hóa cho người dùng đầu tiên và trước nhất, để họ thật sự nhấp chuột vào các mục trên trang, và một khi đã nhấp chuột vào đó, họ sẽ ở đó.

Để giữ khách hàng ở trên trang web, hãy đảm bảo bạn đăng tải nội dung được cá nhân hóa và phù hợp. Bạn cũng nên chắc chắn rằng website của bạn trực quan và dễ duyệt (nói cách khác, có thể giúp cả người dùng và bọ tìm kiếm truy cập được)

Và nữa, không để khách truy cập phải tìm kiếm những gì họ cần. Hãy đưa ra kêu gọi hành động rõ ràng, và bạn sẽ chuyển những khách này thành liên hệ, thành đầu mối kinh doanh, và cuối cùng là khách hàng.“Search experience optimization” mới thật sự là ý nghĩa của SEO.

Ý kiến chuyên gia:
Sự thật là chúng ta cần SEO. Nhưng đừng chỉ tối ưu nội dung cho các máy tìm kiếm, nó khiến nội dung khó tiêu (bởi vì rõ ràng tôi không phải là máy tìm kiếm). Hãy nói tiếng người (nghe có vẻ phũ nhở?). Dành cho con người trước, sau mới đến máy tìm kiếm.
Kelly Kranz -Content Manager, OverGo Studio
@OverGoStudio

Sai lầm 17: SEO và inbound marketing không liên quan

SEO là một nan hoa trong bánh xe inbound
Ngược lại, inbound marketing và SEO  có mối liên kết không thể xoay chuyển. Nếu bạn nghĩ ý đầu là một bánh xe lớn, thì ý sau sẽ là một nan hoa của bánh xe đó.

Inbound là một triết lý  toàn diện tập trung vào việc biến người lạ thành người muốn - và nên - hợp tác kinh doanh với bạn một cách hiệu quả. Nó gồm có một loạt thủ thuật và cách thức, gồm tạo nội dung, tối ưu hóa chuyển đổi, và vận dụng các kênh truyền thông xã hội, cùng rất nhiều yếu tố khác.

Trong mối so sánh tương quan, SEO là một chiến thuật marketing tập trung vào việc cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp và lượt truy cập từ kết quả tìm kiếm. Rõ ràng, SEO có thể giúp bạn rất nhiều trong tổng thể inbound marketing. Khi nghĩ về 4 giai đoạn của phương pháp inbound marketing: Thu hút, Chuyển đổi, Chốt và Làm sáng, thì SEO đặc biệt phù hợp với giai đoạn đầu: thu hút đúng người tới trang web của bạn.

Ý kiến chuyên gia:
 Tôi không nghĩ về SEO. Tôi nghĩ về các máy tìm kiếm như một phần của rất nhiều cơ hội tôi có để tiếp cận khách hàng. Nó là inbound vì họ tìm thấy bạn dựa trên việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của họ. Nó có giá trị lớn vì họ tìm kiếm giải pháp, chứ không chỉ tìm chơi chơi. Tôi nghĩ đến việc tích hợp tất cả các khía cạnh của inbound để khiến khách hàng tìm thấy chúng tôi dễ dàng nhất. Sau đó tôi nỗ lực tạo nội dung và cuộc đối thoại cần thiết để giải quyết vấn đề của họ.
John McTigue - EVP & Co-Owner, Kuno Creative
@jmctigue

Kết luận rút ra là:

Giờ thì bạn đã hiểu những sai lầm về SEO, những gì bạn đang làm không làm suy suyển được gì? Tồi tệ hơn, bạn khiến các nỗ lực SEO trở nên kém hơn? Hiểu về các sự thật này sẽ giúp bạn hiệu quả hơn trong chiến lược tìm kiếm tự nhiên của mình.

Một thứ quan trọng thu lượm được từ chỉ dẫn này là: SEO là tất cả trải nghiệm của người tìm kiếm bắt đầu từ khi họ nhập truy vấn tìm kiếm. Trải nghiệm càng tốt, từ danh sách kết quả tìm kiếm, tới chất lượng và sự phù hợp của nội dung trên trang, sự dễ dàng di chuyển trên trang, thì kết quả SEO sẽ càng tốt theo.


_________________
Thú thật là có cơ số điều kể trên tôi vẫn đang phải "ngậm đắng" và thực hiện chúng mỗi ngày.
Bao giờ cho thoát khỏi lối mòn? :(

Nếu anh/chị/bạn/em có ý nào chưa hiểu (do tôi dịch chưa thông chẳng hạn) hoặc có ý kiến đóng góp thêm cho danh sách 17 ý trên, thì cứ góp ý nhé. ^^
Hoặc tải sách gốc về từ đây: http://offers.hubspot.com/17-seo-myths-leave-behind-in-2014

Mong sao sang năm cuốn sách SEO MYTHS 2015 sẽ có sự thay đổi lớn (hoặc không có cơ hội phát hành nữa).
Mong sao ... ;)

11:59PM 8/3/2014: Sau một hồi cập nhật/chính sửa loạn xị, chợt thấy hình như mình nên dùng từ "ngộ nhận"
sang ngày 9. -_-

7 tháng 9, 2013

Inbound marketing không phải là tất cả [INBOUND 2013 Keynote]


halligan&shah

INBOUND 2013, có ai nghe thấy lạ lạ không?

Đó là một hội nghị lớn về INBOUND do Hubspot tổ chức ở Boston cuối tháng 8 vừa rồi, hội tụ rất nhiều "máu mặt" về marketing trên thế giới.
Ngay khi Hubspot đăng tải các bài nói tiêu biểu lên Youtube, tôi đã xem ngay và luôn bài keynote của  Brian Halligan & Dharmesh Shah, 2 co-founder của Hubspot.

Tôi rất thích cách thuyết trình của 2 vị Co-founder này, khi họ hình như cố sắp xếp để người nọ thuyết trình phần nội dung của người kia: Dharmesh Shah - CTO, con người kỹ thuật, introvert - thuyết trình về bản chất của INBOUND (không còn là inbound marketing nữa mà bao trùm cả inbound sales và inbound service), về mặt ý tưởng và triết lý kinh doanh của HubSpot, trong khi ở phần sau, Brian Halligan - CEO, một salesman chính hiệu lại đi mổ xẻ phần nền tảng kỹ thuật - technology platform của phần mềm HubSpot thế hệ mới.

Thích cả cái sân khấu, màn chiếu ở đây khủng khiếp :((




Khuyến khích độc giả nên tự mình xem clip thay vì chỉ dựa vào vài dòng ở dưới :)


Một vài ý bập bõm nghe được sau lần xem đầu tiên lúc gần nửa đêm khi mắt đã muốn díp và não đã mơ màng:
Bác Shah nói về insights của inbound:
- Humans changed: con người thay đổi rất nhiều, ngày xưa chưa có internet, mọi người disconnected với nhau và cảm thấy isolated, ngày nay có FB, có internet in pocket, con người .... vẫn isolated
- Sau 7 năm (từ ngày bén duyên với Halligan và inbound marketing), bác í nhận ra  "inbound marketing is NOT the answer". Thế là gì?? Câu trả lời là "Inbound Experience"
Inbound Experience = Inbound Marketing + Inbound Sales + Inbound Service

 - Brand là gì? Là Human perception + Machine Prediction

- Vì smart phone giờ smarter rồi, nên khách hàng có thể dễ dàng ignore stupid calls.
- Có một cái slide có hình con chim Twitter > ngòi bút trỏ xuống > thanh kiếm trỏ lên nhưng không nhớ nổi bác í nói gì
- Humanize service: Goal bây giờ không còn chỉ là Satisfaction nữa mà là Delightion, và không chỉ còn chú ý đến customer life-time value nữa mà phải là person lifetime value
- Quên đi các thể loại measurement
- phải SOLVE cho con người
Ngồi căng tai chép chép ghi ghi
- khách hàng giá trị nhất không phải là người mua nhiều nhất mà là người bán nhiều nhất (most valuable customer not buy the most but sell the most)
- tình trạng nhiều công ty còn "react to revolt" mà chưa được "design to delight"
- câu closing CTA của bác Shah là phải transform
"It's time to make humans happy
become more human"

