8 tháng 3, 2014

17 suy nghĩ sai lầm cần tránh về SEO trong năm 2014


17 SEO MYTHS 2014
Hôm trước tôi nhận được thư của Hubspot giới thiệu về cuốn ebook mới "17 SEO MYTHS YOU SHOULD LEAVE BEHIND IN 2014", kế hoạch là khoe luôn, cuối cùng thì hôm nay mới khoe được.

Chắc hẳn mọi người đều đồng ý rằng SEO mấy năm nay thay đổi rất nhiều, từ Gấu trúc, rồi Cánh cụt, cuối năm vừa rồi thì Chim ruồi, khiến nhiều người làm SEO phải điều đứng và cũng phải tìm cách thay đổi cách làm SEO của mình. Ấy vậy mà có đến16/17 suy nghĩ sai lầm được nhắc lại sau 1 năm - là những điểm mà các SEOer, marketer, trong đó có tôi vẫn còn vướng phải.Thế có đáng để Vietinbound dành 1 bài viết (dài) để điểm lại, phân tích các sai lầm đó hay không?

Hờ, có quá ấy chứ!

17 suy nghĩ sai lầm cần tránh về SEO trong năm 2014

Di chuyển nhanh đến phần bạn muốn đọc:
Sai lầm 1: Phải gửi website lên Google
Sai lầm 2: Xếp hạng là mục tiêu tối thượng của SEO
Sai lầm 3: SEO là việc tôi có thể phó mặc cho bên IT
Sai lầm 4: Có nhiều liên kết sẽ tốt hơn có nhiều nội dung
Sai lầm 5: Meta description có tác động lớn đến thứ hạng tìm kiếm
Sai lầm 6: Truyền thông xã hội và SEO không liên quan gì cả
Sai lầm 7: SEO trên trang là tất cả những gì tôi cần để xếp hạng
Sai lầm 8: Từ khóa cần chính xác
Sai lầm 9: Có một mật độ từ khóa lý tưởng cho trang web của tôi
Sai lầm 10: H1 là yếu tố trên trang quan trọng nhất
Sai lầm 11: Trang chủ cần rất nhiều nội dung
Sai lầm 12: Càng có nhiều trang càng tốt
Sai lầm 13: Đối với SEO địa phương, tôi chỉ cần liệt kê địa chỉ thành phố, bang, và/hoặc quốc gia của công ty lên các trang web của tôi
Sai lầm 14: Các trang vệ tinh và các tên miền khác mà tôi sở hữu có liên kết hay chuyển hướng sang website của tôi sẽ hỗ trợ được SEO
Sai lầm 15: Google sẽ không bao giờ biết nếu tôi có các trang web xấu trỏ tới trang web của tôi
Sai lầm 16: SEO không chịu trách nhiệm về vấn đề hữu dụng
Sai lầm 17: SEO và inbound marketing không liên quan

Sai lầm 1: Phải gửi website lên Google

Ngày trước nhiều người (cả tôi nữa) nghĩ rằng gửi (submit) website lên Google sẽ được lập chỉ mục (index) nhanh hơn, và cũng sẽ nhanh xuất hiện trên kết quả tìm kiếm hơn.

Thật ra, dù là website mới coóng, dù bạn không gửi thông tin về URL website lên Google, thì cỗ máy vẫn có thể tìm thấy site của bạn.
Submit website lên Google đã trở thành một thủ thuật không cần thiết


Ý kiến chuyên gia: 
Không những bạn không cần gửi trang web của bạn lên Google, mà bạn còn phải để ý đến những gì  bạn muốn chặn không cho Google thu thập dữ liệu thông qua tệp robots.txt. Các thư mục và trang nhất định như các kết quả tìm kiếm nội bộ, cần luôn luôn giữ tránh xa bộ lập chỉ mục của Google để nội dung thật sự của bạn chiếm được vị trí tiên phong.
Jeff Ferguson  - CEO, Fang Digital Marketing
@FangDigital

Sai lầm 2: Xếp hạng là mục tiêu tối thượng của SEO

Trong khi có sự liên hệ sâu sắc giữa thứ hạng tìm kiếm và tỉ lệ nhấp chuột, việc xếp thứ hạng cao không còn là mục tiêu cuối cùng tối thượng như trước nữa.

