28 tháng 10, 2012

25+ cách thử nghiệm cho chiến dịch email marketing của bạn


email marketingEmail marketing là một trong những hình thức marketing phổ biến hiện nay. Là một marketer, chắc hẳn bạn đã đọc và tìm kiếm các bài viết về cách thực hiện email marketing sao cho hiệu quả nhất: từ việc trình bày, soạn thảo email, cho đến việc đặt lịch và gửi rồi thống kê, điều chỉnh cách thức cho những lần sau.

Dù bạn có áp dụng bất cứ lý thuyết hay kinh nghiệm của những người đi trước như thế nào cũng không đảm bảo bạn có thể có một bức email hoàn hảo ngay từ đầu vì tính chất sản phẩm dịch vụ, tính chất của chiến dịch email marketing, và khách hàng của chiến dịch đa dạng phong phú.  Có quá nhiều biến đổi và nếu ai đó nghĩ rằng có 1 bức email hoàn hảo cho tất cả marketer, thật là ngây thơ quá.!

Và để có thể rút ra được bức email hoàn hảo nhất cho công ty bạn, không còn cách nào khác ngoài việc thử nghiệm. Bạn có thể lựa chọn một vài hình thức thử nghiệm nhất định, lựa chọn một phần (1-2% hoặc 1 con số cụ thể nào đó trong số danh sách email của bạn để thực hiện gửi mẫu và so sánh) để xác định hình thức nào hiệu quả và hình thức nào không hiệu quả.

Trong bài viết này, VietInbound sẽ đưa ra một vài hình thức thử nghiệm bạn có thể áp dụng trong những lần tiếp để đánh giá kết quả.

Thử nghiệm về trình bày và thiết kế email

1) Văn bản thuần hay HTML: Thông thường, các marketer được khuyên nên gửi một phiên bản văn bản thuần cho bức email HTML của bạn trong trường hợp có vấn đề về dịch trang. Nhưng bạn đã bao giờ nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu bạn chỉ gửi một bức email văn bản thuần?

2) Chọn ảnh: Các chuyên gia email marketing thường khuyến khích đính kèm ảnh trong email, nhưng những ảnh như thế nào? một bức ảnh sản phẩm, hay một bức ảnh nghệ thuật nào đó, hay là một bức ảnh hài hước theo trào lưu chung trên mạng như ảnh troll hay ảnh Gangnam style? Hãy thử nghiệm những loại ảnh khác nhau trong những bức email chuyển đổi khác nhau để xem đâu sẽ là lựa chọn hấp dẫn khách hàng của bạn.
3) Đặt ảnh: Cũng lại với những bức ảnh: bạn nên đặt ở đâu: căn trái, căn phải hay căn giữa? Hay là thôi không đặt ảnh trong mail nữa?
4) Ảnh rõ mặt người gửi: Một số người gửi - đặc biệt các marketer B2B - thường chọn gắn một bức ảnh rõ mặt trong chữ ký email. Đó có phải là một ý tưởng tốt? Điều đó đôi khi giúp bức email thân thiện gần gũi hơn, đôi khi lại khiến người nhận bị xao nhãng. Để biết được cụ thể tác động như thế nào, hãy cứ thử xem sao?
5) Có tái bút hay không: Nếu người nhận bị cuốn hút bởi bức ảnh của người gửi, có thể họ cũng sẽ bị hấp dẫn bởi phần tái bút. Bạn có thể thêm một CTA thứ 2 vào cuối email và thử xem người dùng có bị xao nhãng khỏi CTA trước đó không?
6) Thiết kế mẫu email: Bạn có thể sử dụng những mẫu thiết kế email có sẵn hoặc tự tạo ra những thiết kế mẫu của riêng bạn, nhưng hãy kiểm tra tính hiệu quả của những mẫu đó trước khi áp dụng đại trà. Hãy thử thay đổi một vài biến số: một số chi tiết hay yếu tố nhỏ trên email như font chữ, màu sắc chữ, các loại scripts, hình ảnh, v.v. và giới hạn để quy về một mẫu cơ bản mang hiệu quả cao nhất.

Thử nghiệm về thời gian và tần suất gửi email

7) Ngày trong tuần:  Bạn nên gửi mail vào ngày nào trong tuần cũng là một câu hỏi khá đau đầu. Cũng đã có những nghiên cứu được công bố và kết luận về thời gian gửi email trong tuần cho từng lĩnh vực cụ thể và có thể bạn sẽ rất hào hứng áp dụng điều tốt nhất bạn rút được từ những nghiên cứu đó. Nhưng đừng vội mừng như thế. Đừng rập khuôn quá sớm. Hãy thử nghiệm với từng nhóm khác nhau trong danh sách của bạn, hãy tìm hiểu ngày nào sẽ mang lại thỉ lệ mở và click nhiều nhất trong những email đã gửi đi.
8) Thời gian trong ngày: Cũng giống như trên: hãy thử nghiệm để rút ra ngày nào ... và giờ nào mang lại cho bạn thỉ lệ mở email và click cao nhất. Khi bạn đã kết hợp được 2 yếu tố trên, bạn có một ma trận thời gian tốt nhất và không tốt lắm để gửi email.

Thử nghiệm nội dung email động

9) Có hay không có tên người nhận trong dòng tiêu đề:  Thông qua những nội dung động (nội dung tùy biến) trong đó có dòng tiêu đề, email của bạn có thể trở nên riêng tư hơn. Hãy thử xem liệu khi bạn đặt tên riêng của người nhận trong dòng tiêu đề và khi bạn không đưa tên họ vào dòng tiêu đề, trường hợp nào sẽ khiến khách hàng của bạn thích mở email hơn.
10) Có hay không có tên người nhận trong email: Tương tự, bạn có thể thử nghiệm với phần nội dung email. Có người sẽ coi như một kiểu nhàm chán, có người sẽ hứng thú, có người sẽ không thích và không ghét. Hãy xem độc giả của bạn nằm ở đâu trong số trên.
11) Có hay không có tên công ty trong dòng tiêu đề: Đặc biệt đối với các marketer B2B, bạn có thể có một hình thức khác để thử nghiệm với dòng tiêu đề. Có thể người đọc sẽ thích thú hơn nếu như họ nhìn thấy tên công ty họ trên dòng tiêu đề. Bạn có thể biết điều đó bằng một thử nghiệm nho nhỏ.
12) Thông tin truyền thông xã hội: Nếu bạn đã thu thập được các thông tin truyền thông xã hội của khách hàng tiềm năng, bạn có thể sử dụng thông tin này để gửi những bức email dành riêng cho khách hàng tiềm năng đó, ví dụ số bạn bè trên Facebook theo dõi fanpage của công ty bạn. Đó sẽ là một yếu tố khá thú vị, nhưng chưa chắc sẽ là tốt nhất. Hãy phân đoạn một nhóm nhỏ trong danh sách để thử nghiệm và rút ra kết luận cho bản thân.

Thử nghiệm các kêu gọi hành động (CTA) trong email

13) CTA dạng ảnh hay CTA dạng chữ: CTA trong email của bạn là một trong những phần quan trọng nhất trong email để bạn thử nghiệm, bởi đó là thứ tạo ra khách hàng tiềm năng và sự tái chuyển đổi. Hãy bắt đầu bằng việc bạn sẽ thu được tỉ lệ chuyển đổi cao hơn từ CTA dạng ảnh hay CTA dạng chữ.
14) Kiểu nút và màu sắc CTA: Nếu CTA dạng ảnh là tốt hơn cho bạn, hãy bắt tay vào thử nghiệm với mẫu và màu sắc khác nhau. Đối với website bạn đã thực hiện thử nghiệm như thế thì đối với email, việc đó cũng tương tự thôi.
15) Đặt liên kết trong văn bản: Nếu CTA dạng văn bản mới là lựa chọn tối ưu, hoặc sự kết hợp giữa hình và chữ, hãy thử nghiệm xem cách đặt liên kết trong email. Để xem bạn nên đặt mỏ neo ở đâu trong email: ở đầu email, cuối email hay ở đoạn giữa - tùy thuộc vào thói quen đọc email của người nhận.
16) CTA dạng chữ trong nội dung email hay trong tái bút: Nếu bạn thấy rằng việc sử dụng tái bút là hiệu quả, bạn hãy thử xem CTA sẽ thu được tỉ lệ chuyển đổi tốt hơn nếu bạn đặt trong nội dung email hay trong tái bút. Và nếu phần tái bút là đất tốt để đặt CTA thứ hai, hãy thử xem nó có tác động xấu hay tốt đến CTA chủ đạo của bạn.
email marketing test17) Minh chứng xã hội hoặc không có minh chứng xã hội: Minh chứng xã hội (Social proof) là một quan điểm trong đó hành vi của người tiêu dùng sẽ có thể chịu tác động bởi hành vi của những người xung quanh: có thể là người thân, người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng - họ cho rằng những việc người đó đang làm là đúng. Và nếu bạn bổ sung những yếu tố về minh chứng xã hội trong email, có thể tỉ lệ chuyển đổi sẽ cải thiện, hoặc không. Không thử sao biết.
18) Kiểu chào mời: Đó là loại sản phẩm, dịch vụ, nội dung, thông tin, v.v. bạn muốn mang lại cho người đọc qua email, có tác động lên tỉ lệ chuyển đổi. Bạn có thể rút ra được kết luận qua những phân khúc nhất định dựa trên tiểu sử cá nhân, vòng đời hoặc các yếu tốt khác. Họ thích gì hơn: ebook hay webinar? Hãy thử những lời đề nghị khác nhau để xem đâu là giải pháp tốt cho những phân khúc đó của bạn.

