Hiển thị các bài đăng có nhãn email marketing. Hiển thị tất cả bài đăng

29 tháng 8, 2014

Sử dụng công cụ Mailchimp như thế nào

Hôm nay tôi đã hoàn thành cơ bản một bài trình diễn về những gì đúc rút được sau 1 năm làm Mailchimp.
Nói chính xác ra thì tôi biết và sử dụng Mailchimp trước đó cũng lâu rồi, nhưng để làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm thì mới từ tháng 11/2013 đến nay. Về sau còn được tiếp tục trải nghiệm như thế nữa không thì còn tùy duyên. :)

Mới chia sẻ trên Facebook và cũng nhận được nhiều like, lâu lắm rồi mới thấy sướng thế này, tự dưng có thêm vài người đăng ký mới trên VietInbound, lại đúng vào thứ 6 (máu chảy về tim), sắp đến ngày Quốc khánh. Nói túm lại là tôi đang rất sướng.  :D

Đây là nội dung tác phẩm:



Đầu mục chính:
- Các thao tác với Mailchimp (Có nhấn nhá vào một số thao tác tôi va chạm nhiều nhất)
- Các sai lầm to đã mắc phải trong 1 năm vừa rồi
- Và một số việc chưa làm được (hi vọng sẽ sớm được thực hiện trong năm sau)

Nếu bạn trông đợi đọc một bài viết về tối ưu hoạt động email marketing hoặc thứ gì đại loại, bạn có thể ngó qua mấy bài này:


Chót hứa hẹn với một số người bạn sẽ có một sản phẩm liên quan đến các vấn đề nâng cao hơn về Email Marketing. Thú thật là thời gian trải nghiệm của tôi chưa nhiều (và cũng một phần do tôi chưa tận dụng tốt thời gian của mình), chẹp. Thôi cứ hứa để lấy làm động lực.

Hôm nay mưa gió ầm ĩ nhưng mà MT vui lắm ấy. Chúc các bạn một kỳ nghỉ Quốc khánh tràn trề năng lượng nhé. :)

Ta sắp trở lại và lợi hại gấp tỉ lần :3

29 tháng 7, 2014

Gửi email vào thứ sáu - tại sao không?

Trong thời gian này, tôi có một buzz word là "ngộ" - ý 1% là "giác ngộ", "tỉnh ngộ", 98,9% là "ngộ độc" còn 0,1% là "ngộ nghĩnh". Just kidding!

2 tuần trước tôi mới có thời gian tranh thủ lúc tự kỷ đề ngồi cày một cái báo cáo, là báo cáo "Science of Email 2014" do Hubspot và Litmus phối hợp thực hiện (với sự hỗ trợ đắc lực của Signal). Bạn có thể tải toàn văn báo cáo ở đây.

Báo cáo này tập trung vào xu hướng, thói quen sử dụng email theo các đối tượng người dùng nói chung và chia theo độ tuổi, giới tính, thu nhập ..., không có chỉ dẫn cụ thể hay đưa ra một thang chuẩn nào cho hoạt động gửi email cả. Nói qua để tránh vỡ mộng.

Có vài ý nhặt được gắn với những điều tôi đang trăn trở, muốn đánh dấu lại và chia sẻ cho những người quan tâm (có kèm hình minh họa - mọi bản quyền - copyright thuộc về Hubspot&Litmus)

Thói quen sử dụng thư điện tử trong năm 2014 có gì đáng chú ý

1) Các hòm thư điện tử thông minh hơn khiến hoạt động email có phần "khốn đốn"

Người dùng email của năm 2014 trở nên tinh quái và đọc ít email hơn năm 2011. Bên cạnh đó, nhờ những tính năng lọc email và hộp ưu tiên, nhu cầu sử dụng một hộp thư khác chuyên đựng spam giảm đi nhiều. 


Thế thì làm sao?
Các "i mêu ma két tờ" cần làm gì đó để chiếm được cảm tình của người nhận và khiến họ có thể ưu ái đưa các thông điệp tiếp thị vào hòm email ưu tiên. 

2) Triển vọng của "những danh sách khiêm tốn" và những ngày cuối tuần

Không nghi ngờ nữa, những danh sách người nhận càng ít thì hiệu quả mang lại càng lớn. Có một list 10000-20000 email thì thật thích, nhưng chia nhỏ ra những danh sách nhỏ hơn (500-1000-2000) sẽ có tỉ lệ CTR tăng hơn 3-4 lần. 
Cùng với đó, với những email tiếp thị (dạng cùng lúc gửi cho nhiều người), có vẻ như ngày giữa tuần không phải là thời điểm vàng để gửi như nhiều tài liệu vẫn khuyên. Cũng dễ hiểu thôi, ngày giữa tuần người người gửi mail, nhà nhà gửi email trong khi người nhận thì bận rộn với công việc, có khi ngày cuối tuần người nhận mới có thời gian rảnh rỗi để kiểm tra các loại email tiếp thị.

Báo cáo về email 2014 - hiệu quả gửi email theo khối lượng danh sách và thời gian

Đối với những email cá nhân (1 gửi 1), sự thật phũ phàng là lượt gửi email và lượt mở email lại chạy theo 2 chiến tuyến chả-liên-quan! 


Báo cáo về email 2014 - hiệu quả gửi email theo thời gian gửi

Thế thì làm sao?
Vậy ai dám khẳng định rằng email gửi vào thứ sáu thứ bảy là không hiệu quả? Chẳng biết. Không thử sao biết! 
Nhưng có một điều cần khẳng định: "Phân loại hay là chết" (Segment or Die). Hãy dành thời gian phân chia danh sách của bạn thành các danh sách nhỏ hơn theo các tiêu chí rõ ràng cụ thể. Từ đó, bạn càng hiểu hơn về người nhận và càng có nhiều ý tưởng để tùy biến nội dung thư gửi theo ý muốn của người nhận. 

3) Thời đại của di động và máy tính bảng 

Cái này thì dường như quá rõ. Theo dõi số liệu từ tháng 5/2013-5/2014, trung bình có khoảng 47% các email gửi đi được mở trên điện thoại di động, trong khi đó các chương trình đọc email trên máy tính và các ứng dụng đọc email trên nền web có xu hướng bị "thất sủng" trong năm vừa qua.

