Hiển thị các bài đăng có nhãn chiến lược SEO. Hiển thị tất cả bài đăng

29 tháng 5, 2020

9 thực hành SEO tốt nhất nên theo trong năm 2020

Có một sự thật nghiệt ngã, nếu bạn không đứng trong 10 kết quả đầu tiên của Google đối với từ khóa mục tiêu, website của bạn có thể coi là vô hình trên Google.

 
Theo HubSpot, 75% những người tìm kiếm không bao giờ đi quá trang kết quả tìm kiếm đầu tiên. Đây là lý do tại sao cần thiết phải xếp hạng trên trang đầu tiên của Google. 

 Có một vài chiến lược và kỹ thuật mà bạn cần theo dõi để xếp hạng cao hơn trên Google. Nhưng nếu bạn không làm đúng căn bản, cơ hội lọt vào trang đầu tiên trên Google là vô cùng nhỏ bé. Bằng việc theo các thực hành SEO tốt nhất, bạn sắp đặt nền tảng cho website để tăng sự hiện diện trong tìm kiếm. Một khi bạn đã đặt được nền tảng, bạn có thể tiến lên với các chiến lược nghiên cứu từ khóa và xây dựng liên kết cao cấp hơn. 

Bài viết này chia sẻ 9 thực hành SEO tốt nhất mà bạn cần theo đuổi để đạt được thứ hạng tìm kiếm cao hơn trong năm 2020.

  1.    Sắp đặt nội dung theo ý đồ tìm kiếm
  2.    Viết một thẻ tiêu đề và mô tả meta hấp dẫn
  3.    Tối ưu hóa hình ảnh
  4.    Tối ưu hóa tốc độ tải trang
  5.    Sử dụng liên kết nội bộ
  6.    Cải thiện trải nghiệm người dùng trên website
  7.    Đặt các từ khóa vào trong URL
  8.    Tập trung bắt thêm các backlink uy tín
  9.    Xuất bản nội dung dài

1. Sắp đặt nội dung theo ý đồ tìm kiếm

Ý đồ tìm kiếm hay ý đồ người dùng là mục đích phía sau mỗi truy vấn tìm kiếm. Việc hiểu và đáp ứng ý đồ tìm kiếm là ưu tiên hàng đầu của Google. Các trang xếp trang nhất Google đã vượt qua bài kiểm tra về ý đồ tìm kiếm của Google. 

Ví dụ, hãy xem kết quả tìm kiếm cho „làm bánh trà xanh”


 Các kết quả tìm kiếm hàng đầu là video, không phải các trang TMĐT. Google hiểu rằng người ta đưa ra tìm kiếm như vậy để học cách làm bánh, không phải để mua bánh. 
 
Mặt khác, các kết quả tìm kiếm đầu tiên cho “mua bánh trà xanh” là các trang TMĐT. Bởi vì trong trường hợp này, Google hiểu mọi người đang muốn mua hàng. Do đó kết quả tìm kiếm đầu tiên không chứa các liên kết đến các công thức làm bánh.

 
  Vì lý do này, nếu bạn muốn trang web xếp trang đầu tiên trên Google trong năm 2020, bạn cần hiểu khái niệm ý đồ tìm kiếm và tạo nội dung phù hợp với ý đồ của người dùng. 

 Có 4 loại ý đồ tìm kiếm phổ biến:

 
  1. Tìm thông tin: Ý đồ tìm kiếm thông tin là khi người dùng tìm kiếm một thông tin cụ thể. Đó có thể là một tìm kiếm đơn giản như “thời tiết hôm nay” cung cấp kết quả ngay liền hoặc phức tạp như “các chiến lược SEO tốt nhất” yêu cầu giải thích sâu hơn.
  2. Điều hướng: Trong trường hợp này, người ta tìm kiếm cụ thể một trang mạng hoặc ứng dụng cụ thể. Ví dụ như “đăng nhập facebook”, “gmail”, “zalo app”.
  3. Thương mại: Ý đồ tìm kiếm thương mại là khi người dùng tìm một sản phẩm cụ thể nhưng chưa ra quyết định cuối cùng. Ví dụ, tìm kiếm “phần mềm CRM tốt nhất” hoặc “quán ăn chay ngon tại Hà Đông”
  4. Giao dịch: Tại đây, ý đồ rõ ràng là mua. Người tìm kiếm đã ra quyết định mua một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể. Ví dụ, “bột mì hữu cơ nguyên cám”, “điện thoại Vsmart Active 5”

  Thực hành SEO tốt nhất là luôn luôn đặt ý đồ tìm kiếm vào tâm trí khi tạo nội dung cho trang web. Ví dụ nếu muốn thứ hạng cao cho từ khóa “phần mềm CRM tốt nhất”, cần hiểu rằng ý đồ tìm kiếm là thương mại, không phải giao dịch. Người ta chưa biết chọn phần mềm nào. Do đó sẽ vô ích nếu tối ưu trang đích bán phần mềm cho từ khóa như vậy. Google hiểu người dùng muốn tìm các lựa chọn. Họ tìm bài viết hoặc video liệt kê các phần mềm tốt nhất, không phải trang sản phẩm hay trang bán hàng.

 Tóm lại: Tạo nội dung phù hợp với ý đồ tìm kiếm của độc giả mục tiêu.

2. Viết một thẻ tiêu đề và mô tả meta hấp dẫn

Tiêu đề và mô tả meta là 2 trong số các thể meta quan trọng nhất trên trang web.

Thẻ tiêu đề

Thẻ tiêu đề là các tiêu đề có thể nhấp chuột xuất hiện trong kết quả tìm kiếm và cực kỳ quan trọng từ góc độ SEO. 

 Theo Google: 
“Các tiêu đề rất quan trọng để cho người dùng cái nhìn nhanh về nội dung sau kết quả và tại sao nó liên quan đến truy vấn của họ. Nó thường là phần thông tin chính để người dùng quyết định sẽ bấm vào kết quả nào. Vì thế cần sử dụng các tiêu đề chất lượng cao trên các trang web của bạn.”

 Các máy tìm kiếm như Google thường hiển thị 50-60 ký tự đầu tiên của một tiêu đề. Google sẽ hiển thị đầy đủ tiêu đề của trang nếu bạn giữ cho thẻ tiêu đề dưới 60 ký tự.

 Đây là một vài thực hành tốt cần lưu ý khi tạo thẻ tiêu đề:
  • Đặt vào các từ khóa mục tiêu
  • Viết tiêu đề phù hợp với ý đồ tìm kiếm
  • Tránh tạo thẻ tiêu đề trùng lặp
  • Tránh nhồi từ khóa
  • Thoát ý mà vẫn súc tích
 

Mô tả meta

  Mô tả meta là thẻ meta quan trọng thứ 2 trên trang. Một mô tả meta là tóm tắt ngắn gọn trang web, hiển thị dưới thẻ tiêu đề trên trang kết quả thứ hạng tìm kiếm.

 

  Mô tả meta không trực tiếp tác động đến thứ hạng tìm kiếm, nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ nhấp chuột. 

 Google giải thích: 
 “Một mô tả meta nên thông báo chung chung và làm người dùng chú ý bằng tóm tắt ngắn gọn, phù hợp về nội dung của mộ trang cụ thể. Chúng giống như một điểm nhấn thuyết phục người dùng rằng đây chính xác là thứ mà họ đang tìm.” 