Thử nghiệm người gửi email

19) Người gửi là tên công ty hay tên cá nhân: Tên xuất hiện ở mục "From" trong email có thể sẽ gây tác động lớn đến việc email của bạn có được mở hay không. Hãy thử nghiệm xem: để tên công ty, tên ai đó trong công ty, hay cả hai: cách nào sẽ tốt nhất. Thông thường, đặt tên theo cú pháp "Họ tên người nhận, Tên công ty" sẽ thu được tỉ lệ mở cao hơn.
20) Người gửi là thông tin liên lạc của nhân viên bán hàng: Nhiều marketer đặt tên họ, tên CEO hay tên của một nhân vật chủ chốt nào đó trong công ty làm tên người gửi. Nhưng bạn đã thử đặt tên người gửi là chính người trực tiếp bán hàng? Đôi khi nếu khách hàng đã thực hiện giao dịch với công ty, họ sẽ thích liên hệ trực tiếp với người bán hàng hơn là bộ phận marketing.
21) Địa chỉ email định danh hay bí danh :  Bạn hãy cân nhắc xem khách hàng của bạn thích nhận email từ một địa chỉ email mang tính bí danh ví dụ như cskh@congty.com, info@congty.com hay địa chỉ email mang tính định danh cho từng cá nhân như hoatp@congty.com. Có thể đó cũng là một yếu tố cần được kiểm chứng để làm rõ.

Thử nghiệm nội dung email

22) Giọng điệu suồng sã hay trang trọng: Nội dung email có thể cần thể hiện những sắc thái tình cảm khác nhau, điều đó tùy thuộc vào sự hiểu biết về khách hàng của bạn và một trong những cách để hiểu rõ là thông qua các bản buyer persona, cũng như qua những lần chấp nhận thử và sai. Hãy thử với nhiều giọng điệu khác nhau để xem đâu sẽ là cách mà khán giả của bạn dễ chấp nhận hơn.
23) Kèm chữ "miễn phí" trong email: Chữ "miễn phí" hay "free" trong email cũng có một tác động nào đó đến khả năng truyền thông điệp và CTR. Thông tin đó có thể sẽ là điểm xuất phát khá tốt cho các marketer, nhưng bạn cũng nên tự tay thử nghiệm để xem những từ đó sẽ có lợi hay hại đến danh sách email của bạn.
24) Nội dung email dài hay ngắn: Bạn có thể cho một chút "phấn sáp" vào trong email, hoặc giữ cho email đó ngắn gọn đơn giản. Đừng vội cho rằng cách nào là tốt hay cách nào là xấu. Bạn chỉ có thể kết luận điều đó sau khi đã tiến hành thử nghiệm. Hãy thử xem việc bạn đưa cả một trang web dài vào mail, hay việc chỉ trích dẫn và "đọc thêm", việc nào sẽ khiến cho khách hàng của bạn dễ chịu?
25) Đa dạng dòng tiêu đề: Viết những dòng tiêu đề thần kỳ là một sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học. Hãy cân nhắc điều này. Cùng một mục đích, cùng một ý nghĩa, bạn có thể trình bày những dòng tiêu đề khác nhau mang lại hiệu quả khác nhau. "Làm thế nào trở thành một blogger chuyên nghiệp?" hay "Làm thế nào để có một blog chuyên nghiệp?" Khác nhau và tùy thuộc phải không? Đó là lý do vì sao bạn cần phải kiểm nghiệm những thành phần khác nhau trong dòng tiêu đề để xác định lựa chọn nào sẽ thu hút sự chú ý của người dùng.

25+)  Tiếng Việt có dấu hay không dấu: Đối với cả dòng tiêu đề và đối với nội dung email. Việc sử dụng một bộ font mã Unicode là an toàn, và hiện nay hầu như các email marketing đều đã khắc phục được rắc rối email tiếng Việt không đọc được. Nhưng bạn nên để tiêu đề có dấu hay không dấu, email nên chỉ để bản có dấu hay để kèm cả bản không dấu, và nếu để cả 2 thì nên để phần nào lên trước. Hãy thử nghiệm để xác định chắc chắn hơn nhé.


Việc thử nghiệm có thể khá mất thời gian, và có những rủi ro nhất định, nhưng nếu bạn thực hiện tỉ mỉ và chi tiết bao nhiêu, hiệu quả bạn thu lại sẽ càng lớn bấy nhiêu. 

Hãy lên kế hoạch thử nghiệm với một vài ý tưởng nêu trên, và nếu bạn đã thực hiện và có kết quả, hãy chia sẻ cùng VietInbound và các email marketer khác nữa nhé. :)

27 tháng 10, 2012

Buyer Persona là gì?


Bạn đã bao giờ nghe đến cụm từ "buyer persona" chưa. 
Các từ điển Anh - Việt hiện nay (tính đến hôm nay là 27-10-2012) vẫn chưa cập nhật và cho ra nghĩ tiếng Việt của cụm từ này.
 Gõ cụm từ “buyer persona là gì” trên google.com.vn, không thấy kết quả chính xác.
Vậy thế nó là cái gì???

Buyer Persona là gì?

buyer persona

Thử tìm cách dịch cụm từ này vậy. "Buyer persona" – dịch theo tiếng Việt thì buyer là người bán, điều này hiển nhiên. Thế còn persona?
Tratu.vn nói rằng Persona /pə:´sounə/  (Danh từ, số nhiều .personae, personas   )
  • Nhân vật (trong tiểu thuyết, kịch) vd: comic personae (những nhân vật hài )
  • (phân tâm học) diện mạo cá nhân
  • Cá tính; tư cách
  • (ngoại giao) người vd: persona grata (nhà ngoại giao được thừa nhận, người được chấp thuận (làm đại sứ..); (nghĩa bóng) người được quý chuộng ) hay persona non grata (nhà ngoại giao không được thừa nhận, người không được chấp thuận (làm đại sứ..); (nghĩa bóng) người không được quý chuộng )
 Dịch nghĩa từ persona theo vdict.com hay vi.oldict.com thì chỉ trình bày nghĩa thứ 4 ở trên: tức là (ngoại giao) người với 2 ví dụ là persona grata và persona non grata.

Ý có vẻ trùng khớp hơn có vẻ như nghĩa thứ 2 theo từ điển tratu.vn: "diện mạo cá nhân". Ghép trong cả cụm “buyer persona” có thể dịch là “diện mạo cá nhân người mua”, khá dài dòng. Rút lại thành “diện mạo người mua” được không nhỉ? 

Thôi tạm thời gác việc dịch từ “buyer persona” sang tiếng Việt sang một bên, chúng ta sẽ đi vào nghiên cứu định nghĩa từ này theo định nghĩa đã có sẵn bằng tiếng Anh và để giữ tính khách quan, tôi sẽ giữ nguyên không dịch cụm từ “buyer persona” hay “persona”

Khi tìm kiếm từ “buyer persona definition”, tôi tìm thấy đường dẫn của Wikipedia đầu tiên
http://en.wikipedia.org/wiki/Persona_%28user_experience%29 (cập nhật lần cuối ngày 12/10/2012)     với tiêu đề là Persona (user experience)
"In marketing and user-centered design, personas are fictional characters created to represent the different user types within a targeted demographic, attitude and/or behavior set that might use a site, brand or product in a similar way."
Định nghĩa một thuật ngữ chưa biết bằng một số thuật ngữ chưa biết khác. "User-centered design" (UCD) là gì thế?? Thuật ngữ này có vẻ hơi thiên về kỹ thuật, tạm thời từ đây đến cuối bài viết sẽ hiểu là “Thiết kế với người dùng là trọng tâm” và được viết tắt là UCD.