Các nghiên cứu về tỉ lệ nhấp chuột và hành vi người dùng đã chỉ ra rằng những người tìm kiếm thích những kết quả trên cùng - nhất là danh sách top 3. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy hành động nhấp chuột cũng xảy ra tương tự đối với các kết quả được liệt kê trên đầu trang đối với các trang kết quả tiếp theo. Và hiện nay với các kết quả được gắn với các rich text/snippets và các thẻ tác giả, kết quả dù xuất hiện dưới top 3 vẫn có thể có tỉ lệ nhấp chuột cao hơn.

Thậm chí từ trước khi mấy thứ kia được ứng dụng thì các thứ hạng cao vẫn không thể đảm bảo thành công. Về lý thuyết, bạn có thể xếp hạng cao cho một từ khóa, thu về rất nhiều lượt truy cập nhưng lại chẳng thu được một hào nào từ đó. Đó có phải là điều bạn thật sự mong muốn? Tôi không nghĩ thế.
Ý kiến chuyên gia:

Xếp hạng mà làm gì? Tôi chắc chúng ta đều nhớ những quảng cáo kiểu như "Cam kết đưa bạn lên top 1 Google" nhưng chúng chẳng bao giờ nói để làm gì. Thay vì bị ám ảnh về thứ hạng, hãy trở nên hữu ích và độc giả của bạn sẽ mang lại nhiều người dùng hơn nữa vì họ sẽ chia sẻ những nội dung của bạn.
Alisa Meredith - Co-Owner, Scalable Social Media
@alisammeredith

Sai lầm 3: SEO là việc tôi có thể phó mặc cho bên IT

Có vẻ như nhận thức cho rằng SEO yêu cầu sự thuần thục về kỹ thuật, và vì nó về kỹ thuật, chỉ IT có thể thực hiện. Trong khi có yếu tố kỹ thuật trong SEO, nó cần nhiều hơn chỉ về mặt kỹ thuật, và phải nghĩ rất lâu, rất kỹ lưỡng trước khi chuyển toàn bộ một dự án cho IT hay cho một bên thiết kế web.
Cần có sự nhận thức đúng về các công việc của SEO để phân công hợp lý

Dù bạn có thể cần những cá nhân này hỗ trợ bạn trong quá trình tối ưu hóa website, sẽ không thể lý tưởng nếu đưa các công việc SEO cho IT và kỳ vọng những hành động và kết quả tốt.

Trong khi nhiều chuyên gia IT có kiến thức chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật - ví dụ  làm sao để chắc chắn website của bạn dễ dàng thu thập thông tin và cài đặt các tệp chuyển hướng và sơ đồ trang web XML - nên nhớ rằng nhiều nhân sự IT cũng làm những việc như cài máy in ... một tập kỹ năng khác hẳn với những gì cần để thực hiện một chiến lược SEO thành công.

Ý kiến chuyên gia:

SEO là một trong những  chữ viết tắt ( acronyms) nghe như nhiên liệu tên lửa, thứ gì chỉ nằm trong tay của các con mọt công nghệ (technoids) quen với lập trình (with html street cred). Tuy nhiên, với từng bước chuyển mới trong các thuật toán của Google, chúng ta học được rằng SEO nên được viết tắt bởi chữ "Simply Excellent Online". Nói cách khác, tạo nội dung đáng ghi nhận trước, SAU ĐÓ mới làm việc với đội IT để chắc chắn những gì đọc tốt thì cũng đạt tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật.
Paul Furiga - President & CEO, WorldWrite Communications

@paulfuriga

Sai lầm 4: Có nhiều liên kết sẽ tốt hơn có nhiều nội dung

Điều này thường đi liền với câu hỏi "Tôi nên đầu tư vào điều gì, xây dựng liên kết hay tạo nội dung?"
Liên kết là phần quan trọng trong uy tín của website (ngay cả trong thị trường trao đổi liên kết cũng vậy). Tuy nhiên nếu bạn có ngân sách để đầu tư  vào website, tôi sẽ khuyên "Tuyển ai đó viết bài cho bạn đi".