 Google thường gắt ngắn mô tả meta trong khoảng 155-160 ký tự, vì thế hãy đảm bảo bạn cung cấp tóm tắt nội dung một cách chính xác và giữ nó dưới 160 ký tự. 

 Đây là một vài thực hành tốt để theo khi viết mô tả meta:
  • Viết mô tả meta độc nhất cho từng trang
  • Sử dụng nội dung hướng đến hành động
  • Đặt vào các từ khóa mục tiêu
  • Phù hợp với ý đồ tìm kiếm
  • Cung cấp bản tóm tắt chính xác

3. Tối ưu hóa hình ảnh

Hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện trải nghiệm của khách ghé thăm website. Bạn có thể luôn dành nhiều thời gian lựa chọn đúng hình ảnh để nâng cao các trang tin tức, trang sản phẩm, và các trang quan trọng trên website. 

 Nhưng bạn có sử dụng thời gian tương ứng để tối ưu hóa hình ảnh trên website? Nếu được sử dụng đúng cách, các hình ảnh sẽ đóng góp vào SEO tổng thể và thúc đẩy lượng truy cập tự nhiên. 

Dưới đây là 4 việc bạn có thể để làm để tối ưu hóa hình ảnh.

Chọn định dạng tệp tốt nhất

Tốc độ tải trang là tín hiệu xếp hạng quan trọng, và các hình ảnh thường chiếm phần lớn nhất trong kích cỡ tổng thể của trang web. Do đó, bạn cần tối ưu hóa hình ảnh cho tốc độ tải nhanh nhằm cải thiện hiệu suất tổng thể của trang web. 

Bước đầu tiên trong việc tối ưu hóa hình ảnh là chọn định dạng tệp phù hợp. Hãy xem các định dạng JPEG, PNG và WebP. Định dạng được dùng phổ biến nhất trên web là JPEG và PNG. Hai định dạng này sử dụng kỹ thuật nén khác nhau, do đó kích cỡ tệp giữa chúng có thể rất khác biệt.

  Nhìn vào sự khác nhau về kích cỡ tệp, có thể nhận ra JPEG nhẹ hơn JPEG nhiều. Tuy nhiên sử dụng JPEG trong mọi trường hợp sẽ là sai lầm. Trong khi định dạng JPEG sẽ rất ổn đối với các loại ảnh, PNG lại có ưu thế đối với các loại hình chứa chữ, các tranh vẽ nét, như thấy trong minh họa dưới đây.

 
  WebP là một lựa chọn khác, Google có hướng dẫn tại đây

Trong đó đã chỉ ra rằng: “WebP là định dạng ảnh hiện đại cung cấp sự khả năng nén không mất dữ liệu và nén mất dữ liệu ưu việt cho ảnh trên web.

 
  • Ảnh không mất dữ liệu WebP có kích cỡ nhỏ hơn 26% so với ảnh PNGs.
  • Ảnh mất dữ liệu nhỏ hơn 25-30% so với ảnh JPEG với chỉ số chất lượng SSIM tương đương.

Hiểu thêm về cách sử dụng WebP trong hướng dẫn của Google.

Nén hình ảnh

Ảnh càng nặng, trang web sẽ tải càng chậm. Vì thế, bạn luôn cần nén ảnh lại cho nhẹ trước khi tải nên website. May mắn thay có nhiều công cụ miễn phí có thể giúp bạn nén ảnh.
  • TiniPNG: Sử dụng kỹ thuật nén không mất dữ liệu để giảm kích cỡ các tệp PNG và JPEG.
  • ImageOptim: Nếu sử dụng Mac, bạn có thể tải về và sử dụng công cụ miễn phí này cho tất cả nhu cầu nén ảnh. ImageOptim cũng được Google đề xuất. Hiện nay nó là công cụ tốt nhất để nén ảnh JPEGs, nhưng không tốt lắm với PNG. Để nén PNG tốt hơn bạn nên dùng TinyPNG.
  • ShortPixel: Nếu bạn dùng Wordpress, bạn có thể cài phần mở rộng này để nén ảnh. Gói miễn phí của ShortPixel cho phép bạn nén 100 hình ảnh mỗi tháng.
Cung cấp văn bản thay thế cho các hình ảnh Dù có những tiến bộ trong khả năng hiểu hình ảnh của Google, việc thêm văn bản thay thế (alt text) vào các hình ảnh vẫn là bước cần thiết. Việc thêm văn bản thay thế cho hình ảnh tăng khả năng đến được với web và giúp trình duyệt hiểu hơn về hình ảnh trên website của bạn. 

 Đây là điều Google nói về việc viết văn bản thay thế: “Khi lựa chọn văn bản thay thế, hãy tập trung vào việc tạo ra nội dung hữu ích, giàu thông tin sử dụng từ khóa hợp lý và phù hợp với văn cảnh nội dung của trang. Tránh nhồi nhét các từ khóa vào thuộc tính alt vì việc này dẫn đến trải nghiệm tiêu cực cho khách và có thể khiến trang web của bạn bị đánh giá là spam.” 

 Khi viết văn bản thay thế cho hình ảnh, hãy viết mô tả xúc tích và tránh nhồi nhét từ khóa.

Tải lười hình ảnh

Tải lười (tải chậm, hay lazy-load) là kỹ thuật nhằm trì hoãn việc tải các nguồn không cấp thiết như hình ảnh hay video trong thời gian tải trang. Thay vào đó hình ảnh và video chỉ được tải khi người dùng cần đến chúng. 

 Đây là cách Google giải thích mối liên quan giữa tải lười và hiệu suất trang web: “Khi chúng ta tải lười hình ảnh và video, chúng ta giảm thời gian tải trang ban đầu, kích cỡ trang ban đầu và sử dụng tài nguyên hệ thống, tất cả có tác động tích cực lên hiệu suất trang web.”


 Để tải lười hình ảnh và video trên Wordpress, bạn có thể sử dụng a3 Lazy Load.

4. Tối ưu hóa tốc độ tải trang

Nếu trang web cần quá nhiều thời gian để tải trang, bạn sẽ khiến nhiều khách hàng phiền long, và thứ hạng sẽ tụt giảm. 

 Có nhiều công cụ miễn phí giúp bạn kiểm tra tốc độ trang, gồm PageSpeed Insights của Google; bạn có thể tìm hiểu cách tăng điểm Google PageSpeed Insights tại đây

Công cụ được đề xuất cho nhiệm vụ này là GTMetrix. Công cụ miễn phí cung cấp hiểu biết sâu sắc về tốc độ trang web và đưa ra những đề xuất về các bước bạn có thể làm để cải thiện thời gian tải trang.

 Bạn cũng có thể dùng công cụ kiểm tra trang web của SEMrush để kiểm tra và sửa các vấn đề hiệu suất cho website. 

 Một trong những cách nhanh và dễ nhất để cải thiện tốc độ tải trang là nén ảnh (xem mục 3). 


 Ngoài việc nén ảnh, đây là những việc bạn có thể làm để giúp trang tải nhanh hơn:
  • Kích hoạt bộ nhớ đệm cho trình duyệt (browser caching)
  • Xóa các phần mở rộng (plugin) không cần thiết
  • Giảm thời gian phản hồi của máy chủ (server response time)
  • Giảm số lượt chuyển hướng (redirects)
  • Làm nhỏ các tệp CSS và JavaScript

5. Sử dụng liên kết nội bộ

 Các liên kết nội bộ rất quan trọng vì chúng thiết lập cây thông tin cho website và giúp Google hiểu sâu hơn về nội dung trang web. Các liên kết nội có thể tăng thứ hạng website nếu được dùng đúng. 

