17 tháng 10, 2014

Tăng tỉ lệ chuyển đổi bằng VEPA

Một ghi chú nhỏ về điều tôi vừa đọc được tối qua (hình như khoảng 5 hay 6 giờ đồng hồ trước khi bắt tay vào gõ bài này) muốn lưu lại để chia sẻ cho bạn nào đang cần.

VEPA nôm na là 4 tiêu chí để có được một kêu gọi hành động (call to action) và trang đích (landing page) hiệu quả để kích thích được tỉ lệ chuyển đổi từ khách ghé thăm website thành đầu mối kinh doanh - hay nhân mối ( visitor-to-lead conversion rate). Theo tìm hiểu sơ bộ của tôi thì công thức này được phát minh bởi cặp đôi hoàn hảo Brian Halligan - Dharmesh Shah từ năm 2009 (bạn chưa biết họ là ai thì có thể Google).

Quả thực khi vừa biết đến nó là tôi muốn đưa lên VietInbound ngay vì nó quá ... ngon.
Giải thích cho nhanh thì để có thể "lùa" được khách truy cập có thể tiến tới, làm một việc gì đó và tăng thêm mối liên hệ với website và thương hiệu của bạn, bạn cần đảm bảo trang đích và kêu gọi hành động của bạn:
- V - Valuable (Đáng giá): Lý do gì khiến người ta phải thực hiện hành động đó? Họ làm thế thì được gì? Hãy làm rõ được giá trị hấp dẫn ẩn sau đó, kèm thêm những dấu hiệu khác khiến họ tin tưởng và sẵn sàng bước sâu hơn vào mối quan hệ với công ty của bạn.
- E - Easy-to-Use (Dễ dùng): Đừng thách đố người ta phải đoán hay nghĩ xem họ cần phải làm gì. Hãy đảm bảo rằng hành động của bạn đưa ra rõ ràng đủ để người ngố nhất quả đất có thể hiểu đúng được. Và làm ơn cố gắng để khách phải thực hiện ít thao tác nhất có thể. Thông tin nào chưa cần thiết lắm thì đừng lôi ra bắt họ điền.
- P - Prominent (Nổi bật): Có gì hay ho muốn khách chú ý thì phải khoe, khoe nhiệt tình. Hãy đặt các ưu đãi cùng lời kêu gọi hành động lên vị trí dễ nhìn nhất ở màn hình đầu tiên của trang đích. Sử dụng màu sắc, bố cục rõ ràng để thu hút ánh hình của họ. Sử dụng khoảng trống hợp lý xung quanh nút kêu gọi hành động để phân biệt với những nội dung khác có trên trang.
- A - Action Oriented (Hướng đến hành động): Đã gọi là "kêu gọi hành động" thì nút kêu gọi NÊN là một ĐỘNG TỪ. Điều này không thừa vì bản thân tôi đã từng khóc mếu vì những nút CTA dưới dạng danh từ hoặc câu hỏi. Có thể khách người ta sẽ nhấn vào, nhưng tôi đoán 99% khả năng là họ nhấn vào do hên xui.

May quá kiếm được một cái hình đẹp để minh họa cho bài viết (nguồn getbrandwise.com):



Bạn có đổi thứ tự 4 chứ, như PAVE, APVE, EVAP, EPVA ... theo cách bạn dễ nhớ nhất. Hoặc bạn có thể biến thể bằng cách thêm yếu tố khác, như thêm Sexy - Smooth thành VESPA chẳng hạn, theo cách bạn cho là hợp lý.  Cũng được đấy nhỉ?

Việc áp dụng công thức V-E-P-A này có thể được thể hiện rõ nét hơn qua việc thử nghiệm (A/B test).  Giữa các ứng cử viên cho cùng 1 nội dung để chuyển đổi khách hàng tiềm năng, bạn có thể làm phép so sánh, ví dụ: cái A này có vẻ nổi bật hơn cái B, nhưng nó vẫn khó hiểu lằng nhằng ... chẳng hạn.

