29 tháng 12, 2013

Tổng kết xu hướng, thống kê và sự kiện tiếp thị nổi bật năm 2013

Đã mấy tuần rồi không thực hiện được lời cam kết gửi email vào mỗi thứ sáu hàng tuần thật sự là điều không mong muốn. Mong sao các bạn đọc của VietInbound không giận. :(

Hôm nay tôi mới lại có động lực dành thời gian đăng một bài mới - mong sao đây không phải là bài chốt hạ năm 2013, mà nếu có chốt hạ thì cũng mong đây là một sự chốt hạ đẹp.

Trước khi đi vào bài, em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sếp khi sếp đã chia sẻ một bài quá chất và gây nhiều cảm hứng cho em. :x
________________________________________
Đây là một infographic bởi Uberflip về các "Marketing Trends, Stats, and Events That Made the News in 2013" - Dịch ra là "Xu hướng, thống kê và sự kiện tiếp thị nổi bật năm 2013" (Bài mang tính chất chống mốc cho blog)

Nội dung cơ bản gồm có:

Multiplatform Content - Nội dung đa nền tảng

Khi người tiêu dùng đang sử dụng rất nhiều loại thiết bị công nghệ thông tin khác nhau thì thị trường tiếp thị cũng phải thích nghi với xu hướng trong việc triển khai các chiến dịch tiếp thị đa màn hình (multiscreen campaigns), trong công nghệ thương mại di động (mobile commerce) và trong việc triển khai thiết kế co dãn (responsive design).

Content Marketing - Tiếp thị nội dung

Các công ty và cá nhân làm tiếp thị ngày càng chú trọng triển khai tiếp thị nội dung và sử dụng nhiều hình thức nội dung khác nhau. Về cụ thể, những hình thức nội dung nào chiếm ưu thế hơn cả? 

SEO - Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm

So với 1-2 năm trước, SEO đã thay đổi rất nhiều khiến nhiều người tưởng rằng SEO đang chết. Thực hư thì như thế nào?

Native Ads - Quảng cáo tự nhiên

Đây là một thuật ngữ mới (bản thân tôi đến sáng hôm qua mới biết lần đầu), thực sự thì loại hình quảng cáo này quen thuộc và đang ngày một phát triển hơn.  

Những xu hướng này sẽ  phản ánh những gì các nhà tiếp thị, các doanh nghiệp sẽ cần làm trong năm 2014 tới.
Dưới đây là toàn bộ nội dung infographic, mời các bạn đọc cùng theo dõi.

<< Hàng nút chia sẻ ngay bên trái nhé ^^ <<

Các bạn có thể xem hình gốc và một số phân tích tại đây

Có thuật ngữ nào khiến bạn đặt dấu hỏi chấm?  Từ thông tin trong infographic trên, bạn có mong muốn VietInbound sẽ nghiên cứu sâu hơn hay giải thích kỹ hơn điều gì không? Nội dung như thế này đã khiến bạn thật sự thỏa mãn hay chưa?

__________________________________

Chúc các bạn một năm mới nhiều may mắn, thành công.
Hẹn gặp lại trong các bài viết mới mẻ và hữu ích hơn nữa trên blog VietInbound trong năm 2014. ^^

29 tháng 11, 2013

Cẩm nang LinkedIn cho các CMO

Chẳng nhớ trên blog này đã có mấy bài về LinkedIn, và có nội dung nào trùng lặp với những gì sắp gõ không, kệ, cứ đăng lên để học! 
(Của đáng tội, tranh thủ giờ làm việc để viết blog, nhưng mà đâu, đang nghiên cứu phục  vụ công việc của công ty đấy chứ. :3

Bài này dịch lại có chỉnh sửa từ một infographic, lười nên gõ chữ trước, lúc nào rảnh tôi làm ảnh sau. (Ai bảo info lắm chữ >"<)

CẨM NANG TIẾP THỊ BẰNG LINKEDIN (DÀNH CHO CÁC CMO)


Đối với nhiều người, LinkedIn chỉ là nơi dành cho dân săn việc và săn người? Thật ra nó đã trở thành một kênh tiếp thị mạnh có thể thu hút các đầu mối làm ăn, gắt kết với các khách hàng tiềm năng và thúc đẩy chuyển đổi thành doanh số. Và dưới đây là những điều các Giám đốc Tiếp thị nên biết:


Một vài số liệu mới nhất về LinkedIn

- Đã có 2 triệu công ty đã lập và đăng bài lên trang công ty LinkedIn của họ
- 200 triệu người dùng trên hơn 200 nước
- Hiệu quả tạo nhân mối cao hơn 277% so với Facebook và Twitter
- Các nhà điều hành các công ty lớn trong Fortune 500 đều có mặt trên LinkedIn

8 điều tuyệt vời các CMO có thể làm với LinkedIn

1. Tương tác với những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong ngành

Bạn có thể phát hiện ra những cộng đồng những người có tầm ảnh hưởng đối với sản phẩm và dịch vụ của bạn trong số hơn 1 triệu nhóm thành viên trên LinkedIn.
LinkedIn cho phép bạn nhắm tới những người đó qua các quảng cáo trực tiếp PPC hoặc PPI
Như thế nào nhỉ: Bạn cần tìm một CMO nữ, tuổi trên 23, tại công ty công nghệ cỡ vừa ở Hà Nội... LinkedIn có thể giúp bạn làm điều đó? :">

GHI NHỚ RẰNG: Số lượng những liên hệ cấp 1 của một người trên LinkedIn không cho bạn biết liệu họ có phải là người có ảnh hưởng trong ngành hay không, nhưng khi bạn đã kết nối với họ, LinkedIn cho phép bạn đánh giá được giá trị của các kết nối của họ.

2. Thúc đẩy PR máy tìm kiếm trên Google cho công ty bạn

Các trang công ty trên LinkedIn được tối ưu để phục vụ công cụ tìm kiếm. Hãy để Google tìm thấy bạn dễ dàng trên LinkedIn bằng việc chọn "Full View" trên trang hồ sơ công khai của bạn. Đã chịu hoạt động trên LinkedIn là phải xác định "show hàng" - tội gì phải giấu nhỉ??

LinkedIn cho các cá nhân được chèn 3 liên kết vào hồ sơ. Thay các mỏ neo mặc định "company website" hay "blog" thành mỏ neo hấp dẫn hơn liên quan đến công ty của bạn.

Bạn có thể thêm 256 ký tự vào mục "Specialties" - nghĩ về các từ khóa mà khách hàng tiềm năng tìm đến bạn, và đặt chúng vào đó.
Hãy yêu cầu nhân viên đặt link website công ty lên trang hồ sơ LinkedIn của họ.

À, mà bạn đã đọc bài vỡ lòng về "Trang công ty trên LinkedIn" chưa nhỉ?

3. Hãy ngồi xuống và thực hiện nghiên cứu thị trường

Với hơn 1 triệu nhóm thành viên trên LinkedIn, bạn có thể phát hiện ra các cộng đồng các nhà truyền giáo tiềm năng cho các sản phẩm/dịch vụ của bạn.
Đó giống như một cái ống nghe ép vào trái tim của khách hàng.
Hãy tạo một cuộc khảo sát trên LinkedIn để hỏi khách hàng tiềm năng các chủ đề mà họ quan tâm.
Hãy chú ý đến những gì nhân viên của đối thủ tiết lộ về các dự án hiện tại của họ trên trang "Experience" của họ - một mỏ vàng về trí tuệ doanh nghiệp.

4. Rà soát khách hàng tiềm năng và khách hàng hiện tại

Đầu tư sử dụng các gói thành viên trả phí trên LinkedIn. Nó cho phép bạn sử dụng các công cụ thống cô hồ sơ để tìm ra ai là người đang xem hồ sơ LinkedIn của bạn để bạn có thể theo dõi, chăm sóc họ.

Kiểm tra mục "Who Viewed My Profile" để tìm ra những khách hàng tiềm năng nào đã xem trang LinkedIn của bạn. Có phải bạn đang cần một đầu mối làm ăn không?

5. Làm rõ công ty bạn đang đứng về điều gì?


Hãy tận dụng tốt nhất phần mô tả công ty trên trang LinkedIn của công ty bạn. Viết sao cho có hồn, như một con người, đừng viết như một cái máy. Hãy sao cho nội dung cô đọng, sống động và đặt khách hàng làm trọng tâm.

Tin tức bạn chia sẻ trên phần LinkedIn Updates thể hiện rất nhiều về giá trị của công ty bạn.
Phần "Overview" trên hồ sơ công ty? Hãy đưa nội dung nào "human" vào đó.
Ví dụ như Microsoft "Come as you are. Do what you love."

6. Tìm hiểu về hoạt động truyền thông xung quanh lĩnh vực của bạn 

Những hồ sơ LinkedIn được các nhà báo đăng thường chia sẻ các thông tin về lĩnh vực họ đang theo đuổi và kênh truyền thông họ đang hoạt động. Bạn khó có thể tìm thấy ở đâu khác.

7. Định vị công ty của bạn như nhà lãnh đạo tư duy của ngành

Thể hiện sự hiểu biết của công ty của bạn bằng cách trả lời các câu hỏi đăng trên LinkedIn Answers. 
Bình luận trên các cập nhật trạng thái, thể hiện sự khôn khéo và hiểu biết của bạn.
Tham gia vào các nhóm thảo luận trên LinkedIn trong các nhóm ngành nghề mà các khách hàng tiềm năng và khách hàng hiện tại của bạn đang hoạt động.
Tạo một nhóm thành viên mới làm sao cho các khách hàng sẽ cảm thấy bị hấp dẫn muốn tham gia.

8. Gắn kết với các khách hàng tiềm năng với các nội dung lưu trữ trên LinkedIn

Đăng các cập nhật trạng thái trên LinkedIn, nó sẽ hiện trên trang chủ LinkedIn của các kết nối của bạn. 
Sử dụng các ứng dụng liên kết blog để đồng bộ hóa blog với hồ sơ linkedIn của bạn và trang LinkedIn của công ty.
Kết nối tài khoản Twitter với LinkedIn bằng cách nhấp chuột vào Add Twitter Account trong phần chỉnh sửa trang hồ sơ của bạn. 
Cho hiển thị những nội dung hình ảnh qua Behance Creative Portfolio Display của LinkedIn.


Xong! 

Một câu hỏi ngố: Có thể làm đc tất cả các điều trên trong 6 phút mỗi ngày không?

Viết vào nửa đêm về sáng có cảm xúc hơn viết vào buổi tối
Viết trộm có cảm xúc hơn và năng suất hơn viết một cách đường đường chính chính. 
Thật là phũ phàng :3


20 tháng 11, 2013

8 xu hướng thiết kế website marketer cần biết

web-design

Xu hướng 1: Thiết kế co dãn (Responsive Design)

Một website co dãn nghĩa là bố cục của trang mạng sẽ tự điều chỉnh với kích cỡ màn hình mà bạn đang xem. Sự linh hoạt này mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn trên trang web ở bất cứ nơi đâu: điện thoại thông minh, máy tính bảng, hay máy tính để bàn.

Chẹp, nghe về cái này quá quen rồi phải không? Ví dụ đầy ra.
outdure
Outdure's website


Tại sao nó tuyệt?