Và câu của wikipedia ở trên sẽ dịch là “Trong marketing và UCD, persona là những nhân vật tưởng tượng được tạo ra để thể hiện những kiểu người dùng khác nhau trong một nhóm cùng đặc điểm nhân khẩu, thái độ và/hoặc hành vi  mà có thể sử dụng một website, nhãn hiệu hoặc sản phẩm theo cách tương tự như nhau.”

Nhìn tiếp xuống phía dưới, wiki cho định nghĩa sát hơn về user persona, nếu muốn định nghĩa về “buyer persona” có lẽ chỉ cần thay các từ user thành buyer là ổn ^^

“A user persona is a representation of the goals and behavior of a hypothesized group of users. In most cases, personas are synthesized from data collected from interviews with users. They are captured in 1–2 page descriptions that include behavior patterns, goals, skills, attitudes, and environment, with a few fictional personal details to make the persona a realistic character. For each product, more than one persona is usually created, but one persona should always be the primary focus for the design.”
"Một bản user persona là bản trình bày về các mục tiêu và hành vi của một nhóm người dùng giả thuyết. Trong nhiều trường hợp, các persona được tổng hợp từ dữ liệu thu thập từ các cuộc phỏng vấn với người dùng. Chúng được co gọn trong bản mô tả 1-2 trang giấy bao gồm các kiểu hành vi, mục tiêu, kỹ năng, thái độ và môi trường, với một số chi tiết cá nhân mang tính hư cấu để tạo cho persona đó trở thành một nét tính cách thực tế hơn. Đối với mỗi sản phẩm thường có nhiều hơn một bản persona được tạo ra, nhưng trong việc thiết kế cần chỉ tập trung vào một persona duy nhất.”

Vậy user persona, hay buyer persona để làm gì?

Cũng theo trang Wikipedia trên, các marketer có thể sử dụng persona cùng với quá trình phân đoạn thị trường, trong đó các persona tiêu chuẩn được xây dựng để đại diện cho những đoạn thị trường nhất định. Thuật ngữ persona được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng  trực tuyến và kỹ thuật cũng như trong quảng cáo.  Persona có ích trong việc cân nhắc những mục tiêu, sở thích và hạn chế của người mua/người dùng nhãn hiệu để giúp hướng dẫn ra quyết định về một sản phẩm/dịch hay không gian tương tác về các vấn đề như tính năng, các tương tác và thiết kế trực quan trên một website. Pesona còn được sử dụng như một phần của UCD để thiết kế phần mềm, là một phần của thiết kế tương tác, sử dụng trong thiết kế công nghiệp và hiện nay được sử dụng nhiều với mục đích marketing trực tuyến.

Từ “persona”ban đầu được sử dụng với mục đích kỹ thuật (từ những năm 90 của thế kỷ XX), chỉ có gần đây mới được đưa vào sử dụng trong lĩnh vực marketing. 

Phần sau của bài wiki trên khá lằng nhằng và khó hiểu, chủ yếu tập trung vào góc độ kỹ thuật. Trong khuôn khổ và mục đích của bài viết này, tôi sẽ “mổ xẻ” từ “persona” theo góc độ người làm marketing. Vì thế chúng ta sẽ thử tìm các nguồn bài viết khác đặc thù về marketing hơn. 

Trong bàiviết đăng trên pragmaticmarketing.com  với tiêu đề “Buyer and User Personas” , tác giả Steve Johnson có cách đặt vấn đề rất hay: thế nào là cái ô tô tốt nhất, thế nào là bộ phim hay nhất? Câu trả lời là: Còn tùy! Từ “tốt nhất” hoàn toàn tùy thuộc vào cảm quan người tham gia. Và các bản persona xác định hồ sơ lý tưởng của người mua/người dùng tiềm năng. Những người dùng khác nhau có những nhu cầu khác nhau và sẽ lựa chọn sản phẩm khác nhau là “tốt nhất” và người quản trị sản phẩm phải có cái nhìn rõ ràng về khách hàng lý tưởng của họ trước khi phát triển sản phẩm và tạo ra các thông điệp marketing. Do đó, thuật ngữ “persona” ra đời để chỉ những hồ sơ lý tưởng cho các khách hàng tiềm năng và đã được nhiều các nhà quản trị sản phẩm và nhà quản trị marketing trên thế giới áp dụng để xây dựng lên hình ảnh những đối tượng khách hàng sẽ mua và sử dụng sản phẩm của họ. Steve cũng đưa ra khái niệm về persona là “bản mô tả ngắn hoặc bản tiểu sử của một khách hàng được hư cấu và kiểu mẫu.” và nó sẽ làm rõ đối tượng mục tiêu trong các chiến dịch quảng cáo, truyền thông. 

Một vấn đề cần được nhắc đến ở đây là phân biệt “buyer persona” và “buyer profile” hay "customer profile" (hồ sơ khách hàng). Một hồ sơ khách hàng thì gần như ai cũng hiểu: đó là một bản mô tả một khách hàng, hay một nhóm khách hàng bao gồm các thông tin hiện diện, thông tin liên lạc, đặc điểm nhân chủng học, địa lý và tâm lý, cũng như hành vi, lịch sử giao dịch và các thông tin khác. Hồ sơ khách hàng đối với các khách hàng hiện tại, còn buyer persona là các khách hàng lý tưởng, khách hàng mà doanh nghiệp muốn hướng đến. 

Thế là chúng ta đã hiểu sơ qua “buyer persona” là gì và vai trò của persona trong marketing, đặc biệt là trong marketing trực tuyến.
Phần tiếp theo chúng ta sẽ có cái nhìn sâu hơn về một bản “buyer persona”

Nội dung cơ bản của một bản “buyer persona”mẫu

buyer persona template
Buyer persona template


Thông tin cơ bản:
-          Nghề nghiệp, vị trí
-          Sơ lược về công việc
-          Trình độ giáo dục
-          Sở thích
Đặc điểm nhân khẩu:
-          Giới tính
-          Độ tuổi
-          Thu nhập
-          Đặc điểm đô thị hóa
Đặc điểm nhận diện:
-          Từ ngữ quen dùng
-          Hành vi ứng xử
-  Mối quan tâm
Mục tiêu:
-          Mục tiêu chính
-          Mục tiêu phụ
Thách thức:
-          Thách thức chính
-          Thách thức phụ
Công ty bạn có thể giúp persona như thế nào:
-          Để giải quyết các thách thức
-          Để đạt được các mục tiêu
Xác định giá trị: Một vài từ để mô tả persona đó
Mục tiêu chung:  Xác định những mục tiêu chung nhất persona của bạn sẽ nghĩ đến trong quá trình mua hàng
Thông điệp marketing: Bạn sẽ mô tả giải pháp của bạn như thế nào cho persona đó?
Mở rộng thông điệp:  Mô tả giải pháp của bạn một cách đơn giản và nhất quán cho tất cả mọi người trong công ty bạn.

Tạm kết luận:

"Buyer Persona" là một bản mô tả về một mẫu khách hàng lý tưởng hư cấu. Trên góc độ của người làm marketing, "buyer persona" giúp người làm marketing, các nhà quản trị sản phẩm xác định được mục tiêu của chiến dịch/sản phẩm/ dịch vụ.
Đối với mỗi công ty và mỗi marketer, với nhu cầu về đối tượng khách hàng khác nhau, có thể xây dựng những mẫu “buyer persona” riêng phù hợp với đặc thù của ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ. 

Trong những bài viết sau, VietInbound sẽ gợi mở những hướng tiếp cận cụ thể để xây dựng một bản “buyer persona” lý tưởng cho công ty. 

Chú ý: Bài viết này được xây dựng với cách tiếp cận của một người tìm hiểu, chỉ mang tính tham khảo không bảo đảm tính chân thực và chuẩn mực.  Mọi trích dẫn xin được đối chiếu thẳng đến nguồn gốc (có link đính kèm trong bài) Xin cảm ơn.