Bạn thấy công thức này đã đủ hữu ích cho công việc marketing của bạn chưa? Hay cần bổ sung một từ nào nữa kèm vào mới đủ?
Nếu bạn biết một công thức khác hay ho, đừng giữ cho riêng mình, hãy chia sẻ trong mục bình luận để mọi người cùng tham khảo nhé. Cám ơn nhiều ^_^

29 tháng 8, 2014

Sử dụng công cụ Mailchimp như thế nào

Hôm nay tôi đã hoàn thành cơ bản một bài trình diễn về những gì đúc rút được sau 1 năm làm Mailchimp.
Nói chính xác ra thì tôi biết và sử dụng Mailchimp trước đó cũng lâu rồi, nhưng để làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm thì mới từ tháng 11/2013 đến nay. Về sau còn được tiếp tục trải nghiệm như thế nữa không thì còn tùy duyên. :)

Mới chia sẻ trên Facebook và cũng nhận được nhiều like, lâu lắm rồi mới thấy sướng thế này, tự dưng có thêm vài người đăng ký mới trên VietInbound, lại đúng vào thứ 6 (máu chảy về tim), sắp đến ngày Quốc khánh. Nói túm lại là tôi đang rất sướng.  :D

Đây là nội dung tác phẩm:



Đầu mục chính:
- Các thao tác với Mailchimp (Có nhấn nhá vào một số thao tác tôi va chạm nhiều nhất)
- Các sai lầm to đã mắc phải trong 1 năm vừa rồi
- Và một số việc chưa làm được (hi vọng sẽ sớm được thực hiện trong năm sau)

Nếu bạn trông đợi đọc một bài viết về tối ưu hoạt động email marketing hoặc thứ gì đại loại, bạn có thể ngó qua mấy bài này:


Chót hứa hẹn với một số người bạn sẽ có một sản phẩm liên quan đến các vấn đề nâng cao hơn về Email Marketing. Thú thật là thời gian trải nghiệm của tôi chưa nhiều (và cũng một phần do tôi chưa tận dụng tốt thời gian của mình), chẹp. Thôi cứ hứa để lấy làm động lực.

Hôm nay mưa gió ầm ĩ nhưng mà MT vui lắm ấy. Chúc các bạn một kỳ nghỉ Quốc khánh tràn trề năng lượng nhé. :)

Ta sắp trở lại và lợi hại gấp tỉ lần :3

22 tháng 8, 2014

Để viết bài blog trong 70 phút (hoặc nhanh hơn)

Cho dù bạn có coi blog là công việc chính hay chỉ để chơi chơi thì bạn cũng không thể coi blog là hoạt động duy nhất của bạn, đúng không? Làm sao có thể duy trì và phân bổ thời gian cân đối? Làm sao có thể viết nhanh hơn và chuẩn hơn với thời gian hạn hẹp? Làm sao để không thấy ngại mỗi khi bắt đầu múa phím?
Đây là một bài viết rất xúc tích dễ hiểu trên michaelhyatt.com, tôi sẽ Việt hóa lại và bổ sung thêm những chia sẻ rút ra từ chính kinh nghiệm của mình. Ông chia sẻ 11 mẹo giúp cải thiện năng suất viết bài. Đối với tôi, những mẹo này đúng sát những điều tôi đang cần.

1. Bắt đầu viết từ đêm trước

Cần bắt đầu quyết định ta sẽ viết gì ngày mai ngay trước khi đi ngủ. Điều đó sẽ giúp trí não được khởi động với chủ đề từ trước.
Hôm trước tôi có viết một bài về 4 thủ thuật dùng Store Locator hiệu quả trên blog Magestore, tôi cũng đã nghĩ từ tối hôm trước, viết vội 3 ý sẽ đưa vào bài vào giấy nhớ rồi đi ngủ, ngày hôm sau tôi mất chưa đầy 3 giờ để viết, vừa viết, chỉnh sửa, thiết kế ảnh đại diện và đăng lên. 3 tiếng mà để rút ngắn xuống 70 phút thì sẽ cần bao lâu nữa nhỉ?

2. Sử dụng các thời gian chết để nghĩ

Nghe sách nói khi chạy bộ hoặc tập thể dục để cung cấp những nguyên liệu thô cho các bài viết tương lai. Sau khi nghe xong thì tắt đi và bắt đầu suy nghĩ. Tập trung vào những gì ta sẽ viết về ngày đó. Hãy thảo ra lời mở đầu và dàn ý trong đầu từ lúc đó.
Đối với tôi cũng thế, đôi khi thời gian gọi là chết lại khiến tôi có cảm hứng bất ngờ để chuẩn bị cho những bài viết tâm đắc.