Bác Halligan nói về technology platform của Hubspot:
- Một loạt ví dụ về sự thay đổi do công nghệ mang lại. Nest là gì? Ai bảo tổ chim giơ tay!
- Giới thiệu về khái niệm Context trong inbound experience
- Giới thiệu social inbox, có quay demo nhưng bé quá không nhìn rõ gì
- Một contact nằm trong hộp gồm có 4 múi: Email -> Social -> Website -> Sales
- Hệ thống CMS cho website ngày xưa giờ đã cải tiến thành COS (Content Optimization System), và Email marketing -> Marketing automation
- Rồi giới thiệu về Signals, tạm hiểu là một công cụ mới hỗ trợ sales
- À, bác này có nhảy một đoạn khiến cả hội trường tán thưởng, và hình như cái comment đầu tiên của clip youtube trên kia là khen điệu nhảy của bác í.

Một buổi tối ngồi nguệch ngoạc được từng đó chữ, nhưng cũng đã đủ hoảng về khối lượng concept mới. Không rõ khi nào tập trung nghe lại được thì còn phát hiện thêm được từ nào.

Tóm lại thì inbound marketing không phải là tất cả, thế inbound experience có phải là tất cả không nhỉ?
 ^^


_________________

Bài viết này được ủ trong nháp từ 27/8, đến hôm nay vẫn chưa thật sẵn sàng, chưa có tâm trạng, nhưng vẫn quyết định tung ra để cho blog đỡ mốc.

Lý do lý trấu cá nhân: Hơi buồn vì một người tôi khá kính trọng lại nhận xét hơi đau lòng về tôi và inbound, khiến tôi bị nản mất 1 tuần, thêm 1 tuần quá xung (xung phong) và xúc (xúc động) vì những mối quan tâm mới, thành ra bỏ bê blog và cũng bỏ bê luôn việc lần mò, đọc, gõ.
Cảm xúc khi đào lại bản nháp: muốn đập đầu vì cái trình độ nghe của mình. :gạch:

Nửa Anh nửa Việt không phải là phong cách mình hướng tới, để public cái này lên như dở hơi. Cho nó là nháp thì lại thấy phũ quá. Làm sao giờ?

Còn vài cái keynote nữa chưa có lúc nào nghe được.- Cảm thấy tội lỗi.
https://www.youtube.com/playlist?list=PLnK2f5102iQEsIEAIoL_d9N98CenoI3CQ

21 tháng 8, 2013

Seth Godin: "Không có bí mật" trong thành công với inbound marketing


seth_godin_2

Đại hội Inbound 13 của HubSpot đang diễn ra tại Boston (từ 19-22/8/2013) là một sự kiện rất lớn đối với marketer toàn cầu. Trong số những diễn giả chính của đại hội có Seth Godin, bậc thầy về marketing và tác giả bán chạy nhất, vâng, là thần tượng của rất nhiều anh chị marketer tôi biết.

Bài viết này sẽ ghi lại quan điểm của ông về thực trạng inbound marketing hiện nay, hi vọng qua cách diễn tả giản dị và dễ hiểu của Seth, độc giả của VietInbound sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về inbound marketing.
________________
Theo Seth Godin, trong giai đoạn gần đây, có 2 (hai) hiện tượng đã hình thành lên thực trạng inbound marketing của ngày nay.

Thứ nhất, sản xuất hàng loạt (mass production). Khi Henry Ford nổi lên thống trị hồi đầu thế kỷ 20, ông đã phổ biến khái niệm "dây chuyền sản xuất" - bằng việc đưa công nhân vào các vị trí chuyên môn hóa và đào tạo họ làm việc với nhau như một phần của quá trình lớn hơn, và sự tự động hóa giúp sản xuất hàng hóa nhanh và hiệu quả hơn.

Thứ hai, số hóa (Digitization). Godin gợi lại thời kỳ những năm 1970, nếu bạn yêu thích một nghệ sĩ ghi âm, bạn đến cửa hàng mua bản ghi âm. Ngày nay việc đó không cần thiết nữa. Mỗi bản nhạc (hoặc bất cứ nội dung phương tiện truyền thông nào) đều có thể có sẵn khi bạn yêu cầu chỉ cần với cú nhấp chuột.

Giờ chúng ta đã bước vào thời hiện đại, với quá nhiều sản phẩm và dịch vụ được sản xuất hàng loạt, và khó khăn tìm cách phân biệt một thương hiệu với những thương hiệu khác. Godin, đang diễn thuyết tại Hội nghị Inbound Marketing 2013 tại Boston, đã sử dụng ví dụ việc khai trương một hàng ăn ngon tại Brooklyn. "Phần khó khăn không phải việc tạo ra miếng thịt ức," Godin nói. "Khó là ở chỗ tìm được người tin tưởng bạn tạo ra thịt ức."

Không có đường tắt

Trong bài phát biểu của mình, Godin hứa hẹn với những người tham gia đại hội là ông đến đó để diễn thuyết về con đường tắt số 1 có thể biến đổi inbound marketing. Và cuối cùng hóa ra cam kết đó là mưu mẹo. "Con đường tắt số 1 trong nền kinh tế kết nối (connection economy) là chả có con đường tắt nào cả," Godin thú nhận "Nếu ai đó bước tới bạn và hỏi "Đường tắt là gì?" thì họ đã hỏi một câu hỏi sai."
Thay vì tìm kiếm những con đường tắt để đưa ra các thông điệp, Godin khuyên các marketer tìm những cách sáng tạo để kết nối chính họ và công ty họ với khách hàng. Không có đường tắt, ông giải thích, nhưng có 4 (bốn) nguyên tắc dẫn đường.

  • Phối hợp (Coordination) - Trước khi bạn có thể đưa ra các thông điệp tiếp thị, bạn phải đặt ra một chiến lược và phối hợp một nhóm người cùng thực hiện nó.
  • Tin tưởng (Trust) - Cuộc hành trình tăng doanh số bán hàng và lợi nhuận vô hạn bắt đầu bằng việc thu được lòng trung thành của mọi người. Việc này mất nhiều thời gian và công sức.
  • Cho phép (Permission) - Mục tiêu của một marketer không phải là gọi điện một cách lạnh lùng cho mọi người, đưa ra thông điệp ào ạt để cho cả thế giới phải nhìn thấy. Thay vì đó, đó là việc tìm những người muốn nghe từ bạn và truyền tải cho họ thông điệp phù hợp.
  • Trao đổi ý tưởng (Exchange of ideas) - Cuối cùng, khi bạn tìm thấy những người nhận sẵn sàng cho những ý tưởng của bạn, bạn hãy chia sẻ chúng.

Chúng ta đang sống trong thế giới của vô vàn những hàng hóa và dịch vụ sản xuất hàng loạt, nhưng chúng ta có cách chọn những thứ chúng ta yêu thích. Inbound marketing là vấn đề kết nối với người khác, gắn kết họ với những sở thích chung về thương hiệu yêu thích của họ.("Inbound marketing is a matter of making connections with others, uniting them behind their common interests in their favorite brands.") Chúng ta có thể làm việc đó.
"Tôi không nghĩ rằng loài người chúng ta tốt trong việc theo dõi các hướng dẫn. Tôi nghĩ điều chúng ta làm tốt là kết nối. Chúng ta tốt hơn bất cứ loài nào khác, có thể ngoại trừ loài ong, trong việc kết nối. Chúng ta đang từ bỏ nền kinh tế công nghiệp và đi vào nền kinh tế kết nối."