Thường khi các công ty thuê người về xây dựng liên kết, họ tập trung vào số lượng liên kết hơn chất lượng. - nhưng việc liên kết không còn là trò chơi về con số nữa. Bạn phải tập trung vào việc có nguồn phù hợp và đa dạng liên kết tới các trang phù hợp.

Khi bạn đầu tư vào nội dung, nội dung đó có thể được dùng cho trang web, bài blog, các lời mời tạo đầu mối kinh doanh, và bài viết khách trên các trang web khác - tất cả các loại nội dung có thể mang lại nhiều liên kết hơn cùng với chúng qua thời gian.

Ý kiến chuyên gia:

Với sự ra đời của các cập nhật thuật toán Panda, Penguin, và Hummingbird, Google đã làm mọi thứ nhưng tát vào mặt chúng ta (nghe hơi thô bạo nhỉ :-ss) để thức tỉnh chúng ta với sự thật là những người làm SEO không còn có thể chơi với hệ thống được nữa. Trong khi  việc xây dựng liên kết đúng vẫn còn giá trị thì việc tạo nội dung đột phá đang trở nên không thể chối cãi.
Ron Medlin - CMO, 98toGo
@ronmedlin

Sai lầm 5: Meta description có tác động lớn đến thứ hạng tìm kiếm

Meta description và Rich snippets có thể giúp tăng tỉ lệ CTR,
 tuy nhiên được chứng minh là
không có tác động trực tiếp đến thứ hạng tìm kiếm
Siêu mô tả (tạm dịch vậy) là các thuộc tính HTML để giải thích ngắn gọn nội dung của các trang web. Bạn đã từng thấy chúng  trên các trang kết quả tìm kiếm của Google (SERPs), nơi chúng hay được dùng như những đoạn trích dẫn xem trước. Do đó có vẻ hoàn toàn dễ hiểu rằng thuật toán của Google sẽ xem xét các siêu mô tả này khi xác định thứ hạng tìm kiếm .. phải không? Thật ra thì không nhiều.

Trở lại 2009, Google đã tuyên bố rằng các thẻ siêu mô tả ( và siêu từ khóa) không còn tác động gì đến thứ hạng tìm kiếm. Tuy nhiên điều đó không nói rằng những mô tả này không quan trọng cho SEO. Ngược lại: meta description tạo ra một cơ hội lớn để tách bạn khỏi đám lộn xộn và thuyết phục người tìm kiếm rằng trang web của bạn đáng để ghé thăm.

Việc có một siêu mô tả phù hợp, hấp dẫn có thể là sự khác nhau giữa người tìm kiếm nhấp chuột vào trang của bạn với người nhấp chuột vào đâu đó khác.

Ý kiến chuyên gia:
Đúng rồi, các siêu mô tả không tác động đến thứ hạng website trên kết quả tìm kiếm. Tuy nhiên, siêu mô tả vẫn cực kỳ quan trọng để lôi kéo người dùng nhấp vào trang của bạn. Tôi khuyên khích sử dụng từ khóa mục tiêu của bạn một lần, không vì nó sẽ giúp thăng hạng mà nó sẽ được bôi đậm nếu phù hợp với nội dung tìm kiếm của một người. Thử thêm một lời kêu gọi hành động vào mô tả nữa nhé.
Luke Summerfield - Director of Inbound Marketing, Savvy Panda
@SavvyPanda

Sai lầm 6: Truyền thông xã hội và SEO không liên quan gì cả

Vùng giao của SEO  và truyền thông xã hội được gọi là "tìm kiếm xã hội" (social search). Tìm kiếm xã hội là một việc rất thực tế - mỗi quan hệ chính thức ngày càng tăng giữa tìm kiếm và mạng xã hội đang biến động qua năm, và Google đang cố gắng để chứng minh điều này bằng các hồ sơ Google+ và Tác giả.