3. Cắt mạng

Đến lúc viết, hãy cắt mạng một chút. Ta không thể cắt hoàn toàn vì có thể ta vẫn cần tìm kiếm trên mạng. Tuy nhiên ta sẽ tránh những trang mạng xã hội và những trang gây xao nhãng. Nếu bạn cảm thấy khó có thể rời mắt mấy trang như Facebook, Twitter hay kiểm tra thư điện tử, bạn có thể nhờ đến một số ứng dụng như AntiSocial hay Cold Turkey.
Khi gõ bài này, tôi cũng đang trong tình trạng bị cắt mạng. Dùng 3G vào điện thoại tải bài để dịch, máy tính chỉ mở Microsoft Office. Khả năng là tốc độ gõ bài sẽ nhanh hơn cái hồi có wifi trong phòng.

4. Bật một chút nhạc

Một số thể loại âm nhạc có thể đưa bạn vào đúng “tông”. Hãy thử tạo một danh sách làm nhạc nền cho việc viết lách như một số thể loại không lời, nhẹ nhàng.
Cũng lâu lắm rồi tôi không có thói quen mở nhạc. Thật sự cũng thấy có sự khá lien quan giữa nhạc và viết. Theo guồng công việc tôi không nghĩ đến việc nghe nhạc, và cũng theo guồng công việc tôi quên đi blog. Có lẽ lúc nào tôi có thời gian rảnh để nghe nhạc cũng là lúc tôi sẽ có nhiều cảm hứng để viết lắm đây.

5. Hẹn giờ

Khi viết, ta có thể gặp vô số những yếu tố gây xao nhãng. Việc giới hạn thời gian sẽ tạo một tâm lý gấp rút. Nhờ đó, ta sẽ có thể thi đấu với chính bản thân ta và chạy đua với thời gian để hoàn thành. Giờ các máy điện thoại thông minh đều rất sẵn chức năng hẹn giờ này.
Cách này tôi chưa thử. Nhưng cũng nghiệm ra khi đi làm, nếu bài blog lên chậm so với deadline thì khi tôi viết tôi có thể tập trung cao độ để hoàn thành, không để dây dưa đến buổi sau.

6. Dùng mẫu

Sử dụng công thức dựa trên phương pháp SCORRE (*). Bắt đầu với Evernote template và viết trên ByWord, một chương trình xử lý bóc tách từ .

7. Tạo một dàn ý

Các danh sách sẽ khiến bài viết dễ quét, giúp cho độc giả tiếp thu dễ dàng hơn. Và bản thân ta khi viết cũng sẽ thấy dễ dàng hơn do đã có cái nhìn tổng quan trước khi bắt đầu.
Chương trình tập làm văn từ hồi trung học vẫn luôn lưu ý lập dàn ý trước khi bắt tay vào viết. Ngày trước đi thi cấm có khi nào chịu lập dàn ý, vậy mà giờ sao mà thấm thía. Và tôi luôn lưu ý điều này khi hướng dẫn các bạn thực tập ở công ty viết bài.

8. Viết liền mạch không cần chỉnh sửa

Khi viết bài, chủ yếu chức năng bán cầu não phải hoạt động. Sửa bài là việc của bán cầu não trái. Việc di chuyển giữa 2 bán cầu não lien tục sẽ làm giảm tốc độ của ta. Không cần cầu toàn, cứ việc viết liên tục, đừng nghỉ giữa chừng.
Thế là ngon! Tôi đã có lý do biện minh cho những lần thiếu lịch sự của mình do không đáp lại những người xung quanh khi tôi đang cố gắng viết xong bài. Và khi ai đó đang tập trung làm việc gì đó, nhất là những thứ thuộc về phần việc của bán cầu não phải, có lẽ tôi cũng nên tôn trọng một chút sẽ hay hơn, nhỡ đâu lại làm hỏng một kiệt tác để đời.

9. Chỉnh sửa và định dạng

Khi đã có bản thảo đầu, ta bắt đầu quá trình chỉnh sửa. Đọc lại toàn bộ bài viết một vài lần, sử lỗi chính tả, ngữ pháp, cú pháp. Cố gắng rút ngắn tất cả những gì có thể. Dùng câu chữ đơn giản và những đoạn văn ngắn.
Một mẹo khác tôi cũng thường được khuyên là viết từ hôm trước và để hôm sau đọc. Ôi chao, sao ngày hôm qua mình lại viết lủng củng thế kia, lẽ ra câu này phải rút lại, đoạn kia thừa rồi, xóa béng đi. Bài viết nhờ đó mới thực sự chau chuốt.