25 tháng 10, 2012

Chèn liên kết đến hồ sơ tác giả cuối bài viết trên Blogspot

Nhân bài viết về thiết lập quyền tác giả cho website vừa hì hục gõ gõ xóa xóa chiều nay, mình phát hiện ra vấn đề của blogspot là ở cuối bài viết (post footer) hiển thị tên tác giả là text đơn thuần, không có liên kết dẫn đến hồ sơ của tác giả.

Đau đầu đây, cái này khá nhạy cảm.
 Và đây là hướng dẫn của Google về Blogger trên
http://support.google.com/blogger/bin/answer.py?hl=en&answer=42257
Nhưng xem chừng cách này không hay lắm. Ai không tin cứ thử >"<

May quá tìm được một bài viết khác và áp dụng, xem chừng có vẻ dễ thở hơn.

Bước 1: Trước hết, để tránh rủi ro, bạn nên sao lưu template.
  • Vào cài đặt => Bố cục (#pageelements)
  • Bỏ tick ở mục Được đăng bởi + Tên (By + Name)
  • Lưu lại.
Bước 2:
Tiếp theo vào chỉnh sửa HTML (#template)
Tìm dòng code sau:
    <div class="post-footer-line post-footer-line-1"> 
Bổ sung đoạn code vào sau thẻ div đó:

- Đối với blog 1 tác giả:
    Chỉ cần thêm đoạn này:
      <data:top.authorLabel/> <a href="Hồ sơ tác giả"><data:post.author/></a> 
     
    (Hồ sơ này tùy ý bạn: hồ sơ Google+, Facebook, Website cá nhân, ... nếu là hồ sơ Google+ nhớ thêm thẻ rel="author" để hiển thị thông tin tác giả lên snippet trong kết quả tìm kiếm.)
  • Lưu lại - Xong

- Đối với blog nhiều tác giả: thêm những dòng sau vào sau thẻ mở <div ..>

<b:if cond='data:post.author == "Tên hồ sơ chính xác của tác giả 1"'><data:top.authorLabel/> <a href="Hồ sơ tác giả 1">Tên tác giả 1</a></b:if>



<b:if cond='data:post.author == "Tên hồ sơ chính xác của tác giả 2"'><data:top.authorLabel/> <a href="Hồ sơ tác giả 2">Tên tác giả 2</a></b:if>



<b:if cond='data:post.author == "Tên hồ sơ chính xác của tác giả 3"'><data:top.authorLabel/> <a href="Hồ sơ tác giả 3">Tên tác giả 3</a></b:if>xx


blogspot post footer author

Tùy theo blog của bạn, bạn có thể thêm bao nhiêu dòng, bao nhiêu tên tùy ý. Chú ý phải chính xác và tỉ mỉ để tránh bị lỗi xảy ra.

Thế là xong. Bạn có thể xem lại thành quả của mình:
quyền tác giả blogspot

Thiết lập quyền tác giả Google cho bài viết, website, blog

[Cập nhật ngày 8/12/2015: Google đã không còn hỗ trợ cái này từ lâu, vậy mà vẫn có những người vào bài viết này comment (kèm đặt một cái link) và bảo làm được, bảo thành công. Thật là kỳ diệu nhỉ?? ]

Mình đã đọc và đã áp dụng cái này rất lâu, nhưng chưa tự tin để chia sẻ, nhân thấy một số blogger sục sôi bàn tán, mình xin được đăng một bài chia sẻ.

Mục đích của việc thiết lập Google Authorship cho Website:

  • Tăng tính tin cậy và minh bạch của nội dung đăng trên website khi xuất hiện trên kết quả tìm kiếm.
  • Thu hút người click vào đường dẫn trên kết quả bài tìm kiếm để đọc bài viết nhiều hơn (đặc biệt là đối với những tác giả có uy tín và tên tuổi)
  • Là một tiêu chí xếp trustrank của website
  • Hỗ trợ cho SEO
  • Thuận lợi hơn trong việc kết nối và chia sẻ
  • Bản thân tác giả sẽ có nhiều cơ hội được đưa vào vòng hơn trên Google+
  • Nhiều nhiều nữa chưa kịp nhớ ra hết.


Điều kiện cần

  • Tài khoản Google+ dành cá nhân: profile thông tin đầy đủ, ảnh avatar rõ mặt
  • Website/Blog muốn thiết lập quyền tác giả.
  • Email thống nhất dùng trên Google+ và email khi đăng ký thàn viên website/blog
  • Mong muốn được "lăng xê" cho tên tuổi và website của mình (Với những anh hùng thích ẩn dật thì không cần quan tâm lắm)


Bài viết này được viết dựa trên dịch từ Hướng dẫn của Google tại địa chỉ: http://support.google.com/webmasters/bin/answer.py?hl=en&answer=1229920

Ngoài ra có bổ sung một số nhận xét rút ra từ trải nghiệm bản thân.
Ai không ngại tiếng Anh có thể xem clip của GoogleWebmasterHelp về vấn đề này rõ hơn:

 

Các bước thực hiện:

 

Bước 1: Chỉnh sửa hồ sơ Google 

 Lựa chọn 1:  Nếu bạn có địa chỉ email cùng domain với website

  1.  Hãy kiểm tra chắc chắn mỗi bài viết bạn đăng trên domain đó có một dòng tên tác giả xác định rõ bạn là tác giả.
  2. Truy cập https://plus.google.com/authorship, điền email của bạn và gửi cho Google. Bạn sẽ chỉ cần làm điều này 1 lần. Email của bạn sẽ xuất hiện trong mục Work trong tài khoản Google+ của bạn. Đồng thời domain blog sẽ xuất hiện trong mục Contributor. Nếu không muốn tiết lộ email, bạn có thay đổi tùy chọn riêng tư của email đó.
Lựa chọn 2: Nếu bạn không có địa chỉ email cùng domain với website
  1. Tạo link lại từ hồ sơ Google trỏ đến website/blog
    • Vào mục Profile > Edit (Tiểu sử > Chỉnh sử tiểu sử) trong tài khoản Google+ của bạn.
    • Tìm Contributor (Cộng tác viên cho), Click vào để thêm tiêu đề, đường dẫn website của bạn. Save.
  2. Chuyển sang bước 2

  

Bước 2: Cài đặt authorship cho website.

Bước 2.1: Cài đặt authorship cho website/blog 1 tác giả

 Nếu nội dung blog/website được viết bởi 1 tác giả duy nhất là bạn, trường hợp này thường thấy. 
Để dễ dàng hơn, sau khi thiết lập hồ sơ Google+ bạn nên cài luôn nút Google+ lên website để liên kết đến tài khoản Google+ của bạn. https://developers.google.com/+/plugins/badge/  Cách đơn giản nhất là thêm một đường dẫn đến hồ sơ Google+ vào tất cả các trang trên website để thông báo cho Google theo mẫu sau:
<a rel="author" href="hồ sơ Google của bạn">Một cái gì đó</a> 
  • rel="author" biết bạn là người tạo ra website đó.
  • hồ sơ Google của bạn
    Domain profiles.google.com cũng được mà domain plus.google.com cũng được, bạn có thể copy URL trực tiếp từ tài khoản Google+ của bạn giới hạn đến hết đoạn số ID.
  • Một cái gì đó có thể là tên bạn "Về tôi", "Hồ sơ của tôi trên Google+", một cái logo G+ to tướng, v.v. và v.v. hoặc không là gì nếu như bạn không muốn giấu không cho hiển thị trên website.
Bạn có thể chèn đoạn code này vào phần đầu trang, chân trang hoặc một widget nào tùy ý. Một số nền tảng blog như Wordpress với một số template theo phiên bản mới cho phép người dùng điền thông tin tác giả của mình vào một cách dễ dàng mà không phải tác động trực tiếp đến code. Vấn đề xung quanh WP này có thể sẽ được trình bày trong một bài riêng.  
 

Bước 2.2: Cài đặt authorship cho website/blog nhiều tác giả

Nếu website của bạn do nhiều tác giả đóng góp nội dung (ví dụ như blog giaiphapso.info hay seomoz.org), bạn cần xác định rõ từng nội dung với từng tác giả riêng biệt.