Trong tìm kiếm xã hội, nội dung sẽ được xét ưu tiên nếu nó kết nối với bạn bằng con đường nào đó - có thể qua một người bạn trên Facebook, một người theo dõi trên Twitter hoặc kết nối trên bất cứ mạng xã hội lớn nào khác.Thay vào đó, một số hình thức tìm kiếm xã hội xét ưu tiên nội dung được chia sẻ bởi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, dù những người này không trực tiếp kết nối với bạn.

Bài học ở đây là hãy đảm bảo bạn có một chiến lược truyền thông xã hội và nghĩ về nó như một phần trong các nỗ lực tối ưu hóa tìm kiếm - 2 thứ không được hoạt động riêng rẽ.

Sai lầm 7: SEO trên trang là tất cả những gì tôi cần để xếp hạng


SEO Onpage chỉ là 1 phần (có vẻ nhỏ)
trong toàn bộ chiến lược SEO
Đặt các từ khóa lên một trang không còn là viên đạn thần. Dù được SEO trên trang (on-page) mượt mà "không tì vết", bạn cũng mới chỉ tham giả 1 phần trong toàn bộ đẳng thức SEO lớn.Các nỗ lực tối ưu của bạn nên là sự tổng hợp tập trung vào chất lượng thông qua tối ưu trên trang, tối ưu ngoài trang, trải nghiệm người dùng và sự chuyển đổi.Vì thế hãy chuẩn bị tốt để làm được nhiều hơn chỉ SEO on-page.

Ý kiến chuyên gia:
Nhiều năm trước chúng tôi cũng nghĩ thế. Nhưng chúng tôi đã thay đổi và biết rằng các chiến lược SEO hiệu quả nhất tham gia vào các yếu tố trên trang và ngoài trang. Ngày nay, chúng tôi kết hợp các nỗ lực trên trang với một chiến lược phân bổ mạng xã hội, chiến lược tiếp thị người ảnh hưởng bền vững và hơn thế nữa!
Matthew Bivens - Lead Strategist & Online Marketing Director, 98toGo
@marketingguyatl

Sai lầm 8: Từ khóa cần chính xác

Từ khóa không cần nhắc lại nguyên văn trong suốt một đoạn nội dung. Thông thường trong một tiêu đề, bạn muốn dùng 1 hoặc nhiều từ khóa theo cách tạo nhiều ý nghĩa nhất cho độc giả. Mục tiêu là phải viết một tiêu đề thu hút (khoảng giữa 4-9 từ) giải thích rõ ràng nội dung đó viết về cái gì.

Không có gì điên rồ hơn việc tạo tiêu đề được đóng khung trong phạm vi 1 cụm từ khóa hoặc tồi tệ hơn là nhắc lại 1 cụm từ khóa một cách gượng ép.

Quy luật này không chỉ đối với các tiêu đề, mà còn trong nội dung trên trang: mục tiêu nên là thông báo cho độc giả, không phải thông báo cho máy tìm kiếm.

Ý kiến chuyên gia:
Không nên tốn thời gian cố gắng tìm các từ khóa hoàn hảo để dùng đi dùng lại trên trang web. Đầu tiên, Google ghét nếu bạn quá tối ưu cho máy móc. Thứ hai, những người tìm kiếm sẽ sử dụng một tập hợp các từ và cụm từ khóa để tìm thứ họ muốn tìm. Nội dung trên trang phải đa dạng đủ để đáp ứng các tiêu chí tìm kiếm trong khi vẫn gắn chặt với một chủ đề bao quát.
Sam Lowe - Marketing Assistant, Weidert Group
@I_am_SamLowe

Sai lầm 9: Có một mật độ từ khóa lý tưởng cho trang web của tôi

Sự thật là không hề tồn tại con số thần kỳ cho mật độ từ khóa. Không có con số lý tưởng về số lần bạn phải nhắc lại một từ khóa trên một trang.Cũng phải nói lại rằng bạn phải có từ khóa (1 hoặc nhiều) trong tiêu đề trang để người ta biết về nội dung chính của trang.