10. Thêm hình họa, liên kết và siêu dữ liệu

Khi đã thấy hài lòng với bài viết, sao chép toàn bộ nội dung từ chương trình soạn văn bản vào chương trình viết blog. Thêm hình ảnh, thêm liên kết ngoài và các siêu dữ liệu khác (như thể loại, mô tả, từ khóa, …) để bài viết tối ưu.

11. Xuất bản

Lựa chọn giờ hợp lý để bài viết được xuất bản. Nếu dùng Wordpress, hãy thử Scribe Content Optimizer để xem điểm cho bài viết. Đến lúc thấy hài lòng với số điểm, ta cập nhật và hoàn thành việc đăng bài.

Điều thứ 12 là kinh nghiệm của tôi, chỉ 1 câu rút ra “Viết từ cái gì ta có sẽ nhanh và dễ hơn cái gì ta không có”. Những thứ đi cóp nhặt sẽ khó được trình bày lại hơn những thứ tađã nắm chắc, những thứ đúc ra từ trải nghiệm thực tế.

Trong bài này, có một số mẹo tôi chưa thử, ví dụ như dùng đồng hồ tính giờ, hay dùng các chương trình xử lý văn bản. Nếu Michael Hyatt chỉ mất chưa đầy 70 phút làm tất cả những việc kia, tôi sẽ bắt đầu bằng con số 100 phút xem sao. 
Còn bạn thì sao? Bạn mất bao nhiêu lâu để viết một bài blog ưng ý?
(*) Nào cùng tìm hiểu một chút về SCORRE:
SCORRE – S (Choose a subject), C (Focus on a central theme), O (Determine your objective) | R (Develop your rationale), R (Add supportive resources), E (Evaluate your speech).
Đây là công thức dành cho những người thuyết trình để có một bài diễn thuyết thành công, và các blogger hoàn toàn có thể áp dụng.
Bước đầu tiên là liệt kê các đề tài tiềm năng có thể khai thác và chọn một Chủ đề duy nhất.
Giới hạn phạm vi bằng cách chọn một góc nhìn duy nhất đối với chủ đề trên như một nền trọng tâm.
Xác định một câu thể hiện thứ mà ta muốn có được cùng với bài viết, gồm một định vị, câu trả lời nghi vấn và một từ khóa.
Bám vào một nền tảng lý luận vững chắc để bảo đảm sự tin cậy của mục tiêu của ta.
Bổ sung thêm các tài liệu, trích dẫn, phim ảnh để minh họa làm sáng tỏ vấn đề.
Đánh giá giọng điệu xem có tập trung, rõ ràng và thu hút được sự chú ý của độc giả.

29 tháng 7, 2014

Gửi email vào thứ sáu - tại sao không?

Trong thời gian này, tôi có một buzz word là "ngộ" - ý 1% là "giác ngộ", "tỉnh ngộ", 98,9% là "ngộ độc" còn 0,1% là "ngộ nghĩnh". Just kidding!

2 tuần trước tôi mới có thời gian tranh thủ lúc tự kỷ đề ngồi cày một cái báo cáo, là báo cáo "Science of Email 2014" do Hubspot và Litmus phối hợp thực hiện (với sự hỗ trợ đắc lực của Signal). Bạn có thể tải toàn văn báo cáo ở đây.

Báo cáo này tập trung vào xu hướng, thói quen sử dụng email theo các đối tượng người dùng nói chung và chia theo độ tuổi, giới tính, thu nhập ..., không có chỉ dẫn cụ thể hay đưa ra một thang chuẩn nào cho hoạt động gửi email cả. Nói qua để tránh vỡ mộng.

Có vài ý nhặt được gắn với những điều tôi đang trăn trở, muốn đánh dấu lại và chia sẻ cho những người quan tâm (có kèm hình minh họa - mọi bản quyền - copyright thuộc về Hubspot&Litmus)

Thói quen sử dụng thư điện tử trong năm 2014 có gì đáng chú ý

1) Các hòm thư điện tử thông minh hơn khiến hoạt động email có phần "khốn đốn"

Người dùng email của năm 2014 trở nên tinh quái và đọc ít email hơn năm 2011. Bên cạnh đó, nhờ những tính năng lọc email và hộp ưu tiên, nhu cầu sử dụng một hộp thư khác chuyên đựng spam giảm đi nhiều. 