 Có một thực hành SEO tốt là thêm những đường liên kết nội bộ từ các trang xếp hạng hàng đầu đến các trang cần được tăng hạng. 

 Có thể sử dụng các công cụ quản trị website để nhận diện và sửa các lỗi liên kết nội trên website.

6. Cải thiện trải nghiệm người dùng trên website

Google luôn quan sát chặt chẽ các hành vi của người dùng trên website của bạn. Vì thế, trải nghiệm người dùng là một trong những yếu tố then chốt trong việc cải thiện thứ hạng tìm kiếm. 

 Tốc độ tải trang đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện trải nghiệm của khách ghé thăm website (như mục 4). 

 Đây là một vài mẹo nhỏ khác để tăng trải nghiệm tốt của người dùng khi họ ghé thăm website:
  • Sử dụng các tiêu đề phụ: Việc sử dụng các tiêu đề phụ (H1, H2, H3) phù hợp giúp Google hiểu nội dung của bạn tốt hơn và giúp người đọc dễ tiếp cận văn bản hơn.
  • Làm cho nội dung hấp dẫn thị giác: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố thị giác giúp mọi người hiểu nội dung hơn. Sử dụng những hình ảnh, phim và chụp màn hình phù hợp để minh họa cho các luận điểm.
  • Tránh dùng các cửa sổ thông báo quấy rầy: Pop-up không xấu theo góc độ SEO, nhưng chúng có thể làm phiền khách. Từ năm 2017, Google đã phạt các website sử dụng các cửa sổ thông báo quấy rầy. Vì thế hãy sử dụng pop-up một cách tiết kiệm. Nếu thực sự cần sử dụng chúng để tăng danh sách email, hãy sử dụng các cửa sổ bật lên có mục đích, hoặc hiển thị chúng đối với người dùng đã dành ít nhất 5 phút trên website.
  • Sử dụng khoảng trống: Khoảng trống là yếu tố nền tảng cho một thiết kế đẹp. Theo Crazy Egg, khoảng trống giữa các đoạn văn và ở các lề trái và phải tăng đọc hiểu lên 20%. Vì vậy hãy cân nhắc dùng khoảng trắng để làm nội dung dễ đọc hơn và bắt sự chú ý của người dùng.

7. Đặt các từ khóa vào trong URL

Cấu trúc URL thường là yếu tố bị bỏ qua trong SEO. Một cấu trúc URL tốt cho cả người dùng và máy tìm kiếm biết trang đích nói về cái gì. 

 Google giải thích: 
 “URL của một trang web cần đơn giản nhất có thể. Hãy cân nhắc tổ chức nội dung để URL được xây dựng một cách hợp lý và dễ hiểu nhất với con người (khi có thể, chọn từ ngữ hơn là các con số nhận dạng dài dòng).”

 Với ý nghĩ đó, dưới đây là cách bạn có thể tạo ra URL với cấu trúc tốt
  • Sử dụng URL ngắn: Một nghiên cứu bởi Backlinko tìm ra rằng các URL ngắn hiệu quả tốt hơn URL trên các cỗ máy tìm kiếm
  • Sử dụng URL giàu từ khóa: Luôn luôn đặt từ khóa mục tiêu vào URL để tăng cơ hội xếp hạng tìm kiếm cao hơn.
  • Bỏ các hư từ không cần thiết: Để URL sạch sẽ và ngắn gọn, hãy cân nhắc bỏ các từ đi kèm không cần thiết không ảnh hưởng đến ý nghĩa chung.

8. Tập trung bắt thêm các backlink uy tín

Mặc dù đã có nhiều thay đổi trong thuật toán tìm kiếm và hệ thống xếp hạng của Google, Google vẫn coi backlink là một dấu hiệu xếp hạng then chốt. Google coi các backlink như các phiếu tín nhiệm. 

 Nếu trang web có số lượng backlink lớn, nó tăng cơ hội xếp hạng cao hơn trên các kết quả tìm kiếm. Vì thế, bạn cần chú trọng xây dựng backlinks cho website của mình. 

 Thực ra, không phải tất cả backlinks được tạo ra bình đẳng. Một số backlinks có thể tăng hạng mạnh mẽ đối với các truy vấn tìm kiếm cụ thể, trong khi có các loại liên kết độc lại làm hỏng thứ hạng của bạn. Vì thế, bạn cần ưu tiên các backlink có nguồn uy tín hơn các loại backlink khác. 

 Bạn cần tập trung tất cả nỗ lực vào việc xây dựng các backlink chất lượng có thể tăng cơ hội xếp hạng cao cho các từ khóa mục tiêu. Một trong những cách hiệu quả nhất để có được các liên kết uy tín là bắt chước các chiến lược xây dựng liên kết của đối thủ. 

 Có thể sử dụng công cụ Backlink Gap Tool của SEMrush để thống kê hồ sơ backlink của 5 đối thủ để lần ra các cơ hội xây dựng liên kết chưa khai thác.

9. Xuất bản nội dung dài

Đây là một sự thật, các nội dung dài xếp thứ hạng cao hơn trên Google. Nhiều nghiên cứu đã ủng hộ điều này. 

 Một nghiên cứu về các bài viết hiệu suất cao nhất đã chỉ ra rằng các bài viết dài (độ dài trên 3000 từ) nhận được 3x lượt truy cập, 4x lượt chia sẻ và 3,5x liên kết nhiều hơn các bài viết có độ dài trung bình (từ 901 đến 2000 từ).

 
Thực hành SEO tốt - độ dài bài viết tăng hiệu quả tìm kiếm SEO
  Nói một cách ngắn gọn, có sự tương quan mạnh mẽ giữa độ dài nội dung và hiệu quả tìm kiếm. 

 Vì lý do này, bạn cần nhắm tới việc xuất bản 1-2 bài viết dài, nghiên cứu chuyên sâu chứa thông tin hữu ích cho người dùng Google. Google muốn bạn tập trung vào nhu cầu của người dùng hơn việc làm SEO. Và đây là cách tốt nhất để giữ chân độc giả và chuyển đổi. 

Tuy nhiên chúng ta cũng biết SEO quan trọng. Khi đã tạo ra nội dung dài cho blog, chọn các từ khóa cân bằng giữa lượt tìm kiếm và độ khó của từ khóa. Các từ khóa đuôi dài thường có ít lượt tìm kiếm. Nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể giúp tiếp cận khách hàng mà bạn cần. Nếu lượt tìm kiếm quá thấp, nhắm đến các từ khóa đuôi trung bình với độ khó thấp đến trung bình.

Tổng kết

Các thực hành SEO tốt nhất kể trên là điểm xuất phát tuyệt vời để đạt được thứ hạng tìm kiếm cao hơn. Như đã nói, cuộc cạnh tranh dành trang đầu trên Google cực khắc nghiệt bất kể bạn hoạt động trong ngách nào. Khi đã thực hiện đầy đủ các cách làm trên, bạn có thể tăng tốc với các xu hướng SEO mới nhất và theo các kỹ thuật SEO khác để đứng đầu cuộc chơi. Chúc mọi người may mắn.