Từ khóa - và biến thể của nó cũng nên được đưa trong tiêu đề chính, lý tưởng nữa thì có trong URL, và ít nhất một lần trong nội dung.Một lần nữa, mục tiêu là để nội dung rõ ràng và đáp ứng nguyện vọng của người tìm kiếm - đó là lý do vì sao họ nhấp vào trang của bạn, vì thế đừng tấn công họ với nội dung tối ưu thái quá.


Sai lầm 10: H1 là yếu tố trên trang quan trọng nhất

Tôi đã từng nghĩ H1, H2, H3 đều quan trọng cho SEO,
ơ thế ra không phải à? :(
Nghĩ về cấu trúc nội dung trên trang web của bạn như một dàn ý. Có sự tiếp cận theo dãy đến việc truyền đạt thông tin cho người dùng và máy tìm kiếm. Bạn gói tiêu đề vào thẻ title nào không có nhiều tác dụng cho SEO - và các thẻ tiêu đề (dù là H1, H2, H3 v.v ) chỉ để dùng với mục đích tạo phong cách.H1 là một phần của CSS mà người thiết kế đưa vào để xác định kiểu cách kích cỡ chữ nào sẽ áp dụng cho một phần nội dung cụ thể.

Nó từng quan trọng, nhưng các máy tìm kiếm ngày nay thông minh hơn - và không may người ta spam quá nhiều đẩy chúng vào chỗ chết.Vì thế không quan trọng bạn sử dụng thẻ header nào, khi bạn đã đưa các quan điểm quan trọng nhất lên trước và gần hơn trên đầu trang. Nhớ rằng bạn đang tối ưu trang cho người dùng trước nhất, nghĩa là bạn muốn báo cho họ nội dung của trang càng sớm càng tốt thông qua dòng tiêu đề rõ ràng.

Ý kiến chuyên gia:
Nếu bạn đi trong thư viện, bạn nhìn vào các tên sách để tìm thông tin tốt nhất bạn cần. Đó là điều mà H1, cùng với siêu mô tả và thẻ tiêu đề, làm cho độc giả và máy tìm kiếm. Để có được khách truy cập, bạn cần máy tìm kiếm xác định trang nào phù hợp, một tiêu đề và nội dung có tính công thức sẽ có vẻ không trung thực.Tạo ra các tiêu đề dễ hiểu cho cả 2 thực thể, và, tốt nhất chỉ sử dụng 1 thẻ H1 trên 1 trang.
Grady Neff - Content Strategist, Digital Relevance
@graydonski

Sai lầm 11: Trang chủ cần rất nhiều nội dung

Bạn đã từng gặp trang chủ nào đầy nội dung? Hoặc ngược lại, một trang chủ gần như không có nội dung nào? Hãy coi trang chủ là cánh cửa dẫn đến doanh nghiệp bạn. Hãy thử định hình. Đây chính là cơ hội tạo ra ấn tượng đầu tiên và truyền tải những gì về bạn. Có thể định vị giá trị của bạn là sự đơn giản - khi đó, chỉ cần 1 màn hình đăng nhập đơn giản là đủ (đặc biệt nếu tên bạn là Dropbox).
Ví dụ về 1 trang chủ đơn giản (tìm lung tung trên mạng)
Click để tìm hiểu
8 xu hướng thiết kế website mới cho năm 2014

Tuy nhiên đối với nhiều marketer, họ cần nhiều nội dung và văn cảnh hơn thế. Nội dung trang chủ cần đủ dài để làm rõ bạn là ai, làm gì, ở đâu, định vị giá trị, và khách hàng cần làm gì tiếp theo. Khách truy cập khi rời đi với sự hài lòng, không phải sự quá tải hoặc quá ít - và tất nhiên không bị mơ hồ.