Thế thì làm sao?
Các "i mêu ma két tờ" cần làm gì đó để chiếm được cảm tình của người nhận và khiến họ có thể ưu ái đưa các thông điệp tiếp thị vào hòm email ưu tiên. 

2) Triển vọng của "những danh sách khiêm tốn" và những ngày cuối tuần

Không nghi ngờ nữa, những danh sách người nhận càng ít thì hiệu quả mang lại càng lớn. Có một list 10000-20000 email thì thật thích, nhưng chia nhỏ ra những danh sách nhỏ hơn (500-1000-2000) sẽ có tỉ lệ CTR tăng hơn 3-4 lần. 
Cùng với đó, với những email tiếp thị (dạng cùng lúc gửi cho nhiều người), có vẻ như ngày giữa tuần không phải là thời điểm vàng để gửi như nhiều tài liệu vẫn khuyên. Cũng dễ hiểu thôi, ngày giữa tuần người người gửi mail, nhà nhà gửi email trong khi người nhận thì bận rộn với công việc, có khi ngày cuối tuần người nhận mới có thời gian rảnh rỗi để kiểm tra các loại email tiếp thị.

Báo cáo về email 2014 - hiệu quả gửi email theo khối lượng danh sách và thời gian

Đối với những email cá nhân (1 gửi 1), sự thật phũ phàng là lượt gửi email và lượt mở email lại chạy theo 2 chiến tuyến chả-liên-quan! 


Báo cáo về email 2014 - hiệu quả gửi email theo thời gian gửi

Thế thì làm sao?
Vậy ai dám khẳng định rằng email gửi vào thứ sáu thứ bảy là không hiệu quả? Chẳng biết. Không thử sao biết! 
Nhưng có một điều cần khẳng định: "Phân loại hay là chết" (Segment or Die). Hãy dành thời gian phân chia danh sách của bạn thành các danh sách nhỏ hơn theo các tiêu chí rõ ràng cụ thể. Từ đó, bạn càng hiểu hơn về người nhận và càng có nhiều ý tưởng để tùy biến nội dung thư gửi theo ý muốn của người nhận. 

3) Thời đại của di động và máy tính bảng 

Cái này thì dường như quá rõ. Theo dõi số liệu từ tháng 5/2013-5/2014, trung bình có khoảng 47% các email gửi đi được mở trên điện thoại di động, trong khi đó các chương trình đọc email trên máy tính và các ứng dụng đọc email trên nền web có xu hướng bị "thất sủng" trong năm vừa qua.

Báo cáo về email 2014 - tỉ lệ click theo thiết bị

Thế thì làm sao?
Dành một vài phút tìm hiểu ngay và luôn: Khách hàng của bạn đang dùng những chương trình đọc email nào? Email của bạn có co dãn (responsive), có hiện ra dễ nhìn trên các loại màn hình khác nhau mà khách đang dùng? 

4) Thường thì ngắn thì sẽ tốt

Rất nhiều thứ có thể ngắn được: Nội dung thư, Tiêu đề thư, đến cả Tên người gửi. 
Theo như quan sát trong báo cáo, một email với độ dài 300-500 ký tự non-HTML có xu hướng đạt được tỉ lệ click cao hơn cả. Bên cạnh đó, những email có tiêu đề ngắn dưới 30 ký tự có sự thu hút cao hơn cả. 

Báo cáo về email 2014 - tỉ lệ click theo độ dài thư và tiêu đề


À, bạn đã thử nghiệm tên người gửi trên email chưa?
Báo cáo về email 2014 - tỉ lệ click theo độ dài tên người gửi


Thế thì làm sao?
Keep it stupid and simple. Giữ cho nội dung, tiêu đề càng cô đọng, xúc tích càng tốt. Điều này sẽ giúp người nhận email nhanh chóng thực hiện được hành động mà bạn mong muốn. Mặt khác, email có nội dung ngắn sẽ chiếm lợi thế trên các thiết bị đọc email có kích thước màn hình nhỏ. 

Sau báo cáo này, tôi đã gấp rút và bí mật đổi lại tên trường From Name trên danh sách tôi đang đảm nhiệm ở công ty từ 3 chữ xuống còn 2 chữ, chưa rõ là có cải thiện được gì không. (Suỵt! Đừng tiết lộ cho ai về vụ này nhé! )

Chốt

Không khẳng định rằng cách thức gửi hiện tại là tốt hay chưa tốt. Điều đó còn tùy thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng độc giả mục tiêu của bạn. Cứ thử thôi, có tới hơn 25 cách thử nghiệm cho bạn tha hồ chọn.