Báo cáo về email 2014 - tỉ lệ click theo thiết bị

Thế thì làm sao?
Dành một vài phút tìm hiểu ngay và luôn: Khách hàng của bạn đang dùng những chương trình đọc email nào? Email của bạn có co dãn (responsive), có hiện ra dễ nhìn trên các loại màn hình khác nhau mà khách đang dùng? 

4) Thường thì ngắn thì sẽ tốt

Rất nhiều thứ có thể ngắn được: Nội dung thư, Tiêu đề thư, đến cả Tên người gửi. 
Theo như quan sát trong báo cáo, một email với độ dài 300-500 ký tự non-HTML có xu hướng đạt được tỉ lệ click cao hơn cả. Bên cạnh đó, những email có tiêu đề ngắn dưới 30 ký tự có sự thu hút cao hơn cả. 

Báo cáo về email 2014 - tỉ lệ click theo độ dài thư và tiêu đề


À, bạn đã thử nghiệm tên người gửi trên email chưa?
Báo cáo về email 2014 - tỉ lệ click theo độ dài tên người gửi


Thế thì làm sao?
Keep it stupid and simple. Giữ cho nội dung, tiêu đề càng cô đọng, xúc tích càng tốt. Điều này sẽ giúp người nhận email nhanh chóng thực hiện được hành động mà bạn mong muốn. Mặt khác, email có nội dung ngắn sẽ chiếm lợi thế trên các thiết bị đọc email có kích thước màn hình nhỏ. 

Sau báo cáo này, tôi đã gấp rút và bí mật đổi lại tên trường From Name trên danh sách tôi đang đảm nhiệm ở công ty từ 3 chữ xuống còn 2 chữ, chưa rõ là có cải thiện được gì không. (Suỵt! Đừng tiết lộ cho ai về vụ này nhé! )

Chốt

Không khẳng định rằng cách thức gửi hiện tại là tốt hay chưa tốt. Điều đó còn tùy thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng độc giả mục tiêu của bạn. Cứ thử thôi, có tới hơn 25 cách thử nghiệm cho bạn tha hồ chọn.

Báo cáo dài 70 trang cơ, nếu chưa tìm thấy ý mà bạn mong đợi, cứ tự nhiên tải báo cáo về để nghiền ngẫm (đường dẫn đã đặt ở đầu bài). 

Gửi email vào thứ sáu - tại sao không? Thế là thứ sáu này các bạn theo dõi blog VietInbound lại được nhận email mới =)

Hi vọng bài viết này hữu ích với bạn đọc. 

- Nhân một ngày trong lòng có bão -


15 tháng 5, 2014

Mô hình 9 bước giữ chân khách hàng tự động

Email Marketing vẫn đang là 1 trong một số (không nhiều) những lĩnh vực tôi quan tâm, bản thân tôi cũng đang phụ trách mảng newsletter qua email của công ty. Dù ngày trước lý thuyết "đầy mình", tôi không thể tránh khỏi những khó khăn khi tiếp cận vấn đề trên góc độ một nhân viên marketing làm việc tại 1 doanh nghiệp cụ thể, ngành nghề cụ thể. Thật khó để biến những lý thuyết kia thành thực tiễn, và hệ thống hóa những vấn đề trong thực tế thành một khối tổng thể.
Thật sự rất muốn viết ra cái gì đó "của chính tôi", nhưng rồi chẳng biết bao giờ mới viết đc. Thì giờ cứ lại phải vay mượn.

Tôi tìm thấy bài này khi đang tìm giải pháp đồng bộ hóa và tự động hóa tối ưu cho hệ thống email khách hàng của công ty. Thật ra thì vẫn chưa đọc hết bài đâu, nhưng lại thôi thúc phải đăng được bài đó lên blog này, để có dịp nghiền ngẫm kỹ hơn, và hình dung kỹ hơn sự liên quan giữa mô hình đối với sản phẩm/lĩnh vực của công ty tôi, một công ty về TMĐT B2B.

Thật ra thì bài viết này xuất phát từ một công ty cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp bán lẻ (??), nhưng được cái mục tiêu bên này cũng là phát huy tác dụng gộp giữa 1 nền tảng TMĐT và 1 phần mềm email marketing. Thế cũng được. Về mặt lý thuyết đa phần giống nhau.

Nguyên văn tiêu đề: Windsor Circle 9 Pillars of Retention Automation, tạm dịch sang thành "9 bước giữ chân khách hàng tự động".

Mỗi bước là một giai đoạn quan trọng trong vòng đời của khách hàng, cảm giác cũng tương tự như cơ sở 4 hoạt động của Inbound marketing

Bước 1: Hiểu biết khách hàng
Bằng các công cụ đo lường phân tích, dựa trên lịch sử mua hàng, nguồn truy cập và các dữ liệu khác để xác định các đối tượng khách hàng lý tưởng và các phân khúc khách hàng quan trọng.
Các thước đo quan trọng gồm Giá trị đặt hàng trung bình, Gía trị CLV (Customer Lifetime Value?) , và Latency - đo liên tục qua thời gian, và đo giữa các segment khác nhau.

Bước 2: Tạo kết nối
Liên tục nỗ lực để thu thập những người đăng ký và khách hàng, và bắt buộc phải có được "Sự cho phép để duy trì".
Mình phải chủ động kết nối với họ trước, thông qua các mẫu đăng ký thu hút, chia sẻ, kêu gọi đăng ký qua email, mạng xã hội và trên website để khách hàng "opt-in" và tạo điều kiện cho tiếp thị dựa trên sự cho phép (permission based marketing).
Tiếp đó, công ty có thể sử dụng các chuỗi thư chào mời được gửi tự động đến những người mới theo dõi, những khách hàng mới, để bắt đầu gây dựng mối quan hệ ban đầu giữa khách hàng với thương hiệu và nảy nở niềm tin của họ đối với doanh nghiệp.