Ý kiến chuyên gia:
Điều này hoàn toàn vô nghĩa. Trang chủ của bạn như thẻ H1 của trang web. Hãy cho nó phục vụ khách hàng. Giao tiếp với họ và kể chuyện về mình. Tại sao họ ở đây và họ sẽ có thể tìm thấy gì? Hãy làm nó đơn giản và đừng nghĩ quá về SEO. Hãy làm nó đơn giản và truyền tải được thông điệp: Bạn mang lại giá trị gì cho khách truy cập?
John McTigue - EVP & Co-Owner, Kuno Creative
@jmctigue

Sai lầm 12: Càng có nhiều trang càng tốt

Theo quy luật bạn sẽ nghĩ rằng càng có nhiều dấu chân trên website thì bạn càng làm tốt - nhưng điều đó không đúng. Thứ nhất, không phải thứ gì bạn đăng cũng được lập chỉ mục. Thứ hai, nhiều khi các trang được lập chỉ mục nhưng không duy trì lâu trong chỉ mục. Và thứ ba, chỉ vì các trang web của bạn được lập chỉ mục không có nghĩa là chúng sẽ mang lại những lượt truy cập và đầu mối kinh doanh chất lượng.

Không may, những người cố gắng có càng nhiều trang trên website của họ thường cũng quá coi trong chất lượng của nội dung đó, và thực tế khó mà đáp ứng cả số lượng và chất lượng. Mục tiêu cuối cùng nên là chỉ đăng những thứ phù hợp nhất. Hãy tạo những nội dung ở trạng thái tốt nhất.

Ý kiến chuyên gia:
Trong khi số trang web bạn có giúp tăng cơ hội hiển thị trên nhiều kết quả tìm kiếm, quy luật về nội dung chất lượng trên một trang web được xây dựng hợp lý cùng với các liên kết dẫn tới chất lượng vẫn còn áp dụng.
Jeff Ferguson - CEO, Fang Digital Marketing
@FangDigital

Sai lầm 13: Đối với SEO địa phương, tôi chỉ cần liệt kê địa chỉ thành phố, bang, và/hoặc quốc gia của công ty lên các trang web của tôi

Điều này chỉ đúng một nửa. Bạn cần xác định các thông tin đó trên trang web nếu bạn là doanh nghiệp hoạt động nhắm tới địa lý. Tuy nhiên, ví dụ, nếu bạn là doanh nghiệp Mỹ chỉ tập trung nhắm tới các thành phố của Mỹ thì bạn không cần thông tin về "U.S." trên các trang web.
Việc trích dẫn thông tin địa chỉ nhất quán, cụ thể là
một yếu tố quan trọng trong local SEO
Các máy tìm kiếm biết người dùng ở đâu, và chúng nỗ lực để hiển thị những kết quả cụ thể tùy thuộc vào địa điểm của họ.Như vậy, các thẻ tiêu đề, liên kết, nhận xét, các đoạn trích trên trang, và truyền thông xã hội (nhất là Google+ Địa phương) vẫn thông báo rõ ràng bạn đang tọa lạc ở đâu và được xem là một phần quyết định kết quả SEO địa phương của bạn.

Ý kiến chuyên gia:
Việc trích dẫn một cách nhất quán rất quan trọng cho SEO. Việc 1 địa chỉ trên web ghi là "Road" và địa chỉ trên trang khác trên web viết tắt là "Rd." bị các máy tìm kiếm coi như 2 địa chỉ khác nhau.Chúng tôi sử dụng dịch vụ Yext để giúp có được sự thống nhất trong trích dẫn trên các trang web cho chính chúng tôi và khách hàng của chúng tôi. Hãy dùng nó để kiểm tra địa chỉ đã đăng ký trên web của chính bạn.
Matthew Lee - Director of Marketing, Adhere Creative
@AdhereCreative

Sai lầm 14: Các trang vệ tinh và các tên miền khác mà tôi sở hữu có liên kết hay chuyển hướng sang website của tôi sẽ hỗ trợ được SEO

Cơ hội cho SEO của hành động đó gần như bằng 0. Đó giống như việc trong một cuộc bầu cử, bạn tự bỏ phiếu cho chính bạn hàng nghìn lần thì vẫn chỉ được coi là 1 phiếu.