Báo cáo dài 70 trang cơ, nếu chưa tìm thấy ý mà bạn mong đợi, cứ tự nhiên tải báo cáo về để nghiền ngẫm (đường dẫn đã đặt ở đầu bài). 

Gửi email vào thứ sáu - tại sao không? Thế là thứ sáu này các bạn theo dõi blog VietInbound lại được nhận email mới =)

Hi vọng bài viết này hữu ích với bạn đọc. 

- Nhân một ngày trong lòng có bão -


15 tháng 5, 2014

Mô hình 9 bước giữ chân khách hàng tự động

Email Marketing vẫn đang là 1 trong một số (không nhiều) những lĩnh vực tôi quan tâm, bản thân tôi cũng đang phụ trách mảng newsletter qua email của công ty. Dù ngày trước lý thuyết "đầy mình", tôi không thể tránh khỏi những khó khăn khi tiếp cận vấn đề trên góc độ một nhân viên marketing làm việc tại 1 doanh nghiệp cụ thể, ngành nghề cụ thể. Thật khó để biến những lý thuyết kia thành thực tiễn, và hệ thống hóa những vấn đề trong thực tế thành một khối tổng thể.
Thật sự rất muốn viết ra cái gì đó "của chính tôi", nhưng rồi chẳng biết bao giờ mới viết đc. Thì giờ cứ lại phải vay mượn.

Tôi tìm thấy bài này khi đang tìm giải pháp đồng bộ hóa và tự động hóa tối ưu cho hệ thống email khách hàng của công ty. Thật ra thì vẫn chưa đọc hết bài đâu, nhưng lại thôi thúc phải đăng được bài đó lên blog này, để có dịp nghiền ngẫm kỹ hơn, và hình dung kỹ hơn sự liên quan giữa mô hình đối với sản phẩm/lĩnh vực của công ty tôi, một công ty về TMĐT B2B.

Thật ra thì bài viết này xuất phát từ một công ty cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp bán lẻ (??), nhưng được cái mục tiêu bên này cũng là phát huy tác dụng gộp giữa 1 nền tảng TMĐT và 1 phần mềm email marketing. Thế cũng được. Về mặt lý thuyết đa phần giống nhau.

Nguyên văn tiêu đề: Windsor Circle 9 Pillars of Retention Automation, tạm dịch sang thành "9 bước giữ chân khách hàng tự động".

Mỗi bước là một giai đoạn quan trọng trong vòng đời của khách hàng, cảm giác cũng tương tự như cơ sở 4 hoạt động của Inbound marketing

Bước 1: Hiểu biết khách hàng
Bằng các công cụ đo lường phân tích, dựa trên lịch sử mua hàng, nguồn truy cập và các dữ liệu khác để xác định các đối tượng khách hàng lý tưởng và các phân khúc khách hàng quan trọng.
Các thước đo quan trọng gồm Giá trị đặt hàng trung bình, Gía trị CLV (Customer Lifetime Value?) , và Latency - đo liên tục qua thời gian, và đo giữa các segment khác nhau.

Bước 2: Tạo kết nối
Liên tục nỗ lực để thu thập những người đăng ký và khách hàng, và bắt buộc phải có được "Sự cho phép để duy trì".
Mình phải chủ động kết nối với họ trước, thông qua các mẫu đăng ký thu hút, chia sẻ, kêu gọi đăng ký qua email, mạng xã hội và trên website để khách hàng "opt-in" và tạo điều kiện cho tiếp thị dựa trên sự cho phép (permission based marketing).
Tiếp đó, công ty có thể sử dụng các chuỗi thư chào mời được gửi tự động đến những người mới theo dõi, những khách hàng mới, để bắt đầu gây dựng mối quan hệ ban đầu giữa khách hàng với thương hiệu và nảy nở niềm tin của họ đối với doanh nghiệp.

Bước 3: Cảm ơn khách hàng
Đưa những khách hàng đã mua 1 lần thành khách hàng mua lại, mua thường xuyên và cuối cùng trở thành khách hàng trung thành. Khi đó chúng ta cần liên tục cảm ơn khách hàng. Bằng cách nào?
Hãy nghĩ đến việc tạo một chuỗi thư cảm ơn sau khi mua hàng được gửi tự động dựa trên dữ liệu lịch sử mua hàng của họ.
Thậm chí, chúng ta còn có thể tính toán và đề xuất những khoản chiết khấu để kích thích khách hàng mua lại lần sau, rồi lần sau nữa.