 - VietInbound lược dịch 29/05/2020 - 

 Original post and images credited: SEMrush      
 

9 tháng 5, 2016

Mạnh tay chi tiền quảng cáo thể hiện sự bất lực của doanh nghiệp



Quảng cáo ngày càng là ngành phát triển sôi động, muôn hình vạn trạng, mấy ông lớn Facebook, Google không những kiếm được bộn tiền từ khai thác thông tin người dùng trên thế giới, lại còn được hưởng lợi từ việc không phải đóng thuế cho các chính phủ. Và cuộc chiến dành được những vị trí quảng cáo lý tưởng trên các website của những ông này ngày càng khốc liệt hơn, tốn kém hơn. Còn nhiều doanh nghiệp thì dường như luôn cảm thấy chi tiền chưa đủ nhiều để có thể duy trì sự hiển diện trên những vị trí này.

Đó gọi là bất lực.

Bất lực khi tiềm năng, nội lực của doanh nghiệp không đủ hấp dẫn để thu hút những khách hàng mục tiêu, thuyết phục họ chi tiền để nuôi sống bộ máy, giữ chân họ, gợi cho họ luôn luôn nhớ đến mình, và còn khiến họ lan tỏa danh tiếng của doanh nghiệp đi xa.

Và khi đã chi tiền để mua sự nổi tiếng kiểu như vậy, phần chi phí đó không cách nào khác, hoặc là phải cộng vào giá thành sản phẩm/dịch vụ, bòn rút hầu bao của khách hàng, hoặc là phải thay thế bằng phúc lợi của nhân viên để giảm tổng chi phí chung, hay là đem chính chất lượng sản phẩm/dịch vụ đánh đổi?

Thế là chỉ có mấy ông làm quảng cáo là béo, còn nhân viên, người dùng và bản thân doanh nghiệp thì héo.

Quảng cáo có lẽ cũng giống như cafe. Chúng ta không nhất thiết phải uống cafe để giữ tỉnh táo, chỉ là uống nhiều thành nghiện, và thiếu nó một ngày ta thấy mệt mỏi phờ phạc tưởng như chỉ có cafe mới là thuốc tiên mang lại phong độ cho ta. Nhiều doanh nghiệp cũng vậy, tháng nào cũng bỏ tiền ra quảng cáo, cứ có cái gì cần cho nhiều khách hàng biết là phải nghĩ ngay đến quảng cáo. Cảm tưởng như dừng quảng cáo là doanh nghiệp gặp tai họa không bằng!

Tôi nghe thấy nhân viên kinh doanh của công ty quảng cáo A chia sẻ cho khách hàng "Chị có biết công ty B không, một đợt đăng bài PR ở bên em có hiệu quả rõ rệt, nhiều khách hàng mới, về sau dừng lại là lại ít khách hàng hẳn" (Viết bài PR mà phải mất tiền thì cũng là quảng cáo, nhỉ?) . Nghe qua có lẽ là ngon "Ồ, thế thật là tuyệt diệu, vậy thì mình phải làm tới thôi". Nhưng ngẫm kỹ, nó là rủi ro hơn là cơ hội.

Phải chi tiền để mua một chút sự nổi tiếng, đó là bất lực. Để lượng khách hàng mới bất ổn lên xuống phụ thuộc vào các chiến dịch quảng bá, dừng là đói, ấy là bất lực.

Tôi không phủ nhận hoàn toàn vai trò của quảng cáo. Nhưng nó chỉ là một giải pháp mang tầm chiến dịch, để làm "biển lặng dậy sóng" trong những trường hợp thật đặc biệt hay để mang tính thăm dò thị trường. Người ta vẫn nói "chiến lược kinh doanh", "chiến lược marketing", còn "chiến dịch quảng cáo" chứ tôi chưa nghe thấy "chiến lược" ghép với "quảng cáo" bao giờ.

Và nếu có quảng cáo phải luôn luôn tỉnh táo và tính toán rõ ràng thể hiện qua con số. Chi bao nhiêu tiền quảng cáo mang lại được bao nhiêu tiền, và bao nhiêu khách hàng mới, hay đáp ứng bao nhiêu % mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Hãy nắm và hiểu rõ những con số đó.

Vậy, không quảng cáo thì làm gì?

Tôi vẫn kiên định với câu "hữu xạ tự nhiên hương" của các cụ. Tôi cho rằng, thay vì tháng tháng đều đặn chi một khoản nhất định cho "top 3" (trong ngoặc kép) Google, hãy để tiền đó đầu tư cho sáng tạo, hãy bù vào tăng phúc lợi cho nhân viên, kích thích sự phát triển và sự tinh tế của họ, hãy làm sao để nhân viên không phải chê trách gì về sếp, về công ty, hãy tìm cách cải thiện trải nghiệm người dùng, làm cho khách hàng nói wow, để họ trở thành cái loa tự nguyện, và hãy đầu tư vào chiếc nam châm để hút giới báo chí sẵn lòng viết bài PR cho doanh nghiệp free.

Tháng tôi chỉ chi có vài ba triệu. Có nhiều công ty lắm tiền, họ sẵn sàng bỏ tiền tỉ quảng cáo mà mặt không biến sắc, thì làm sao?

Ơ, thì kệ họ, nhìn ngó nhìn nghiêng làm gì. Mình ít tiền, nguồn lực có hạn thì mình phải dùng trí tuệ, phải có mưu để xoay xở. Vài ba triệu ấy gì, trả thêm nhân viên 1 triệu, áp thêm chỉ tiêu công việc, hoặc tuyển đứa giỏi hơn về làm :))).

Ok, công ty tôi đã cố gắng hết sức rồi mà vẫn không có đủ sáng tạo, sản phẩm không thể nổi bật hơn, nhân viên không kiếm được ai hơn, blah blah, nên ...

Khổ, vậy nên mới gọi là bất lực! Hừ.

8 tháng 3, 2014

17 suy nghĩ sai lầm cần tránh về SEO trong năm 2014


17 SEO MYTHS 2014
Hôm trước tôi nhận được thư của Hubspot giới thiệu về cuốn ebook mới "17 SEO MYTHS YOU SHOULD LEAVE BEHIND IN 2014", kế hoạch là khoe luôn, cuối cùng thì hôm nay mới khoe được.

Chắc hẳn mọi người đều đồng ý rằng SEO mấy năm nay thay đổi rất nhiều, từ Gấu trúc, rồi Cánh cụt, cuối năm vừa rồi thì Chim ruồi, khiến nhiều người làm SEO phải điều đứng và cũng phải tìm cách thay đổi cách làm SEO của mình. Ấy vậy mà có đến16/17 suy nghĩ sai lầm được nhắc lại sau 1 năm - là những điểm mà các SEOer, marketer, trong đó có tôi vẫn còn vướng phải.Thế có đáng để Vietinbound dành 1 bài viết (dài) để điểm lại, phân tích các sai lầm đó hay không?

Hờ, có quá ấy chứ!