Các máy tìm kiếm đủ thông minh để biết những người đăng ký cho 1 tên miền và có thể thấy nếu như đó cùng là một người với tên miền chính. (Chú ý rằng: Nếu bạn đang đọc và nghĩ: "À, thì ta có thể thay đổi thông tin đăng ký là xong", thì bạn rõ ràng đang nghĩ như một spammer. Đừng là người như thế!)

Chẳng có nhiều giá trị gì trong việc trải mỏng nỗ lực SEO, tức là cài đặt liên tiếp các tên miền và tối ưu hóa cho từng cái thay vì đặt hết tình yêu vào một tên miền chính. Tại sao không thêm nội dung vào tên miền chính hay xây dựng một công cụ như một phụ tùng (add-on) cho trang web của bạn?

Ý kiến chuyên gia:
Các trang vệ tình có một lý do hợp lý để tồn tại khi chúng phục vụ một mục tiêu tiếp thị cụ thể. Như một chiến lược xây dựng liên kết, nó không thể là một chiến lược kinh doanh dài hạn để thành công mà chỉ là giải pháp ngắn hạn (churn&burn), điều bạn không muốn làm với trang web công ty. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc hiểu nhu cầu của khách hàng và tạo nội dung giúp đáp ứng những nhu cầu đó.
David Demoe -Sr. Marketing Manger, Search Engine People
@senginepeople

Sai lầm 15: Google sẽ không bao giờ biết nếu tôi có các trang web xấu trỏ tới trang web của tôi

Không. Họ sẽ biết!Giống như ông già Noel biết bạn tốt hay xấu. Cũng giống thần răng biết nếu bạn bị mất một chiếc răng. Giống bố mẹ có thể cảm nhận được khi bạn quên điều độ.Vấn đề là Google biết (mọi thứ).

Đừng cố đánh lừa họ, nhất là trong thời đại hậu Panda, Penguin và Hummingbird, nếu không bại sẽ bị gửi tới phòng của bạn (nghĩa là bị phạt).

Ý kiến chuyên gia:
Khi người ta cố gắng tạo nhiều đường tắt, chất lượng các kết quả tìm kiếm trở nên kém đi và những người làm SEO tạo ra những vấn đề về uy tín cần vượt qua. Hãy nhớ rằng bạn có thể bị phạt nếu bạn trao đổi quá nhiều liên kết với khách hàng, vì nó có thể bị coi như một hành động thao túng (manipulation).
Jaymie Scotto Cutaia - CEO & Founder, Jaymie Scotto & Associates
@jscotto

Sai lầm 16: SEO không chịu trách nhiệm về vấn đề hữu dụng

SEO đã thay đổi từ việc đơn giản là được tìm kiếm trở thành cải thiện cách người dùng tương tác với nội dung của bạn. SEO không chỉ còn là việc tối ưu hóa cho các máy tìm kiếm mà hơn thế rất nhiều. Bạn cần tối ưu hóa cho người dùng đầu tiên và trước nhất, để họ thật sự nhấp chuột vào các mục trên trang, và một khi đã nhấp chuột vào đó, họ sẽ ở đó.

Để giữ khách hàng ở trên trang web, hãy đảm bảo bạn đăng tải nội dung được cá nhân hóa và phù hợp. Bạn cũng nên chắc chắn rằng website của bạn trực quan và dễ duyệt (nói cách khác, có thể giúp cả người dùng và bọ tìm kiếm truy cập được)

Và nữa, không để khách truy cập phải tìm kiếm những gì họ cần. Hãy đưa ra kêu gọi hành động rõ ràng, và bạn sẽ chuyển những khách này thành liên hệ, thành đầu mối kinh doanh, và cuối cùng là khách hàng.“Search experience optimization” mới thật sự là ý nghĩa của SEO.