Kết nối và dẫn đầu

Tiếp thị không phải là bỏ bom người khác với các cuộc gọi và thư điện tử cho đến khi họ chịu đầu hàng và mua sản phẩm của bạn. Thực tế, chiến lược này hiếm khi hiệu quả. Một cách tốt hơn, khỏe hơn để nhìn vào inbound marketing là điều này - tại cốt lõi, đó là vấn đề chia sẻ ý tưởng. Bất cứ ai cũng có thể chia sẻ ý tưởng, dù họ là tác giả bán chạy nhất hay chỉ là một khuôn mặt trong đám đông.
"Trong đại hội này, các bạn sẽ học hỏi từ nhau nhiều hơn học từ những người trên sân khấu này," Godin nói "Khi chúng ta tạo ra môi trường để kết nối, chúng ta tạo ra giá trị khổng lồ bằng việc tạo ra các mạng lưới muốn dành sự chú ý cho nhau."
Godin chú ý rằng: Vẻ đẹp của inbound marketing là khả năng mang mọi người đến gần nhau hơn. Và khi bạn làm điều đó, bạn tự nhiên nổi lên là người lãnh đạo trong lĩnh vực của bạn.
"The Beatles không phát minh ra giới trẻ," ông nói. "Họ chỉ xuất hiện để dẫn dắt chúng."


VietInbound Việt hóa từ: CoxBLUE.
__

Đã giữ một giọng nghiêm túc nhất có thể (mấy bài vừa rồi đọc lại nhí nhố quá).
Cảm thấy khó chịu >_<

28 tháng 7, 2013

SEO Copywriting cho năm 2013 - 10 điều cần nhớ [Infographic]

10 cách viết nội dung #SEO #copywriting để cải thiện thứ hạng và hiệu quả

Một trong những hoạt động không bao giờ mất đi tầm quan trọng trong Inbound MarketingSEO và viết nội dung chuẩn SEO.


Khái niệm inbound marketing của năm 2013 có sự thay đổi rất nhiều so với trước kia, và SEO 2013 cũng không ngoại lệ. Nếu bạn hay ai đó vẫn tập trung nỗ lực SEO từ khóa hot để lên top mà không chú ý đến các yếu tố khác, bạn đang lãng phí một cách vô ích.
Bạn có thể phản pháo: "Này này, cái info kia nó ghi là xếp hạng nhé."
Thì tôi sẽ nói rằng: xếp hạng không nhất thiết là đứng top. OK?


Hãy dừng lại một chút những gì bạn đang làm, và đọc nhanh qua 10 điểm quan trọng của xu hướng SEO đến thời điểm này. Bạn có thể tham khảo thêm bài mà VietInbound mới đăng tuần trước về Inbound Marketing phương pháp mới 2013 để có cái nhìn rõ nét hơn về vị trí của SEO trong bức tranh chung đó. Với hiểu biết một cách tổng quan về Inbound Marketing, bạn và công ty bạn sẽ có những phương án điều chỉnh ngân sách marketing một cách hợp lý.

Luôn ghi nhớ rằng SEO chỉ là một lựa chọn. Bạn có thể lên hạng một cách tự nhiên mà không cần SEO. Nhưng một khi bạn đã muốn làm SEO thì hãy tư duy SEO cho đúng.

SEO là gì? Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Search Engine Optimization?
Hãy nghĩ lại nhé. SEO ~ Search Experience Optimization - Tối ưu hóa trải nghiệm tìm kiếm.

Đừng quên chia sẻ bài viết và infographic này cho bạn bè và những người đã và đang quan tâm đến SEO nhé.



10 điều cần nhớ với SEO copywriting 2013

10 ĐIỀU CẦN NHỚ ĐỐI VỚI SEO COPYWRITING 2013

  1. Viết cho người đọc - nhưng không quên tối ưu cho máy tìm kiếm
  2. Quên đi mật độ từ khóa - mỗi từ khóa chỉ cần dùng 1 lần là đủ
  3. Sử dụng những từ khóa liên quan, từ đồng nghĩa và đa dạng về ngữ pháp
  4. Dùng dấu ngã (~) trên Google để tìm các từ khóa liên quan
  5. Viết nội dung dài, sâu sắc và chất lượng
  6. Tận dụng cái đuôi dài
  7. Phát hiện và trả lời các câu hỏi của khách hàng tiềm năng
  8. Để nội dung được chú ý và chia sẻ
  9. Tham gia Google+ 
  10. Thẻ tiêu đề và trích dẫn là vua.
Điểm danh 10 lưu ý trên, theo bạn những lưu ý nào quan trọng nhất?

Trước hết, mật độ từ khóa là yếu tố đã lỗi thời và xưa như trái đất. Bạn hãy quên đi việc nhồi nhét từ khóa. Nếu đưa từ khóa giống nhau quá nhiều trong một bài viết, bạn sẽ mất cơ hội cho những từ khóa liên quan và các từ đồng nghĩa, và tồi tệ hơn, Google có thể coi đó là một dạng spam và đánh phạt rất nặng.

Nội dung hãy đủ dài và chất lượng. Theo thống kê cho thấy hầu hết những nội dung xuất hiện ở trang đầu kết quả tìm kiếm của Google có hơn 2000 từ. Những bài viết dài có xu hướng được chia sẻ nhiều hơn những bài ngắn.
-- Hik, bài viết này sẽ được bao nhiêu từ không biết. >_<

Hãy dự đoán và trả lời những câu hỏi mà khách hàng có thể quan tâm. Nếu khách hàng tiềm năng có câu hỏi về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, họ sẽ có thể gõ nguyên câu hỏi đó vào ô tìm kiếm. Hãy viết nội dung trả lời câu hỏi đó để thu hút người tìm truy cập vào website. Và nếu câu trả lời của bạn thỏa mãn hơn những câu hỏi của đối thủ cạnh tranh, người đó sẽ có thể quyết định mua hàng của bạn.

Tạo điều kiện để đưa nội dung đi xa. Hãy làm sao để nội dung của bạn được chia sẻ trên các blog, diễn đàn, mạng xã hội, trên website của những người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực. Google sẽ đánh giá đó là một điểm cộng về sự phù hợp và phổ biến nội dung.


Tham khảo nguyên bản tiếng Anh tại đây: http://pinterest.com/pin/411375747183494781/

Để kết thúc bài viết này, tôi muốn tặng các bạn một hình vẽ rất thú vị cũng về SEO mà tôi mới bắt gặp sáng nay trên Facebook của sư phụ Tuấn Hà về dự báo SEO 2013.

Để phân tích hình vẽ này một cách cặn kẽ cũng mất khá nhiều thời gian, VietInbound cứ đăng trước để các bạn có những thay đổi trong chiến lược SEO sắp tới.


Chúc các bạn may mắn.

"Sharing is caring" - đừng quên chia sẻ, hãy tận dụng mọi nút like, share, pin có thể! Cảm ơn các bạn! ;)

19 tháng 7, 2013

Inbound marketing là gì?

Lời nói đầu:
Cho đến thời điểm này, có thể nhiều người đã quen thuộc với khái niệm "Inbound Marketing" và đã tính đến một chiến lược inbound marketing cho công ty bạn: SEO, content, social, v.v. Rất tốt!
Nhưng mà gượm đã, bạn có biết trong khi bạn đang rục rịch chuẩn bị cho chiến lược của công ty thì inbound marketing đã không còn như suy nghĩ của bạn? Hiển nhiên thôi, cũng như các khái niệm "marketing", "SEO", ... qua từng thời kỳ, nội hàm của từng khái niệm có sự biến đổi từng ngày, từng giờ.
Inbound marketing là gì? Trước kia tôi vẫn trả lời rằng "À thì Được tìm thấy, Chuyển đổi và Phân tích" - nhưng giờ thì câu trả lời đó không thật sự phù hợp. Dĩ nhiên thì nếu vẫn khăng khăng 3 vòng như trên thì bạn vẫn làm được marketing, chẳng sao cả. Tuy nhiên nếu áp dụng cách tư duy mới thì sao? Tôi chưa biết được, chắc là Hubspot nỗ lực như thế chỉ nhằm mục đích cải tiến chứ chẳng "cải lùi" đâu nhỉ (võ đoán! LOL!).