17 suy nghĩ sai lầm cần tránh về SEO trong năm 2014

Di chuyển nhanh đến phần bạn muốn đọc:
Sai lầm 1: Phải gửi website lên Google
Sai lầm 2: Xếp hạng là mục tiêu tối thượng của SEO
Sai lầm 3: SEO là việc tôi có thể phó mặc cho bên IT
Sai lầm 4: Có nhiều liên kết sẽ tốt hơn có nhiều nội dung
Sai lầm 5: Meta description có tác động lớn đến thứ hạng tìm kiếm
Sai lầm 6: Truyền thông xã hội và SEO không liên quan gì cả
Sai lầm 7: SEO trên trang là tất cả những gì tôi cần để xếp hạng
Sai lầm 8: Từ khóa cần chính xác
Sai lầm 9: Có một mật độ từ khóa lý tưởng cho trang web của tôi
Sai lầm 10: H1 là yếu tố trên trang quan trọng nhất
Sai lầm 11: Trang chủ cần rất nhiều nội dung
Sai lầm 12: Càng có nhiều trang càng tốt
Sai lầm 13: Đối với SEO địa phương, tôi chỉ cần liệt kê địa chỉ thành phố, bang, và/hoặc quốc gia của công ty lên các trang web của tôi
Sai lầm 14: Các trang vệ tinh và các tên miền khác mà tôi sở hữu có liên kết hay chuyển hướng sang website của tôi sẽ hỗ trợ được SEO
Sai lầm 15: Google sẽ không bao giờ biết nếu tôi có các trang web xấu trỏ tới trang web của tôi
Sai lầm 16: SEO không chịu trách nhiệm về vấn đề hữu dụng
Sai lầm 17: SEO và inbound marketing không liên quan

Sai lầm 1: Phải gửi website lên Google

Ngày trước nhiều người (cả tôi nữa) nghĩ rằng gửi (submit) website lên Google sẽ được lập chỉ mục (index) nhanh hơn, và cũng sẽ nhanh xuất hiện trên kết quả tìm kiếm hơn.

Thật ra, dù là website mới coóng, dù bạn không gửi thông tin về URL website lên Google, thì cỗ máy vẫn có thể tìm thấy site của bạn.
Submit website lên Google đã trở thành một thủ thuật không cần thiết


Ý kiến chuyên gia: 
Không những bạn không cần gửi trang web của bạn lên Google, mà bạn còn phải để ý đến những gì  bạn muốn chặn không cho Google thu thập dữ liệu thông qua tệp robots.txt. Các thư mục và trang nhất định như các kết quả tìm kiếm nội bộ, cần luôn luôn giữ tránh xa bộ lập chỉ mục của Google để nội dung thật sự của bạn chiếm được vị trí tiên phong.
Jeff Ferguson  - CEO, Fang Digital Marketing
@FangDigital

Sai lầm 2: Xếp hạng là mục tiêu tối thượng của SEO

Trong khi có sự liên hệ sâu sắc giữa thứ hạng tìm kiếm và tỉ lệ nhấp chuột, việc xếp thứ hạng cao không còn là mục tiêu cuối cùng tối thượng như trước nữa.

Các nghiên cứu về tỉ lệ nhấp chuột và hành vi người dùng đã chỉ ra rằng những người tìm kiếm thích những kết quả trên cùng - nhất là danh sách top 3. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy hành động nhấp chuột cũng xảy ra tương tự đối với các kết quả được liệt kê trên đầu trang đối với các trang kết quả tiếp theo. Và hiện nay với các kết quả được gắn với các rich text/snippets và các thẻ tác giả, kết quả dù xuất hiện dưới top 3 vẫn có thể có tỉ lệ nhấp chuột cao hơn.

Thậm chí từ trước khi mấy thứ kia được ứng dụng thì các thứ hạng cao vẫn không thể đảm bảo thành công. Về lý thuyết, bạn có thể xếp hạng cao cho một từ khóa, thu về rất nhiều lượt truy cập nhưng lại chẳng thu được một hào nào từ đó. Đó có phải là điều bạn thật sự mong muốn? Tôi không nghĩ thế.
Ý kiến chuyên gia:

Xếp hạng mà làm gì? Tôi chắc chúng ta đều nhớ những quảng cáo kiểu như "Cam kết đưa bạn lên top 1 Google" nhưng chúng chẳng bao giờ nói để làm gì. Thay vì bị ám ảnh về thứ hạng, hãy trở nên hữu ích và độc giả của bạn sẽ mang lại nhiều người dùng hơn nữa vì họ sẽ chia sẻ những nội dung của bạn.
Alisa Meredith - Co-Owner, Scalable Social Media
@alisammeredith

Sai lầm 3: SEO là việc tôi có thể phó mặc cho bên IT

Có vẻ như nhận thức cho rằng SEO yêu cầu sự thuần thục về kỹ thuật, và vì nó về kỹ thuật, chỉ IT có thể thực hiện. Trong khi có yếu tố kỹ thuật trong SEO, nó cần nhiều hơn chỉ về mặt kỹ thuật, và phải nghĩ rất lâu, rất kỹ lưỡng trước khi chuyển toàn bộ một dự án cho IT hay cho một bên thiết kế web.
Cần có sự nhận thức đúng về các công việc của SEO để phân công hợp lý

Dù bạn có thể cần những cá nhân này hỗ trợ bạn trong quá trình tối ưu hóa website, sẽ không thể lý tưởng nếu đưa các công việc SEO cho IT và kỳ vọng những hành động và kết quả tốt.

Trong khi nhiều chuyên gia IT có kiến thức chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật - ví dụ  làm sao để chắc chắn website của bạn dễ dàng thu thập thông tin và cài đặt các tệp chuyển hướng và sơ đồ trang web XML - nên nhớ rằng nhiều nhân sự IT cũng làm những việc như cài máy in ... một tập kỹ năng khác hẳn với những gì cần để thực hiện một chiến lược SEO thành công.

Ý kiến chuyên gia:

SEO là một trong những  chữ viết tắt ( acronyms) nghe như nhiên liệu tên lửa, thứ gì chỉ nằm trong tay của các con mọt công nghệ (technoids) quen với lập trình (with html street cred). Tuy nhiên, với từng bước chuyển mới trong các thuật toán của Google, chúng ta học được rằng SEO nên được viết tắt bởi chữ "Simply Excellent Online". Nói cách khác, tạo nội dung đáng ghi nhận trước, SAU ĐÓ mới làm việc với đội IT để chắc chắn những gì đọc tốt thì cũng đạt tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật.
Paul Furiga - President & CEO, WorldWrite Communications

@paulfuriga

Sai lầm 4: Có nhiều liên kết sẽ tốt hơn có nhiều nội dung

Điều này thường đi liền với câu hỏi "Tôi nên đầu tư vào điều gì, xây dựng liên kết hay tạo nội dung?"
Liên kết là phần quan trọng trong uy tín của website (ngay cả trong thị trường trao đổi liên kết cũng vậy). Tuy nhiên nếu bạn có ngân sách để đầu tư  vào website, tôi sẽ khuyên "Tuyển ai đó viết bài cho bạn đi".

Thường khi các công ty thuê người về xây dựng liên kết, họ tập trung vào số lượng liên kết hơn chất lượng. - nhưng việc liên kết không còn là trò chơi về con số nữa. Bạn phải tập trung vào việc có nguồn phù hợp và đa dạng liên kết tới các trang phù hợp.

Khi bạn đầu tư vào nội dung, nội dung đó có thể được dùng cho trang web, bài blog, các lời mời tạo đầu mối kinh doanh, và bài viết khách trên các trang web khác - tất cả các loại nội dung có thể mang lại nhiều liên kết hơn cùng với chúng qua thời gian.