Vì Google ưa chuộng thiết kế co dãn, và vì thiết kế co dãn giúp cho cả đì-zai-nơ và ma-két-tơ  xây dựng và duy trì một website dễ dàng hơn.
Bạn không phải lo lắng về những thiết bị di động mới và máy tính bảng mới xuất hiện với các kích cỡ màn hình khác nhau  vì thiết kế của bạn sẽ tự động điều chỉnh. Bạn cũng không cần lo bị loạn giữa website chính thức với phiên bản mobile (m.site) của nó. Thiết kế co dãn giúp cuộc sống dễ dàng hơn, và trải nghiệm người dùng bền vững hơn.

Xu hướng #2: Hỗ trợ màn hình Retina (Retina Support)

Năm 2010, Apple thông báo iPhone 4 có màn hình retina (võng mạc :-/). Nhiều người trong số chúng ta không hiểu gã khổng lồ công nghệ đó nói gì, nhưng những người thiết kế lại rất hào hứng.
Màn hình võng mạc giúp hình ảnh trên màn hình trở nên rõ ràng hơn trước kia. Trên màn hình retina, bạn sẽ có thể thấy gấp đôi số điểm ảnh hiển thị so với trên màn hình thông thường. Thế nghĩa là những người thiết kế có thể có gấp đôi số điểm ảnh so với trước kia, cho phép họ tạo ra những bức tranh chi tiết hơn.

Tiếc là tôi có mỗi "sì tu pít phôn", tôi không có thiết bị retina nào để thấy sự khác biệt lớn giữa ảnh retina với ảnh không phải retina.

apple

Tại sao nó tuyệt?

Vì có gấp đôi số điểm ảnh so với bình thường, các designer có thể đưa thêm nhiều chi tiết vào các bản thiết kế của họ hơn. Hiển thị võng mạc cho phép các chi tiết của bản thiết kế được gom lại nhiều hơn trước kia, điều đó mở ra cánh cửa cho các ý tưởng thiết kế mới.

Xu hướng #3: Nền là hình ảnh lớn

Ngày càng nhiều công ty đang đặt ảnh lớn làm hình nền website để cho khách ghé thăm ấn tượng về công ty.
Ví dụ, Sweet Basil, ở Vail, Colorado, sử dụng các hình ảnh khác nhau về nhà hàng của họ.
sweet-basil-vail

Tại sao nó tuyệt?

Dùng ảnh lớn làm hình nền mang lại lợi ích lớn trong tiếp thị. Khách truy cập sẽ ngay lập tức hiểu hơn về công ty -- có thể là về văn hóa, hay về bất cứ dụng ý nào của website.
Trong hình trên, bạn có thể ngay lập tức hiểu về không khí và văn hóa của nhà hàng và có thêm ý tưởng để quyết định bạn có muốn đến đó hay không. Bạn chỉ có vài giây để chứng minh cho khách ghé thăm rằng họ nên ở lại trang của bạn.

Xu hướng #4: Cuộn trang đến vô tận (Infinite Scrolling)

Cuộn trang vô tận nghĩa là khi bạn cuộn xuống dưới trang, website vẫn tiếp tục tải, như trong Google image, hay là Pinterest/ các clone của Pinterest, hoặc một số template wordpress.


cutestpaw
Cutest Paw

Tại sao nó tuyệt?

Lý do đơn giản nhất là cuộn trang vô tận tạo ra một trải nghiệm người dùng tốt hơn. Đầu tiên nó cho phép người dùng ở trên trang thay vì việc nhảy qua nhảy lại các trang khác nhau trên cùng một website. Nữa, sẽ nhanh hơn khi tải một trang website so với việc tải nhiều trang khác nhau.
 Nếu bạn có nhiều hình ảnh trên trang, hãy cân nhắc dùng cuộn trang vô tận để cho chúng hiện hết khi khách truy cập cuộn trang xuống dưới xuyên suốt nội dung của bạn.

Xu hướng #5: Cuộn trang thị sai (?) (Parallax Scrolling)


Parallax scrolling là một kỹ thuật đồ họa máy tính trong đó nền sau sẽ chuyển động chậm rãi trong nền trước, tạo một ảo giác như 3D.
Nhiều website đã bắt đầu áp dụng kỹ thuật này, nhưng nếu lạm dụng, nó sẽ trông rất phô trương. Nhưng nếu bạn nghĩ đến việc tạo cho website tương tác tốt hơn với khán giả, kỹ thuật này sẽ giúp bạn thành công.

lifeofpi
Website bộ phim Life of Pi (nhìn cũng chóng mặt phết)

Tại sao nó tuyệt?

Parallax scrolling thổi một sức sống vào website. Ảnh vẫn dưới dạng 2D, nhưng nó tạo ra trải nghiệm như 3D. Nó giúp các marketer sử dụng website để kể câu chuyện về nó khi tiếp thị ra công chúng. Khi bạn cuộn xuống, bạn sẽ tìm thấy thêm thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ khi ảnh và chữ xuất hiện ở những nơi khác nhau.
Kỹ thuật này có thể sẽ rất mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp của bạn có sức sống hơn đối với khán giả.

Xu hướng #6: Scalable Vector Graphics

Scalable vector graphics (SVGs) là một định dạng ảnh vector dựa trên XML cho phép các designer lên trình cho ảnh của họ với sự tương tác và hoạt họa. Video dưới đây sẽ chỉ ra những gì các file SVG có thể làm để đưa đồ họa và hoạt hình của bạn lên tầm mới.
svg_video

Tại sao nó tuyệt?

Vì scalable vector graphics dùng hình vector, bạn có thể thay kích cỡ chúng mà không khiến hình bị biến dạng. Chúng cũng sẽ làm tốt hơn nếu tạo ra các animation như chúng ta thấy bên trên.


HubSpot Graphic Designer Ivan Sunguroff nói, "Scalable vector graphics đang thay thế dần các hình bitmap, khi những người thiết kế hiện đại tiếp tục tối ưu hóa tốc độ và sự linh hoạt của website. SVGs sẽ nhanh chóng trở thành yếu tố chính của bất cứ thiết kế co dãn thật sự. Một người thiết kế chỉ cần phải xuất 1 lần trong 1 định dạng, và hình ảnh đó sẽ hiển thị đẹp và mượt trên bất cứ thứ gì từ đồng hồ thông minh cho tới một màn hình võng mạc."

(Felling stupid >"<)

Xu hướng #7: Typography

Nhiều người thiết kế hiện nay sử dụng rộng rãi hơn các kiểu chữ để giúp khách truy cập trên trang. Web typography gồm các header của trang để giúp tổ chức website mà vẫn gọn gàng đẹp đẽ. Những người thiết kế vẫn luôn dùng typography trên thiết kế của họ, nhưng sự khác biệt ngày nay là sự lựa chọn font chữ đã tăng chóng mặt. (ý là có nhiều font chữ để lựa chọn hơn)

 Một ví dụ điển hình của việc sử dụng typography thành công là  website của The New Yorker,giúp website được bố cục gọn gàng, bắt mắt và dễ dàng nhận diện rộng khắp.
thenewyorker

Tại sao nó tuyệt

Vì typography gồm family, style, và size của một font, nó có thể giúp toàn bộ một thương hiệu (nhãn hàng) dễ dàng nhận ra từ cái nhìn đầu tiên. Nó cũng giúp website tạo cảm giác quy củ và gọn gàng.
 Typography cho phép tạo ra một xu hướng thiết kế đơn giản nhưng vẫn dẫn người đọc đi hết website. Trong trường học của The New Yorker, website không bị đứt gãy - nó sạch sẽ, gọn gàng và có đủ thông tin để chúng ta hiểu về nội dung của nó.
Khi chúng ta đọc qua những trang đầu, nhờ kiểu chữ lớn nổi bất, chúng ta có thể nhận ra nơi nào chúng ta cần đi, là News Desk, Culture Desk hay nội dung chào mừng nào đó...

Xu hướng #8: Overlay Dropdowns

Overlay dropdowns là kiểu thực đơn xổ xuống nằm trực tiếp trên nội dung của website. Nó có nghĩa là khi bạn bấm vào một lựa chọn trên trang điều hướng website, sẽ có những lựa chọn khác bật ra dưới thực đơn mà không đưa bạn đến trang web khác.
iOffice dùng kỹ thuật này cho website của họ.
ioffice

Tại sao nó tuyệt?

Kỹ thuật này thật sự có giá trị cho các công ty muốn thêm các liên kết trên trang chủ mà không khiến trang bị đặc chữ. Khi bạn chọn bất cứ thứ gì trên overlay dropdown, bạn vẫn có thể xem phần còn lại của trang và thấy các nội dung khác.
Các công ty đang thiết kế trang web cho bố cụ co dãn rất thích loại dropdown này vì nó giúp tối đa hóa khoảng đất có được trên các thiết bị di động và máy tính bảng.

Còn xu hướng nào khác nữa?
______________________________________
Nguồn: Hubspot my infinitive inspiration :x

Rất vui, đã có bài mới lên site, thoát khỏi cơn lười biếng và giải ngố được một số khái niệm về kỹ thuật. ^^

Một câu hỏi ngố: Tại sao HTML5 không được liệt kê vào đây nhỉ? :-/

31 tháng 10, 2013

Google triển khai URL tuỳ biến cho các hồ sơ và trang Google Plus

Đến giờ có thể nhiều bạn không lạ gì với thông tin này. Tuy nhiên tôi biết tin khá muộn.

Ban đầu là thấy một anh trên Facebook khoe URL đẹp, tôi cũng tò mò lần vào Google+.
Vào Profile, thấy một dòng thế này nổi ở trên màn hình: Your profile is preapproved for the custom URL:
google.com/+....







Băn khoăn tự hỏi page - trang công ty - có đổi được URL không thì đêm về có câu trả lời:
Thế ra page cũng được chọn để cho customer URL, nhưng không phải page nào cũng được mà phải làm sao hợp lệ (eligible).

Sự thật đau khổ là tôi vào 2 Google+ profile khác của mình thì đều không được hưởng quyền lợi đó.
Câu hỏi rất to lúc này:

Làm sao để được sử dụng URL ngắn?

Câu trả lời có ở đây. https://support.google.com/plus/answer/2676340?hl=en&topic=2400106

Tại sao dùng URL tuỳ biến trên Google+?

Hiển nhiên ai chẳng thích dùng vì nó ngắn, dễ nhớ, chứa thương hiệu của cá nhân, tổ chức đó, dễ gõ thẳng vào thanh địa chỉ trình duyệt để truy cập thay vì một dãy số .... còn chưa đếm xem nó có bao nhiêu ký tự.

Hồ sơ cá nhân, hoặc trang công ty Google+ nếu đáp ứng tiêu chuẩn sẽ được lựa chọn một URL tuỳ biến. Trước hết, Google sẽ tự gán trước một URL tuỳ biến cho page/profile, ví dụ như cái link ở trong ảnh trên là Google tự gán cho VietInbound. Tuỳ thộc vào đường dẫn đã gán, bạn có thể cần phải thêm số hoặc chữ để có đường dẫn độc nhất.
Và cũng như username trên bất cứ trang web nào, nếu bạn chậm chân, bạn có thể mất đi URL mong muốn.
URL tuỳ biến phải tuân thủ các quy định và điều khoản sử dụng của Google (chắc là mấy điều khoản như  không dùng từ chung chung, không trái phép, không khiêu dâm, không trùng tên với các vị nguyên thủ, v.v.), thường thì không ai đọc, nhưng không đọc rồi bị Google hỏi thăm thì là do người bị hỏi.