Bước 3: Cảm ơn khách hàng
Đưa những khách hàng đã mua 1 lần thành khách hàng mua lại, mua thường xuyên và cuối cùng trở thành khách hàng trung thành. Khi đó chúng ta cần liên tục cảm ơn khách hàng. Bằng cách nào?
Hãy nghĩ đến việc tạo một chuỗi thư cảm ơn sau khi mua hàng được gửi tự động dựa trên dữ liệu lịch sử mua hàng của họ.
Thậm chí, chúng ta còn có thể tính toán và đề xuất những khoản chiết khấu để kích thích khách hàng mua lại lần sau, rồi lần sau nữa.

Bước 4: Tri ân những khách hàng tốt nhất
Những khách hàng tốt nhất là những người mua gần nhất, thường xuyên nhất và với giá trị lớn nhất. Họ có thể chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, nhưng lại mang lại phần doanh thu lớn nhất cho công ty chúng ta.
Hãy thực hiện những phép phân tích RFM (recency-frequency-money) để tiến hành tri ân những khách hàng tốt nhất một-cách-tự-động.

Bước 5: Tạo thuận lợi để khách mua nhiều hơn
Dựa vào tính chất sản phẩm và dữ liệu lịch sử mua hàng, chúng ta có thể đưa ra những lời gợi ý sản phẩm thông minh, được cá nhân hóa qua email, xác định những sản phẩm khách hàng nên đặt hàng lần nữa, tạo các Replenishment email phù hợp hoặc tìm các đơn vị có thể bán chéo tự động dựa trên các sản phẩm mua gần đây.

Bước 6: "Cứu vãn" những khách hàng đang dao động
Những người đã từng mua rất nhiều, mua thường xuyên, nhưng gần đây lại không mua nữa chính là những khách hàng tốt nhất mà ta đang có nguy cơ mất đi và gọi họ là Churning Customers. Hãy vận dụng tối đa các dữ kiện về điểm trung thành (dịch từ retention score không rõ có đúng ý không), độ trễ và dữ liệu lịch sử mua hàng để châm ngòi cho một bức Win Back email gửi tự động để họ quay về và tiếp tục sự trung thành của họ.

Bước 7: Tạo ra những nhà truyền giáo
Có những người không hay mua, giá trị mua hàng không lớn, nhưng họ lại là những người sẵn sàng ủng hộ và giới thiệu cho chúng ta, giúp chúng ta củng cố thương hiệu, giúp thương hiệu có thể bán được chính nó (sell itself)
Hãy nhận diện họ và khai thác họ bằng các bảng khảo sát được châm ngòi, yêu cầu đánh giá cũng như các chiến dịch khác có thể giúp xác định và thưởng cho những người đó.

Bước 8: Lắng nghe khách hàng
Liên tục lắng nghe khách hàng, những người chúng ta đang tăng cường tiếp thị tới, sử dụng các bảng thăm dò ý kiến, nghiên cứu thị trường, bản phân tích dữ liệu, v.v.
Có được sự thấu hiểu hành vi khách hàng, từ đó tự động hóa các hoạt động tương tác tiếp theo với khách hàng trên các bối cảnh và các xu hướng để làm tiền đề cho hoạt động tiếp thị, quản lý kho hàng, dịch vụ khách hàng, v.v.
(Phần này hình như trừu tượng )

Bước 9: Tóm lấy những khách hàng có thể giữ chân
Những người kinh doanh giỏi có thể dùng dữ liệu để xác định kênh tiếp thị hiệu quả nhất mang lại các khách hàng tốt nhất.
Hãy tìm ra mối tương quan giữa các nguồn truy cập khác nhau (nhờ Google Analytics) và hành vi mua hàng. Khách hàng tốt nhất của chúng ta tới từ đâu? Những sản phẩm nào là một phần giữ chân khách hàng, hay phiếu mua hàng nào dẫn tới môt CLV cao? Bắt lấy họ, Giữ lại. Rồi tiếp theo bắt tiếp những người khác nữa.

Bài viết gốc thực ra đang tự quảng cáo cho các tính năng trong công cụ của họ (ngày 22/6/2014: link gốc đã gỡ bỏ do yêu cầu của bên kia, quái sao có tận 100 cái backlink từ site của mình về site họ trong khi mình chỉ chèn có 1 cái vào đây. =.= )

Bạn có đồng ý rằng giờ chúng ta đang không thiếu loại công cụ, không thiếu tài nguyên để thực hiện tự động hóa các khâu để giữ chân khách hàng. Nhưng cách chúng ta đọc dữ liệu và sử dụng công cụ hợp lý thì phức tạp hơn nhiều.

Cần làm thế nào nhỉ?
Hi vọng 9 trụ cột (pillar dịch sang tiếng việt là trụ cột - nghe hơi gượng sao) này sẽ cho tôi ý tưởng nào đó bật lên trong giấc ngủ.



13 tháng 8, 2013

9 (=4+5) phương án để thư được vào Primary Tab của Gmail

new gmail primary tab

Mấy tháng nay, cộng đồng mạng bàn tán khá sôi nổi về giao diện mới Gmail, lẽ dĩ nhiên vì người dùng Gmail tích cực chiếm tỉ lệ rất lớn trong tổng số người dùng Internet hiện nay.

Một chủ đề được rất nhiều người làm email marketing quan tâm đó là: Việc phân loại theo tab có ảnh hưởng gì đến hiệu quả các chiến dịch email marketing sắp tới & Làm thế nào để email tiếp thị có thể được đưa vào tab "Chính" trong inbox người nhận.

Không có "duyên" trở thành một email marketer nhưng tôi vẫn luôn thích email marketing, tự tin về triển vọng phát triển của email marketing trong bức tranh chung của marketing và sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng hữu ích về email marketing cho độc giả của VietInbound. Rõ ràng email marketing luôn là một công cụ quan trọng của bất cứ chiến lược inbound marketing nào.