Ý kiến chuyên gia:

Với sự ra đời của các cập nhật thuật toán Panda, Penguin, và Hummingbird, Google đã làm mọi thứ nhưng tát vào mặt chúng ta (nghe hơi thô bạo nhỉ :-ss) để thức tỉnh chúng ta với sự thật là những người làm SEO không còn có thể chơi với hệ thống được nữa. Trong khi  việc xây dựng liên kết đúng vẫn còn giá trị thì việc tạo nội dung đột phá đang trở nên không thể chối cãi.
Ron Medlin - CMO, 98toGo
@ronmedlin

Sai lầm 5: Meta description có tác động lớn đến thứ hạng tìm kiếm

Meta description và Rich snippets có thể giúp tăng tỉ lệ CTR,
 tuy nhiên được chứng minh là
không có tác động trực tiếp đến thứ hạng tìm kiếm
Siêu mô tả (tạm dịch vậy) là các thuộc tính HTML để giải thích ngắn gọn nội dung của các trang web. Bạn đã từng thấy chúng  trên các trang kết quả tìm kiếm của Google (SERPs), nơi chúng hay được dùng như những đoạn trích dẫn xem trước. Do đó có vẻ hoàn toàn dễ hiểu rằng thuật toán của Google sẽ xem xét các siêu mô tả này khi xác định thứ hạng tìm kiếm .. phải không? Thật ra thì không nhiều.

Trở lại 2009, Google đã tuyên bố rằng các thẻ siêu mô tả ( và siêu từ khóa) không còn tác động gì đến thứ hạng tìm kiếm. Tuy nhiên điều đó không nói rằng những mô tả này không quan trọng cho SEO. Ngược lại: meta description tạo ra một cơ hội lớn để tách bạn khỏi đám lộn xộn và thuyết phục người tìm kiếm rằng trang web của bạn đáng để ghé thăm.

Việc có một siêu mô tả phù hợp, hấp dẫn có thể là sự khác nhau giữa người tìm kiếm nhấp chuột vào trang của bạn với người nhấp chuột vào đâu đó khác.

Ý kiến chuyên gia:
Đúng rồi, các siêu mô tả không tác động đến thứ hạng website trên kết quả tìm kiếm. Tuy nhiên, siêu mô tả vẫn cực kỳ quan trọng để lôi kéo người dùng nhấp vào trang của bạn. Tôi khuyên khích sử dụng từ khóa mục tiêu của bạn một lần, không vì nó sẽ giúp thăng hạng mà nó sẽ được bôi đậm nếu phù hợp với nội dung tìm kiếm của một người. Thử thêm một lời kêu gọi hành động vào mô tả nữa nhé.
Luke Summerfield - Director of Inbound Marketing, Savvy Panda
@SavvyPanda

Sai lầm 6: Truyền thông xã hội và SEO không liên quan gì cả

Vùng giao của SEO  và truyền thông xã hội được gọi là "tìm kiếm xã hội" (social search). Tìm kiếm xã hội là một việc rất thực tế - mỗi quan hệ chính thức ngày càng tăng giữa tìm kiếm và mạng xã hội đang biến động qua năm, và Google đang cố gắng để chứng minh điều này bằng các hồ sơ Google+ và Tác giả.

Trong tìm kiếm xã hội, nội dung sẽ được xét ưu tiên nếu nó kết nối với bạn bằng con đường nào đó - có thể qua một người bạn trên Facebook, một người theo dõi trên Twitter hoặc kết nối trên bất cứ mạng xã hội lớn nào khác.Thay vào đó, một số hình thức tìm kiếm xã hội xét ưu tiên nội dung được chia sẻ bởi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, dù những người này không trực tiếp kết nối với bạn.

Bài học ở đây là hãy đảm bảo bạn có một chiến lược truyền thông xã hội và nghĩ về nó như một phần trong các nỗ lực tối ưu hóa tìm kiếm - 2 thứ không được hoạt động riêng rẽ.

Sai lầm 7: SEO trên trang là tất cả những gì tôi cần để xếp hạng


SEO Onpage chỉ là 1 phần (có vẻ nhỏ)
trong toàn bộ chiến lược SEO
Đặt các từ khóa lên một trang không còn là viên đạn thần. Dù được SEO trên trang (on-page) mượt mà "không tì vết", bạn cũng mới chỉ tham giả 1 phần trong toàn bộ đẳng thức SEO lớn.Các nỗ lực tối ưu của bạn nên là sự tổng hợp tập trung vào chất lượng thông qua tối ưu trên trang, tối ưu ngoài trang, trải nghiệm người dùng và sự chuyển đổi.Vì thế hãy chuẩn bị tốt để làm được nhiều hơn chỉ SEO on-page.

Ý kiến chuyên gia:
Nhiều năm trước chúng tôi cũng nghĩ thế. Nhưng chúng tôi đã thay đổi và biết rằng các chiến lược SEO hiệu quả nhất tham gia vào các yếu tố trên trang và ngoài trang. Ngày nay, chúng tôi kết hợp các nỗ lực trên trang với một chiến lược phân bổ mạng xã hội, chiến lược tiếp thị người ảnh hưởng bền vững và hơn thế nữa!
Matthew Bivens - Lead Strategist & Online Marketing Director, 98toGo
@marketingguyatl

Sai lầm 8: Từ khóa cần chính xác

Từ khóa không cần nhắc lại nguyên văn trong suốt một đoạn nội dung. Thông thường trong một tiêu đề, bạn muốn dùng 1 hoặc nhiều từ khóa theo cách tạo nhiều ý nghĩa nhất cho độc giả. Mục tiêu là phải viết một tiêu đề thu hút (khoảng giữa 4-9 từ) giải thích rõ ràng nội dung đó viết về cái gì.

Không có gì điên rồ hơn việc tạo tiêu đề được đóng khung trong phạm vi 1 cụm từ khóa hoặc tồi tệ hơn là nhắc lại 1 cụm từ khóa một cách gượng ép.

Quy luật này không chỉ đối với các tiêu đề, mà còn trong nội dung trên trang: mục tiêu nên là thông báo cho độc giả, không phải thông báo cho máy tìm kiếm.

Ý kiến chuyên gia:
Không nên tốn thời gian cố gắng tìm các từ khóa hoàn hảo để dùng đi dùng lại trên trang web. Đầu tiên, Google ghét nếu bạn quá tối ưu cho máy móc. Thứ hai, những người tìm kiếm sẽ sử dụng một tập hợp các từ và cụm từ khóa để tìm thứ họ muốn tìm. Nội dung trên trang phải đa dạng đủ để đáp ứng các tiêu chí tìm kiếm trong khi vẫn gắn chặt với một chủ đề bao quát.
Sam Lowe - Marketing Assistant, Weidert Group
@I_am_SamLowe

Sai lầm 9: Có một mật độ từ khóa lý tưởng cho trang web của tôi

Sự thật là không hề tồn tại con số thần kỳ cho mật độ từ khóa. Không có con số lý tưởng về số lần bạn phải nhắc lại một từ khóa trên một trang.Cũng phải nói lại rằng bạn phải có từ khóa (1 hoặc nhiều) trong tiêu đề trang để người ta biết về nội dung chính của trang.

Từ khóa - và biến thể của nó cũng nên được đưa trong tiêu đề chính, lý tưởng nữa thì có trong URL, và ít nhất một lần trong nội dung.Một lần nữa, mục tiêu là để nội dung rõ ràng và đáp ứng nguyện vọng của người tìm kiếm - đó là lý do vì sao họ nhấp vào trang của bạn, vì thế đừng tấn công họ với nội dung tối ưu thái quá.


Sai lầm 10: H1 là yếu tố trên trang quan trọng nhất

Tôi đã từng nghĩ H1, H2, H3 đều quan trọng cho SEO,
ơ thế ra không phải à? :(
Nghĩ về cấu trúc nội dung trên trang web của bạn như một dàn ý. Có sự tiếp cận theo dãy đến việc truyền đạt thông tin cho người dùng và máy tìm kiếm. Bạn gói tiêu đề vào thẻ title nào không có nhiều tác dụng cho SEO - và các thẻ tiêu đề (dù là H1, H2, H3 v.v ) chỉ để dùng với mục đích tạo phong cách.H1 là một phần của CSS mà người thiết kế đưa vào để xác định kiểu cách kích cỡ chữ nào sẽ áp dụng cho một phần nội dung cụ thể.