Ờ đây,

Yêu cầu để có được URL tuỳ biến trên Google+?

Trước khi được cấp URL, hồ sơ tải khoản cá nhân/tổ chức phải trong trạng thái tốt (không có tiền án tiền sự) và đạt các yêu cầu sau:
Với hồ sơ cá nhân:
- Ít nhất 10 người theo dõi ( tức là 10 người đặt mình vào vòng)
- Ít nhất 30 ngày tuổi
- Có ảnh hồ sơ

Với hồ sơ doanh nghiệp địa phương: Phải có địa chỉ địa phương được xác thực.
Với hồ sơ không phải hồ sơ doanh nghiệp địa phương: Phải được liên kết tới một website. (Giống trường hợp của VietInbound)

Vậy là tôi biết vì sao tài khoản Google+ của tôi và của VietInbound được cho custom URL, thế còn 2 cái profile kia thì sao? @@
Thừa nhận là một cái bị thiếu người đặt vòng, nhưng một hồ sơ thừa các tiêu chí mà: số người theo dõi gấp nhiều lần tài khoản trên, tuổi thì cũng hơn tuổi tài khoản trên (hay là Google không chấp nhận ảnh hồ sơ nào quay lưng về khán giả nhỉ? :-ss)
Chờ thêm mai ngày kia xem, biết đâu đấy.

Coi như đủ chuẩn rồi, vậy giờ làm sao để có URL tuỳ biến trên Google+?

Nếu đạt chuẩn như trên, bạn sẽ nhận được thông báo ngay trên đầu màn hình khi bạn truy cập tài khoản Google plus của cá nhân hoặc trang Google plus mà bạn quản lý (như Your profile is preapproved for the custom URL: google.com/+... gì đó - không rõ giao diện tiếng Việt thì nội dung sẽ như thế nào nhỉ)


1. Bấm Get URL để bắt đầu, hoặc vào phần Links trong tab About. Ờ, đã xuất hiện thêm một mục mới là Google+ URL.
2. Bạn sẽ có thể thấy 1 hoặc một vài URL đã được Google tự động chấp thuận cho bạn. Nếu có nhiều lựa chọn, bạn có thể chọn cái bạn thích nhất.
Thường thì Google+ tự động tạo URL từ tên bạn cung cấp trong hồ sơ, mà tên đó thì người trùng nhau là khó tránh khỏi, vì thế trong nhiều trường hợp, nếu người trùng tên bạn đã xí trước cái tên đó, bạn sẽ có thể bị Google yêu cầu thêm số, chữ hoặc chọn một URL khác không trùng với các URL người khác đã chọn.
3. Chọn xong rồi, nhớ đồng ý với các Điều khoản Dịch vụ.
4. Click vào Change URL để xác nhận. Nếu bạn yêu cầu một URL khác với những cái Google gán cho bạn, bạn sẽ phải chờ Google review mới được. Tôi chưa rõ chờ trong bao lâu.
5. Có thể bạn sẽ phải xác thực tài khoản qua điện thoại. Tôi chưa vào hoàn cảnh đó, hi vọng bạn cũng được thuận buồm xuôi gió. Nếu không xuôi, có một cửa sổ bật ra yêu cầu bạn:
a. Nhập số điện thoại di động
b. Chọn để chấp nhận cho người khác có số điện thoại có thể tìm thấy bạn trên các dịch vụ của Google. (Chuột sa gà chết :v)
c. Kiểm tra điện thoại xem có mã gửi đến không.
d. Nhập mã vào hộp
e. Chọn Verify (Xác nhận)
Xong, nếu được chấp nhận, đó sẽ là URL liên kết vĩnh viễn tới trang cá nhân/doanh nghiệp của bạn. Hãy chắc chắn rằng không bị nhầm nhọt, vì nếu URL của bạn đã được chấp nhận thì bạn không được phép yêu cầu thay đổi nó lần nữa.
Chắc chưa đấy? Nếu đã chắc rồi thì bấm Confirm.

Nếu bạn biết URL tuỳ biến của người khác, bạn có thể truy cập nó dễ dàng vào các khu vực khác nhau trên trang hoặc hồ sơ Google+ của họ bằng việc thêm từ khoá cuối URL. Ví dụ:
  • google.com/+customURL/posts
  • google.com/+customURL/about
  • google.com/+customURL/photos
  • google.com/+customURL/videos
  • google.com/+customURL/plusones

Tôi vẫn muốn thay đổi URL thì sao nào?

Trả lời: Nếu muốn đổi  chữ hoa/chữ thường, hoặc thêm bớt dấu mũ cho URL tuỳ biến thì được. Theo các bước sau:
1. Vào mục Links trong hồ sơ Google+
2. Chọn sửa liên kết để thay đổi định dạng.

Google+ giữ nguyên dấu mũ trong tên tiếng Việt có dấu. Ví dụ tên Nguyễn Văn A , Google tự động gán tên là google.com/+NguyễnVănA
Không hiểu vậy là tốt hay không tốt nhỉ? Tôi thì vẫn có cảm giác an toàn hơn nếu mình chọn URL không dấu.
Nhớ nhé, chỉ đổi được chữ hoa/chữ thường và dấu mũ, chứ URL đã chốt rồi là không được đổi. (Vậy có khi có dấu và không dấu chẳng khác gì nhau.

Cuối cùng, nếu phát hiện ra URL tuỳ biến nào vi phạm chính sách của Google thì dân tình có thể tố cáo. 

Lời cuối:
Từ nay VietInbound đã có https://plus.google.com/+Vietinbound/posts nhé.

Ngay và luôn, giữ lấy URL đẹp cho thương hiệu của mình ngay lập tức!


25 tháng 10, 2013

Marketing trên LinkedIn: 3 bước khởi đầu trang công ty

Bài viết này đơn thuần là tổng hợp lại và Việt hóa từ website LinkedIn http://marketing.linkedin.com/company-pages/ với mục đích phụ đạo từ kiến thức căn bản. >"<

Về LinkedIn thì không cần phải giới thiệu nhé. Tiểu sử trích ngang trích dọc, ông nào là founder, ông nào là CEO: chưa quan tâm. Đối tượng sử dụng LinkedIn và tiềm năng tiếp thị trên LinkedIn cũng tạm thời chưa phân tích. (Tại thời gian gõ có hạn, ngại cái cảnh mò mầm đến 4 giờ sáng nuôi mụn lắm roài ^^)

Vào cái đường dẫn trên, xem Headline to tướng:
LinkedIn Company Pages - Open your business to the world's largest professional network.

Trang Công ty LinkedIn 

Mở cánh cửa kinh doanh ra mạng lưới chuyên gia lớn nhất thế giới.

Mặt tiền phần giới thiệu Trang Công ty của LinkedIn tại địa chỉ http://marketing.linkedin.com/company-pages/

Bước 1. Tạo trang cho công ty của bạn

 

 1. Tạo một hồ sơ cho công ty

Kể câu chuyện của công ty bạn và cho khách hàng, khách hàng tiềm năng và người tìm việc một nơi hiểu biết về lĩnh vực kinh doanh, nhân viên và thương hiệu của bạn.

2. Thêm vào thẻ Sản phẩm & Dịch vụ

Chộp mắt xanh của khách hàng tiềm năng bằng cách giới thiệu sản phẩm, dịch vụ hoặc bất cứ thứ gì có thể phù hợp với khán giả mục tiêu của bạn.

[Cập nhật ngày 24/3/2014:
Thông báo tin buồn: Kể từ ngày 14/4/2014, LinkedIn sẽ dừng hỗ trợ trang sản phẩm dịch vụ, nói cách khác thì trang này sẽ bị gỡ khỏi trang công ty trên LinkedIn. :(
Tuy nhiên có một tin vui gỡ lại là các quản trị có thể thay thế trang Sản phẩm&Dịch vụ bằng trang Trưng bày (Showcase Pages - hình như trang ngày được tung ra hồi tháng 11/2013 mà mình không biết @@). Để biết thêm về trang showcase này, bạn đọc có thể theo dõi trang FAQs về showcase pages tại đây https://help.linkedin.com/app/answers/detail/a_id/44865/ft/eng]

3. Hướng sự chú ý vào những lời Giới thiệu

Mời khách hàng giới thiệu về sản phẩm dịch vụ của bạn. Những lời giới thiệu đóng vai trò như một sự chứng thực, giúp các khách hàng tiềm năng dễ dàng cảm thấy tự tin về việc hợp tác với công ty bạn.

Đưa trang của công ty bạn lên một tầm cao mới:

Tạo một trang tuyển dụng

Xây một ngôi nhà trên LinkedIn để trưng bày thương hiệu nhà tuyển dụng cho những chuyên gia tài năng với một Trang Tuyển dụng LinkedIn.

Xem video hướng dẫn  (tiếng Anh) tại đây


"3 trong 4 thành viên sử dụng LinkedIn để theo dõi các tin tức kinh doanh và để nghiên cứu về các công ty."
Theo nghiên cứu  LinkedIn US Audience 360, dựa trên 3922 người dùng LinkedIn trên 18 tuổi tại Mỹ.

Phát triển cộng đồng người theo dõi 

----> Là việc tôi đang cảm thấy nhức nhối!!!! >"<
Người theo dõi là những người ủng hộ cho thương hiệu của bạn. Họ là những người nắm vai trò chủ chốt trong việc dẫn dắt truyền miệng, những lời giới thiệu và tham khảo.

1. Khai thác chính nhân viên trong công ty

Chính lực lượng lao động trong công ty bạn là nơi tốt nhất để bắt đầu tăng lượng người theo dõi - sau đó, họ là những người ủng hộ lớn nhất. Khuyên khích họ tạo và hoàn thiện hồ sơ LinkedIn - một khi họ đã đưa cả tên công ty bạn, họ sẽ tự động trở thành người theo dõi của Trang Công ty của bạn. Khuyến khích họ phát tán tiếng nói đến những mạng lưới của họ, khách hàng và các đối tác kinh doanh. (ca này hơi khó! :-s)

2. Đầu tư thời gian thu lượm những người theo dõi "chuẩn"

Sử dụng Quảng cáo Theo dõi (Follow Ads) nhắm đích để nhanh chóng thu hút đúng khán giả mà bạn đang cố gắng tiếp cận. Quảng cáo Theo dõi xuất hiện trên toàn hệ thống LinkedIn và có thể được nhắm tới thành viên trong lĩnh vực, ngành nghề, công ty, và vùng miền nhất định. Khi các thành viên theo dõi công ty bạn, hành động này sẽ xuất hiện như một cập nhật tới toàn mạng lưới của họ, điều này thúc đẩy người khác cũng bấm Theo dõi.