Trước hết, cho đúng thủ tục thì chúng ta nên điểm qua những thay đổi nổi bật của Gmail mới:

Giới thiệu Gmail mới

 Về cơ bản, mọi người cũng nắm được sơ sơ cách tổ chức hộp thư đến theo các "tab" (chưa biết dịch tiếng Việt là gì) riêng biệt.
  • Chính (Primary): Thư và cuộc hội thoại trực tiếp không xuất hiện trong các tab khác. Tất cả những email trao đổi trực tiếp của bạn bè, đồng nghiệp mặc định sẽ được đưa vào tab Chính.
  • Xã hội (Social): Thư từ các mạng xã hội, trang mạng truyền thông, dịch vụ hẹn hò trực tuyến và các trang web xã hội khác. Ví dụ như những email thông báo từ Facebook, Google+, Twitter, LinkedIn, ...
  • Quảng cáo (Promotions): Ưu đãi, khuyến mãi và các email tiếp thị khác.
  • Nội dung cập nhật (Updates): Các nội dung cập nhật cá nhân được tự động tạo, bao gồm xác nhận, biên lai, hóa đơn và bản sao kê.
  • Diễn đàn (Forums): Thư từ các nhóm trực tuyến, diễn đàn thảo luận và danh sách gửi thư. Dễ gặp nhất là thư gửi đến một email nhóm (ví dụ googlegroups).

5 tab Hộp thư đến Gmail Inbox mới: Chính, Xã hội, Quảng cáo, Nội dung cập nhật và Diễn đàn


Gmail mới trên di động - các cách để email vào primary tab
Gmail mới cũng đã cập nhật trên các ứng dụng di động phổ biến như Android và iOS.
Ảnh này đi mượn t_t máy mình chưa có nên chưa demo được :-<


Việc sắp xếp này mang tính tương đối. Có khi cùng là thư gửi bằng phần mềm email marketing (người gửi là @ gì gì đó via @ gì gì đó chẳng hạn) có trường hợp rơi vào Primary, có trường hợp rơi vào Promotions hay Updates. Bản tin hàng ngày, hàng tuần của các blog có bạn nhảy vào Nội dung cập nhật (như thư từ SocialMediaExaminer, ECT), có bạn lại rơi vào Quảng cáo (như thư từ HubSpot).

thư gắn dấu sao GmailTình hình lạc quan là Google rất linh hoạt chiều lòng người dùng. Người dùng có quyền tổ chức hiện hay ẩn các tab theo ý muốn. Ngoại trừ tab Chính không thể bỏ chọn được, còn nếu bạn không chọn tất cả 4 ô phía dưới thì hòm Gmail của bạn chẳng khác gì trước. Và khi bạn "tick" vào ít nhất một ô để cho một tab "phụ" hiện ra thì lập tức xuất hiện một lựa chọn mới cho Thư được gắn dấu sao - Starred Messages cho phép những thư dù ở tab "phụ" nhưng nếu được gắn dấu sao thì thư đó còn hiện cả trong tab Chính nữa. Cấu hình hộp thư đến Gmail để trình bày các tab theo ý muốn

Cá nhân tôi hình như chưa bao giờ gắn sao cho thư cả (không quen dùng), nhưng khi xuất hiện tùy chọn này trong gmail, tôi chú ý hơn và ghi nhớ trong việc tổ chức thư của mình, cụ thể là tôi gắn sao cho loạt bài tip của CopyBlogger để tiện nghiền ngẫm đợt này, đọc xong rồi sẽ bỏ sao :">



Là người dùng, chúng ta nên "đối xử" ra sao với Gmail mới?

  Có được ý tưởng "dở người" và "phiền phức" này là do Google rất "thương" người dùng khi người dùng Gmail phải đối mặt với sự quá tải thư điện tử mỗi ngày. Vì thế họ mới có thể vượt qua Hotmail để trở thành dịch vụ email phổ biến nhất thế giới năm 2012 theo một thống kê của comScore.

Tính năng lọc email trong Gmail không hề mới và đã thực hiện rất tốt. Bạn có thể thiết lập các nguyên tắc cụ thể và phân loại email để đưa vào các thư mục tùy ý. Tuy nhiên việc tự động phân loại ban đầu sẽ giúp người dùng tiết kiệm một số công đoạn cũng như có một số lựa chọn khác nhằm tăng hiệu quả sử dụng email, tiết kiệm thời gian và tổ chức hộp mail tốt hơn.


Tôi đồng ý với nhiều người ủng hộ giao diện mới Gmail ở một lý do: Select All => Delete hoặc để di chuyển sang folder khác rất tiện với những email nhìn tít không hấp dẫn nhưng lại ngại unsubscribe.^^

4 cách để đưa email bạn nhận được vào tab Chính


Bạn là người nhận email, bạn muốn thư từ một địa chỉ gửi mà bạn mong muốn vào được tab Chính, hoặc các tab khác, bạn có thể làm những cách nào?

1. Gắn sao

Bạn có thể gắn sao các thư quan trọng để những thư đó tự động hiện ở tab Chính. (như đã trình bày ở trên) 
Đây là cách tạm thời, chỉ áp dụng được với một email cụ thể (thì phải :-?)

2. Kéo thả
Đó là cách dễ dàng nhất được chính Gmail giới thiệu trong lần làm quen đầu tiên với Gmail mới



kéo thả thư giữa các tab để thiết lập quy tắc gmail inbox 

Để chuyển thư, bạn giữ chuột trái và giữ email đó để kéo nó từ tab này sang tab khác.

 5 phương án để thư vào Primary Tab - giữ chuột trái lên email và kéo thả từ tab này sang tab khác

Thả chuột để email rơi vào tab mới chọn. Khi đã thả rơi, trên màn hình Gmail hiển thị ô màu vàng hỏi bạn có muốn thay đổi vĩnh viễn. Chọn Có (Yes) để đồng ý từ giờ trở về sau tất cả các thư từ cùng địa chỉ gửi đều sẽ xuất hiện ở tab vừa chọn.

5 phương án để thư vào Primary Tab - Chọn Có để đồng ý cho tất cả các thư sau từ địa chỉ đã cho tự động vào tab vừa chọn

3. Chuột phải
(Ồ, cách này giờ mềnh mới biết à. @@)
 Bạn có thể chọn thư, ấn chuột phải (right-click) vào thư để xuất hiện danh sách các lựa chọn. Bạn chọn
Chuyển đến tab (Move to tab) để đến một danh sách tùy chọn tiếp theo. Bạn click vào và chọn tab bạn muốn chuyển email đến.
Lưu ý: Cách này chỉ thực hiện được trên một số trình duyệt nhất định.