Để giải quyết vấn đề này, Google sẽ thực hiện liên kết giữa trang nội dung trên blog (bài báo, bài viết), trang tác giả trên website/blog đó và hồ sơ Google của tác giả. Để xác định quyền tác giả, Google kiểm tra 2 tiêu chí sau:
  •  Liên kết từ trang nội dung đến trang tác giả (nếu trên trang tác giả có liên kết trực tiếp đến hồ sơ Google+, thông tin tác giả sẽ hiển thị  trên kết quả tìm kiếm)
  • Một đường dẫn ngược từ hồ sơ Google của bạn đến nội dung.
Việc dùng liên kết qua lại rất quan trọng: nếu không có chúng, sẽ có trường hợp ai đó sẽ cho rằng nội dung nào đó do bạn viết, hoặc bạn có thể "nhận vơ" nội dung nào đó trên web là của bạn. Đánh dấu quyền tác giả sử dụng thuộc tính rel trong liên kết để thể hiện mối quan hệ (relationship) giữa trang nội dung và trang tác giả. Và đây sẽ là cơ chế hoạt động:    

Trang nội dung:

Liên kết rel="author" chỉ ra tác giả của bài viết và có thể trỏ đến:
  • Trang tác giả của cùng domain giống như trang bài viết: nếu link bài viết là abc.com/bài-viết thì Google sẽ tìm kiếm thông tin như thế này:
    Viết bởi <a rel="author" href="http://abc.com.vn/authors/tên-bạn">Tên bạn</a>
  • Đối với website không có trang tác giả cùng domain (ví dụ ngay như VietInbound.com với nền tảng blogger, không có trang tác giả riêng), liên kết rel="author" có thể áp dụng trực tiếp với hồ sơ Google
    Viết bởi <a rel="author" href="https://profiles.google.com/id-google">Tên bạn</a>
  • Liên kết rel="author" cho biết người được nhắc đến trong liên kết là người tạo ra bài viết.

Trang tác giả:

Liên kết nhiều trang tác giả của cùng 1 người. 
Một trang tác giả trên website/blog thường liên kết đến các trang khác thuộc cùng một tác giả, ví dụ như trang chủ của họ hoặc hồ sơ trên MXH của họ.

Để cho Google biết rằng tất cả các hồ sơ này thể hiện cùng một người,  bạn sử dụng liên kết rel="me" để thiết lập liên kết giữa các trang hồ sơ đó.
Nghe khó hiểu nhỉ, tìm loanh quanh vẫn chưa thấy ví dụ nào thật gần gũi:
 Ví dụ nhé: Trên blog abc.com.vn bạn viết bài có một trang tác giả của riêng bạn (http://abc.com.vn/author/tên-bạn) Đồng thời, bạn cũng có một blog riêng: http://xyz.info Bạn thực hiện liên kết 2 trang đó với nhau như sau:
  • Trong hồ sơ của bạn trên abc.com.vn/author/tên-bạn, bạn để liên kết đến trang xyz.info với
    <a rel="me" href="http://xyz.info">Blog của tôi</a>
    
  • Ngược lại, trên trang xyz.info của bạn, bạn cũng dẫn một đường link ngược sang trang tác giả ở bên kia
    Ghé thăm <a rel="me" href="http://abc.com.vn/author/tên-bạn">những bài viết khác của tôi</a> trên abc.com.
  • Link lại rel="me" giúp cho Google nhận biết được rằng 2 trang  http://abc.com.vn/author/tên-bạnhttp://xyz.info cùng để chỉ đến 1 người - là bạn.

 

Bước 3: Kiểm tra liên kết đến hồ sơ và nội dung xuất bản

Để kiểm tra đánh dấu của bạn và xem những dữ liệu gì Google có thể lấy được từ trang web của bạn, bạn có thể sử dụng công cụ kiểm tra snippet của Google tại địa chỉ: http://www.google.com/webmasters/tools/richsnippets


Tóm lại:

  • Hồ sơ Google đầy đủ, liên kết đến website/blog cá nhân/ đường dẫn bài viết mà bạn là tác giả
  • Đối với website/blog một tác giả: Tạo một liên kết lại từ website đến hồ sơ Google qua thẻ rel="author"
  • Đối với website/blog nhiều tác giả: Cách 1: Tạo liên kết từ bài viết đến trang tác giả trên cùng domain qua thẻ rel="author" + một liên kết từ trang tác giả đền hồ sơ Google qua thẻ rel="me"/ Cách 2: Tạo liên kết từ bài viết thẳng đến hồ sơ Google qua thẻ rel="author"/Cách 3 dành cho ai thích "ăn bánh vòng": một liên kết từ bài viết đến trang tác giả trên cùng domain qua thẻ rel="author" + một liên kết từ trang tác giả cùng domain đó đến blog/website cá nhân qua thẻ rel="me" + một liên kết lại từ website cá nhân đến trang tác giả qua thẻ rel="me" + một liên kết từ website cá nhân đến hồ sơ Google qua thẻ rel="author"

24 tháng 10, 2012

Lập lịch biên tập nội dung cho năm 2013


Marketing nội dung đang trở thành chiến thuật ngày càng phổ biến trong các chiến lược marketing điện tử ở trong bất kỳ lĩnh vực nào. Các doanh nghiệp càng ngày càng nhận thức tầm quan trọng của việc tư duy và hành động như những nhà xuất bản bằng cách cung cấp cho người dùng với nội dung có chất lượng một cách thường xuyên.

Thường thì các dự án marketing nội dung có nhiều phần khác nhau cùng xuất hiện tại nhiều thời điểm khác nhau để tạo ra một chiến dịch chặt chẽ. Do đó, việc sử dụng lịch biên tập nội dung trở nên quan trọng trong việc quản trị quy trình marketing nội dung.

Quản lý lịch và mẫu lịch

Có nhiều cách để xây dựng và dàn xếp lịch biên tập nội dung. Tuy nhiên. lịch biên tập nội dung cần bao quát cái nhìn tổng thể theo năm, bên cạnh những kế hoạch nội dung theo tháng trong suốt cả năm đó, luôn luôn có sẵn 60 ngày đến 90 ngày phía trước. Ngoài ra, bạn cần chỉ định một người quản lỹ việc sửa chữa và bảo quản lịch để tránh sự nhần lẫn giữa các thành viên trong nhóm.

Lịch biên tập nội dung cần phải có sẵn cho tất cả các thành viên trong nhóm được xem, dù ở trong một tài liệu chia sẻ trực tuyến hay lưu đâu đó trong ổ chia sẻ ở công ty.

Lịch này được tạo ra và quản lý trong một bảng tính, có thể trình bày với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau.

Đây là một bản lịch biên tập nội dung mẫu để bạn tham khảo: (Tạo bởi Vertical Measures)

Editorial Content Calendar Template
Lịch này bao gồm các kế hoạch marketing nội dung cho cả năm một cách tổng quan và tạo thêm các bản tính riêng biệt để sử dụng cho từng tháng để có cái nhìn sâu hơn về từng dự án nội dung.

Lịch biên tập có những thành phần cụ thể nào? Hãy có cái nhìn sâu sát hơn để nắm được cách sử dụng cũng như bạn có thể tự tạo một mẫu lịch cho riêng mình.

Hiển thị năm

Khi phát triển lịch biên tập nội dung, điều quan trọng là nghĩ xa càng xa càng tốt. Hãy nhìn xem có những sự kiện và sự vụ gì sẽ xảy ra trong một năm tới mà có tác động đến các dự án nội dung trong tương lai. Một cách để thu thập ý tưởng cho cả một năm trong phần hiển thị năm trong lịch biên tập là tập hợp cả đội để động não về các sự kiện có thể giúp bạn tạo nội dung. Cố gắng kế hoạch cho cả 12 tháng trong năm để tránh những lúc bị tắc đột ngột. Hãy lưu ý những điểm sau khi động não cho năm tới:
  • Các quý kinh doanh: Mục tiêu hàng quý của bạn là gì? Nguồn lực nào bạn sẽ có trong mỗi quý? Ngân sách marketing nội dung hàng quý? Có những thông tin này trong tay sẽ giúp người quản tý lịch có thể bám sát được mục tiêu, nguồn lực và ngân sách.
  • Vòng đời bán hàng:  Công ty bạn có những vòng đời hoặc những xu hướng nhất định trong suốt 1 năm? Hãy bổ sung các thông tin liên quan đến vòng đời bán hàng có thể giúp những người tạo và biên tập nội dung trong các dự án của họ.
  • Mùa: Mùa tự nhiên có tác động gì đến việc kinh doanh hay ngành của bạn có những mùa đặc trưng riêng cho ngành? Dữ liệu này có thể hữu ích khi tìm kiếm các ý tưởng nội dung.
  • Kỳ nghỉ: Các kỳ nghỉ lớn của cả nước hoặc các kỳ nghỉ riêng trong ngành mà bạn có thể viết nội dung về chúng?Đặc biệt nắm chắc những ngày tháng thực tế để phát triển lịch trình xuất bản.
  • Sự kiện: Bạn sẽ tham dự sự kiện nào của ngành? Hoặc sự kiện nào sẽ xảy ra gần bạn? Nội dung này rất quan trọng để kế hoạch hóa nội dung trước thời gian xảy ra sự kiện.
  • Tung sản phẩm: Những sự kiện tung sản phẩm mới nào bạn nghĩ rằng khách hàng cần được biết? Một vài nội dung nên tập trung vào một số đợt tung sản phẩm mới nhất định trong suốt cả năm.
  • Hạn chót: Những cái hạn chót mà đội của bạn phải đảm bảo trong các dự án hiện tại. Hạn chót cần được thiết lập chắc chắn để các dự án nội dung xung quanh chúng cũng được kế hoạch hóa.
  • Mục tiêu công ty: Công ty bạn có mục tiêu cụ thể gì? Và bạn mong muốn đạt được điều gì sau những dự án nội dung này?
  • Các thước đo: Những thước đo bạn đang theo dõi? Bạn có nhìn vào link, lượng truy cập và chuyển đổi? Gạch ra những mục tiêu cao hơn để những người xây dựng và biên tập nội dung có thể ra sức để đạt được các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả.