Thời điểm này khi quyết định dịch bài này, trong khi đã biết về mô hình mới qua Báo cáo Thực trạng Inbound Marketing 2013 từ mấy tháng trước, tôi đã thấy mình chậm chân rất nhiều.
Dù sao muộn cũng còn hơn không. Hi vọng bài viết sẽ gợi mở cho các marketer cách thức mới để làm marketing tốt hơn trong năm nay.

Bài này không có gì nguy hiểm, chỉ là dịch lại nguyên văn trên website Hubspot thôi! Mong nhận được sự góp ý và trao đổi của các bạn đọc.

Bạn nào có nhu cầu copy bài viết thì nhớ trích nguồn VietInbound , ngộ nhỡ có bị nhận gạch đá thì còn có người tình nguyện nhận thay các bạn! B-)
________________________________

Phương pháp Inbound Marketing
Cách tốt nhất biến người lạ thành khách hàng và những người  ủng hộ doanh nghiệp của bạn.

 

Phương pháp đã được minh chứng cho thời đại số

Từ 2006, inbound marketing đã và đang trở thành phương pháp marketing hiệu quả nhất để kinh doanh trực tuyến. Thay vì các phương pháp outbound marketing cũ như mua quảng cáo, mua danh sách email, và ngồi chờ đoại leads, inbound marketing tập trung vào việc tạo ra nội dung chất lượng và kéo mọi người đến với công ty và sản phẩm của bạn một cách tự nhiên như họ muốn. Bằng cách đăng tải nội dung phù hợp với mối quan tâm của khách hàng, bạn sẽ tự động thu hút lượt truy cập vào website để sau đó bạn có thể liên tục chuyển đổi, chốt, và làm vui thích.

Giải thích biểu đồ

Dọc theo hàng trên cùng  là 4 hoạt động marketing (Attract - Thu hút, Convert - Chuyển đổi, Close - Chốt, Delight - Làm vui thích)  mà những người làm inbound marketing cần thực hiện để có được khách ghé thăm website, leads và khách hàng.

Dọc theo hàng dưới cùng là những công cụ mà các marketer sử dụng để hoàn thành những hoạt động trên. (Các công cụ được liệt kê tại hoạt động marketing khi chúng tham gia lần đầu, nhưng đó không phải là lúc duy nhất có thể áp dụng chúng. Có rất nhiều công cụ, ví dụ email, có thể cần thiết trong nhiều giai đoạn của phương pháp này.)

Inbound Marketing là gì?

Chia sẻ là quan tâm và inbound marketing là về việc tạo ra và chia sẻ nội dung với thế giới. Bằng cách tạo ra nội dung đặc biệt thiết kế để hấp dẫn những khách hàng mơ ước của bạn, inbound marketing thu hút những khách hàng tiềm năng đến với doanh nghiệp của bạn và giữ chân họ quay trở lại nhiều hơn.
Các chủ đề lớn:
  • Tạo nội dung - Bạn tạo ra những nội dung mục tiêu có thể trả lời những câu hỏi và nhu cầu cơ bản nhất của khách hàng, và bạn chia sẻ nội dung rộng khắp.
  • Marketing theo vòng đời - Bạn nhận ra rằng mọi người đi qua các giai đoạn khi tương tác với công ty bạn, và mỗi giai đoạn cần những hoạt động marketing khác nhau.
  • Sự cá nhân hóa - Qua thời gian khi bạn hiểu hơn về lead của bạn, bạn có thể cá nhân hóa tốt hơn các thông điệp nhằm đáp ứng nhu cầu đặc biệt của họ.
  • Đa kênh -  Inbound marketing bản chất là đa kênh vì nó tiếp cận mọi người bất cứ nơi đâu, trong những kênh mà họ muốn tương tác với bạn.
  • Tích hợp - Những công cụ xuất bản và phân tích của bạn làm việc cùng nhau như một cỗ máy hoạt động trơn tru, cho phép bạn tập trung vào việc xuất bản đúng nội dung vào đúng nơi chốn tại đúng thời điểm.

  Làm tiếp thị theo cách mọi người yêu thích

Bằng việc xuất bản đúng nội dung vào đúng nơi chốn tại đúng thời điểm, hoạt động marketing của bạn phù hợp và hữu ích hơn với khách hàng. Có như vậy, mọi người mới có thể yêu bạn.






Bốn hoạt động marketing

Thu hút

Chúng ta không chỉ muốn có lượt truy cập đến website, chúng ta muốn đúng lượt truy cập. Chúng ta muốn người có triển vọng thành khách hàng tiềm năng, và cuối cùng thành khách hàng vui vẻ của chúng ta. Ai mới là người "đúng"? Những khách hàng lý tưởng tức là những buyer personas của chúng ta. Họ là những con người lý tưởng, hình mẫu khách hàng mà bạn thực sự muốn, từ trong ra ngoài. Diện mạo người mua bao gồm những mục đích, thách thức, điểm nhức nhối, những trở ngại chung đối với các sản phẩm và dịch vụ, cũng như các thông tin về cá nhân và nhân khẩu học chung trong tất cả những người thuộc đối tượng khách hàng cụ thể đó. Toàn bộ doanh nghiệp của bạn được xây dựng để cho những người như vậy.
Một vài công cụ quan trọng để thu hút đúng người dùng đến với website của bạn là:

  • Blogging- Inbound marketing bắt đầu với blog. Một blog là cách tốt nhất để thu hút khách thăm tới website của bạn. Để được đúng khách hàng tiềm năng tìm thấy, bạn phải tạo nội dung giáo dục để nói chuyện với họ và trả lời những câu hỏi của họ.
  • Social Media- Bạn phải chia sẻ nội dung tốt và thông tin giá trị lên các trang web mạng xã hội, gắn kết với những khách hàng tiềm năng, và đặt một khuôn mặt người vào thương hiệu của bạn. Hãy ưu tiên tương tác trên các mạng lưới nơi các khách hàng lý tưởng của bạn dành nhiều thời gian nhất.
  • Các từ khóa- Khách hàng của bạn khi bắt đầu quá trình mua sắm trực tuyến thường bắt đầu bằng việc sử dụng một máy tìm kiếm để tìm thứ gì đó liên quan tới những câu hỏi của họ. Vì thế, bạn hãy chắc chắn bạn sẽ xuất hiện kịp thời ngay khi họ tìm. Để được điều đó, bạn phải cẩn trọng, phân tích kỹ lưỡng để chọn từ khóa, tối ưu hóa các trang web, tạo nội dung và xây dựng các liên kết xung quanh những thuật ngữ mà khách hàng lý tưởng của bạn đang tìm kiếm.
  • Các trang web- Bạn phải tối ưu hóa website để hấp dẫn và gần gũi với những khách hàng lý tưởng của bạn. Biến website thành một ngọn đèn hiệu chứa nội dung có ích để kéo những người lạ tới ghé thăm những trang web của bạn.

Chuyển đổi

Khi đã có khách ghé thăm website, bước tiếp theo là chuyển đổi những khách đó thành leads bằng cách thu thập thông tin liên lạc của họ. Ít nhất là bạn cần địa chỉ email của họ. Thông tin liên lạc là đơn vị tiền tệ giá trị nhất đối với một online marketer. Để khách của bạn cung cấp cho bạn món tiền đó một cách tự nguyện, vui vẻ, bạn cần đổi lại bằng việc mời chào một thứ giá trị. Sự "thanh toán" đó có thể bằng hình thức nội dung như sách điện tử, sách trắng, hoặc mẹo vặt ... bất cứ thông tin nào có thể thú vị và giá trị cho từng persona của bạn.