5 phương án để thư vào Primary Tab - bấm chuột phải để chuyển thư sang tab mới

Cũng như kéo-thả, sau khi chuyển tab cho một email, một hộp màu vàng cũng lại hiện ra để bạn thiết lập quy tắc về sau cho những email từ cùng một địa chỉ.

4. Tìm lọc
Lựa chọn này thực ra đã có từ lâu, có vẻ hơi dài dòng phức tạp, nhưng lại có thêm nhiều lựa chọn khác nâng cao hơn cho bạn. Ví dụ bạn có thể lọc theo tiêu đề, theo từ khóa, và có nhiều lựa chọn xử lý email bên cạnh việc chuyển tab.

Bấm vào hộp chọn trước email bạn muốn chuyển tab => Tác vụ khác (More) => Lọc thư dựa theo những thư này (Filter messages like these)
5 phương án đưa thư vào Primary tab - chọn và lọc thư theo địa chỉ gửi

Nhiệm vụ của lệnh trên là Gmail sẽ tập hợp cả những email có cùng địa chỉ gửi tới đưa ra trang kết quả, đồng thời mở ra một trang tác vụ tiếp theo. Bạn chỉ cần bấm vào dòng cuối: Tạo bộ lọc với tìm kiếm này (Create filter with this search)
5 phướng pháp đưa thư vào tab Chính Gmail - tạo bộ lọc với thư từ cùng một địa chỉ gửi

Tại bảng tiếp theo, bạn sẽ thấy ở cuối bảng có mục Phân loại là (Categorize as) cùng một hộp xổ xuống. Để đưa email vào tab Chính, bạn cần chọn danh mục Cá nhân (Personal)

Bạn có thể kéo thả thư giữa các tab để các thư của cùng người gửi đó lần sau sẽ tự động vào tab bạn muốn.



Dân email marketing cần làm gì với Gmail mới? 

Bất cứ ai làm email marketing đều có mong muốn "tột bậc" là làm sao để email của công ty họ không chỉ được vào inbox mà còn luôn nằm ở vị trí dễ thấy trong hộp thư đến, cụ thể là ở trên cùng, trên màn hình đầu, tốt nữa là được gắn thư quan trọng (hình 5 cạnh vàng vàng bên cạnh dấu sao ấy) khi người dùng kiểm tra hộp thư.

Đến thời điểm này chưa có tài liệu công khai và cụ thể về cơ chế mà Google sử dụng để lọc email phân bổ vào các tab như thế nào.Với những người làm email marketing, nhìn vào báo cáo thì cũng chỉ biết là thư gửi đi thành công chứ không thể nắm được chúng rơi vào tab nào trong hộp thư Gmail của người nhận.
Không ít marketer lo lắng rằng nhỡ đâu khi thư tiếp thị rơi vào Promotions tab của khách hàng, chúng sẽ bị đối xử với một-con-mắt-khác, và tỉ lệ mở do đó sẽ bị sụt giảm.

Xin trả lời bạn rằng:
Người dùng email rất thông minh, họ sẽ nhanh chóng làm quen với các tab mới này và học cách xử lý email phù hợp nhất. Bạn có giành được đất trong Primary tab hay không cũng không ảnh hưởng gì đến việc người dùng có muốn đọc email của bạn không. Nếu họ thật sự muốn đọc, thì dù email của bạn chẳng may có vào Spam họ cũng sẽ lôi bạn ra và đưa bạn đến nơi xứng đáng.

 Nếu bạn thương khách hàng, tôi sẽ mách nước cho bạn một số cách để củng cố tình cảm của người dùng Gmail với các thông điệp của bạn, và may mắn hơn thì những thông điệp của bạn có thể được đưa vào tab Chính.
Nếu bạn không thương khách hàng, tôi ghét bạn! :((

5 phương án để thư của bạn vào Primary Tab của Gmail của người nhận


1. Kiểm soát chặt chẽ sự ảnh hưởng của Gmail mới đến việc kinh doanh của bạn.
Bạn hãy rà soát lại tỉ lệ mở email trong các chiến dịch gần đây, đặc biệt chú trọng phân tích những khách hàng dùng Gmail. Có thể hiện tại chưa có nhiều thay đổi, nhưng Gmail mới vẫn chưa triển khai đến tất cả mọi tài khoản, vì thế hãy tiếp tục theo dõi từng thông số cụ thể.


2. Thử nghiệm xem loại nội dung nào dễ vào tab Chính/Quảng cáo.
Chưa ai rõ Gmail dùng thuật toán gì để quyết định số phận một bức thư rơi vào tab Chính hay Quảng cáo. Nhưng bạn có thể tự kiểm nghiệm với các địa chỉ gửi, hình ảnh, nội dung và liên kết khác nhau xem liệu có cách nào đưa các email của bạn tới thẳng tab Chính.


3. Khuyến khích người nhận đưa thư của bạn vào tab Chính
Nghĩa là bạn phải tập trung tạo nội dung nào mà người nhận không muốn bỏ lỡ.
Bạn có thể triển khai một chiến dịch đặc biệt dành riêng cho người dùng gmail để thu hút sự chú ý của họ và tăng tương tác với thương hiệu của bạn.
Bạn có thể dành thời gian suy nghĩ để soạn những dòng tiêu đề  kích thích mở thư khi người dùng nhìn vào tab Quảng cáo và lựa chọn thời điểm gửi email hợp lý sao cho gần nhất với thời điểm người nhận truy cập email trên máy tính hay thiết bị di động. Có như vậy thì thông điệp của bạn mới có khả năng cao được ở trên đầu danh sách thư đến.
Trong một vài email gửi đi sắp tới, bạn có thể nhắc người nhận đưa email của bạn vào tab chính, đó là cách nhanh nhất để tất cả các thư sau sẽ tự động xuất hiện ở đó - xong!