Bước 4: Tri ân những khách hàng tốt nhất
Những khách hàng tốt nhất là những người mua gần nhất, thường xuyên nhất và với giá trị lớn nhất. Họ có thể chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, nhưng lại mang lại phần doanh thu lớn nhất cho công ty chúng ta.
Hãy thực hiện những phép phân tích RFM (recency-frequency-money) để tiến hành tri ân những khách hàng tốt nhất một-cách-tự-động.

Bước 5: Tạo thuận lợi để khách mua nhiều hơn
Dựa vào tính chất sản phẩm và dữ liệu lịch sử mua hàng, chúng ta có thể đưa ra những lời gợi ý sản phẩm thông minh, được cá nhân hóa qua email, xác định những sản phẩm khách hàng nên đặt hàng lần nữa, tạo các Replenishment email phù hợp hoặc tìm các đơn vị có thể bán chéo tự động dựa trên các sản phẩm mua gần đây.

Bước 6: "Cứu vãn" những khách hàng đang dao động
Những người đã từng mua rất nhiều, mua thường xuyên, nhưng gần đây lại không mua nữa chính là những khách hàng tốt nhất mà ta đang có nguy cơ mất đi và gọi họ là Churning Customers. Hãy vận dụng tối đa các dữ kiện về điểm trung thành (dịch từ retention score không rõ có đúng ý không), độ trễ và dữ liệu lịch sử mua hàng để châm ngòi cho một bức Win Back email gửi tự động để họ quay về và tiếp tục sự trung thành của họ.

Bước 7: Tạo ra những nhà truyền giáo
Có những người không hay mua, giá trị mua hàng không lớn, nhưng họ lại là những người sẵn sàng ủng hộ và giới thiệu cho chúng ta, giúp chúng ta củng cố thương hiệu, giúp thương hiệu có thể bán được chính nó (sell itself)
Hãy nhận diện họ và khai thác họ bằng các bảng khảo sát được châm ngòi, yêu cầu đánh giá cũng như các chiến dịch khác có thể giúp xác định và thưởng cho những người đó.

Bước 8: Lắng nghe khách hàng
Liên tục lắng nghe khách hàng, những người chúng ta đang tăng cường tiếp thị tới, sử dụng các bảng thăm dò ý kiến, nghiên cứu thị trường, bản phân tích dữ liệu, v.v.
Có được sự thấu hiểu hành vi khách hàng, từ đó tự động hóa các hoạt động tương tác tiếp theo với khách hàng trên các bối cảnh và các xu hướng để làm tiền đề cho hoạt động tiếp thị, quản lý kho hàng, dịch vụ khách hàng, v.v.
(Phần này hình như trừu tượng )

Bước 9: Tóm lấy những khách hàng có thể giữ chân
Những người kinh doanh giỏi có thể dùng dữ liệu để xác định kênh tiếp thị hiệu quả nhất mang lại các khách hàng tốt nhất.
Hãy tìm ra mối tương quan giữa các nguồn truy cập khác nhau (nhờ Google Analytics) và hành vi mua hàng. Khách hàng tốt nhất của chúng ta tới từ đâu? Những sản phẩm nào là một phần giữ chân khách hàng, hay phiếu mua hàng nào dẫn tới môt CLV cao? Bắt lấy họ, Giữ lại. Rồi tiếp theo bắt tiếp những người khác nữa.

Bài viết gốc thực ra đang tự quảng cáo cho các tính năng trong công cụ của họ (ngày 22/6/2014: link gốc đã gỡ bỏ do yêu cầu của bên kia, quái sao có tận 100 cái backlink từ site của mình về site họ trong khi mình chỉ chèn có 1 cái vào đây. =.= )

Bạn có đồng ý rằng giờ chúng ta đang không thiếu loại công cụ, không thiếu tài nguyên để thực hiện tự động hóa các khâu để giữ chân khách hàng. Nhưng cách chúng ta đọc dữ liệu và sử dụng công cụ hợp lý thì phức tạp hơn nhiều.

Cần làm thế nào nhỉ?
Hi vọng 9 trụ cột (pillar dịch sang tiếng việt là trụ cột - nghe hơi gượng sao) này sẽ cho tôi ý tưởng nào đó bật lên trong giấc ngủ.