Các công cụ quan trọng nhất trong việc chuyển đổi khách thành leads gồm:
  • Calls-to-Action- Kêu gọi hành động là những nút hoặc đường dẫn khuyến khích khách thực hiện một hành động, như "Tải sách về" hoặc "Tham gia hội thảo". Nếu bạn không đủ CTA, hoặc CTA của bạn không đủ hấp dẫn, bạn sẽ không tạo được bất cứ lead nào.
  • Landing Pages-Khi khách ghé thăm website click vào một CTA, họ được đưa tới một trang đích. Một trang đích là nơi mà họ được đáp ứng món offer ở CTA, và đó là nơi những khách hàng tiềm năng gửi thông tin để đội bán hàng có thể sử dụng để bắt đầu cuộc hội thoại với họ. Khi khách ghé thăm website điền hết thông tin trên trang đích, lúc này họ đã trở thành các leads.
  • Forms- Để khách ghé thăm trở thành leads, họ phải điền hết biểu mẫu và gửi thông tin của họ. Bạn cần tối ưu hóa biểu mẫu của bạn để giúp quá trình chuyển đổi dễ dàng nhất có thể.
  • Contacts- Theo dõi các lead bạn đang chuyển đổi trong một cơ sở dữ liệu marketing tập trung. Đặt tất cả dữ liệu vào một nơi sẽ giúp bạn hiểu rõ từng tương tác với các liên hệ của bạn - dù qua email, trang đích, qua truyền thông xã hội, hoặc khác - và làm sao để tối ưu hóa những tương tác trong tương lai để thu hút, chuyển đổi, chốt và làm vui lòng các diện mạo người mua của bạn một cách hiệu quả hơn.

Chốt

Bạn đang đi đúng đường. Bạn đã thu hút đúng khách ghé thăm và đã biến họ thành đúng lead, nhưng giờ bạn cần làm sao biến những leads đó thành khách hàng. Làm thế nào để bạn đạt được nhiêm vụ này hiệu quả nhất? Có những công cụ marketing nhất định để bạn sử dụng ở giai đoạn này để đảm bảo bạn đang chốt đúng leads vào đúng thời điểm.
Các công cụ chốt gồm:
  • Lead Scoring- Bạn đã có các liên hệ trong hệ thống, nhưng làm sao bạn biết người nào đã sẵn sàng để nói chuyện với đội bán hàng của bạn? Việc biểu diễn theo số học về mức độ sẵn sàng cho đội bán hàng (sales-readiness) của một lead sẽ giúp bạn đoán trước được quá trình.
  • Email- Bạn làm gì nếu một khách ghé thăm click vào CTA của bạn, điền vào trang đích, hoặc tải sách của bạn nhưng vẫn chưa sẵn sàng thành khách mua hàng cho bạn? Một loạt email tập trung vào nội dung hữu ích, phù hợp có thể xây dựng niềm tin với khách hàng tiềm năng và thúc đẩy họ sẵn sàng mua hàng.
  • Marketing Automation- Qúa trình tự động hóa marketing gồm việc tạo ra email marketing và lead nuturing thiết kế riêng cho nhu cầu và giai đoạn trong vòng đời của từng lead. Ví dụ, nếu một khách ghé thăm đã tải sách trắng về một chủ đề nhất định trong quá khứ, bạn có thể muốn gửi người này một loạt thư điện tử liên quan đến chủ đề đó. Nhưng nếu họ theo dõi bạn trên Twitter và đã ghé thăm những trang nhất định trên website của bạn, bạn có thể cần thay đổi việc gửi thông điệp để phản ánh những quan tâm khác biệt đó.
  • Closed-loop Reporting- Làm sao để bạn biết những hoạt động marketing nào mang lại những leads tốt nhất? Đội bán hàng của bạn đã hoàn thành việc chốt những leads đó thành khách hàng chưa? Việc tích hợp với hệ thống CRM (Quản trị quan hệ khách hàng) cho phép bạn phân tích làm thế nào để đội marketing và bán hàng làm việc cùng nhau tốt hơn.

Làm vui thích

(Tính dịch "Delight" thành từ "Tỏa sáng"/ hoặc "Nâng tầm", nhưng không từ điển nào dùng từ đó nên chưa dám xài :-s)
 Inbound marketing là tất cả việc mang nội dung tốt đến người dùng, dù họ là khách, là leads, hay là khách hàng hiện tại. Chỉ vì ai đó đã viết séc cho bạn không có nghĩa là bạn có thể quên họ luôn. Các inbound marketer vẫn tiếp tục gắn kết, và tỏa sáng, và (hi vọng là) có thể bán vượt cho cơ sở khách hàng hiện tại để họ trở thành những người ủng hộ hài lòng với công ty và sản phẩm mà họ yêu thích.
 Những công cụ sử dụng để làm khách hàng vui lòng gồm:
  • Smart Calls-to-Action- CTA thông minh giới thiệu những người dùng khác nhau với những lời chào mời (offer) khác nhau dựa theo diện mạo người mua và giai đoạn trong vòng đời.
  • Social Media- Việc sử dụng những nền tảng mạng xã hội khác nhau cho bạn cơ hội cung cấp dịch vụ khách hàng trên thời gian thực.
  • Email and Marketing Automation- Cung cấp cho khách hàng hiện tại với nội dung tốt có thể giúp họ đạt được mục tiêu của họ, cũng như giới thiệu các sản phẩm và tính năng mới mà họ có thể quan tâm.

Một phương pháp mới

Phương pháp Inbound marketing mới này đã bao quát từng bước cần thực hiện, những công cụ được sử dụng, và từng giai đoạn của vòng đời để đi từ người lạ đến khách hàng.Nó giúp các marketer thu hút khách, chuyển đổi lead, chốt khách hàng, và làm vui những người ủng hộ. Phương pháp này thừa nhận là inbound marketing không tự nhiên xuất hiện, bạn phải làm việc đó. Và bạn thực hiện bằng cách sử dụng các công cụ và ứng dụng giúp bạn tạo ra và mang lại nội dung hấp dẫn một cách chính xác tới đúng người (các diện mạo người mua của bạn) vào đúng nơi chốn ( các kênh) tại đúng thời điểm (các giai đoạn của vòng đời)
________________________________

Đọc xong đến cuối bài này rồi, bạn có cảm xúc gì? Muốn ném đá cái đứa vừa làm mất thời giờ vàng ngọc của bạn?
Về căn bản, phương pháp Inbound marketing mới chỉ là sự phát triển thêm từ phương pháp trước kia. Bạn vẫn cứ làm SEO, làm content, làm social như cách mà các bài giảng lý thuyết online marketing mà ban quen thuộc. Điểm mấu chốt theo ý kiến của tôi - chủ blog VietInbound là MỤC TIÊU CUỐI CÙNG: bạn không chỉ dừng lại ở việc khách hàng mua hàng của bạn mà còn phải làm sao để khách hàng trung thành với bạn, và trở thành người ủng hộ, luật sư tin cậy cho thương hiệu của bạn.

OK chứ?

Phù! Thế là sau bao ngày lười biếng, cuối cùng ta cũng đã tạm xong một bài quan trọng.
Thật lòng mà nói tôi kỳ vọng cao hơn với bài này, muốn đào sâu hơn, nghiên cứu kỹ hơn từng ý, từng thuật ngữ, muốn Việt hóa một cách kỹ lưỡng chứ không lôm côm thế này. Nhưng càng nghĩ lại càng thấy bí. Thôi cứ đăng, "không thành công cũng thành nhân" :-<

Nguồn: http://www.hubspot.com/inbound-marketing
(Truy cập này 19/7/2013, bằng giờ sang năm có khi lại khác ^^)

Cập nhật ngày 30/10/2014: may quá, phương pháp vẫn chưa có gì thay đổi, nhưng cách thức thì chắc chắn không giống như 1 năm trước đâu. Công nghệ cải tiến từng ngày mà.