4. Liên lạc trực tiếp
 Việc liên lạc trực tiếp sẽ đền bù xứng đáng cho bạn khi bạn được chú ý. Bạn hãy tính đến cách gửi thư trực tiếp 1-1 bằng chữ thường với dòng tiêu đề gây chú ý, ví dụ như "Thông báo quan trọng về việc nhận bản tin của bạn" (đại loại thế), trong đó bạn có thể nhắc người nhận chuyển các bản tin của bạn vào tab chính để họ không bị bỏ lỡ trong những lần sau. Hoặc gửi cho họ 4 cách mà tôi đã chỉ ở phần trên cho họ thỏa thích khám phá.
(Bạn có thể tranh thủ lập một bản khảo sát người dùng về trải nghiệm hòm mail mới để nắm bắt thói quen của họ, cách xử lý email không chỉ đối với thư tiếp thị của công ty bạn mà còn những thư khác họ nhận, từ đó bạn có thể thiết kế email sao cho hợp lý hơn trong các chiến dịch sắp tới. Một công bao nhiêu việc!)


5. Liên tục kiểm soát
Tab Quảng cáo của Gmail hiện nay vẫn còn mới mẻ và hấp dẫn, người dùng sẽ thích khám phá nó. Vì thế vẫn còn quá sớm để khẳng định tác động của tab với lượt mở thư (tức là đừng vội mừng nếu tự dưng lượt mở tăng vọt, có thể người ta chỉ thấy lạ lạ với tab mới chứ họ chẳng thiết tha gì đọc mail bạn gửi. :3).  Có rất nhiều yếu tố cần cân nhắc khi xem xét các báo cáo, như: người dùng có quay lại giao diện cũ? Họ đã chuyển email của bạn sang primary tab chưa? Họ đã hình thành thói quen kiểm tra tab Quảng cáo chưa? Hoặc sẽ ra sao nếu email của bạn vào các tab khác như Xã hội hoặc Nội dung cập nhật? v.v và v.v.

Mà tôi đã bảo rồi, mail của bạn vào tab nào cũng không quan trọng bằng khách hàng có thích nhận và mở email đó không. Có khi vào Quảng cáo nhưng họ vẫn nhận email của bạn còn hơn là đưa tin quảng cáo dồn dập vào tab Chính để rồi người nhận "ngứa mắt" đánh spam hoặc hủy đăng ký. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, móng tay nhọn thì vẫn còn có bấm móng tay cơ mừ. :3


Kết luận (dành cho email marketers) - Móng tay

  Hãy quên đi cuộc chiến giành Primary tab, nếu thư của bạn nhằm mục đích quảng cáo, bạn cứ nên chấp nhận để nó vào đúng vị trí vốn dĩ dành cho nó. Bạn hãy tiếp tục chú trọng vào việc củng cố mối quan hệ giữa công ty bạn và khách hàng để khiến họ nhớ đến bạn thường xuyên.  Bạn thương khách hàng, khách hàng sẽ không để bạn thiệt thòi.


Kết luận (dành cho email subscribers) - Bấm móng tay

Bọn nào gửi mail vớ vẩn, gửi mail không mong đợi bạn cứ đánh spam hết cho lẹ. Nhưng bên nào gửi email lịch sự (như VietInbound chẳng hạn), thì đừng coi là quảng cáo mà cứ coi là bạn bè lâu ngày nhé. <3
JK!LOL! =))
___________________________

Đặt tít là "5 phương án để thư của bạn vào Primary Tab của Gmail" để rồi cuối cùng nhận được kết luận là "chả cần". Nó mất thời gian gõ, mình mất thời gian đọc. Bực mình thế cơ chứ!! =.="

Hừ! Đằng nào cũng mất công vào đây rồi, hay là thử ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN chăng. Xem nó có gì nguy hiểm. :3

Bài viết có tham khảo blog: pure360.com

Ghi chú: Giờ là 1:29 AM Ngày 15/8/2013 và bài viết này đã lột xác nhẹ từ 5 phương án thành 9 (=4+5) phương án và có thêm một vài lời thủ thỉ đâu đó. VietInbound xin kính báo để những ai đọc rồi nên đọc lại! ^3^

28 tháng 10, 2012

25+ cách thử nghiệm cho chiến dịch email marketing của bạn


email marketingEmail marketing là một trong những hình thức marketing phổ biến hiện nay. Là một marketer, chắc hẳn bạn đã đọc và tìm kiếm các bài viết về cách thực hiện email marketing sao cho hiệu quả nhất: từ việc trình bày, soạn thảo email, cho đến việc đặt lịch và gửi rồi thống kê, điều chỉnh cách thức cho những lần sau.

Dù bạn có áp dụng bất cứ lý thuyết hay kinh nghiệm của những người đi trước như thế nào cũng không đảm bảo bạn có thể có một bức email hoàn hảo ngay từ đầu vì tính chất sản phẩm dịch vụ, tính chất của chiến dịch email marketing, và khách hàng của chiến dịch đa dạng phong phú.  Có quá nhiều biến đổi và nếu ai đó nghĩ rằng có 1 bức email hoàn hảo cho tất cả marketer, thật là ngây thơ quá.!

Và để có thể rút ra được bức email hoàn hảo nhất cho công ty bạn, không còn cách nào khác ngoài việc thử nghiệm. Bạn có thể lựa chọn một vài hình thức thử nghiệm nhất định, lựa chọn một phần (1-2% hoặc 1 con số cụ thể nào đó trong số danh sách email của bạn để thực hiện gửi mẫu và so sánh) để xác định hình thức nào hiệu quả và hình thức nào không hiệu quả.

Trong bài viết này, VietInbound sẽ đưa ra một vài hình thức thử nghiệm bạn có thể áp dụng trong những lần tiếp để đánh giá kết quả.

Thử nghiệm về trình bày và thiết kế email

1) Văn bản thuần hay HTML: Thông thường, các marketer được khuyên nên gửi một phiên bản văn bản thuần cho bức email HTML của bạn trong trường hợp có vấn đề về dịch trang. Nhưng bạn đã bao giờ nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu bạn chỉ gửi một bức email văn bản thuần?