Tạo lịch hàng tháng

Mỗi dự án nội dung có 1 hàng riêng, xếp thứ tự theo ngày xuất bản. Ngày chót và ngày xuất bản cần được điền theo thứ tự thời gian. Những cột còn lại cần được điền với các gợi ý sau:
  • Tiêu đề/Mô tả: Tiêu đề của đoạn nội dung? Mô tả đoạn nội dung đó để người khác có thể hình dung văn cảnh và thông điệp chính.
  • Tình trạng: Tình trạng hiện tại của dự án? Cột này có thể thiết lập theo màu sắc hoặt gắn nhãn với những danh mục khác nhau như "đang thực hiện","đang chờ" hoặc "đang biên tập" để tình trạng dự án có thể xác định dễ dàng.
  • Loại nội dung: Nội dung đó thuộc thể loại gì: bài đăng blog, bài báo, video, bưu thiếp, trình chiếu, tờ rơi, v.v.. thông tin này rất quan trọng để hoạch định nguồn lực và xác định xu hướng và độ phổ biến nội dung.
  • Người sản xuất/Nhà thiết kế: Ai phụ trách tạo ra nội dung đó? Người nào chịu trách nhiệm hoàn thành nội dung và quản lý toàn bộ dự án?
  • Ai biên tập?: Ai là biên tập viên dự án? Biên tập viên thường là người cuối cùng nhìn thấy nội dung trước khi nó được phát đi. Người này có trách nhiệm kiểm tra kỹ những lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp cũng như kiểm tra tính xác thực của nội dung.
  • Khán giả mục tiêu: Đoạn nội dung này có phải dành cho khách hàng tiềm năng, khách hàng hiện tại hay một đối tượng khán giả khác? Đối tượng nào bạn đang nhắm đến? Điều này cần được xác định rõ ràng trước khi nội dung được phát đi.
  • Kênh phát tin: Nội dung đó sẽ ở đâu? Các kênh mạng xã hội nào sẽ được dùng để chia sẻ nội dung? Hãy chắc chắn rằng kênh phát thông tin sẽ trùng khớp với nơi mà khán giả mục tiêu của bạn đang tham gia để có thể hiện diện tối đa.
  • Xúc tiến: Các phương án xúc tiến nào sẽ được sử dụng để phát tán nội dung?  Nội dung này có thể được thúc đẩy bằng kênh marketing nào khác nữa? Nếu có nhiều cách thức marketing cho nội dung đó, nội dung của bạn sẽ có vòng đời dài hơn.
  • Thẻ meta data:  Những thẻ/ từ khóa nào được kết hợp trong nội dung này? Hãy kiểm tra SEO  với nội dung này để có thể đạt được hiệu quả tối ưu tốt nhất. Nội dung bạn có thể được gọi là tốt nếu người ta không thể tìm thấy nó. Hãy bảo đảm nội dung của bạn được tối ưu không chỉ cho khán giả mà còn cho cả các công cụ tìm kiếm nữa.
  • Thước đo:  Bạn dùng những thước đo nào để đo lường dự án nội dung này? Có những thước đo cơ sở nào? Những thước đo và đường cơ sở sẽ giúp bạn xác định được rằng nội dung của bạn đã thành công hay chưa.
  • Ghi chú:  Có những hướng dẫn hay chú thích nào cụ thể xung quanh nội dung này? Có những thay đổi nào về tình trạng dự án? Hãy thêm một vài ghi chú đáng bổ sung vào cột.

Tùy biến lịch của bạn

Bạn cần nghiên cứu cách tùy biến lịch biên tập nội dung để phù hợp với nhu cầu cụ thể của tổ chức. Hãy xem xét những cột bổ sung sau đây:
  • Liên kết ảnh:  Nếu dự án nội dung chủ yếu là văn bản, việc có một cột liên kết ảnh có thể giúp người đăng nội dung. Liên kết có thể dẫn đến một website hoặc một thư mục, hoặc một ảnh trong ổ chia sẻ của bạn.
  • Cập nhật mạng xã hội:  Cột này cũng giống cột Xúc tiến, nhưng có thể là một mục bổ sung. Nếu bạn có dự định chia sẻ nội dung này trên các MXH, bạn có thể thêm các câu cập nhật trình trạng để tất cả những ai truy cập tài liệu này có thể dễ dàng sao chép
Tóm lại, có nhiều cách để áp dụng những gợi ý trên để tạo ra một lịch biên tập nội dung cho riêng bạn. Điều quan trọng là bạn sẽ giúp cho các dự án nội dung của bạn được tổ chức theo một trật tự dễ hiểu đối với đội của bạn và người quản lý toàn bội quy trình của bạn.
Việc sử dụng lịch biên tập cho các dự án marketing nội dung rất quan trọng trên nhiều phương diện. Nó không chỉ giúp nội dung của bạn được tổ chức theo trật tự, nó còn giúp bạn lưu trữ được tất cả những dự án nội dung đã qua, có thể tổng hợp và báo cáo dễ dàng, nhận ra những bước ngoặt và thành quả một cách nhanh chóng. Hơn nữa việc tổ chức dự án marketing nội dung có thể hỗ trợ bạn sau này khi tìm kiếm những dự án mới  bằng những ý tưởng được tái sử dụng và làm mới.

9 tháng 10, 2012

Inbound Marketing là gì?

Thuật ngữ Inbound Marketing lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 2005 bởi Brian Halligan – CEO & Đồng sáng lập Hubspot. Thuật ngữ này được dựa trên quan điểm nhận được sự chú ý của các khách hàng tiềm năng, để bản thân mình dễ dàng được tìm thấy và lôi kéo các khách hàng đến với website của mình bằng cách tạo ra những nội dung giá trị cho khách hàng để họ tự tìm đến và trở thành khách hàng trung thành mà không phải làm phiền họ bằng những tin nhắn rác hay những chiêu quảng cáo phản cảm.

Trong một chiến lược inbound marketing có ba giai đoạn chính: Được tìm thấy (Get Found), Chuyển đổi (Convert) và Phân tích (Analyze).
  • Được tìm thấy: Tạo nội dung, tối ưu hóa các trang web, tham gia vào các mạng xã hội và thu hút những khách hàng chất lượng vào website của bạn.
  • Chuyển đổi: tạo ra khách hàng tiềm năng (lead), dẫn họ đến website của bạn, gắn kết họ bằng những email tự động được cá nhân hóa và cung cấp thông tin bổ sung cho đội bán hàng của công ty bạn.
  • Phân tích: Phân tích những nỗ lực marketing của bạn để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn và báo cáo tỷ lệ hoàn vốn đầu tư thực tế từ hoạt động marketing đã thực hiện
inbound marketing là gì

Trong một mô hình mới hơn được đề xuất gần đây  bởi Pollitt, Chad (2011) , inbound marketing được chia thành 5 giai đoạn:
  • Thu hút lượng truy cập
  • Chuyển đổi khách ghé thăm thành khách hàng tiềm năng (leads)
  • Chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng hiện thực (sales)
  • Chuyển khách hàng thành khách hàng nhắc lại thường xuyên
  • Phân tích để phát triển liên tục
Về cơ bản, mô hình mới này chỉ khác mô hình ban đầu ở chỗ mô hình mới tách giai đoạn Chuyển đổi thành 3 giai đoạn nhỏ hơn.