3. Thêm các liên kết và khiến việc đó trở nên dễ dàng.

Tạo một nút "Follow" trên website. Làm sao để khách truy cập chỉ cần bấm vào một nút là có thể theo dõi Trang Công ty của bạn.
Chèn nút Follow trên website dễ như ăn kẹo. Vào trang này https://developer.linkedin.com/plugins/follow-company, nhập tên/ID công ty trên LinkedIn, lựa ngôn ngữ, kiểu nút, bấm Get code để lấy mã chèn vào website.
Và luôn nhớ quảng bá cho trang này ra ngoài công ty. Liên kết tới trang công ty trên tất cả các kênh truyền thông tiếp thị như thư điện tử, bản tin và blog. (mình đã nghĩ đúng mà, thế sao chưa làm :()

"Người dùng LinkedIn có xu hướng viết giới thiệu cho công ty họ theo dõi hơn gấp 2 lần so với bình thường."

Xây dựng những mối quan hệ giá trị

1. Đăng cập nhật trạng thái

Chia sẻ tin tức của công ty, các bài viết về ngành, các nội dung lãnh đạo tư tưởng hoặc đề nghị người theo dõi thảo luận về các chủ đề nóng bỏng. Những bài viết sẽ xuất hiện trên Trang Công ty của bạn và trong bản tin trên trang chủ của mỗi người theo dõi của bạn. Khi người theo dõi thích, bình luận, chia sẻ, thông điệp của bạn sẽ lan rộng đến những mạng lưới của họ và tạo ra sự phát tán lan truyền.

2. Chia sẻ nội dung phong phú, phù hợp

Chia sẻ ảnh, hình thông tin, hoặc bất cứ nội dung hấp dẫn nào mà bạn vừa tạo ra để giúp xây dựng quan hệ với khán giả mục tiêu của bạn.
Muốn chia sẻ tin tức đến những thành viên cụ thể trên LinkedIn - như người từ các vùng, hoặc chức năng công việc nhất định? Hãy nhắm mục tiêu cho nội dung chia sẻ dựa trên các tiêu chí độc đáo của riêng LinkedIn. Đó là cách rất hiệu quả để mang lại nội dung phù hợp tới đúng khán giả mục tiêu.
Xem clip để tìm hiểu về mấy cái tiêu chí độc đáo

3. Khuyến khích sự lan truyền

Nhờ những người theo dõi thích, chia sẻ và bình luận trên các cập nhật mới của bạn. Điều này giúp thông điệp của bạn lan rộng tới toàn bộ mạng lưới của họ.

4. Kiểm soát thống kê về người theo dõi và trang

Chú ý đến các số liệu cập nhật của công ty để bạn có thể thanh lọc các thông điệp và tăng mức độ tương tác.
Sử dụng tính năng phân tích người theo dõi để tăng hiểu biết sâu rộng về cơ sở người theo dõi, sự phát triển cộng đồng, và các cấp độ tương tác.
Khai thác tính năng phân tích trang để nghiên cứu về lượt truy cập và các hoạt động của trang.

50% những người theo dõi trang công ty nói rằng họ có khả năng sẽ mua sản phẩm, dịch vụ từ những công ty họ đã theo dõi trên LinkedIn. 
Theo LinkedIn Follower Study 2012

Nâng cao

Để có thêm những ý tưởng, cách thức, thủ thuật để thúc đẩy hiệu quả trang Công ty LinkedIn, bạn có thể xem thêm ở trang này: http://marketing.linkedin.com/company-pages/more-resources/ gồm có các đoạn phim hướng dẫn, các câu truyện thành công, các hướng dẫn cách dùng khác.

Mới mới!! Cập nhật được tài trợ

(Định tắt trình duyệt đi ngủ, tự dưng thấy phần này chưa gõ.)
Chụp tạm cái ảnh minh họa. Không giải thích gì thêm (cái gì mất xiền thì không ưu tiên)
Dài thế này trông khác chi một cái infographic đâu @@


Danh sách thuật ngữ Anh - Việt ở trong bài này:

  • Company Pages - Trang Công ty
  • company profile - hồ sơ công ty
  • Products & Services tab - thẻ Sản phẩm&Dịch vụ 
  • customer recommendations - những lời giới thiệu từ khách hàng (đã dùng sản phẩm/dịch vụ)
  • Career Page - Trang Tuyển dụng
  • Follower - người theo dõi (bấm vào cái nút Follow ở gần góc trên bên phải trên trang công ty/hoặc nhận làm employee của công ty đó là tự khắc được thành Follower)
  • brand advocates - người ủng hộ cho thương hiệu
  • targeted Follow Ads - Quảng cáo Theo dõi nhắm đích
  • “Follow” button - nút theo dõi
  • status updates - cập nhật trạng thái
  • rich, relevant content - nội dung phong phú, phù hợp
  • virality - sự lan truyền
  • follower & page stats - thống kê người theo dõi và trang
  • LinkedIn members - thành viên LinkedIn/người dùng LinkedIn
  • Sponsored Updates - các cập nhật được tài trợ


Nguồn: "linked" chi chít "in" kia rồi
 _____________________

Tại sao tôi ngồi việt hóa lại trang này.
À thì tính chất công việc đang yêu cầu phải lên đó nhiều hơn.
Không phải như mọi khi lấy ý tưởng từ articles/blog posts/infographic, hôm nay vào thẳng trang sản phẩm chính thức của hắn để viết về nó.
Vì đó là các bước rất căn bản để bắt đầu, được chính người làm ra cái sản phẩm này khuyên dùng. Vậy tại sao không dùng luôn mà phải tìm ở nơi nào xa xôi.
Vì LinkedIn đã khuyên, tôi không ngại ngùng khi rủ rê anh chị em trong công ty: anh ơi đặt cái ava tử tế đê, em ơi, viết giới thiệu tỉ mỉ vào, nhớ đưa đúng trang công ty của mình vào lý lịch đấy nhé.
Vì LinkedIn đã khuyên, tôi chả ngại quảng bá chéo kênh LinkedIn vào các công cụ marketing khác như thư từ, blog.
Và tôi cũng chả ngại khi thẳng thắn nhờ vả xin xỏ khách hàng của tôi để lại mấy "nhời có cánh" cho công ty tôi và sản phẩm của tôi.

Và ... học được cái cách mà LinkedIn củng cố thêm sự gắn kết giữa người dùng với LinkedIn, đưa ra rất nhiều thông tin chia sẻ, giáo dục, bằng nhiều hình thức, nội dung khác nhau nhưng mạch lạc và gắn kết. Kể chuyện là đó, nghệ thuật là đó.

Còn rất nhiều điều chưa nhắc đến.  Thôi thì để dịp sau có hứng.
Thực tế thì ai cũng vậy, thường có hứng nhất với một chủ đề nếu nó động chạm đến nghĩa vụ hay quyền lợi sát sườn, giống tôi và LinkedIn bây giờ và sắp tới, nên sắp tới sẽ sớm có hứng trở lại thôi. ;=

Tự tin hành động nhé! Chúc tôi, chúc bạn sẽ có một trang công ty trên LinkedIn thật sự thành công và hiệu quả. ;)

13 tháng 10, 2013

Blog không chỉ để blogging


Đây là bản dịch lại một bài viết cũ Hubspot mới share trên Twitter, cứ tưởng là bài mới ai dè bài từ hơn 1 năm trước rồi. Thế mới thấy thêm 1 thủ thuật của họ: tuyển chọn và tái chế nội dung mọi nơi mọi lúc.

Câu hỏi: Làm thế nào để blog doanh nghiệp mình hiệu quả hơn? Viết miệt mài hơn chăng?

blog không chỉ để viết bài - blog not just blogging

Chúng ta có thể đặt bàn phím và gõ đến khi ngón tay rớm máu hoặc chúng ta có thể nghĩ đến những cách có thể tận dụng blog tốt hơn mà không phải tăng khối lượng nội dung. Chúng ta chỉ có vài giờ làm việc trong ngày, mà viết thì quá mất thời gian mà chưa biết có thể hút được nhiều lượt xem đến đâu, vòng đời kéo dài đến bao giờ. Thế nên chúng ta buộc phải nghĩ cách đưa blogging lên một tầm cao mới và biến nó thành một tài sản thật sự giá trị của doanh nghiệp.

Dưới đây là 12 cách có thể nâng cao hiệu quả blog mà không phải blogging.

12 cách blog không phải là blogging

Trước khi bắt đầu, hãy nhớ rằng những mẹo dưới này không có ý trở thành hoạt động thay thế sự cần thiết phải có một khối lượng nội dung chất lượng cao đăng đều đặn.

Những mẹo này là những việc bạn có thể làm để cải thiện hiệu quả blog bổ sung cho những việc bạn đã và đang làm là tạo và xuất bản nội dung. Hết sức xin lỗi, đời không có phép màu.

1) Thu thập Nội dung từ các trang Nổi tiếng 

Nếu quá lười biếng mà vẫn có thể viết bài, mẹo này sẽ giúp bạn. Thay vì tự mình viết nội dung, hãy tập hợp bài viết từ những tên tuổi lớn và những site có hồ sơ cao (high profile). Việc này giúp bạn không chỉ giúp bạn nuôi blog với nội dung mà không phải viết, nó còn giúp đưa uy tín của những  guest blogger lớn về site của bạn -- bạn có họ viết bài cho bạn. Và không chỉ nâng cao sức mạnh của trang blog, có khả năng những guest blogger sẽ quảng bá bài viết lên mạng lưới của họ, độc giả của họ. Việc này sẽ mở ra cho blog của bạn một lượng độc giả lớn chưa từng có có thể tăng vọt phạm vi tiếp cận.

2) Nỗ lực tăng lượng Người theo dõi

Nói về phạm vi tiếp cận, có thể đáng cho bạn đầu tư thời gian để tăng cơ sở người theo dõi. Hãy xem xét phân tichs web, xem nguồn lưu lượng truy cập đến từ đâu. Có thể từ truyền thông xã hội, từ tìm kiếm tự nhiên, hoặc từ nguồn trực tiếp ... và có thể có từ email nữa?

Nếu bạn có một số lượng người đã đăng ký nhận bài qua thư điện tử thì vô cùng ý nghĩa. Mỗi lần bạn đăng bài mới, họ sẽ được thông báo email. Đây sẽ là sự nhắc nhở có giá trị đến không thể tin được giúp đưa độc giả tới blog của bạn đều đặn. Bạn nên dành thời gian vạch ra những cách tăng số lượng người theo dõi blog. Ví như:
  • Đặt những CTA thứ 2 vào blog - cả trong bài viết, và trên cùng của thanh bên blog. Bạn cũng có thể tạo và thêm các CTA đăng ký blog vào các trang khác của website ở những nơi hợp lý.
  • Thiết kế một trang đích dành riêng cho việc đăng ký blog và thỉnh thoảng chia sẻ với các mạng xã hội của bạn. Đây cũng có chức năng như một trang đích cho các CTAs theo dõi blog của bạn.
  • Thêm các kêu gọi theo dõi blog vào một vài email gửi đi. Việc này không cần thiết phải là CTA chính, nhưng có thể đặt vào phần PS ở cuối email.
3) Tối ưu hóa Tiêu đề các bài cũ

Khi đăng một bài mới, bạn muốn có một tiêu đề thu hút, một tiêu đề có thể thu hút nhiều lượt click. Nhưng những bài viết nhanh chóng bị chìm xuống khi bạn viết nội dung mới, và cuối cùng bạn có hàng trăm ngàn bài viết hầu như không nhìn thấy mặt trời ... và vô dụng?