Nó từng quan trọng, nhưng các máy tìm kiếm ngày nay thông minh hơn - và không may người ta spam quá nhiều đẩy chúng vào chỗ chết.Vì thế không quan trọng bạn sử dụng thẻ header nào, khi bạn đã đưa các quan điểm quan trọng nhất lên trước và gần hơn trên đầu trang. Nhớ rằng bạn đang tối ưu trang cho người dùng trước nhất, nghĩa là bạn muốn báo cho họ nội dung của trang càng sớm càng tốt thông qua dòng tiêu đề rõ ràng.

Ý kiến chuyên gia:
Nếu bạn đi trong thư viện, bạn nhìn vào các tên sách để tìm thông tin tốt nhất bạn cần. Đó là điều mà H1, cùng với siêu mô tả và thẻ tiêu đề, làm cho độc giả và máy tìm kiếm. Để có được khách truy cập, bạn cần máy tìm kiếm xác định trang nào phù hợp, một tiêu đề và nội dung có tính công thức sẽ có vẻ không trung thực.Tạo ra các tiêu đề dễ hiểu cho cả 2 thực thể, và, tốt nhất chỉ sử dụng 1 thẻ H1 trên 1 trang.
Grady Neff - Content Strategist, Digital Relevance
@graydonski

Sai lầm 11: Trang chủ cần rất nhiều nội dung

Bạn đã từng gặp trang chủ nào đầy nội dung? Hoặc ngược lại, một trang chủ gần như không có nội dung nào? Hãy coi trang chủ là cánh cửa dẫn đến doanh nghiệp bạn. Hãy thử định hình. Đây chính là cơ hội tạo ra ấn tượng đầu tiên và truyền tải những gì về bạn. Có thể định vị giá trị của bạn là sự đơn giản - khi đó, chỉ cần 1 màn hình đăng nhập đơn giản là đủ (đặc biệt nếu tên bạn là Dropbox).
Ví dụ về 1 trang chủ đơn giản (tìm lung tung trên mạng)
Click để tìm hiểu
8 xu hướng thiết kế website mới cho năm 2014

Tuy nhiên đối với nhiều marketer, họ cần nhiều nội dung và văn cảnh hơn thế. Nội dung trang chủ cần đủ dài để làm rõ bạn là ai, làm gì, ở đâu, định vị giá trị, và khách hàng cần làm gì tiếp theo. Khách truy cập khi rời đi với sự hài lòng, không phải sự quá tải hoặc quá ít - và tất nhiên không bị mơ hồ.

Ý kiến chuyên gia:
Điều này hoàn toàn vô nghĩa. Trang chủ của bạn như thẻ H1 của trang web. Hãy cho nó phục vụ khách hàng. Giao tiếp với họ và kể chuyện về mình. Tại sao họ ở đây và họ sẽ có thể tìm thấy gì? Hãy làm nó đơn giản và đừng nghĩ quá về SEO. Hãy làm nó đơn giản và truyền tải được thông điệp: Bạn mang lại giá trị gì cho khách truy cập?
John McTigue - EVP & Co-Owner, Kuno Creative
@jmctigue

Sai lầm 12: Càng có nhiều trang càng tốt

Theo quy luật bạn sẽ nghĩ rằng càng có nhiều dấu chân trên website thì bạn càng làm tốt - nhưng điều đó không đúng. Thứ nhất, không phải thứ gì bạn đăng cũng được lập chỉ mục. Thứ hai, nhiều khi các trang được lập chỉ mục nhưng không duy trì lâu trong chỉ mục. Và thứ ba, chỉ vì các trang web của bạn được lập chỉ mục không có nghĩa là chúng sẽ mang lại những lượt truy cập và đầu mối kinh doanh chất lượng.

Không may, những người cố gắng có càng nhiều trang trên website của họ thường cũng quá coi trong chất lượng của nội dung đó, và thực tế khó mà đáp ứng cả số lượng và chất lượng. Mục tiêu cuối cùng nên là chỉ đăng những thứ phù hợp nhất. Hãy tạo những nội dung ở trạng thái tốt nhất.

Ý kiến chuyên gia:
Trong khi số trang web bạn có giúp tăng cơ hội hiển thị trên nhiều kết quả tìm kiếm, quy luật về nội dung chất lượng trên một trang web được xây dựng hợp lý cùng với các liên kết dẫn tới chất lượng vẫn còn áp dụng.
Jeff Ferguson - CEO, Fang Digital Marketing
@FangDigital

Sai lầm 13: Đối với SEO địa phương, tôi chỉ cần liệt kê địa chỉ thành phố, bang, và/hoặc quốc gia của công ty lên các trang web của tôi

Điều này chỉ đúng một nửa. Bạn cần xác định các thông tin đó trên trang web nếu bạn là doanh nghiệp hoạt động nhắm tới địa lý. Tuy nhiên, ví dụ, nếu bạn là doanh nghiệp Mỹ chỉ tập trung nhắm tới các thành phố của Mỹ thì bạn không cần thông tin về "U.S." trên các trang web.
Việc trích dẫn thông tin địa chỉ nhất quán, cụ thể là
một yếu tố quan trọng trong local SEO
Các máy tìm kiếm biết người dùng ở đâu, và chúng nỗ lực để hiển thị những kết quả cụ thể tùy thuộc vào địa điểm của họ.Như vậy, các thẻ tiêu đề, liên kết, nhận xét, các đoạn trích trên trang, và truyền thông xã hội (nhất là Google+ Địa phương) vẫn thông báo rõ ràng bạn đang tọa lạc ở đâu và được xem là một phần quyết định kết quả SEO địa phương của bạn.

Ý kiến chuyên gia:
Việc trích dẫn một cách nhất quán rất quan trọng cho SEO. Việc 1 địa chỉ trên web ghi là "Road" và địa chỉ trên trang khác trên web viết tắt là "Rd." bị các máy tìm kiếm coi như 2 địa chỉ khác nhau.Chúng tôi sử dụng dịch vụ Yext để giúp có được sự thống nhất trong trích dẫn trên các trang web cho chính chúng tôi và khách hàng của chúng tôi. Hãy dùng nó để kiểm tra địa chỉ đã đăng ký trên web của chính bạn.
Matthew Lee - Director of Marketing, Adhere Creative
@AdhereCreative

Sai lầm 14: Các trang vệ tinh và các tên miền khác mà tôi sở hữu có liên kết hay chuyển hướng sang website của tôi sẽ hỗ trợ được SEO

Cơ hội cho SEO của hành động đó gần như bằng 0. Đó giống như việc trong một cuộc bầu cử, bạn tự bỏ phiếu cho chính bạn hàng nghìn lần thì vẫn chỉ được coi là 1 phiếu.

Các máy tìm kiếm đủ thông minh để biết những người đăng ký cho 1 tên miền và có thể thấy nếu như đó cùng là một người với tên miền chính. (Chú ý rằng: Nếu bạn đang đọc và nghĩ: "À, thì ta có thể thay đổi thông tin đăng ký là xong", thì bạn rõ ràng đang nghĩ như một spammer. Đừng là người như thế!)