Các hình thức cơ bản của inbound marketing gồm có: nhật ký mở (blog), bưu thiếp (postcards), video, sách điện tử (ebook), bản tin điện tử (newsletter), tường thuật (whitepaper), tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), marketing mạng xã hội (SMM) và một số hình thức khác của marketing nội dung. Bên cạnh những hình thức của inbound marketing, cũng xin được điểm ra các hình thức của mô hình ngược lại – Outbound marketing – gồm có kêu gọi mua hàng, cold-calling, thư giấy trực tiếp, quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình, tờ rơi quảng cáo, hội trợ và các hình thức marketing truyền thống khác.


Phần 1: Vì sao nên chọn Inbound marketing?

Inbound marketing hữu ích hơn hẳn ở chỗ nó đạt được khách hàng bằng cách thu hút và nuôi dưỡng các khách hàng tiềm năng với những nội dung độc đao, những dữ liệu và các dịch vụ khách hàng, không phải spam làm phiền họ. Nói một cách hình ảnh, Inbound marketing như một thanh nam châm để hút khách hàng một cách tự nhiên, không phải bằng cách giáng những đòn liên tiếp lên đầu họ bằng các búa tạ nặng nề và lạnh lẽo.
Inbound marketing tiết kiệm chi phí hơn hẳn so với các hình thức marketing truyền thống. Theo báo cáo về thực trạng inbound marketing 2012, những công ty tập trung vào inbound marketing thu hút khách hàng tiềm năng với chi phí trung bình thấp hơn đến 62% so với các công ty tập trung đầu tư cho outbound marketing.

Tại sao inbound marketing lại kỳ diệu đến như vậy?
Hãy nhìn vào quy trình marketing và bán hàng như chiếc phễu. Những khách hàng tiềm năng đầu tiên đến với chúng ta từ trên miệng phễu và những khách hàng hài long thoát ra từ đáy phễu. Là một marketer, mục tiêu của bạn phải tối đa hóa cả số lượng người bước vào miệng phễu và những người bước ra khỏi đáy phễu trên cương vị là khách hàng thực tế. Inbound marketing sử dụng 3 loại chiến thuật để thực hiện điều này:
  • Được tìm thấy — Những chiến thuật như viết blog, SEO nhằm thu hút các khách hàng chất lượng ghé thăm website của bạn.
  • Chuyển đổi — Những chiến thuật như tạo các trang đích (landing pages) và nuôi khách hàng tiềm năng (lead nurturing) nhằm chuyển đổi những khách hàng ghé thăm website thành khách hàng tiềm năng, và khách hàng tiềm năng thành các khách hàng trung thành.
  • Phân tích — Những chiến thuật nhằm cải thiện hiệu quả của cả quá trình – để tìm được đúng khách hàng ngay từ miệng phễu và khi ra khỏi dáy phễu.

Phần 2: Các chiến thuật để Được tìm thấy

Các chiến thuật Được tìm thấy giúp bạn lôi kéo được khách ghé thăm website (chính là các khách hàng tiềm năng trên miệng phễu). Đây là các chiến thuật marketing quan trọng nhất vì chúng là công việc xây dựng một nền móng: Bạn không thể xây dựng điều gì đó mà không có nền móng. Nếu bạn không có khách ghé thăm website, bạn không thể tạo ra các khách hàng tiềm năng được.
Đây là một số chiến lược quan trọng:
  • Viết blog (Blogging) — Inbound marketing bắt đầu bằng việc viết blog. Blog là cách tốt nhất để thu hút lượng truy cập. Các công ty có blog thu hút được nhiều hơn 55% khách hàng tiềm năng só với những công ty không có blog. Để được các khách hàng mục tiêu tìm thấy, bạn cần có nội dung hấp dẫn họ. Và blog của bạn là ngôi nhà cho các nội dung đó.
  • Tối đa hóa công cụ tìm kiếm (SEO) — Khách hàng của bạn bắt đầu quy trình mua hàng trực tuyến thường với một công cụ tìm kiếm. Và bạn cần chắc chắn được liệt kê ngay khi họ cần đến. Để đạt được điều này, bạn cần cẩn thận, tỉ mỉ trong việc lựa chọn từ khóa, tối ưu hóa website của bạn, tạo nội dung và xây dựng hệ thống liên kết.
  • Mạng xã hội (Social Media) — Ngày nay khi con người lên mạng, họ thường giao tiếp với bạn bè, hỏi, đáp, chia sẻ và thảo luận một loạt các chủ đề. Là một marketer bạn muốn nội dung của bạn thành phần trung tâm của cuộc thảo luận trong lĩnh vực của mình. Nếu nội dung của bạn là một phần cuộc đối thoại, bạn sẽ có thể kéo họ đến với website và đưa họ lên miệng chiếc phễu marketing bán hàng của bạn.
  • Marketing nội dung (Content marketing) — Marketing nội dung là một chiến thuật khác để bạn được tìm thấy. Cũng giống như việc viết blog, marketing nội dung là việc xuất bản những nội dung hấp dẫn lôi cuốn mọi người đến website. Nhưng không giống viết blog, marketing nội dung không giới hạn với một kênh cụ thể - đó là ý tưởng chung của việc dùng nội dung để kéo mọi người đến website của bạn. Nó có thể bao gồm video, whitepapers, webinars hay các loại nội dung khác.

Phần 3: Các chiến thuật Chuyển đổi

Các chiến thuật Chuyển đổi giúp bạn đón tiếp những khách hàng đã ghé thăm bạn qua blog, mạng xã hội và SEO và biến họ thành các khách hàng trực tiếp và trả tiền cho các sản phẩm dịch vụ của bạn. Nếu không có các chiến thuật Chuyển đổi, dù bạn có tạo ra bất kỳ hoạt động nào trên website chăng nữa, bạn cũng không thể đạt được doanh thu.
Dưới đây là các chiến thuật Chuyển đổi quan trọng:
  • Lời kêu gọi hành động (Calls to Action - CTA) — Bạn nên bắt đầu tương tác với người ghé thăm website và tương tác với họ trong suốt quá trình bán hàng như thế nào? Hãy khuyến khích họ hành động – có thể là tải một tài liệu, hoặc đăng ký vào một hội thảo trực tuyến – bằng các nút, hoặc đường dẫn với nội dung yêu cầu, VD: “Hãy download tài liệu này”. Hoặc “Hãy đăng ký hội thảo”. Nếu bạn không có đủ những kêu gọi hành động, hoặc lời kêu gọi của bạn không đủ thôi thúc, bạn sẽ không có được khách hàng tiềm năng.
  • Trang đích (Landing Page) — Khi một khách ghé thăm website click vào một CTA, họ cần được đưa đến một trang đích nào đó nơi mà lời mời chào được đáp ứng, và đó là nơi các khách hàng tiềm năng điền vào các thông tin mà đội bán hàng của bạn có thể sử dụng để bắt đầu quá trình chuyển đổi. Ví dụ, khi bạn mời họ tải một tài liệu, trang đích sẽ là trang mà khách ghé thăm gửi các thông tin bạn yêu cầu với mong muốn để tải tài liệu, từ đó, khi bạn có thông tin của họ, họ trở thành khách hàng tiềm năng (lead) của bạn.
  • Email Marketing — Với các thông tin bạn có được từ việc họ click vào CTA, điền vào trang đích và download tài liệu của bạn, họ vẫn chưa thể trở thành một khách hàng thực thụ. Bạn cần nuôi dưỡng mối quan hệ lâu dài với khách hàng tiềm năng đó. Và Email marketing là một cách giúp bạn thực hiện điều đó. Một loại email tập trung vòa những nội dung hấp dẫn, phù hợp sẽ tạo dựng lòng tin với khách hàng tiềm năng và giúp họ sẵn sàng sử dụng sản phẩm dịch vụ của bạn.
  • Nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng (Lead Nurturing) — là việc email marketing được kết cấu theo một loạt các thư điện tử chứa các nội dung tuần tự. Các chiến dịch email thường được kích hoạt bởi các trang đích nhất định. Bởi tính tuần tự và được kích hoạt trước, các chiến dịch này trở nên hợp lý hơn và dễ dàng tương tác với khách hàng tiềm năng hơn.
  • Tự động hóa Marketing (Marketing Automation) — Tự động hóa marketing nhằm diễn tả hoạt động email marketing và nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng trong đó trình tự và nội dung email được dựa trên dữ liệu khách hàng đã cho phép bạn thu thập. Ví dụ: khi khách hàng đăng ký bản tin hàng tuần của bạn, bạn có thể gửi họ các email đều đặt hàng tuần tóm tắt nội dung mới trên website của bạn. Nhưng nếu họ thích được nhận thông tin trên Facebook hơn và chỉ muốn tập trung vào một số trang nhất định trên website của bạn, bạn sẽ có thể thay đổi chiến thuật cũng như thông điệp bạn đưa ra cho họ.