Thật ra những bài viết đã bị chôn sâu vẫn có thể mang lại hàng tấn giá trị tự nhiên cho site của bạn -- nhớ rằng mỗi bài viết đều được lập chỉ mục trên SERPs -- và chúng có thể sẽ thu hút nhiều giá trị tự nhiên hơn nữa nếu bạn tối ưu tiêu đề cho SEO, không phải cho click. Vì thế nếu bạn cố gắng xếp hạng, hãy quay lại và thay đổi thứ tiêu đề thu hút kiểu như "Tôi đã kiếm 1 triệu từ bán hàng rong như thế nào" (hút click) thành "Kinh nghiệm kiếm tiền: Cách kiếm 1 triệu từ bán hàng rong" (giúp index cho SEO)

4) Tối ưu hóa Kêu gọi hành động

Bạn không chỉ blog cho vui, bạn đang cố gắng thu hút lượt truy cập, chuyển đổi họ thành nhân mối, rồi thành khách hàng. Một thứ đầy quyền lực.

Đó là lý do vì sao bạn phải thêm những kêu gọi hành động vào mỗi bài blog - dẫn tới các trang đích và những đề nghị mà có thể từ đó chuyển đổi khách ghé thăm. Bất cứ khi nào bạn có thể dành thời gian tối ưu lại CTA, vì bạn muốn sử dụng CTA có thể chuyển đổi ngày càng nhiều hơn các khách truy cập thành leads. Hãy thử nghiệm phân chia cho các CTA blog để xem biến bố cục, màu sắc hay nội dung nào sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ chuyển đổi. Không chỉ làm thế đối với CTA trong bài viết mà bất cứ kêu gọi hành động nào bạn có trên blog.

CTA AB TEST

5) Cập nhật lại Kêu gọi hành động ở các bài đăng cũ

Ý tưởng này kết hợp một cách hợp lý từ các mẹo 3 và 4: khi bài viết cũ vẫn có thể hút traffic từ SERPs và chúng ta có thể thử nghiệm phân chia đối với các kêu gọi hành động để xem thứ nào tạo ra nhiều nhân mối nhất. Kết hợp cả 2, và thay vào các bài blog cũ các kêu gọi hành động mới hiệu quả hơn. Nếu chỉ có ít thời gian, hãy bắt đầu từ những bài viết có nhiều traffic, sau đó sẽ đi dần xuống cuối danh sách.

6) Cập nhật nội dung vào các Bài viết phổ biến đã cũ

Hãy xem lại những bài blog cũ hiệu quả - vào ngay chương trình phân tích blog để kiểm tra số view và liên kết trỏ vào mỗi bài. Liệu có bài nào có thể cập nhật mới? Có thể đây là lúc cần nhất bạn dọn dẹp cho những bài "30 năm vẫn chạy tốt", trang điểm lại cho chúng và lại ra mắt chúng lần nữa. Việc này rất nhanh, và chủ đề thì đã được chứng minh là có tiếng vang với độc giả.

Có vài cách làm việc này. Đầu tiên, bạn có thể đăng bài mới hoàn toàn, và trỏ link cũ tới blog mới sao cho bạn không bị mất SEO juice. Hoặc bạn có thể cập nhật bài đã có với nội dung mới. Phụ thuộc vào hệ thống quản trị nội dung và hệ thống bạn đang dùng, cả 2 cách đều có mặt lợi hại khác nhau. Với cách 1, bạn phải đảm bảo việc chuyển tiếp thuận lợi. Ở cách 2, bạn không phải gặp sự phức tạp rắc rối của SEO, nhưng bạn phải chắc chắn rằng độc giả được thông báo về bài viết mới này. Chọn cách nào dễ cho bạn hơn. Nếu bạn cảm thấy tội lỗi, đừng lo, có 3 lý do để bạn yên tâm:
  • Nếu thông tin lỗi thời, việc cập nhật lại hoàn toàn hữu ích và có ý nghĩa.
  • Nếu bạn đã có những độc giả mới kể từ khi bài viết đăng lần đầu, có thể họ chưa được đọc bài này.
  • Những người đọc bài lần đầu có thể không nhớ về nó. Đã quá lâu và họ đã đọc quá nhiều nội dung. Hãy nghĩ về điều này như một sự xoay chuyển lớn.
7) Thực hiện Phân tích Chủ đề

Vì bạn đã dành thời gian nghiên cứu về sự phổ biến bài đăng một cách sâu sắc, bạn có thể thực hiện nghiên cứu sâu rộng hơn để xác định chủ đề nào gây tiếng vang hơn cả với độc giả. Một bản phân tích chủ đề sẽ cho bạn biết bạn nên viết gì để đạt được mục tiêu khác nhau. Chỉ cần xuất kết quả phân tích blog ra bản tính và bắt đầu sắp xếp các thể loại chủ đề. 
Khi đã sắp xếp xong bài viết theo từng thể loại, bạn có thể sắp xếp dữ liệu theo liên kết trỏ vào và số lượt xem bài để xem chủ đề nào phổ biến nhất, và chủ đề nào có xu hướng đi xuống. Nếu như chủ đề nhất định không được phổ biến như chủ đề khác không có nghĩa là bạn phải xóa sổ khỏi blog của bạn hoàn toàn - bạn không muốn hi sinh một blog tròn đầy chỉ vì lượt xem bài. Nhưng hãy biết chủ đề nào phổ biến nhất với độc giả có thể giúp bạn khi bạn cần tăng lượt truy cập hay nhân mối. 

8) Đưa nó lên mạng xã hội

Nếu bạn chưa từng, hãy dành thời gian tối ưu hóa blog cho truyền thông xã hội, thành công của blog phụ thuộc vào việc này. Blog của bạn nên có nút chia sẻ xã hội, cũng như nút theo dõi để bạn có thể đồng thời tăng phạm vi xã hội và tầm với của nội dung trên blog. Bạn có thể bước một bước xa hơn nữa, và thêm những thứ như tiện ích gợi ý mạng xã hội để độc giả biết nội dung nào phổ biến trong số các kết nối của họ, giúp bạn thúc đẩy nhờ những tín hiệu xã hội.
social recommendation widget

9) Tối ưu những trang mà khách ghé thăm nhấp chuột nhiều nhất

Khi blog lớn dần, nó sẽ trở không chỉ còn là trang nội dung đơn thuần. Bạn có thể phát triển những thứ như một thanh điều hướng, thanh bên, hoặc một bảng hiệu, một chân trang?

Trong những nơi "khác" này trên blog, bạn nên nghĩ đến nơi người ta sẽ đặt chân để bạn có thể tối ưu những địa điểm này khi họ nhấp chuột blog. Nếu mọi người đang click vào liên kết trong thanh điều hướng trên cùng, bạn hãy dành thời gian tối ưu những tran mà khách ghé thăm đặt chân lên khi họ click. Bạn có thể nghĩ đến việc biến các liên kết đó thành các trang đích! Nơi mà mọi người đến sau khi họ rời blog là một nguồn chuyển đổi cực kỳ tiềm năng mà nhiều blog đã để lọt khỏi tầm tay của họ.

10) Sử dụng blog để thử nghiệm những lời mời mới

Nghĩ về danh sách thư điện tử của bạn như bông hoa mỏng manh. Bạn nên tưới tắm nó thường xuyên, đừng có xả vào nó với vòi cứu hỏa.

Nếu bạn gửi email quá thường xuyên, bạn có thể bắt gặp tỉ lệ đọc giảm mạnh và tỉ lệ thoát tăng. Vì thế hãy sử dụng blog như vùng đất thử với những lời mời mới - trước khi bạn gửi chúng tới danh sách quý giá của mình. Hãy quảng bá những lời mời sản sinh lead trên blog của bạn, và gửi những lời mời hiệu quả tới danh sách email. Đừng cố công nhồi những đề nghị mà khán giả của bạn không hứng thú.

11) Sử dụng blog như một nguồn nội dung

Đừng cố phát minh bánh xe mới. Hãy tận dụng nhiều hơn những nội dung bạn đã tạo - những bài blog - bằng việc tái sử dụng chúng trong hoạt động tiếp thị. Bạn có thể hỏi: nơi nào có thể tái sử dụng nội dung blog?

  • Nội dung để nuôi các mạng lưới truyền thông xã hội: Liên kết tới các bài đăng blog trong truyền thông xã hội để đưa người từ mạng lưới của bạn quay lại blog.
  • Nội dung để nuôi email: Đừng có luôn luôn gửi những nội dung tạo nhân mối hay các chiến dịch nuôi dưỡng nhân mối, nội dung blog là một hình thức giải lao, hoặc là một sự bổ sung hoàn hảo cho các bản tin
  • Nội dung để nuôi các đề nghị tạo nhân mối: Thay vì tạo ra lời mời từ đầu, hãy tổng hợp lại những bài bạn đã viết về một chủ đề đặc biệt và gói lại thành một lời mời mới.
  • Nội dung để nuôi bộ phận kinh doanh: Khi bạn tạo nội dung blog về các vấn đề khách hàng tiềm năng gặp, hãy gửi chúng cho đội bán hàng để đánh dấu để chúng có thể tăng sự tin cậy với các nhân mối.
  • Nội dung để nuôi website: Nếu bạn cần tìm từ chính xác để giải thích một thuật ngữ, một sản phẩm hoặc dịch vụ trên website, bạn có thể tìm thấy những từ đó ... trong một bài đăng blog cũ!
12) Tận dụng blog như một công cụ bán hàng

Blog doanh nghiệp là một trong những sản phẩm để bán giá trị nhất, đặc biệt nếu bạn đang viết bài kết hợp một cách tự nhiên các sản phẩm hoặc dịch vụ trong nội dung. Nghĩ về điều này --- bạn đang viết các bài viết dạy nhân mối cách để giải quyết các vấn đề của họ, và cách mà sản phẩm/dịch vụ của bạn phù hợp trong giải pháp. Có cách nào tốt hơn để giúp độ kinh doanh của bạn giải thích cách mà giải pháp của bạn là giải pháp cho vấn đề của nhân mối?


Blog không chỉ là blogging, blog còn là 12 thứ kể trên, ngoài ra còn là gì nữa?

Đọc thêm các bài viết hữu ích về chủ đề Content Marketing:

_________________

Nguồn bài&ảnh: Hubspot

Tôi muốn thuyết phục team của tôi về cách thực hiện blog và kết hợp với các công cụ khác có sẵn, và rõ ràng cách làm của tôi sẽ hiệu quả hơn cách team đang thực hiện, nhưng xem chừng vẫn chưa đủ lý lẽ để thành công. Làm sao đây? :(


Vừa gõ vừa ngồi xem an táng Cụ :( Ngày Chủ Nhật buồn!


6 tháng 10, 2013

Báo cáo Search Metrics, Hummingbird và SEO 2014 [nguệch ngoạc vài dòng]

Một ngày quá đẹp giời và nhiều đám cưới & đám hỏi!

Nhưng đẹp hơn vẫn là không gian trong phòng hội thảo ở tầng 5 số 1 Hoàng Đạo Thúy tại Hội thảo "Báo cáo Search Metrics  và những bí mật SEO 2014" do Vinalink&VietSEO tổ chức.