2) Chọn ảnh: Các chuyên gia email marketing thường khuyến khích đính kèm ảnh trong email, nhưng những ảnh như thế nào? một bức ảnh sản phẩm, hay một bức ảnh nghệ thuật nào đó, hay là một bức ảnh hài hước theo trào lưu chung trên mạng như ảnh troll hay ảnh Gangnam style? Hãy thử nghiệm những loại ảnh khác nhau trong những bức email chuyển đổi khác nhau để xem đâu sẽ là lựa chọn hấp dẫn khách hàng của bạn.
3) Đặt ảnh: Cũng lại với những bức ảnh: bạn nên đặt ở đâu: căn trái, căn phải hay căn giữa? Hay là thôi không đặt ảnh trong mail nữa?
4) Ảnh rõ mặt người gửi: Một số người gửi - đặc biệt các marketer B2B - thường chọn gắn một bức ảnh rõ mặt trong chữ ký email. Đó có phải là một ý tưởng tốt? Điều đó đôi khi giúp bức email thân thiện gần gũi hơn, đôi khi lại khiến người nhận bị xao nhãng. Để biết được cụ thể tác động như thế nào, hãy cứ thử xem sao?
5) Có tái bút hay không: Nếu người nhận bị cuốn hút bởi bức ảnh của người gửi, có thể họ cũng sẽ bị hấp dẫn bởi phần tái bút. Bạn có thể thêm một CTA thứ 2 vào cuối email và thử xem người dùng có bị xao nhãng khỏi CTA trước đó không?
6) Thiết kế mẫu email: Bạn có thể sử dụng những mẫu thiết kế email có sẵn hoặc tự tạo ra những thiết kế mẫu của riêng bạn, nhưng hãy kiểm tra tính hiệu quả của những mẫu đó trước khi áp dụng đại trà. Hãy thử thay đổi một vài biến số: một số chi tiết hay yếu tố nhỏ trên email như font chữ, màu sắc chữ, các loại scripts, hình ảnh, v.v. và giới hạn để quy về một mẫu cơ bản mang hiệu quả cao nhất.

Thử nghiệm về thời gian và tần suất gửi email

7) Ngày trong tuần:  Bạn nên gửi mail vào ngày nào trong tuần cũng là một câu hỏi khá đau đầu. Cũng đã có những nghiên cứu được công bố và kết luận về thời gian gửi email trong tuần cho từng lĩnh vực cụ thể và có thể bạn sẽ rất hào hứng áp dụng điều tốt nhất bạn rút được từ những nghiên cứu đó. Nhưng đừng vội mừng như thế. Đừng rập khuôn quá sớm. Hãy thử nghiệm với từng nhóm khác nhau trong danh sách của bạn, hãy tìm hiểu ngày nào sẽ mang lại thỉ lệ mở và click nhiều nhất trong những email đã gửi đi.
8) Thời gian trong ngày: Cũng giống như trên: hãy thử nghiệm để rút ra ngày nào ... và giờ nào mang lại cho bạn thỉ lệ mở email và click cao nhất. Khi bạn đã kết hợp được 2 yếu tố trên, bạn có một ma trận thời gian tốt nhất và không tốt lắm để gửi email.

Thử nghiệm nội dung email động

9) Có hay không có tên người nhận trong dòng tiêu đề:  Thông qua những nội dung động (nội dung tùy biến) trong đó có dòng tiêu đề, email của bạn có thể trở nên riêng tư hơn. Hãy thử xem liệu khi bạn đặt tên riêng của người nhận trong dòng tiêu đề và khi bạn không đưa tên họ vào dòng tiêu đề, trường hợp nào sẽ khiến khách hàng của bạn thích mở email hơn.
10) Có hay không có tên người nhận trong email: Tương tự, bạn có thể thử nghiệm với phần nội dung email. Có người sẽ coi như một kiểu nhàm chán, có người sẽ hứng thú, có người sẽ không thích và không ghét. Hãy xem độc giả của bạn nằm ở đâu trong số trên.
11) Có hay không có tên công ty trong dòng tiêu đề: Đặc biệt đối với các marketer B2B, bạn có thể có một hình thức khác để thử nghiệm với dòng tiêu đề. Có thể người đọc sẽ thích thú hơn nếu như họ nhìn thấy tên công ty họ trên dòng tiêu đề. Bạn có thể biết điều đó bằng một thử nghiệm nho nhỏ.
12) Thông tin truyền thông xã hội: Nếu bạn đã thu thập được các thông tin truyền thông xã hội của khách hàng tiềm năng, bạn có thể sử dụng thông tin này để gửi những bức email dành riêng cho khách hàng tiềm năng đó, ví dụ số bạn bè trên Facebook theo dõi fanpage của công ty bạn. Đó sẽ là một yếu tố khá thú vị, nhưng chưa chắc sẽ là tốt nhất. Hãy phân đoạn một nhóm nhỏ trong danh sách để thử nghiệm và rút ra kết luận cho bản thân.