Phần 4: Các chiến thuật Phân tích

Analysis là mục quan trọng thứ ba trong các chiến thuật inbound marketing của bạn. Khi bạn đã bắt đầu thu hút được khách hàng ghé thăm website của bạn qua blog, mạng xã hội và SEO, bạn đã bắt đầu chuyển khách ghé thăm website thành khách hàng tiềm năng và khách hàng thực tế, bạn cần phân tích đánh giá chiếc phễu marketing và bán hàng của bạn và chỉ ra những cách để nó trở nên hiệu quả hơn.
Các thước đo quan trọng (Key Metrics )— Hầu hết các inbound marketer sử dụng chiếc phễu marketing bán hàng để làm cơ sở cho quá trình phân tích của họ. Họ nhìn vào các thước đo như sau:
  • Lượng truy cập Website (Website visitors) — Con số trên miệng phễu: đây là những người đã tìm thấy website của bạn. Họ cần được chuyển đổi thành khách hàng tiềm năng và sau đó trở thành các khách hàng thực tế.
  • Khách hàng tiềm năng (Leads) —  Con số đo ở đoạn giữa phễu. Những người này ghé thăm website và làm gì đó để khác nhận danh tích. Một khi những khách ghé thăm này xác nhận danh tích và trở thành khách hàng tiềm năng, bạn có thể bắt đầu cuộc đối thoại cần thiết để biến họ thành khách hàng thực tế.
  • Khách hàng thực tế (Customers) — Chính là mục tiêu của bạn ở đáy phễu!
  • Tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rates) — Là tỉ lệ những người chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo.
  • Điểm chuẩn (Benchmarks) — Là các dữ liệu làm căn cứ giúp bạn đánh giá so sánh với các đối thủ cạnh tranh. Ví dụ các điểm chuẩn về tỷ lệ chuyển đổi cho phép bạn thấy tương quan về tỷ lệ chuyển đổi giữa công ty bạn và các công ty tương tự.
  • Hiệu suất của nội dung (Content Performance) — Mỗi loại nội dung bạn tạo ra cần được theo dõi độc lập. Bạn muốn thấy từng loại nội dung lôi kéo được khách ghé thăm website của bạn như thế nào, mức độ thường xuyên sử dụng đối với từng mục, từng loại nội dung đó trong từng giai đoạn của quá trình chuyển đổi từ khách hàng tiềm năng sang khách hàng thực tế.

Phương pháp phân tích — Qúa trình phân tích trong Inbound marketing cần được bắt đầu với một loạt câu hỏi nhằm chỉ ra nơi nào chứa cơ hội tốt nhất bạn có thể nắm bắt để có thể tăng lượng bán hàng. Dưới đây là một số câu hỏi bạn có thể cân nhắc để bắt đầu:
  • Lượng khách truy cập website của bạn so với đối thủ? – Nếu bạn ở phía sau đối thủ, bạn cần phải làm gì đó để tang lượng truy cập, nếu bạn đã vượt qua đối thủ, hãy chuyển đến câu hỏi tiếp.
  • Bạn có đạt được nhiều khách hàng tiềm năng như đối thủ không? Nếu bạn bị tụt sau về tỷ lệ chuyển đổi khách ghét thăm => khách tiềm năng, bạn cần đào sâu vào đoạn giữa cái phễu và tìm ra các cách thức để cải thiện kết quả của bạn.
  • Có phải bạn hài lòng với khối lượng khách hàng tiềm năng, nhưng không thật hài lòng với doanh số bán hàng? Hãy kiểm tra quá trình bán hàng (ở phần đáy phễu). Bạn có thể làm gì để nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng tốt hơn, và phát triển kỹ năng bán hàng như thế nào để có thể chuyển đổi được nhiều khách hàng tiềm năng hơn?
  • Đặt mục tiêu — Công đoạn phân tích cho phép các công ty thiết lập và theo dõi các mục tiêu marketing nhất định. Khi bạn đã xác định được các thước đo chủ đạo và bắt đầu thực hiện công đoạn phân tích, bạn cần đi theo các bước sau để thiết lập các mục tiêu kinh doanh cụ thể:
  • Đặt mục tiêu khách hàng tiềm năng và doanh số bán hàng— cho quý tới? năm tới?
  • Chương trình marketing nào để đạt được các mục tiêu đó? — Với  tỉ lệ chuyển đổi đã đặt ra, bạn cần bao nhiêu khách hàng tiềm năng để đạt được doanh số bán hàng mục tiêu?
  • Cần bao nhiêu khách ghé thăm website? —  Bạn cần làm gì để đạt được lượng truy cập đó? Cùng như cách thức để bạn nâng cao tỉ lệ chuyển đổi.


Trên đây là tổng quan về Inbound Marketing, các đặc điểm của Inbound marketing và tổng quan quy trình thực hiện một chiến lược inbound marketing. 3 giai đoạn của quy trình inbound marketing sẽ là cơ sở để VietInbound.com sẽ phát triển và hoàn thiện website trở thành một nơi cung cấp các kiến thức, kỹ năng inbound marketing cho các marketer.

Mọi đóng góp ý kiến để hoàn thiện nội dung website xin liên hệ: admin [at] vietinbound [dot] com

22 tháng 9, 2012

Chào mừng bạn đến với VietInbound


Sau một thời gian tạm gọi là dài lăng xăng trong nghề marketing online, mình nhận ra Inbound Marketing là hình thức marketing lý tưởng nhưng vẫn chưa chưa có điều kiện đi sâu vào nhận thức và ứng dụng triệt để xét trong điều kiện hoàn cảnh thực tiễn của các công ty Việt Nam.

Website này ban đầu có "tham vọng" muốn xây dựng một cái gì đó giống như mô hình của Hubspot (một công ty cung cấp phần mềm và giải pháp inbound marketing ở Mỹ). Mình đã đặt ra một vài bài toán: về team, về money, chọn hosting, rồi cả chiến lược phát triển doanh nghiệp, chiến lược cạnh tranh, v.v... Nhưng xét nhiều khía cạnh và lý do cá nhân, mình xác định chỉ coi marketing như một sở thích, một niềm vui chứ không phải là nghề nghiệp, cũng như việc xây dựng và điều hành một doanh nghiệp không phải là sự lựa chọn phù hợp với mình (do thiếu sự tự tin, quyết đoán và năng động chăng?), mình quyết định VietInbound.com như một blog chia sẻ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm về marketing/inbound marketing của các công ty trên thế giới, và tìm những phương án làm inbound marketing nào đó thân thiện hơn, phù hợp hơn và gần gũi hơn với tình hình đặc thù của các công ty Việt Nam. Chia sẻ,gợi mở và truyền cảm hứng, do đó blogger là sự lựa chọn vừa đủ cho mình.

Dù sao đi nữa, mình sẽ rất vui và ủng hộ hết mình nếu ai đó đọc được bài viết này và sục sôi kế hoạch xây dựng mô hình mình đã nghĩ đến nhưng đã quyết định không thực hiện: một Hubspot của Việt Nam! :)

Đôi khi đâu đó trong blog bạn có thể thấy được những nét gì đó hơi phiêu, hơi siêu thực, đôi khi bị "lý tưởng hóa". Nhiều lúc bạn bắt gặp những ngôn ngữ khá "trẻ con" và "bốp chát", "gai góc" và không được nghiêm túc lắm. Tất cả cũng nhằm tạo ra không khí thoải mái thân thiện và tiếp cận vấn đề tự nhiên hơn.


Mọi ý kiến đóng góp, yêu cầu, mong muốn xây dựng nội dung, viết bài đóng góp về marketing/inbound marketing xin gửi email đến địa chỉ admin [at] vietinbound [dot] com (Ms.Minh Trang)

Ngày hôm nay là ngày website cất tiếng khóc chào đời. Hi vọng bé VietInbound sẽ hay ăn chóng lớn. :)