Một hội thảo với các nhà tài trợ rất hào phóng voucher. Gần như 1 chọi 5, vậy mà mã điệp viên VSHV-007 của mình lại ko xí vào được cái voucher nào. :((

Củ chuối, máy ảnh ko cắm thẻ nhớ, cũng giơ máy lên bấm như ai nhưng về đến nhà ko có ảnh quan trọng >"<


Thật sự một buổi rất đáng nhớ.

Lại lòng vòng! Cái tiêu đề này nói về Báo cáo của Search Metrics 2013 và Hummingbird cơ mà.

Chú ý trước khi đọc: Bài này chỉ tóm lại những thứ nguệch ngoạc trong sổ tay, ghi lại những phần được coi là tiêu biểu với cá nhân tác giả dưới góc độ là người làm nội dung (không phải dân SEO!), chưa tìm kiếm gì mới để bổ sung vào những phần còn nghe thiếu - nên không bảo đảm tính chính xác thông tin với tất cả mọi người đọc.

Phần đầu mà cũng là phần quan trọng nhất hội thảo do thầy Tuấn Hà giới thiệu:

Kết quả báo cáo của SEARCH METRICS

Ngày đó đi dự ĐH SEO 2011, Content is King, Link is Queen, người người nhà nhà làm link, spam link.
Ngày nay, sau những đợt tấn công không khoan nhượng của chú gấu trúc và cánh cụt, dường như nhiều người vẫn chưa chừa.
Ngày nay, content vẫn là King, nhưng ...
SEO 2011 vs SEO 2013

Các yếu tố đánh giá SEO mới: Không chỉ có onpage và offpage kiểu như xưa mà Social Signals - các dấu hiệu xã hội chiếm một tỉ trọng không nhỏ (ko kịp ghi chi tiết tỉ lệ phần trăm, nhớ máng máng như thế nài
Social Signals 45% (Facebook likes, Twitter, Google +1, Pinterest) ; Link tốt 29%; Code 10%, Content 16%
 

Thế là thêm yêu Marketing trên Pinterest hơn một chút ^^

Các yếu tố xuống giá: EMD, Exact Anchor text, Unnatural link, Content duplicate/copy
Yếu tố không công bố: SSL, CTR on SERP, Bounce Rate, Time on Site (đang rất nhức nhối với 2 tên cuối :|)

SEO 2014 có gì

Các nội dung quan trọng:
  • - Author rank cấp cho ảnh - từ rày liệu chừng khi đi nhặt ảnh lung tung mang về nhà mình để chế :(
  • - Local queries
  • - Responsive/Mobile/Smart TV
  • - UI, UX design -> quan tâm hơn
  • - Conversion tracking --> cái này mình cũng đang rất cồn cào muốn hiểu
  • - Kiến thức đồ (knowledge graph)/ Tín hiệu brand
  • - Chất lượng cộng đồng kết nối - tương tác/visit/media đa dạng
  • - Rich media/Visual
  • - Thị giác/Voice
>> Đọc bài này để có thêm: những cách viết SEO Copywriting hiệu quả <<

Hummingbird - Chim ruồi đáng yêu

Được cấp bằng sáng chế từ 17/09/2013, nhưng đã được triển khai từ tháng 4/2012
Gấu trúc và Chim cánh cụt rất đáng yêu, nhưng Chim ruồi hiền lành hơn. Nó không gây hủy diệt như 2 loài to xác kia mà có lợi ích xây dựng giúp việc tìm kiếm trở nên tốt hơn
  • - Giúp tìm kiếm đối với từ khóa dài
  • - Làm tốt hơn kiến thức đồ
  • - Search voice

Có 2 cái hình về cách hoạt động của Hummingbird -> không vẽ kịp
Nhờ hummingbird mà kiến thức đồ trước và sau Hummingbird có sự thay đổi. - thầy Tuấn Hà đưa ra 2 ảnh màn hình kết quả tìm kiếm về Bác Hồ và 1 ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm Võ Nguyên Giáp (đậm tính thời sự ^^)
Có mấy slide về Google Zeitgeist (kiểu như Google Trends) và Google Venice (xử lý SEO local) - viết được đúng cái tiêu đề. Nhìn chung thì ko đáng chú ý bằng chú chim ở trên.


SEARCH vs SOCIAL

Cộng đồng chặt chẽ, đạt được sự đoàn kết sẽ giúp thúc đẩy tương tác, chia sẻ -> tăng social signals -> SEO
Google tạo ra Google+ cũng là để tìm hiểu insights khách hàng tốt hơn mà khỏi phải nhờ đến Facebook. Do khi ra đời G+ bị dân SEO phá hỏng khủng khiếp quá -> lao đầu vào xây dựng cộng đồng thật sự (author rank, đo traffic, visit, CTR) - ý này không đưa lên slide, chả hiểu viết có đúng không

Tóm lại thì: Cần có cộng đồng bên vững -- cụ thể thế nào thì tải slide từ sukienseo.com
Toàn bộ hội thảo sẽ được lên 123TV. Ai không được tham dự thì vào đây trả tiền để xem lại cũng được. 
Tiện thể lăng xê nhiệt tình: Từ chương trình này trở đi, VietSEO sẽ cập nhật thuật toán tìm kiếm và tổ chức hội thảo (dự kiến 2 tháng 1 lần) để công bố cho toàn bộ những người làm SEO, quan tâm đến SEO ở VN.
(Yêu nghiêm túc! :x )

_______
Phần sau có 2 case study và phần hỏi đáp về "SEO an toàn hiệu quả" thì không ghi chép nhiều.

Tóm lại mấy ý này:
- các hoạt động loại bỏ link xấu nếu bị dính Penguin:
  • + DA backlink >20 (dùng Ahrefs&Majestic SEO)
  • + DA cho nofollow - ? không nhớ rõ lắm
  • + Link out
  • + Link forum post không tương tác
  • + Link G+ spam
  • + Content copy
  • + Link bắn bằng phần mềm link
- quan trọng nhất vẫn phải phân tích người dùng - tìm nhu cầu cao nhất của họ, viết nội dung hỏi đáp (với tiêu đề là những long tail key)
- làm content, khó quá thì tổng hợp, viết 30% cho lên đầu còn copy 70% của họ nhét xuống cuối là được (ý này là do chính chuyên gia xui nhé (quên mất là anh nào nói))


_________________
Ý cực kỳ quan trọng - phần này là rất đặc biệt, ngoài lề hội thảo

Hummingbird, SEO, Social 2014 và Inbound Marketing

Điểm chung rút ra là cần nắm bắt được insights người dùng, trả lời được các câu hỏi của khán giả mục tiêu và tạo một cộng đồng tích cực.


>> Đọc thêm: Inbound Marketing là gì? để nắm rõ tư tưởng cốt lõi<<
_______________
Tóm lại buổi sáng nay rất hả dạ, mặc dù phải lỡ 2 đám cưới, một đám hỏi quan trọng để ngồi leo cây hơn 1 tiếng (8h kém đến 9 giờ hơn) xem Larva và đua xe nghệ thuật, nghe nhạc Eng mà tay chân không muốn yên một chỗ.

Một vài chi tiết cho thêm phần bi đát: Đêm hôm trước nhờ tác dụng của cà phê tươi và sự thôi thúc của bản thân miệt mài làm việc nên đã chia tay hoàng hôn lúc 4 giờ rưỡi sáng và 7 giờ đã phải tự lôi xác ngồi dậy để được đi hội.

Qúa hào hứng với những kiến thức mới mẻ. Tuy nhiên, sau một ngày CN sôi động, 38km lượn lờ, hẹn hò, tư tưởng ăn chơi nên trong đầu không phát triển được gì thêm từ thu hoạch của buổi hội thảo này. :(

Củng cố được niềm tin. Sắp tới có rất nhiều ý tưởng mới để làm. :x
Vui! :x

Thông báo 1:
Ai còn chưa đọc về Inbound Marketing phương pháp mới 2013 thì cần đọc lại ngay và luôn để xác định SEO nằm trong phần nào của Inbound Marketing và cần làm gì để cải thiện hoạt động marketing trong công ty mình.

Thông báo 2:
Bản tin hàng tuần của VietInbound Blog có sự thay đổi nhỏ về hình thức. Không biết 8 giờ tối thứ 6 có phải là giờ hoàng đạo cho các email này không. Nhưng tạm thời thì cứ thế đã. Xin nhắc lại: 8 giờ tối thứ 6 hàng tuần! Vào đây để đăng ký nhận bài mới - nhận xong là hứa phải vào mail để đọc thư và click vào link để đọc bài đấy!




3 tháng 10, 2013

10 lý do khiến bạn lẻ loi trên Twitter


Người dùng Twitter thường quyết định có nên theo dõi một ai đó hay không trong khoảng thời gian tính bằng giây, nghĩa là bạn có rất ít thời gian để gây ấn tượng.

Có rất nhiều lý do người dùng không bấm nút "Follow", nhưng trước tiên hãy tìm hiểu cách mà người khác sẽ tìm thấy hồ sơ Twitter của bạn. Nếu ai đó tìm thấy bạn trong dòng thời gian trên trang chủ của họ, hoặc bấm vào gợi ý "Who to follow", một cửa sổ pop-up Profile Summary bật ra chỉ cách mà khán giả tiềm năng của bạn sẽ thấy bạn trên Twitter.

Amy-Mae Twitter Summary
Phần tóm tắt có một tổng quan ngắn gọn - nửa trên cửa sổ hiển thị ảnh đại diện, ảnh bìa, tiểu sử và số tweets, người đang theo dõi bạn và người bạn đang theo dõi. Dưới đó, là hộp thông tin "followed by" xuất hiện nếu có người khác đang theo dõi cả bạn và người đang xem hồ sơ của bạn. Cuối cùng, phần tóm tắt hiển thị 2 tweets gần nhất của bạn.
Dù người đó có tiếp tục "Go to full profile" để tìm hiểu thêm về bạn hay không, có thể cho rằng hầu hết mọi người sẽ ra quyết định ngay từ màn hình Profile Summary của bạn.
Điều này có nghĩa là bạn cần phải tận dụng hết khoảng không gian trên màn hình này để tối đa hóa tiềm năng hình ảnh của bạn, đảm bảo rằng tiểu sử của bạn đủ hay và tweet của bạn hấp dẫn cho những người theo dõi tiềm năng.
Đây là 10 điều bạn cần thay đổi ngay để tăng số người theo dõi  và bớt lẻ loi trên Twitter.

1. Bạn là 'social media guru'

Người tự nhận mình là "bậc thầy truyền thông xã hội" hầu như chắc chắn không đúng, vì thế đừng dùng cách thể hiện đáng sợ này.  Mấy từ  "maven" "expert" or "ninja" cũng thế.
Bạn có thể làm việc trong  lĩnh vực social media, nhưng đó là thị trường truyền thông luôn thay đổi và luôn có những điều phải học hỏi.
Có rất nhiều trường hợp những cụm từ như vậy đã khiến người khác xa lánh, vì thế hãy tìm cách sáng tạo hơn để mô tả bản thân bạn và để thu hút nhiều người theo dõi.