Ý kiến chuyên gia:
Sự thật là chúng ta cần SEO. Nhưng đừng chỉ tối ưu nội dung cho các máy tìm kiếm, nó khiến nội dung khó tiêu (bởi vì rõ ràng tôi không phải là máy tìm kiếm). Hãy nói tiếng người (nghe có vẻ phũ nhở?). Dành cho con người trước, sau mới đến máy tìm kiếm.
Kelly Kranz -Content Manager, OverGo Studio
@OverGoStudio

Sai lầm 17: SEO và inbound marketing không liên quan

SEO là một nan hoa trong bánh xe inbound
Ngược lại, inbound marketing và SEO  có mối liên kết không thể xoay chuyển. Nếu bạn nghĩ ý đầu là một bánh xe lớn, thì ý sau sẽ là một nan hoa của bánh xe đó.

Inbound là một triết lý  toàn diện tập trung vào việc biến người lạ thành người muốn - và nên - hợp tác kinh doanh với bạn một cách hiệu quả. Nó gồm có một loạt thủ thuật và cách thức, gồm tạo nội dung, tối ưu hóa chuyển đổi, và vận dụng các kênh truyền thông xã hội, cùng rất nhiều yếu tố khác.

Trong mối so sánh tương quan, SEO là một chiến thuật marketing tập trung vào việc cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp và lượt truy cập từ kết quả tìm kiếm. Rõ ràng, SEO có thể giúp bạn rất nhiều trong tổng thể inbound marketing. Khi nghĩ về 4 giai đoạn của phương pháp inbound marketing: Thu hút, Chuyển đổi, Chốt và Làm sáng, thì SEO đặc biệt phù hợp với giai đoạn đầu: thu hút đúng người tới trang web của bạn.

Ý kiến chuyên gia:
 Tôi không nghĩ về SEO. Tôi nghĩ về các máy tìm kiếm như một phần của rất nhiều cơ hội tôi có để tiếp cận khách hàng. Nó là inbound vì họ tìm thấy bạn dựa trên việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của họ. Nó có giá trị lớn vì họ tìm kiếm giải pháp, chứ không chỉ tìm chơi chơi. Tôi nghĩ đến việc tích hợp tất cả các khía cạnh của inbound để khiến khách hàng tìm thấy chúng tôi dễ dàng nhất. Sau đó tôi nỗ lực tạo nội dung và cuộc đối thoại cần thiết để giải quyết vấn đề của họ.
John McTigue - EVP & Co-Owner, Kuno Creative
@jmctigue

Kết luận rút ra là:

Giờ thì bạn đã hiểu những sai lầm về SEO, những gì bạn đang làm không làm suy suyển được gì? Tồi tệ hơn, bạn khiến các nỗ lực SEO trở nên kém hơn? Hiểu về các sự thật này sẽ giúp bạn hiệu quả hơn trong chiến lược tìm kiếm tự nhiên của mình.

Một thứ quan trọng thu lượm được từ chỉ dẫn này là: SEO là tất cả trải nghiệm của người tìm kiếm bắt đầu từ khi họ nhập truy vấn tìm kiếm. Trải nghiệm càng tốt, từ danh sách kết quả tìm kiếm, tới chất lượng và sự phù hợp của nội dung trên trang, sự dễ dàng di chuyển trên trang, thì kết quả SEO sẽ càng tốt theo.


_________________
Thú thật là có cơ số điều kể trên tôi vẫn đang phải "ngậm đắng" và thực hiện chúng mỗi ngày.
Bao giờ cho thoát khỏi lối mòn? :(

Nếu anh/chị/bạn/em có ý nào chưa hiểu (do tôi dịch chưa thông chẳng hạn) hoặc có ý kiến đóng góp thêm cho danh sách 17 ý trên, thì cứ góp ý nhé. ^^
Hoặc tải sách gốc về từ đây: http://offers.hubspot.com/17-seo-myths-leave-behind-in-2014

Mong sao sang năm cuốn sách SEO MYTHS 2015 sẽ có sự thay đổi lớn (hoặc không có cơ hội phát hành nữa).
Mong sao ... ;)

11:59PM 8/3/2014: Sau một hồi cập nhật/chính sửa loạn xị, chợt thấy hình như mình nên dùng từ "ngộ nhận"
sang ngày 9. -_-