9 tháng 5, 2016

Mạnh tay chi tiền quảng cáo thể hiện sự bất lực của doanh nghiệp



Quảng cáo ngày càng là ngành phát triển sôi động, muôn hình vạn trạng, mấy ông lớn Facebook, Google không những kiếm được bộn tiền từ khai thác thông tin người dùng trên thế giới, lại còn được hưởng lợi từ việc không phải đóng thuế cho các chính phủ. Và cuộc chiến dành được những vị trí quảng cáo lý tưởng trên các website của những ông này ngày càng khốc liệt hơn, tốn kém hơn. Còn nhiều doanh nghiệp thì dường như luôn cảm thấy chi tiền chưa đủ nhiều để có thể duy trì sự hiển diện trên những vị trí này.

Đó gọi là bất lực.

Bất lực khi tiềm năng, nội lực của doanh nghiệp không đủ hấp dẫn để thu hút những khách hàng mục tiêu, thuyết phục họ chi tiền để nuôi sống bộ máy, giữ chân họ, gợi cho họ luôn luôn nhớ đến mình, và còn khiến họ lan tỏa danh tiếng của doanh nghiệp đi xa.

Và khi đã chi tiền để mua sự nổi tiếng kiểu như vậy, phần chi phí đó không cách nào khác, hoặc là phải cộng vào giá thành sản phẩm/dịch vụ, bòn rút hầu bao của khách hàng, hoặc là phải thay thế bằng phúc lợi của nhân viên để giảm tổng chi phí chung, hay là đem chính chất lượng sản phẩm/dịch vụ đánh đổi?

Thế là chỉ có mấy ông làm quảng cáo là béo, còn nhân viên, người dùng và bản thân doanh nghiệp thì héo.

Quảng cáo có lẽ cũng giống như cafe. Chúng ta không nhất thiết phải uống cafe để giữ tỉnh táo, chỉ là uống nhiều thành nghiện, và thiếu nó một ngày ta thấy mệt mỏi phờ phạc tưởng như chỉ có cafe mới là thuốc tiên mang lại phong độ cho ta. Nhiều doanh nghiệp cũng vậy, tháng nào cũng bỏ tiền ra quảng cáo, cứ có cái gì cần cho nhiều khách hàng biết là phải nghĩ ngay đến quảng cáo. Cảm tưởng như dừng quảng cáo là doanh nghiệp gặp tai họa không bằng!

Tôi nghe thấy nhân viên kinh doanh của công ty quảng cáo A chia sẻ cho khách hàng "Chị có biết công ty B không, một đợt đăng bài PR ở bên em có hiệu quả rõ rệt, nhiều khách hàng mới, về sau dừng lại là lại ít khách hàng hẳn" (Viết bài PR mà phải mất tiền thì cũng là quảng cáo, nhỉ?) . Nghe qua có lẽ là ngon "Ồ, thế thật là tuyệt diệu, vậy thì mình phải làm tới thôi". Nhưng ngẫm kỹ, nó là rủi ro hơn là cơ hội.

Phải chi tiền để mua một chút sự nổi tiếng, đó là bất lực. Để lượng khách hàng mới bất ổn lên xuống phụ thuộc vào các chiến dịch quảng bá, dừng là đói, ấy là bất lực.

Tôi không phủ nhận hoàn toàn vai trò của quảng cáo. Nhưng nó chỉ là một giải pháp mang tầm chiến dịch, để làm "biển lặng dậy sóng" trong những trường hợp thật đặc biệt hay để mang tính thăm dò thị trường. Người ta vẫn nói "chiến lược kinh doanh", "chiến lược marketing", còn "chiến dịch quảng cáo" chứ tôi chưa nghe thấy "chiến lược" ghép với "quảng cáo" bao giờ.

Và nếu có quảng cáo phải luôn luôn tỉnh táo và tính toán rõ ràng thể hiện qua con số. Chi bao nhiêu tiền quảng cáo mang lại được bao nhiêu tiền, và bao nhiêu khách hàng mới, hay đáp ứng bao nhiêu % mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Hãy nắm và hiểu rõ những con số đó.

Vậy, không quảng cáo thì làm gì?

Tôi vẫn kiên định với câu "hữu xạ tự nhiên hương" của các cụ. Tôi cho rằng, thay vì tháng tháng đều đặn chi một khoản nhất định cho "top 3" (trong ngoặc kép) Google, hãy để tiền đó đầu tư cho sáng tạo, hãy bù vào tăng phúc lợi cho nhân viên, kích thích sự phát triển và sự tinh tế của họ, hãy làm sao để nhân viên không phải chê trách gì về sếp, về công ty, hãy tìm cách cải thiện trải nghiệm người dùng, làm cho khách hàng nói wow, để họ trở thành cái loa tự nguyện, và hãy đầu tư vào chiếc nam châm để hút giới báo chí sẵn lòng viết bài PR cho doanh nghiệp free.

Tháng tôi chỉ chi có vài ba triệu. Có nhiều công ty lắm tiền, họ sẵn sàng bỏ tiền tỉ quảng cáo mà mặt không biến sắc, thì làm sao?

Ơ, thì kệ họ, nhìn ngó nhìn nghiêng làm gì. Mình ít tiền, nguồn lực có hạn thì mình phải dùng trí tuệ, phải có mưu để xoay xở. Vài ba triệu ấy gì, trả thêm nhân viên 1 triệu, áp thêm chỉ tiêu công việc, hoặc tuyển đứa giỏi hơn về làm :))).

Ok, công ty tôi đã cố gắng hết sức rồi mà vẫn không có đủ sáng tạo, sản phẩm không thể nổi bật hơn, nhân viên không kiếm được ai hơn, blah blah, nên ...

Khổ, vậy nên mới gọi là bất lực! Hừ.