Thử nghiệm các kêu gọi hành động (CTA) trong email

13) CTA dạng ảnh hay CTA dạng chữ: CTA trong email của bạn là một trong những phần quan trọng nhất trong email để bạn thử nghiệm, bởi đó là thứ tạo ra khách hàng tiềm năng và sự tái chuyển đổi. Hãy bắt đầu bằng việc bạn sẽ thu được tỉ lệ chuyển đổi cao hơn từ CTA dạng ảnh hay CTA dạng chữ.
14) Kiểu nút và màu sắc CTA: Nếu CTA dạng ảnh là tốt hơn cho bạn, hãy bắt tay vào thử nghiệm với mẫu và màu sắc khác nhau. Đối với website bạn đã thực hiện thử nghiệm như thế thì đối với email, việc đó cũng tương tự thôi.
15) Đặt liên kết trong văn bản: Nếu CTA dạng văn bản mới là lựa chọn tối ưu, hoặc sự kết hợp giữa hình và chữ, hãy thử nghiệm xem cách đặt liên kết trong email. Để xem bạn nên đặt mỏ neo ở đâu trong email: ở đầu email, cuối email hay ở đoạn giữa - tùy thuộc vào thói quen đọc email của người nhận.
16) CTA dạng chữ trong nội dung email hay trong tái bút: Nếu bạn thấy rằng việc sử dụng tái bút là hiệu quả, bạn hãy thử xem CTA sẽ thu được tỉ lệ chuyển đổi tốt hơn nếu bạn đặt trong nội dung email hay trong tái bút. Và nếu phần tái bút là đất tốt để đặt CTA thứ hai, hãy thử xem nó có tác động xấu hay tốt đến CTA chủ đạo của bạn.
email marketing test17) Minh chứng xã hội hoặc không có minh chứng xã hội: Minh chứng xã hội (Social proof) là một quan điểm trong đó hành vi của người tiêu dùng sẽ có thể chịu tác động bởi hành vi của những người xung quanh: có thể là người thân, người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng - họ cho rằng những việc người đó đang làm là đúng. Và nếu bạn bổ sung những yếu tố về minh chứng xã hội trong email, có thể tỉ lệ chuyển đổi sẽ cải thiện, hoặc không. Không thử sao biết.
18) Kiểu chào mời: Đó là loại sản phẩm, dịch vụ, nội dung, thông tin, v.v. bạn muốn mang lại cho người đọc qua email, có tác động lên tỉ lệ chuyển đổi. Bạn có thể rút ra được kết luận qua những phân khúc nhất định dựa trên tiểu sử cá nhân, vòng đời hoặc các yếu tốt khác. Họ thích gì hơn: ebook hay webinar? Hãy thử những lời đề nghị khác nhau để xem đâu là giải pháp tốt cho những phân khúc đó của bạn.

Thử nghiệm người gửi email

19) Người gửi là tên công ty hay tên cá nhân: Tên xuất hiện ở mục "From" trong email có thể sẽ gây tác động lớn đến việc email của bạn có được mở hay không. Hãy thử nghiệm xem: để tên công ty, tên ai đó trong công ty, hay cả hai: cách nào sẽ tốt nhất. Thông thường, đặt tên theo cú pháp "Họ tên người nhận, Tên công ty" sẽ thu được tỉ lệ mở cao hơn.
20) Người gửi là thông tin liên lạc của nhân viên bán hàng: Nhiều marketer đặt tên họ, tên CEO hay tên của một nhân vật chủ chốt nào đó trong công ty làm tên người gửi. Nhưng bạn đã thử đặt tên người gửi là chính người trực tiếp bán hàng? Đôi khi nếu khách hàng đã thực hiện giao dịch với công ty, họ sẽ thích liên hệ trực tiếp với người bán hàng hơn là bộ phận marketing.
21) Địa chỉ email định danh hay bí danh :  Bạn hãy cân nhắc xem khách hàng của bạn thích nhận email từ một địa chỉ email mang tính bí danh ví dụ như cskh@congty.com, info@congty.com hay địa chỉ email mang tính định danh cho từng cá nhân như hoatp@congty.com. Có thể đó cũng là một yếu tố cần được kiểm chứng để làm rõ.

Thử nghiệm nội dung email

22) Giọng điệu suồng sã hay trang trọng: Nội dung email có thể cần thể hiện những sắc thái tình cảm khác nhau, điều đó tùy thuộc vào sự hiểu biết về khách hàng của bạn và một trong những cách để hiểu rõ là thông qua các bản buyer persona, cũng như qua những lần chấp nhận thử và sai. Hãy thử với nhiều giọng điệu khác nhau để xem đâu sẽ là cách mà khán giả của bạn dễ chấp nhận hơn.
23) Kèm chữ "miễn phí" trong email: Chữ "miễn phí" hay "free" trong email cũng có một tác động nào đó đến khả năng truyền thông điệp và CTR. Thông tin đó có thể sẽ là điểm xuất phát khá tốt cho các marketer, nhưng bạn cũng nên tự tay thử nghiệm để xem những từ đó sẽ có lợi hay hại đến danh sách email của bạn.
24) Nội dung email dài hay ngắn: Bạn có thể cho một chút "phấn sáp" vào trong email, hoặc giữ cho email đó ngắn gọn đơn giản. Đừng vội cho rằng cách nào là tốt hay cách nào là xấu. Bạn chỉ có thể kết luận điều đó sau khi đã tiến hành thử nghiệm. Hãy thử xem việc bạn đưa cả một trang web dài vào mail, hay việc chỉ trích dẫn và "đọc thêm", việc nào sẽ khiến cho khách hàng của bạn dễ chịu?
25) Đa dạng dòng tiêu đề: Viết những dòng tiêu đề thần kỳ là một sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học. Hãy cân nhắc điều này. Cùng một mục đích, cùng một ý nghĩa, bạn có thể trình bày những dòng tiêu đề khác nhau mang lại hiệu quả khác nhau. "Làm thế nào trở thành một blogger chuyên nghiệp?" hay "Làm thế nào để có một blog chuyên nghiệp?" Khác nhau và tùy thuộc phải không? Đó là lý do vì sao bạn cần phải kiểm nghiệm những thành phần khác nhau trong dòng tiêu đề để xác định lựa chọn nào sẽ thu hút sự chú ý của người dùng.

25+)  Tiếng Việt có dấu hay không dấu: Đối với cả dòng tiêu đề và đối với nội dung email. Việc sử dụng một bộ font mã Unicode là an toàn, và hiện nay hầu như các email marketing đều đã khắc phục được rắc rối email tiếng Việt không đọc được. Nhưng bạn nên để tiêu đề có dấu hay không dấu, email nên chỉ để bản có dấu hay để kèm cả bản không dấu, và nếu để cả 2 thì nên để phần nào lên trước. Hãy thử nghiệm để xác định chắc chắn hơn nhé.


Việc thử nghiệm có thể khá mất thời gian, và có những rủi ro nhất định, nhưng nếu bạn thực hiện tỉ mỉ và chi tiết bao nhiêu, hiệu quả bạn thu lại sẽ càng lớn bấy nhiêu. 

Hãy lên kế hoạch thử nghiệm với một vài ý tưởng nêu trên, và nếu bạn đã thực hiện và có kết quả, hãy chia sẻ cùng VietInbound và các email marketer khác nữa nhé. :)