30 tháng 4, 2013

Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh trong inbound marketing

Tất cả chúng ta đều biết marketing trực tuyến đang thay đổi. Khi tôi bắt đầu làm tiếp thị trực tuyến vài năm trước, tất cả đều vẫn nói về các liên kết, danh bạ và cách để có được văn bản mỏ neo chính xác từ khoá. Một số người làm SEO vẫn đang làm những trò đê tiện và thu lợi từ đó, nhưng hầu hết đều sụp đổ bắt đầu từ tháng 2/2011 khi thuật toán Panda lần đầu ra mắt, và sau đó sau 2 năm với cập nhật Panda, Penguin và EMD ảnh hưởng đến tất cả các website trên thế giới.


Tuần trước Rand nói về các thước đo SEO thay đổi, hôm nay tôi muốn nói về thay đổi mặt bằng phân tích đối thủ cạnh tranh khi nhiều người chuyển từ SEO đơn thuần sang inbound marketing. Vì inbound marketing bao gồm nhiều yếu tố khác ngoài SEO, nếu chúng ta muốn là những tư vấn inbound/online marketing, chúng ta không chỉ có sự thông thạo và hiểu biết về các vai trò khác nhau của một inbound marketer, nhưng khi chúng ta đi vào những lời khuyên thực tiễn cho khách hàng hoặc cho công ty của chúng ta chúng ta cần biết làm thế nào để phân tích những gì đối thủ đang làm trên toàn bộ không gian marketing, vừa để xác định sự thiếu xót trong chiến lược của họ mà bạn có thể khai thác cũng như để xem họ đang làm gì để bạn cũng có thể áp dụng cho công ty bạn.

Vì thế hôm nay tôi sẽ nói về một số khu vực chủ chốt của inbound marketing mà bạn nên điều tra bởi vì chúng có khả năng mang lại kết quả lớn nhất (tôi đang nói về Nguyên lý Pareto mà tôi được Dan Shure giới thiệu lại trong bài viết này trên site của anh ấy về cách áp dụng nó cho SEO).

Nhân tiện nếu bạn quan tâm hơn về chủ đề này, tôi sẽ tập trung mạnh trong bài trình diễn Searchlove sắp tới tại Boston. Tôi sẽ rất vui được thấy bạn tở đó! Giờ thì lặn nào.

 

Email marketing

Nếu bạn đã làm marketing một thời gian, bạn nên biết rằng email có thể mang lại hoàn vốn đầu tư rất lớn cho một khoản thiết lập rất nhỏ. Thực tế đó là ROI tốt thứ 2 cho rất nhiều doanh nghiệp, dựa theo  eConsultancy:
Sẽ thế nào nếu tôi bảo bạn rằng 39.16% tỉ lệ chuyển đổi trên website Distilled (chuyển đổi vi mô và vĩ mô, bao gồm DistilledU, các hội nghị và biểu mẫu sản sinh lead) có sự tham gia của email trong quá trình chuyển đổi? Sẽ ra sao nếu tôi nói với bạn rằng nó còn hơn cả hữu cơ hay xã hội? Đây là bằng chứng:
Nếu bạn đang không làm email marketing, bạn có thể nên làm. Nhưng điều gì hiệu quả nhất trong ngành của bạn? Thường chúng ta bị phân ra bởi sự đa dạng các lựa chọn mà chúng ta được giới thiệu và nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng hạn chế số lượng lựa chọn có thể dẫn đến quyết định tốt hơn và ít rủi ro hơn khi chúng ta đối mặt với vô vàn lựa chọn. Bằng việc thông minh hơn trong phân tích, chúng ta có thể giảm số lượng lựa chọn mà chúng ta phải tạo ra xung quanh email, như:
  • Tôi gửi mail vào thời gian nào?
  • Tôi nên gửi chúng với tần suất ra sao?
  • Tôi có nên đầu tư vào thiết kế?
  • Tôi nên bắt đầu với loại kêu gọi hành động như thế nào?

 

Lén theo dõi email của đối thủ

Nếu bạn quan tâm đến việc đầu tư cho email marketing, đầu tiên tôi gợi ý bạn nên đăng ký danh sách email của đối thủ cạnh tranh để bạn có thể nhận email bất cứ khi nào họ gửi chúng đến toàn bộ danh sách của họ. Bạn sẽ không thể học cách họ phân đoạn danh sách của họ, nhưng bạn sẽ biết được tần xuất, các dòng tiêu đề khiến bạn click và cách họ dụ bạn hành động. Stephen Pavlovich nói về việc này tại Searchlove New York năm 2011, anh ta khuyến khích bạn lưu các email của đối thủ vào Evernote với thẻ riêng biệt để bạn có thể quay lại và có ý tưởng cho các email của riêng bạn. Khi đây là một mẹo thú vị mà tất cả chúng ta cần làm, đó là bước 1 và chúng ta sẽ đi xa hơn. Tôi muốn nhặt các email mà đối thủ gửi và phân tích chúng trong một bảng tính Excel, chú ý tới:
  • Tên
  • Ngày email
  • Thời gian đến
  • Có thiết kế tuỳ biến không?
  • Kêu gọi hành động
  • Dòng tiêu đề
  • Tôi có click không?
  • Email đó có bị kích thích (ví dụ nó có bị tác động bởi điều gì tôi đã làm trên site của họ trước đó?)
Bảng phân tích của tôi trông như thế này. Hãy sử dụng tương tự:

Gần đây tôi thấy một biểu đồ trên MarketingCharts.com (một trong những site tôi ưa thích) nói về những sai lầm xung quanh email marketing theo Experian. Cách thiết lập phân tích của họ cũng có thể giúp được bạn:

 

Ném vào Wordle

Bây giờ chúng ta cần tìm những cách chung mà các đối thủ đang sử dụng khi họ gửi đi các email của họ. Cách tốt nhất  là để hình hoá chúng là sử dụng một trong những công cụ yêu thích nhất của tôi,Wordle. Khi tôi đặt vào các từ mà đối thủ đang sử dụng cho dòng tiêu đề của họ, tôi có được:

Protip 1:Để có kết quả tốt nhất, hãy sử dụng tập dữ liệu lớn nhất bạn có thể tìm được
Protip 2: Sử dụng kiến thức này để thông báo nội dung bạn nên làm bên ngoài blogging :-)

 

 

Sản xuất nội dung

Nội dung là phần rất lớn trong inbound marketing. Bạn biết, tôi biết và bất cứ ai đọc Moz cũng biết. Thế tại sao tôi nói điều này? Vì một khi bạn vượt qua kiến thức "nội dung là vua", bạn có thể thực sự dùng niềm tin này để tạo ra nội dung mà độc giả muốn. Khi có phân tích đối thủ cạnh tranh, bạn có thể chọn làm thủ công hoặc theo một cách tự động (nhưng thường ít chính xác hơn)

 

Thủ công

Sử dụng thông tin từ Wordle bên trên, tôi có thể chạy các truy vấn nâng cao trên Google để tìm ra các đối thủ của tôi đang nhắc đến các loại nội dung khác nhau được liệt kê đến mức nào. Ví dụ, nếu tôi thực hiện tìm kiếm [site:seogadget.com "webinar"] tôi thu được 14 kết quả:
Đó không phải quá nhiều, vì thế nếu tôi bắt đầu một marketing agency, hoặc có một cái tôi muốn xây dựng, đó có thể là lĩnh vực tôi nên điều tra thêm. Tại Distilled chúng tôi thực hiện các cuộc hội thảo vì a) chúng tôi có đội ngũ nội bộ muốn làm, b) chúng tôi nghĩ chúng tôi có thể chạy một buổi hội thảo tốt và c) vì chúng tôi thấy nhu cầu cho loại hội thảo chúng tôi có thể thực hiện.