Chẳng có nhiều giá trị gì trong việc trải mỏng nỗ lực SEO, tức là cài đặt liên tiếp các tên miền và tối ưu hóa cho từng cái thay vì đặt hết tình yêu vào một tên miền chính. Tại sao không thêm nội dung vào tên miền chính hay xây dựng một công cụ như một phụ tùng (add-on) cho trang web của bạn?

Ý kiến chuyên gia:
Các trang vệ tình có một lý do hợp lý để tồn tại khi chúng phục vụ một mục tiêu tiếp thị cụ thể. Như một chiến lược xây dựng liên kết, nó không thể là một chiến lược kinh doanh dài hạn để thành công mà chỉ là giải pháp ngắn hạn (churn&burn), điều bạn không muốn làm với trang web công ty. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc hiểu nhu cầu của khách hàng và tạo nội dung giúp đáp ứng những nhu cầu đó.
David Demoe -Sr. Marketing Manger, Search Engine People
@senginepeople

Sai lầm 15: Google sẽ không bao giờ biết nếu tôi có các trang web xấu trỏ tới trang web của tôi

Không. Họ sẽ biết!Giống như ông già Noel biết bạn tốt hay xấu. Cũng giống thần răng biết nếu bạn bị mất một chiếc răng. Giống bố mẹ có thể cảm nhận được khi bạn quên điều độ.Vấn đề là Google biết (mọi thứ).

Đừng cố đánh lừa họ, nhất là trong thời đại hậu Panda, Penguin và Hummingbird, nếu không bại sẽ bị gửi tới phòng của bạn (nghĩa là bị phạt).

Ý kiến chuyên gia:
Khi người ta cố gắng tạo nhiều đường tắt, chất lượng các kết quả tìm kiếm trở nên kém đi và những người làm SEO tạo ra những vấn đề về uy tín cần vượt qua. Hãy nhớ rằng bạn có thể bị phạt nếu bạn trao đổi quá nhiều liên kết với khách hàng, vì nó có thể bị coi như một hành động thao túng (manipulation).
Jaymie Scotto Cutaia - CEO & Founder, Jaymie Scotto & Associates
@jscotto

Sai lầm 16: SEO không chịu trách nhiệm về vấn đề hữu dụng

SEO đã thay đổi từ việc đơn giản là được tìm kiếm trở thành cải thiện cách người dùng tương tác với nội dung của bạn. SEO không chỉ còn là việc tối ưu hóa cho các máy tìm kiếm mà hơn thế rất nhiều. Bạn cần tối ưu hóa cho người dùng đầu tiên và trước nhất, để họ thật sự nhấp chuột vào các mục trên trang, và một khi đã nhấp chuột vào đó, họ sẽ ở đó.

Để giữ khách hàng ở trên trang web, hãy đảm bảo bạn đăng tải nội dung được cá nhân hóa và phù hợp. Bạn cũng nên chắc chắn rằng website của bạn trực quan và dễ duyệt (nói cách khác, có thể giúp cả người dùng và bọ tìm kiếm truy cập được)

Và nữa, không để khách truy cập phải tìm kiếm những gì họ cần. Hãy đưa ra kêu gọi hành động rõ ràng, và bạn sẽ chuyển những khách này thành liên hệ, thành đầu mối kinh doanh, và cuối cùng là khách hàng.“Search experience optimization” mới thật sự là ý nghĩa của SEO.

Ý kiến chuyên gia:
Sự thật là chúng ta cần SEO. Nhưng đừng chỉ tối ưu nội dung cho các máy tìm kiếm, nó khiến nội dung khó tiêu (bởi vì rõ ràng tôi không phải là máy tìm kiếm). Hãy nói tiếng người (nghe có vẻ phũ nhở?). Dành cho con người trước, sau mới đến máy tìm kiếm.
Kelly Kranz -Content Manager, OverGo Studio
@OverGoStudio

Sai lầm 17: SEO và inbound marketing không liên quan

SEO là một nan hoa trong bánh xe inbound
Ngược lại, inbound marketing và SEO  có mối liên kết không thể xoay chuyển. Nếu bạn nghĩ ý đầu là một bánh xe lớn, thì ý sau sẽ là một nan hoa của bánh xe đó.

Inbound là một triết lý  toàn diện tập trung vào việc biến người lạ thành người muốn - và nên - hợp tác kinh doanh với bạn một cách hiệu quả. Nó gồm có một loạt thủ thuật và cách thức, gồm tạo nội dung, tối ưu hóa chuyển đổi, và vận dụng các kênh truyền thông xã hội, cùng rất nhiều yếu tố khác.

Trong mối so sánh tương quan, SEO là một chiến thuật marketing tập trung vào việc cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp và lượt truy cập từ kết quả tìm kiếm. Rõ ràng, SEO có thể giúp bạn rất nhiều trong tổng thể inbound marketing. Khi nghĩ về 4 giai đoạn của phương pháp inbound marketing: Thu hút, Chuyển đổi, Chốt và Làm sáng, thì SEO đặc biệt phù hợp với giai đoạn đầu: thu hút đúng người tới trang web của bạn.

Ý kiến chuyên gia:
 Tôi không nghĩ về SEO. Tôi nghĩ về các máy tìm kiếm như một phần của rất nhiều cơ hội tôi có để tiếp cận khách hàng. Nó là inbound vì họ tìm thấy bạn dựa trên việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của họ. Nó có giá trị lớn vì họ tìm kiếm giải pháp, chứ không chỉ tìm chơi chơi. Tôi nghĩ đến việc tích hợp tất cả các khía cạnh của inbound để khiến khách hàng tìm thấy chúng tôi dễ dàng nhất. Sau đó tôi nỗ lực tạo nội dung và cuộc đối thoại cần thiết để giải quyết vấn đề của họ.
John McTigue - EVP & Co-Owner, Kuno Creative
@jmctigue

Kết luận rút ra là:

Giờ thì bạn đã hiểu những sai lầm về SEO, những gì bạn đang làm không làm suy suyển được gì? Tồi tệ hơn, bạn khiến các nỗ lực SEO trở nên kém hơn? Hiểu về các sự thật này sẽ giúp bạn hiệu quả hơn trong chiến lược tìm kiếm tự nhiên của mình.

Một thứ quan trọng thu lượm được từ chỉ dẫn này là: SEO là tất cả trải nghiệm của người tìm kiếm bắt đầu từ khi họ nhập truy vấn tìm kiếm. Trải nghiệm càng tốt, từ danh sách kết quả tìm kiếm, tới chất lượng và sự phù hợp của nội dung trên trang, sự dễ dàng di chuyển trên trang, thì kết quả SEO sẽ càng tốt theo.


_________________
Thú thật là có cơ số điều kể trên tôi vẫn đang phải "ngậm đắng" và thực hiện chúng mỗi ngày.
Bao giờ cho thoát khỏi lối mòn? :(

Nếu anh/chị/bạn/em có ý nào chưa hiểu (do tôi dịch chưa thông chẳng hạn) hoặc có ý kiến đóng góp thêm cho danh sách 17 ý trên, thì cứ góp ý nhé. ^^
Hoặc tải sách gốc về từ đây: http://offers.hubspot.com/17-seo-myths-leave-behind-in-2014

Mong sao sang năm cuốn sách SEO MYTHS 2015 sẽ có sự thay đổi lớn (hoặc không có cơ hội phát hành nữa).
Mong sao ... ;)

11:59PM 8/3/2014: Sau một hồi cập nhật/chính sửa loạn xị, chợt thấy hình như mình nên dùng từ "ngộ nhận"
sang ngày 9. -_-