2. Bạn trông như quả trứng


Qủa trứng  không phải là một thứ thời thượng. Bạn có rất ít cơ hội tương tác với mọi người với hình ảnh trên Twitter, vì thế không nên lãng phí.
Người dùng rất gay gắt từ chối theo dõi một hồ sơ nếu họ không thể thấy người ở đằng sau nó. Đừng để nguyên ảnh đại diện với quả trứng mặc định, ảnh người nổi tiếng hay ai đó không phải là bạn, hoặc thứ gì đó mạo hiểm. Nếu bạn dùng ảnh GIF làm ảnh hồ sơ, hãy kiểm soát chặt chẽ, vì ảnh này không phải lúc nào cũng hiển thị tốt trên các nền tảng khác nhau.
Ảnh đại diện Twitter tốt nhất là ảnh chân thực của bạn, và vì ảnh thường hiển thị quá bé, những kiểu chụp từ vai lên đầu sẽ được ưa chuộng hơn. Hãy nhớ, bạn có thể sáng tạo hơn với ảnh header và phông nền trên Twitter.

3. Bạn ở trong #TeamFollowBack

Nhờ vả người khác theo dõi bạn, và hứa bạn sẽ follow lại không phải là sự mở đầu hấp dẫn.
Twitter không phải là nơi để theo dõi mù quảng mà không có lý do chính đáng - đây là nơi tuyển chọn dòng nội dung của chính bạn và được dành riêng cho bạn. Hoàn toàn chấp nhận được nếu không theo dõi người đã theo dõi bạn.
Nếu bạn bắt đầu bằng việc theo dõi ai đó chỉ vì họ đã theo dõi bạn, bạn đã làm ô nhiễm dòng Twitter của mình với nội dung bạn có thể không quan tâm, và cuối cùng là hạ giá trị phạm vi chú ý của mình.

4. Tỉ lệ theo dõi mất cân đối



t5
Tỉ lệ mất cân đối giữa người bạn theo dõi đối với người theo dõi bạn thường là bằng chứng đánh dấu một tài khoản là tài khoản rác.
Rất dễ hiểu - và đáng trông đợi - rằng bạn theo dõi nhiều tài khoản hơn số theo dõi bạn, nhưng sự lệch lạc quá lớn về số lượng sẽ khiến hồ sơ của bạn khả nghi.
Hãy có một vài người theo dõi trước khi trở nên phát cuồng với nút "Follow", nếu không thì người ta cũng sẽ không muốn gia nhập vào danh sách followers lạ hoắc của bạn.

5. Bạn viết tiểu sử theo ngôi thứ ba

Đã có lời khuyên mập mờ đâu đó rằng viết tiểu sử bằng ngôi thứ ba giống như nó được viết bởi người nào khác, sẽ khiến tiểu sử trở nên chuyên nghiệp và khách quan.
Đó là một lời khuyên tồi. Hồ sơ ngôi thứ 3 khiến bạn có vẻ ngạo mạn. Hiển nhiên là bạn không nhờ ai khác viết nó phải không? 
Ngay cả khi bạn sử dụng với lý do công việc, Twitter vẫn là một kênh MXH cá nhân, và tiểu sử của bạn phải thể hiện điều này. Một tiểu sử đơn giản, khiêm tốn - và thậm chí có thể cởi mở, vui vẻ - sẽ thu hút nhiều người theo dõi hơn một cái tiểu sử hoành tráng.

6. Bạn tweet quá nhiều

t4
Giả  sử nếu bạn tham gia Twitter từ ngày đầu và tweet đều đặn 3 lần mỗi ngày, tính đến nay bạn đã có 8000 tweets.
Điều này giúp bạn có một cái nhìn khác về số tweet hiện trên tài khoản của bạn. Nếu bạn tweet quá nhều so với mức chuẩn 8000 đó, bạn hiển nhiên là một tweeter trên mức trung bình. Nếu bạn đã tweet hơn con số đó quá nhiều, điều này có thể khiến người ta chùn bước trước khi bấm follow bạn.

7. Bạn khoe khoang

Ngoài những điều cơ bản về tiểu sử và thống kê tài khoản, nhiều người sẽ đọc 2 tweets cuối cùng của bạn khi họ xem hồ sơ Twitter của bạn.
Nói chung, một trong những thứ người dùng rất ghét là sự thổi phồng, phóng đại.
Nếu một trong hai tweets gần đây nhất của bạn chứa dấu hiệu của sự phóng đại, người follower tiềm năng sẽ phải nghĩ lại. Nếu bạn retweet một lời khen, hoặc một @ mention tâng bốc, sự việc sẽ càng trở nên tồi tệ.

8. Nhờ máy soạn tweets cho bạn

t1
Bạn có lập lịch cho tweet? Hoặc bạn có đăng ký các dịch vụ tự động tweet trên danh nghĩa của bạn? Nếu tweet trông giống như được tạo ra tự động, người ta sẽ không thích theo dõi bạn nữa.
Điều người ta muốn thấy trên Twitter là nghe giọng nói chân thực của bạn, trong thời gian thực. Họ không muốn những câu danh ngôn mượt mà được bạn đặt lịch và xuất hiện vào những thời điểm chiến lược hay những câu chuyện hàng đầu được tuyển chọn từ dịch vụ của bên thứ ba.
Twitter là để tương tác, chứ không phải chỉ tung ra những lời lẽ vô nghĩa. Nếu bạn không trả lời người dùng Twitter khác, hoặc phản hồi lại các tweet và các chủ đề, xu hướng bạn thấy trên stream, bạn đang chắc chắn làm sai.

9. Bạn bán thứ gì đó

Nếu bạn làm việc với vai trò kinh doanh/tiếp thị, hãy bằng mọi giá nhắc đến điều này trong hồ sơ. Tuy nhiên, không biến tiểu sử của bạn thành một cái lưới bán hàng.
Bạn đẩy một sản phẩm/dịch vụ ra trên tiểu sử đã đủ tồi tệ, nếu những tweet gần nhất của bạn cũng là để bán hàng khô khốc thì không ai còn muốn ngó ngàng đến hồ sơ của bạn nữa.
Đơn giản là, nếu bạn sử dụng Twitter để bán thứ gì đó một cách thô lỗ, người ta sẽ không theo bạn. Bình thường, khi chưa cần vào Twitter của bạn, người ta cũng đã lãnh đủ mọi thể loại quảng cáo không mong muốn rồi!

10. Bạn gửi thư rác qua tin nhắn trực tiếp

t2
Cuối cùng, nếu ai đó quyết định theo dõi bạn, bạn tự động DM họ để tự quảng cáo hoặc bán hàng, khả năng là bạn cũng đã hôn người theo dõi mới này một nụ hôn chào vĩnh biệt.
Tin nhắn trực tiếp để cảm ơn người vừa theo dõi và giục họ xem liên kết, ví dụ một trang trên Facebook hay blog để có nội dung tuyệt vời hơn là sự thô bỉ lạnh lùng.

Đừng bị thôi thúc bởi hình thức tiếp thị siêu lười này, nếu không bạn xứng đáng mất đi những người theo dõi bạn ngay khi bạn có được họ.
Ảnh: Ví dụ của một hồ sơ Twitter tuyệt vời trên Flickr Brian Wilkins

Link gốc: http://mashable.com/2013/09/30/twitter-followers/ 
_______________________
Từ khi thoát cảnh lông bông, tôi quen với cách ngồi lì, blog lại bắt đầu rêu phong sau một loạt những hứa hẹn hùng hồn.
Hôm nay tôi lại quyết tâm xê và dịch, để lấy khí thế cho chiến dịch lớn sắp tới.
Vừa dịch và vừa học, vừa áp dụng trực tiếp vào công việc đang làm, vừa tranh thủ khuấy động cái xó này.

Tôi cố lên!!

15 tháng 9, 2013

VietInbound blog - nhìn lại 1 năm


Thân chào độc giả của VietInbound.com!


Đọc cái tựa đề chắc các bạn cũng đã đoán được mục đích bài viết này. Bài viết nhằm tổng kết nhân dịp blog VietInbound đón tuổi thôi nôi. Một vài tâm sự, một vài điểm nhấn từ những gì đã đạt được.

Nên chọn sinh nhật ngày nào nhỉ


Cái tên miền vietinbound.com mua ngày 13/9/2012. Lựa chọn tên miền đơn giản thôi: Việt Nam + Inbound marketing --- với mục tiêu duy nhất là tìm cách áp dụng inbound marketing vào hoạt động kinh doanh thực tiễn ở Việt Nam.

Bài đầu tiên như một lời chào mừng được đăng trên blog vào ngày 22/9/2013, gọi như một sự tự sướng nhẹ, thời điểm đăng bài hoàn toàn không có sự tính toán suy nghĩ gì cả. Và sau hôm đó, đến cả 1 tháng sau, blog cũng chỉ có "mình ta với nồng nàn".

Một sự ra đời thầm lặng. Và ngày hôm nay đón sinh nhật tuổi đầu tiên cũng thầm lặng.

Ngày 13 hay ngày 22, hay một ngày nào khác?

Ngày được chọn phải là một ngày tương đối thiêng liêng và có ý nghĩa mà nghĩ mãi không ra. Tạm thời với câu hỏi này, xin phép được tham lam chọn cả tháng 9 làm sinh nhật. ^^

Cuộc truy đuổi top Google search

Nội dung "có ích" đầu tiên và duy nhất lúc bấy giờ mà tôi nghĩ đến để đưa lên blog (đã có sự chuẩn bị ấp ủ từ cả tháng trước) đó là bài Inbound Marketing là gì?  thời đó nếu tìm cụm từ "Inbound Marketing là gì" thì có rất nhiều blog khác có bài viết thừa tốt để cái site non trẻ của tôi chẳng bao giờ có thể ngóc lên nổi trang đầu chứ không nói gì đứng top.

Ngày đó tôi khát khao được đứng top Google bài viết đó với truy vấn "inbound marketing là gì", bây giờ thì thỉnh thoảng vẫn có khao khát đó, nhưng vẫn chưa bao giờ thành công (căn bản là lười, và không bền chí)

Có khi rõ hài hước, tôi tìm về inbound marketing, và lật giở từng trang kết quả google, có thấy vietinbound của mình, nhưng lại với kết quả là bài viết "Buyer Persona là gì?" ???! -- kể cũng có điều mừng. Bài này tôi cũng đầu tư khá tỉ mỉ công phu và được 1-2 blog refer về. Và giờ nếu tìm "buyer persona là gì", hoặc tìm "buyer persona" và giới hạn tìm kiếm các trang từ Việt Nam thì vietinbound.com

Về sau tôi có một bài viết khác mượn 1 infographic về inbound marketing. Bài này hóa ra lại đứng cao hơn bài trước, nhưng cũng chỉ khiêm tốn ở trang 2 trang 3 gì đó. Còn cái tôi muốn người ta hướng tới thì lại chẳng thấy tăm hơi đâu.

Mãi đến tháng 7 vừa rồi khi tôi dịch và đăng một bài về Inbound marketing là gì? [Phương pháp mới 2013], bài này xem chừng thu hút hơn 2 bài trước. Đến thời điểm viết bài này, khi tôi gõ "inbound marketing là gì" vào ô tìm kiếm Google, vietinbound đã đứng thứ 2, sau bài của anh Ngọc Chính (Ứ thèm chấp với site của anh - SEO tận răng >:p). Và chẳng cần suy tính nguyên nhân do đâu, tạm có thể ăn mừng thành công.



Điều quan trọng hơn việc có được vị trí ở đầu kết quả tìm kiếm là tìm cách dẫn dắt người đọc đi đến những hành động có ích khác (vẫn chưa nghĩ được cách).