 

Tự động hoá

Nếu bạn muốn tự động hoá việc này một chút, bạn có thể ít nhất tìm thấy số lần một đối thủ đã nhắc đến loại nội dung trên site của họ trong URL. Tôi lựa chọn sử dụng URL thay vì chỉ trên site vì người ta sẽ thường đặt những từ quan trọng trên URL. Chúng tôi không tìm thất cả những lần nhắc đến loại nội dung như "webinar" - thay vào đó chúng ta chỉ muốn những webinar họ thực hiện và xuất bản trên site của họ.

Vì thế những gì tôi đã làm là xây dựng một bảng tính cho bạn, một công cụ mạnh, sử dụng IMPORTXML để thu lại số kết quả một site có được cho loại nội dung đó. Nếu bạn đã làm tốt với việc cào trên Gdocs, bạn có thể tuỳ biến trang tính này để phù hợp với nhu cầu và loại nội dung của bạn.
Mở và tạo một phiên bản của bản tính tại đây.

 

Tiếng vang trong xã hội

Bạn theo dõi đối thủ trên Twitter, hoặc ít nhất có họ trong danh sách? Bạn không làm. Hãy làm đi. Tôi sẽ đợi.

*Huýt sáo*
Theo dõi các đối thủ trên truyền thông xã hội sẽ cho phép bạn thấy chiến lược của họ trên quảng bá xã hội nếu có. Trong khi việc này không có gì đột phá, đó không phải là điều mà nhiều người đã làm. Bạn có thể thấy tần xuất họ tweet nội dung của họ, nếu họ đang tweet về nội dung của người khác, và điều đó có thể thông báo với bạn loại nội dung họ đang tạo ra.

Vì bạn đã biết loại nội dung họ đang tạo ra, bạn có thể chỉ ra chiến lược quảng bá xã hội bên ngoài tài khoản của họ. Ai là các tweeterati của họ (tức là ai chia sẻ bài đăng của họ) ? Tốt hơn thế, ai là những người ảnh hưởng đã chia sẻ nội dung của họ? Khi bạn đã tìm ra, bạn có thể quyết định bạn có thể khiến chính những người đó quảng bá nội dung của bạn, và làm sao để lầm được, hoặc nếu bạn chỉ cần tìm người mới liên kết với (sử dụng công cụ như FollowerWonk). May mắn cho bạn, Topsy cho phép bạn tìm người ảnh hưởng chia sẻ một URL nhất định. Sau khi bạn nhập một URL với các "Tweets" đã chọn trên Topsy, bạn có thể chọn "Show Influential Only" như dưới đây:
Thực hiện việc này đã tốt, nhưng nếu bạn muốn làm nhanh hơn, tôi xây dựng một bảng tính cho bạn để bạn lấy một URL và nó xây dựng Topsy URL cho bạn, sau đó lọc ra những người ảnh hưởng. Một lần nữa, ném vào Wordle, hoặc Tagxedo để xem ai là những người ảnh hưởng.
Tạo một phiên bản cho bản tính tại đây.

Nguồn: http://www.seomoz.org/blog/competitor-research-in-an-inbound-marketing-world
Competitor Research In An Inbound Marketing World
April 29th, 2013 - Đăng bởi dohertyjf trong  Competitive Research

31 tháng 1, 2013

Sự điên rồ của inbound marketing


Mới sáng ngày ra đã đọc một bài giật tít, không thể không đọc xem họ nói về cái gì?
----------------------------------

The Folly of Inbound Marketing

Bởi: Dan McDade là chủ tịch và CEO của công ty phát triển tiềm năng PointClear ; tác giả cuốn “The Truth About Leads” (Onsei, 2011). 

Xuất bản lần đầu vào năm 1841,  cuốn Extraordinary Popular Delusions and the Madness of Crowds là toàn bộ lịch sử của sự điên rồ bởi nhà báo người Scotland Charles Mackay. Cuốn sách ghi chép (chronicle) những gì Mackay gọi là "Sự lừa gạt toàn quốc", "Sự điên rồ kỳ dị" và "sự lừa gạt đầy triết lý". Mặc dù phong cách có vẻ giật gân, cuốn sách đã nhận được sự hậu thuẫn về học thuật như một công trình quan trọng trong lịch sử về tâm lý xã hội và tâm thần học (social psychology and psychopathology).

Các chủ đề trong cuốn sách bao gồm những bong bóng kinh tế,  các cuộc vận động (crusade), những cuộc truy lùng phù thuỷ (witch-hunts), và ảnh hưởng của kiểu tóc và kiểu râu lên chính trị và tôn giáo trong nhiều thời điểm khác nhau.
Các tác giả kinh tế ngày nay, gồm Andrew Tobias , tán dương 3 chương về những bong bóng kinh tế.
Những đám đông điên loạn phải chịu trách nhiệm cho "hội chứng hoa tuy líp"những kỷ nguyên của "dot-bomb".  Các cá nhân cho rằng các nhà lãnh đạo không còn chính xác hơn đám đông trong việc dự báo tương lai:
" Tôi nghĩ có một thị trường thế giới cho 5 chiếc máy tính" (“I think there is a world market for maybe five computers.”)
(Thomas Watson, chairman of IBM, 1943)
"Không có lý do nào khiến ai đó muốn có một chiếc máy tính trong nhà" (“There is no reason anyone would want a computer in their home.”)
(Ken Olson, president, chairman and founder of Digital Equipment Corp., 1977)
"640K sẽ đủ cho bất kỳ ai"(“640K ought to be enough for anybody.”)
(Bill Gates, 1981)
"100 triệu USD là quá lớn so với giá trị của Microsoft" (“$100 million dollars is way too much to pay for Microsoft.”)
(IBM, 1982)
Ngày nay, sự điên rồ và lừa gạt đáng nói còn khủng khiếp hơn năm 1841. Nhưng trong bài bái ngắn ngày, chúng ta chỉ có thời gian nói về một vấn đề: inbound vs. outbound marketing. (đã giật tít lại còn vào đề dài dòng!)
Kinh nghiệm của chúng tôi là nhiều công ty đã giết con ngỗng vàng bằng cách tập trung quá nhiều thời gian và tiền bạc vào các chiến dịch inbound marketing và không còn đủ thời gian tiền bạc cho các chiến dịch outbound marketing và nurture.
Trước khi chúng ta đào xâu hơn, hãy kiểm tra những thống kế từ gần 150.000 completed company dispositions (hiểu tạm là tỉ lệ phân chia vốn sử dụng của công ty - chưa tìm được từ tiếng Việt) của Pointclear đại diện cho các khách hàng từ 2010-2012 (tháng 1- tháng 6):

Đáng chú ý là ngoại trừ tỉ lệ inbound lead năm 2010, tỉ lệ lead và qualified cho inbound và outbound tương đối gần gũi từ 2010 đến 2012. (Trong năm 2010, một trong những khách hàng của chúng tôi dẫn một con số đáng kể những yêu cầu inbound - tăng đến 40% trong completed dispositions từ các nguồn inbound khi so sánh 22% và 11% trong năm 2011 và 2012.)