Câu hỏi lớn chưa lời đáp



Một câu hỏi tôi vẫn đặt cho mình - và trong mô tả blog: "Inbound Marketing dịch sang tiếng Việt nó là cái gì? Có ăn được không?"

Khi đã có nhiều người VN biết và quan tâm hơn đến inbound marketing thì tôi vẫn chưa tìm được một từ tiếng Việt phù hợp để thay thế cụm từ tiếng Anh khó hiểu đó, inbound đọc là gì còn không thống nhất được, là "in-bao" hay "in-bâu"? Từ marketing dịch là "tiếp thị" ban đầu đã có nhiều người phản đối, nhưng rồi dần dần người ta cũng chấp nhận và cho khái niệm "tiếp thị" một nội hàm rộng hơn. Chữ "inbound" thì dịch sang tiếng Việt là gì? Tôi không phải là người am hiểu về ngôn ngữ, càng không bao giờ đủ độ "gớm" để phát minh ra từ mới. Xem ra đành phải đợi ai đó phát minh trước, thấy hợp hợp thì đem về dùng cho quen. Không bám hoàn toàn vào mặt chữ cũng được, không liên quan gì đến chữ inbound cũng được, miễn sao người VN có một từ "tiếp thị .... gì đó" dễ đọc, dễ định nghĩa và ghi nhớ.

Dịch hay không dịch



Blog này ban đầu dựng lên không phải là nơi chuyên dịch bài, và tác giả không có ý định tập trung vào việc dịch. Ấy thế mà đã có một giai đoạn tôi bị người ta lầm tưởng (và chính sự giới thiệu bản thân gây lầm tưởng) rằng tôi định làm dịch giả, và kỳ vọng vào khả năng dịch thuật của tôi hơn bình thường. Thực tế tôi muốn tự nghiên cứu và chắt lọc những ý hiểu cho riêng mình từ các bài nước ngoài, và cố gắng đảm bảo ý tưởng bài viết không bị sai lệch để độc giả không bị hiểu lầm.

Blog này là blog nghiên cứu, không phải là chuyên dịch bài, dù đúng là có lấy nhiều nguồn bài nước ngoài về chuyển ngữ lại. Tóm lại là thế, không giải thích nhiều!

Cũng đã kịp định vị lại, gạch chữ "dịch" ra khỏi "pờ-rồ-phai".

Văn phong: khen có, chê cũng nhiều



Ngay từ đầu tôi đã xác định không có chuyện đeo một cái mặt nghiêm túc cho blog này. Tuy nhiên nhiều lúc tôi cũng hoảng vì không kiểm soát được cách ăn nói, dùng từ của blog này, không biết có độc giả nào thấy khó chịu về điều này không. Hi vọng mọi người sẽ chú tâm hơn về giá trị thông tin của bài mà bỏ qua những vấn đề lặt vặt kia ^^

Nhiều khi thèm bị chê kinh khủng khiếp, vì như thế chứng tỏ blog của mình cũng có tầm quan trọng nào đó với người nào đó, có như vậy tôi mới có động lực để viết blog phục vụ người khác chứ không phải tự sướng một mình. ~~

Vẫn sẽ đùa, vẫn sẽ trẻ con, vẫn sẽ siêu thực, vẫn sẽ có nói xoáy, nhưng trong khuôn khổ, có được không ạ?

Miễn phí nhé



Blog này trước hết lập lên để làm ấm cái thân tôi: có một nơi để tự trau dồi kiến thức cho chính mình, dành thời gian gõ lại để những thứ mình đọc không bị trôi tuột nhanh chóng.

Thứ hai blog muốn gợi mở cho những người làm kinh doanh nhỏ và vừa --- những người đang muốn tìm cách phát triển công việc mà không có điều kiện tài chính để theo những khóa học kinh doanh, không có điều kiện thuê nhiều nhân sự hay dịch vụ ngoài --- có thể tìm kiếm những cách thức "ngon mà rẻ" để gây dựng được thành công bền vững và có ích cho cộng đồng. Chỉ là gợi mở thôi, để may ra có người nào đó nhờ những khái niệm mới này mà tiếp tục tìm tòi những cách thức, những sáng kiến hữu ích để phát triển công việc và sự nghiệp. Miễn phí hoàn toàn!

Bản thân tôi là người không có nhiều tiền và cũng không thích nhiều tiền, vậy nên tôi cũng thích những món rẻ và miễn phí. Tôi không phủ nhận những thứ có giá trị thật sự thì cần được đánh giá đúng và không thể đặt ngang hàng với những thứ miễn phí rẻ tiền. Nhưng nếu những người không có điều kiện tài chính có thể tiếp cận dễ dàng với những giá trị có ích cho họ, để tạo ra những giá trị lớn hơn khác thì có phải sẽ tốt đẹp hơn nhiều sao.

Những gì đăng trên blog VietInbound gần như là những gì tất cả những gì tôi thu lượm được, không phải thứ nào cũng tôi cũng có miễn phí đâu, tôi cũng phải đánh đổi bằng nhiều thứ khác (tiền không đo được), nhưng tôi sẵn sàng cố gắng để những người cần có thể tiếp cận một cách dễ dàng nhất. Chán làm sao có những site copy những bài trên này về rồi bắt người dùng đăng nhập - rồi hình như cũng mất tiền - để xem nội dung), khiến tôi thấy oan uổng.

Đã có người hỏi tôi có ý định thương mại hóa blog này không. Tôi nghĩ bụng: "Blog mình có cái cóc khô gì mà làm tiền?" Blog này chưa đủ chất để có thể sống dựa vào nó. Thật ra đúng là tôi cũng không có ý định thương mại hóa mà chỉ viết như vai trò của một blog cá nhân, dựa trên những thu lượm của bản thân. Duy trì blog không cần nhiều, chạy trên blogspot, dựa hơi bác Gồ, cái domain thì tính ra mỗi tháng bỏ ra 20-25k thì cũng không đáng kể, mà cho dù mất domain thì blog vẫn cứ chạy được cơ mà. Cái chính là mình có giữ lửa thường xuyên để duy trì và phát triển bài viết hay không, cái đó có lẽ tiền không quyết định được!

Còn lăn tăn về định hướng



Làm gì thì làm cũng cần phải có định hướng để tập trung thực hiện, xác định được vị thế và sự khác biệt hóa. Vậy mà 1 năm vừa rồi cá nhân tác giả và blog vẫn chưa xác định được định hướng phát triển cụ thể. Inbound marketing là một khái niệm rộng, liên quan đến cả tư duy, công nghệ, công cụ, chiến lược, thủ thuật, blah blah. Nếu mảng nào cũng muốn hướng tới thì một thân không kham nổi và blog sẽ là một cái nồi lẩu thập cẩm. Có một số mảng "thấy hay hay" thì có nhiều đơn vị cá nhân khác còn làm tốt hơn mình rất nhiều.

Cái khó của tôi là cơ hội cọ sát với thực tiễn (đọc lý thuyết suông thôi không bao giờ đủ) mà lại quá tham lam. Mặt khác vì không mạnh dạn trao đổi với các anh chị và các bạn trong lĩnh vực (chẳng biết đề đạt làm sao :(), khiến cho bản thân thiếu cái nhìn toàn diện.

Tạm thời thì blog vẫn theo định hướng là "tùy hứng", và blogger thì phải đi làm, giao lưu học hỏi nhiều hơn để có được cái nhìn hệ thống hơn về vấn đề.

Có thể là trong năm tới VietInbound sẽ tập trung hơn đến chủ đề "content marketing", một mắt xích quan trọng trong inbound, cũng gắn với công việc cụ thể mà tôi đang làm.

Cháu bé mồ côi :-s



Mặc dù được nhiều anh chị trong lĩnh vực marketing biết đến và có lời khen ngợi, góp ý chân thành cũng có, nhưng trên blog VietInbound vẫn chưa ghi nhận được nhiều lượt bình luận hay chia sẻ mang tính xây dựng. Có những bài lượt view rất cao, nhưng lại im ắng, không rõ người đọc muốn gì từ những nội dung này để blog có thể phát triển những bài mới tốt hơn, cập nhật hơn để phục vụ mọi người.

Điểm lại những thành tích

 (số liệu từ Google Analytics từ 13/9/2012 đến 15/9/2013)


Cụ thể là:

- Số bài đã xuất bản: 48, bài này viết xong là có 49 bài (số bản nháp ngang  ... nửa --- là những bài đã dự định viết để đăng lên, cuối cùng bỏ đó)

- Tổng lượt xem toàn thời gian 7342 (vừa nãy là 7338 mà @@, có lẽ do tác dụng của mấy làn F5 của mình chăng :-ss), unique là 6163


5 bài có nhiều lượt xem nhất


4 top labels

  • content marketing
  • social media
  • blogspot
  • seo

    Tháng năng suất


    • Tháng 10/2012 và tháng 4/2013 (mỗi tháng 8 bài)
    • nhưng mà tháng hút lắm view nhất là tháng 8/2013 (1413 lượt xem)

    3 ngày "sôi nổi"




    vietinbound analytics 9/2012 - 9/2013
    Có cái infographic làm quà ^^


    Top referral 

    (không tính Google hay Facebook): Là blog giaiphapso (32 lượt), nhờ link từ mấy cái còm men. Chắc có vài cái là do mình tự đăng tự click. :">

    Mấy dữ liệu về search bị hâm à?? :|

    Chốt



    Trên đây là một số tâm sự của Minh Trang - chủ blog VietInbound khi nhìn lại những gì mình đã làm trong 1 năm qua. Nhiều những tâm sự tự nhiên bật ra mà trước kia chưa có dịp tâm sự với ai cả (vì nói ra có vẻ như ngố và ngây thơ). 1 năm bản thân được trải nghiệm, tư tưởng, mục đích có nhiều thay đổi, có nhiều điều vẫn chưa thay đổi được, có nhiều điều đã vững tin hơn và tiếp tục bám lấy. Có một điều không bao giờ thay đổi đó là mong mỏi được dùng chút sức nhỏ bé của mình đóng góp cho cộng đồng từ việc gợi mở kiến thức và tư duy những người làm kinh doanh.

    Sang tuổi thứ 2, VietInbound hi vọng sẽ nhận được nhiều phản hồi và xây dựng ý kiến hơn nữa để có được nhiều góc nhìn hơn nữa, suy nghĩ chín chắn và thực tế hơn nữa, có những nội dung sâu sắc, phù hợp hơn với đối tượng độc giả hướng tới. Đồng thời mong blog được lan tỏa đến những người có cùng mối quan tâm về marketing và quản trị kinh doanh.

    Còn MT sẽ nghĩ (quẩn) ít hơn, nói ít hơn mà làm nhiều hơn, nghe kỹ hơn, nhìn chăm chú hơn, viết chất hơn. ^^

    --
    Cảm ơn sự ủng hộ của các anh chị và các bạn dành cho Minh Trang và VietInbound trong thời gian qua.

    Hãy tiếp tục đón đợi sự phát triển mới, những bài viết mới thu hút hơn trong chặng đường tiếp theo của VietInbound blog.



    Giờ phải đi sửa lại cái authorship đã, quái sao đợt này nó bị lỗi gì mà ko hiện ảnh :(!!