Cuối cùng, tỉ lệ lead là vô nghĩ nếu bạn không chuyển đổi những tỉ lệ đó sang tỉ lệ lead chất lượng mua hàng:

Hầu hết các marketer phàn nàn rằng các NV bán hàng không theo dõi lead và không cung cấp phản hồi cụ thể. NVBH thì nói về marketing lead: "The leads stink" Marketing được đo dựa trên số lead và chi phí trên lead. Sales đo lường dựa trên doanh số. Khách hàng #1 từ chối việc dừng lead từ tổng hợp nội dung (content aggregator) vì 2/3 số lead họ tạo được từ nguồn này. NV BH trong công ty này từ chối tất cả các lead từ marketing vì họ không có ý định lục lọi trong số 3117 lead thô để tìm ra 40 lead thực tế.
Một thử thách khác với inbound lead là họ có xu hướng dẫn đến những thương vụ nhỏ hơn với cấp độ ra quyết định thấp hơn khi so sánh với các chương trình nuôi dưỡng và chất lượng outbound lead trúng đích và tích cực bởi nhiều lãnh đạo cấp cao không có xu hướng thể hiện ngôn ngữ cơ thể số (digital body language) việc cần thiết để phân loại các cơ hội từ inbound marketing - bỏ lỡ những thương vụ tốt nhất, chiến lược nhất và sinh lời nhất - các công ty "khôn ngoan" sẽ không ngồi chờ đợi khách hàng tiềm năng tìm đến họ.

 Đừng chỉ so sánh tỉ lệ lead và qualified của công ty bạn với kinh nghiệm của PointClear. Hãy đo lường số lượng lead chất lượng thực, nạp đầy đủ, dựa theo chi phí trên sales và đo lường trên một khoảng thời gian. Trong cuốn sách "The Truth About Leads", tôi đặt câu hỏi, “Nên mất bao nhiêu tiền để có một lead?" Câu trả lời là, có thể nhiều hơn bạn nghĩ, nhưng sẽ có thể ít hơn rất nhiều so với lượng bạn đang trả.
Nguồn: MarketingProfs

 ---------------

Dịch phần bình luận:

  1. Tôi đồng ý với anh rằng cần nuôi dưỡng các inbound lead tốt hơn, nhưng tôi nghĩ anh dùng inbound còn hạn chế. Inbound nên được dùng để hiểu quyền lợi của một tổ chức, giáo dục, tạo dựng niềm tin, nuôi dưỡng và sau đó bắt đầu quá trình bán hàng.
    Lead không đóng kín một cách điển hình vì chỉ riêng marketing (đặc biệt ở những điểm giá lớn hơn) và một quá trình bán hàng sẽ luôn cần thiết. Qúa nhiều công ty sai lầm khi nghĩ vì họ có chương trình inbound marketing, doanh số sẽ tự động tăng lên, nhưng phải có một quá trình bán hàng đẩy mạnh chương trình marketing.
    Tôi còn muốn xem dữ liệu đằng sau khẳng định "inbound lead dẫn đến những thương vụ nhỏ hơn".
  2.  Steve Sheinkopf says:
    Quan điểm thú vị. Content marketing dẫn đến những mạng lưới rộng hơn và kém chất hơn. Tuy nhiên, anh không định writing checks blasting away on radio/TV cho một thiểu số người có thể mua ... thì sẽ không trả cho tất cả khán giả.
    Nội dung tốt còn giúp những người mua, vì anh đang chứng tỏ kiến thức chuyên môn. Nó có sự trường tồn, không giống quảng cáo, và tôi đã nhắc đến chi phí chưa nhỉ?
    Chúng tôi đã rất thành công với inbound trong sự liên kết với email,Pinterest, Facebook và PPC có mục tiêu. Cùng với đó, chúng tôi đã triển khai khoản tiết kiệm cho các phòng ban khác như dịch vụ khách hàng ... nội dung nếu được tiến hành hợp lý có thể giúp bất kì tổ chức nào.
  3. John McTigue says:
  4.  Carlos Hidalgo says:
    Dan:
    Câu hỏi về inbound vs outbound về cốt lõi là khập khiễn. Điều mà các marketer nên nghĩ là làm sao để tích hợp tốt nhất inbound và outbound trong suốt quá trình mua hàng của người mua.
    Nếu các marketer chỉ tập trung vào inbound hay outbound, việc marketing của họ sẽ là chiến thuật hơn là chiến lược - vấn đề mà nhiều marketer gặp và do đó đã có những tác động về doanh số lên việc kinh doanh của họ.
    Cuộc trao đổi không nên tập trung vào chiến thuật, mà nên làm cách nào để chiến thuật phù hợp chiến lược, đó là xây dựng dựa trên buyer insights.

  5.  Mike Volpe (@mvolpe) says: (CMO của Hubspot ra tay thì ...)
    Dan - Tiêu đề thông minh và bài blog rất câu comment ... anh nên hiểu inbound marketing rất giá trị. Nếu không anh sẽ chỉ cold call tôi (không thành công, vì đó hoàn toàn không thể cold call tôi và không nhận thư thoại)
    Một vài bình luận:
    1) Inbound là về sự cho phép. Nó không có nghĩa là anh không bao giờ email hay gọi điện cho ai. Nó có nghĩa là anh thu hút họ trước và được phép của họ trước khi email và gọi điện, thay vì gây phiền cho họ bằng spam và cold calling. Inbound marketing gồm cả nuôi dưỡng. Inbound marketing bao gồm cả chất lượng. Nó không bao gồm gọi điện và email người không bao giờ nghe về bạn ... đó là spam outbound.
    2) Anh viết rằng "Marketing được đo dựa trên số lead và chi phí trên lead. Sales đo lường dựa trên doanh số." Bất cứ công ty nào bán hàng và marketing theo cách đó là sai. Chúng tôi đo lượng marketing dựa trên lượng tạo ra trong ống dẫn và chi phí trên mỗi khách hàng mới, và tất cả mọi người nên như vậy.3) Anh còn viết rằng " Một thử thách khác với inbound lead là họ có xu hướng dẫn đến những thương vụ nhỏ hơn với cấp độ ra quyết định thấp hơn khi so sánh với các chương trình nuôi dưỡng và chất lượng outbound lead trúng đích và tích cực" Tôi không thể phản đối hơn. Chúng tôi thu hút 500 khách hàng của Fortune thông qua inbound marketing và tôi cá là tôi có lead từ 80% của F500 trong CSDL opt-in inbound của tôi. Thực tế là 100% khách hàng và khách hàng doanh nghiệp lớn nhất của chúng tôi đến từ inbound marketing.
    Tổng kết là, nhìn vào chi phí trên lead và chi phí trên cơ hội là vô nghĩa, anh muốn nhìn vào chi phí trên khách hàng và đặc biệt chi phí trên khách hàng mới khi so sánh với giá trị vòng đời của khách hàng đó. và đừng quên rằng cho mỗi khách hàng anh có thông qua cold calling có 99 khách hàng khác loại đã tức giận vì bạn đã cold call họ.
    PS: Alexandra - bình luận tốt. Tôi đồng ý!

  6.  Dan McDade says:
    Cuối cùng, với quan điểm về chúng tôi có 99 khách hàng tiềm năng "tức giận" trong 100 bằng việc cold call - đó thật sự ngây thơ.
    Cảm ơn một lần nữa vì lời bình.
  7. Camilla Levinsen says:
    Tôi hoàn toàn đồng ý với Alexandra và Mike. Để làm dịu cuộc hội thoại, tôi làm rõ sự phân biệt giữa khi marketing tạo những phản hồi và khi chúng ta tạo lead. Tôi tin vào hướng tiếp cận đầy đủ của việc truyền thông do trả phí, do kiếm được và tự  sở hữu.

 

  -----------------

Thấy quan điểm của chú Dan này cũng giống như hôm trước anh Tuấn Hà nói: là không thể ngồi chờ khách tự đến bằng inbound mà phải outbound trước, sử dụng truyền thông, PR, sức mạnh báo chí, ... trước để xây dựng thương hiệu, để khách hàng quen thuộc thì mới mong họ chủ động tìm đến mình trong vô vàn nhà cung cấp.

Liệu có phải tư tưởng đang dao động? :-ss Đồng ý với quan điểm cần kết hợp, hoặc đối với từng lĩnh vực, từng giai đoạn, có thể sẽ kết hợp inbound và outbound khác nhau. Việc so sánh giữa inbound và outbound khập khiễng.

Cuộc tranh luận vẫn còn chưa dừng lại.

:D